13 người đang online
°

Lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Australia và Đài Loan

Đăng ngày 27 - 05 - 2024
Lượt xem: 57
100%

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu ớt vào Đài Loan phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm theo ghi chú phương pháp thử, giới hạn định lượng (LOQ), đơn vị thử nghiệm và một số thông tin liên quan; Trong khi đó, quả bưởi xuất khẩu vào Australia phải đáp ứng yêu cầu các biện pháp quản lý rủi ro an toàn sinh học đối với 19 loài sinh vật gây hại.

 

Lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Australia và Đài Loan

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu ớt vào Đài Loan phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm theo ghi chú phương pháp thử, giới hạn định lượng (LOQ), đơn vị thử nghiệm và một số thông tin liên quan; Trong khi đó, quả bưởi xuất khẩu vào Australia phải đáp ứng yêu cầu các biện pháp quản lý rủi ro an toàn sinh học đối với 19 loài sinh vật gây hại.

Ớt phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan

Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Văn phòng vừa nhận được thông báo số G/SPS/N/TPKM/625 của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Bộ Y tế và Phúc lợi của Đài Loan (Trung Quốc) công bố áp dụng quy định cho hàng hóa dùng làm thực phẩm và được phân loại theo mã CCC.

Việt Nam là một trong bốn quốc gia xuất khẩu ớt vào Đài Loan phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm theo ghi chú phương pháp thử, giới hạn định lượng (LOQ), đơn vị thử nghiệm và một số thông tin liên quan.

Theo đó, hàng hóa dùng làm thực phẩm và được phân loại theo mã CCC 0904.22.00.00-1 (quả thuộc chi ớt Capsicum hoặc thuộc chi Pimenta, được nghiền nát hoặc xay) và 0904.21.90.00-3 (các loại quả khác thuộc chi ớt Capsicum hoặc thuộc chi Pimenta ở dạng khô, chưa nghiền nát hoặc chưa xay) phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan (một chất nhuộm màu trong công nghiệp dùng để nhuộm đỏ cho plastic và các chất tổng hợp khác).

Trên thế giới, thuốc nhuộm Sudan được xếp vào nhóm chất nhuộm màu gây độc, vì có khả năng gây ung thư thông qua việc làm tổn thương ADN của tế bào. Sudan có 4 loại, được đánh thứ tự từ I đến IV (màu đỏ tươi). Thuốc nhuộm Sudan thường được dùng để thực phẩm có màu đỏ hấp dẫn, cũng như giữ màu cho thực phẩm lâu hơn. Người ta thường tìm thấy chất này trong bột ớt và bột cà ri.

Ngay sau khi nhận thông báo G/SPS/N/TPKM/625 từ Đài Loan, Văn phòng SPS Việt Nam đã có văn bản đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Hiệp hội Rau quả Việt Nam; Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam triển khai phổ biến, thực hiện yêu cầu của phía bạn, đảm bảo tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu.

Bưởi phải được quản lý rủi ro an toàn sinh học đối với 19 loài sinh vật gây hại

Ngày 30/4/2024, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được thông báo từ Ban Thư ký Ủy ban SPS/WTO số G/SPS/N/AUS/588 về thông báo của Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia nêu kết quả phân tích rủi ro nhập khẩu bưởi tươi từ Việt Nam.

Theo đó, quả bưởi tươi được sản xuất từ Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng yêu cầu các biện pháp quản lý rủi ro an toàn sinh học đối với 19 loài sinh vật gây hại, bao gồm: rầy cam quýt châu Á (Diaphorina citri), nhện giả (Brevipalpus phoenicis), ruồi đục quả khế (Bactrocera carambolae), ruồi đục quả ổi (Bactrocera correcta), ruồi đục quả phương Đông (Bactrocera dorsalis), ruồi đục quả đào (Bactrocera zonata), ruồi dưa (Zeugodacus cucurbitae), ruồi đục quả bí ngô (Zeugodacus tau), rệp sáp bột ca cao (Exallomochlus hispidus), rệp sáp bột cà phê (Planococcus lilacinus), rệp sáp (Rastrococcus pentagona), rệp sáp (Parlatoria cinerea), rệp sáp vẩy da giáp (Parlatoria ziziphi), rệp sáp vảy dâu tằm (Pseudaulacaspis pentagona), nhện đỏ cam quýt (Panonychus citri), nhện Kanzawa (Tetranychus kanzawai), bọ trĩ ớt (Scirtothrips dorsalis), bọ trĩ hành (Thrips tabaci), vi khuẩn bệnh thối nhũn trên cây có múi (Xanthomonas citri subsp. citri).

