6 người đang online
°

Quy định mới về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA, UKVFTA

Đăng ngày 09 - 07 - 2024
Lượt xem: 32
100%

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA.

 

Quy định mới về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA, UKVFTA

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA.

Chỉ cho phép nhập khẩu hàng hóa tân trang đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn và đảm bảo an toànLoạt quy định mới với hàng hóa tân trang nhập khẩu vào Việt Nam

Cụ thể, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 66/2024/NĐ-CP về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Nghị định về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (Hiệp định UKVFTA).

Theo đó, Nghị định ban hành 7 Danh mục hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA thuộc phạm vi quản lý của: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nghị định 66/2024/NĐ-CP nêu rõ hàng hóa tân trang nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau: Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện là hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA do cơ quan cấp phép cấp theo quy định tại Nghị định này. Đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA.

Ngoài ra, theo quy định, khi đưa ra lưu thông trên thị trường, trên nhãn gốc hoặc nhãn phụ của hàng hóa tân trang phải thể hiện bằng tiếng Việt cụm từ "Hàng hóa tân trang" ở vị trí và với kích cỡ có thể nhìn thấy và đọc được bằng mắt thường.

Nghị định cũng yêu cầu việc quản lý hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA phải bảo đảm nguyên tắc: Áp dụng quy định pháp luật về quản lý ngoại thương, thương mại, pháp luật chuyên ngành, pháp luật thuế, hải quan, pháp luật khác đối với hàng hóa tân trang đáp ứng điều kiện quy định như áp dụng với hàng hóa mới cùng loại nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo Nghị định, thương nhân nhập khẩu hàng hóa tân trang có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam như đang được áp dụng đối với hàng nhập khẩu mới cùng loại, trong đó, tùy theo trường hợp cụ thể, có các quy định về chính sách nhập khẩu, chính sách mặt hàng, chính sách thuế, hải quan, nhãn hàng hóa; điều kiện kinh doanh; chất lượng sản phẩm; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hiệu suất năng lượng; an toàn bức xạ; an toàn thông tin mạng; đo lường; bảo vệ môi trường; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quy định khác.

Đồng thời, thương nhân nhập khẩu hàng hóa tân trang phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ và tài liệu xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền. Tổ chức làm việc và cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan cấp phép và các cơ quan liên quan khi cơ quan tiến hành kiểm tra việc thực thi quy định tại Nghị định này.

Trước ngày 30 tháng 1 hàng năm, thương nhân nhập khẩu hàng hóa tân trang phải báo cáo cơ quan cấp phép và Bộ Công Thương bằng văn bản theo phương thức gửi trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) về tình hình nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA của năm trước đó.

 

Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thiết bị y tế sang Việt Nam

Mới đây đã có 84 