Đối với các loài rầy, vùng trồng, cơ sở đóng gói hoặc địa điểm sản xuất phải không nhiễm dịch hại; phải có phương pháp tiếp cận hệ thống có hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro do loài rầy này gây ra trên quả bưởi và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt; có biện pháp xử lý quả bưởi tươi để chống rầy, khử trùng bằng methyl bromide.

Đối với các loài ruồi, vùng trồng, cơ sở đóng gói hoặc địa điểm sản xuất phải không nhiễm dịch hại; có biện pháp xử lý quả bưởi tươi để chống ruồi đục quả như chiếu xạ.

Đối với các loài nhện giả, rệp sáp, côn trùng có vảy, nhện đỏ và bọ trĩ, yêu cầu kiểm tra trực quan trước khi xuất khẩu và nếu phát hiện phải có biện pháp khắc phục.

Đối với bệnh thối nhũn trên cây có múi, phải có phương pháp tiếp cận hệ thống có hiệu quả trong việc giảm thiểu nguy cơ mầm bệnh gây ra trên quả bưởi và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

 

Singapore yêu cầu dán nhãn, sử dụng năng lượng hiệu quả

Thương vụ Việt Nam tại Singapore thông tin, Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) mở rộng Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc (MELS) và Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) cho sản phẩm máy nước nóng gia dụng và tủ lạnh bảo quản thương mại từ ngày 01⁄04⁄2025. Các Quy định này nhằm cho phép người tiêu dùng và doanh nghiệp lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn, giảm thiểu chi phí sử dụng năng lượng và đóng góp vào nỗ lực thực hiện cam kết trung hòa cacbon của Singapore.

Máy nước nóng, là thiết bị sử dụng nhiều năng lượng thứ ba trong các hộ gia đình tại Singapore, chỉ đứng sau máy điều hòa không khí và tủ lạnh, chiếm 10% mức tiêu thụ năng lượng của một hộ gia đình thông thường. Còn tủ lạnh bảo quản thương mại, là thiết bị thiết yếu trong các cơ sở thực phẩm, và là một trong những thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong các bếp ăn. Đối với 02 loại thiết bị này, NEA đưa ra các tiêu chuẩn năng lượng tối thiểu và nhãn năng lượng với thang đánh giá 5 điểm cho tất cả các loại máy nước nóng thường được sử dụng trong các hộ gia đình và tủ lạnh bảo quản thương mại, nhằm giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp xác định hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí và khuyến khích các nhà cung cấp đưa ra các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn.

NEA cũng nhắc lại các quy định pháp lý bắt buộc cho các thiết bị điều hòa không khí di động, các loại đèn và máy thu hình cũng sẽ áp dụng từ ngày 01/4/2024 theo quy định NEA-LSD-CIRCULAR-ECA-00002-2023. Chi tiết các yêu cầu cụ thể của NEA được gửi trong file đính kèm.

Tại Singapore, người tiêu dùng chỉ được mua các thiết bị đã đăng ký với NEA và có tên trong Cơ sở dữ liệu hàng hóa đã đăng ký của NEA. MELS được áp dụng cho các hàng hóa được NEA quản lý nhằm giúp người tiêu dùng so sánh hiệu quả sử dụng năng lược và đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt hơn. Mục tiêu của MEPS là nâng cao hiệu suất năng lượng trung bình của hàng hóa được quản lý trên thị trường. Các nhà nhập khẩu và nhà sản xuất muốn cung cấp hàng hóa vào thị trường Singapore đều phải nộp đơn lên NEA để trở thành nhà cung cấp đã được đăng ký. Nhà cung cấp đã được đăng ký cũng phải tiếp tục đăng ký hàng hóa để quản lý trước khi cung cấp tại thị trường Singapore.

Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, các doanh  nghiệp không tuân thủ sẽ có thể bị phạt tới 10.000$Singapore.

Singapore là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người rất cao. Các quy định về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng chủ yếu để đảm bảo tuân thủ các điều ước quốc tế mà Singapore đã cam kết. Các doanh nghiệp vi phạm quy định sẽ bị phạt rất nghiêm khắc và thường bị kiểm soát chặt chẽ hơn trong tương lai. Do đó, Thương vụ khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, phân phối các sản phẩm nêu trên cần lưu ý tuân thủ khi tiếp cận thị trường Singapore.

 

Quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa tại EU sẽ áp dụng từ tháng 6 năm 2024

Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), từ ngày 3 tháng 06 năm 2024, tất cả doanh nghiệp có liên quan tới hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2). Nếu doanh nghiệp Việt Nam không nắm được các quy định này có khả năng phải hứng chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 3/6/2024, áp dụng cho tất cả các đối tượng còn lại bao gồm 5 đối tượng từ giai đoạn 1 và 2, bổ sung thêm các doanh nghiệp vận chuyển đường biển, đường sắt và đường bộ cùng với các nhà nhập khẩu tại EU. Đây là giai đoạn thứ ba hay còn là giai đoạn triển khai hệ thống mới để mở rộng các yêu cầu báo cáo dữ liệu an toàn và an ninh áp dụng cho tất cả các phương thức vận tải. Các yêu cầu tương tự đã có hiệu lực đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.

Với bản phát hành ICS2 thứ ba này, các hãng vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt cũng cần cung cấp dữ liệu về hàng hóa được gửi đến hoặc qua EU trước khi hàng đến, thông qua Tờ khai nhập khẩu tóm tắt (ENS). Nghĩa vụ này cũng liên quan đến các hãng vận chuyển bưu chính và chuyển phát nhanh sử dụng các phương thức vận tải này này để vận chuyển hàng hoá cũng như các bên liên quan khác, chẳng hạn như nhà cung cấp dịch vụ hậu cần. Trong một số trường hợp nhất định, bên nhận hàng cuối cùng được thành lập tại EU cũng phải gửi dữ liệu ENS tới ICS2.

Dựa theo yêu cầu, các quốc gia thành viên EU sẽ cấp quyền cho các bên giao dịch chịu ảnh hưởng để kết nối dần với ICS2 trong khoảng thời gian triển khai có hạn. Các quốc gia thành viên có thể cấp thời hạn triển khai tại bất kỳ thời điểm nào trong những khung thời gian sau: từ ngày 03 tháng 06 năm 2024 đến ngày 04 tháng 12 năm 2024 (các hãng vận tải đường biển và đường thủy nội địa);từ ngày 04 tháng 12 năm 2024 đến ngày 01 tháng 04 năm 2025 (đơn vị nộp đơn thứ cấp vận tải đường biển và đường thủy nội địa); và từ ngày 01 tháng 04 năm 2025 đến ngày 01 tháng 09 năm 2025 (các hãng vận tải đường bộ và đường sắt). Nếu các bên giao dịch chưa chuẩn bị sẵn sàng và không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của ICS2, hàng hóa của họ sẽ bị dừng ở biên giới EU và không được cơ quan hải quan thông quan.

Thông tin trước về hàng hóa và phân tích rủi ro sẽ cho phép xác định sớm các mối đe dọa về an ninh và giúp cơ quan hải quan can thiệp vào thời điểm thích hợp nhất trong chuỗi cung ứng.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam không nắm được các quy định này có khả năng phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng như: Các containers và lô hàng sẽ bị dừng tại Biên giới với EU; Hàng hoá sẽ không được thông quan bởi Hải quan EU; Hoặc các tờ khai không đầy đủ hoặc bị từ chối hoặc sẽ bị cấm vận vì không tuân thủ quy định của EU.

 

DOC sơ bộ giảm thuế CVD cho tôm Ecuador

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định sơ bộ giảm thuế chống trợ cấp (CVD) cho tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador.

Ngày 19/4/2024, các quan chức DOC cho biết sẽ giảm tỷ lệ CVD cho các nhà nhập khẩu tôm của Santa Priscila từ 13,41% xuống 2,89%. Công ty Sociedad Nacional de Galapagos (SONGA) vẫn giữ nguyên mức CVD 1,69%; tuy nhiên, cũng theo DOC, do tỷ lệ của SONGA dưới mức 2%, thỏa mãn quy tắc “de minimis”, nên tôm nhập khẩu từ SONGA được miễn ký quỹ.

Như vậy, với sự thay đổi này, tôm nhập khẩu từ các công ty còn lại của Ecuador sẽ chịu mức CVD 2,89%, thay vì 7,55% như quyết định sơ bộ thông báo trước đó.

Quyết định cuối cùng về tỷ lệ CVD sẽ được công bố trước ngày 5/8/2024 – cùng thời điểm ra quyết định cuối cùng về thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia.

TT TT CN & TM

Tin liên quan

Dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2024 tăng lên mức cao kỷ lục mới(29/07/2024 9:32 SA)

Quy định mới về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA, UKVFTA(09/07/2024 9:32 SA)

Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng số 1 cho Colombia trong suốt hơn 1 thập kỷ(24/06/2024 9:27 SA)

Nghị định số 34/2024/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm(24/06/2024 9:10 SA)

Hoa Kỳ nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm pin năng...(27/05/2024 8:46 SA)

Tin mới nhất

Dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2024 tăng lên mức cao kỷ lục mới(29/07/2024 9:32 SA)

Quy định mới về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA, UKVFTA(09/07/2024 9:32 SA)

Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng số 1 cho Colombia trong suốt hơn 1 thập kỷ(24/06/2024 9:27 SA)

Nghị định số 34/2024/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm(24/06/2024 9:10 SA)

Hoa Kỳ nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm pin năng...(27/05/2024 8:46 SA)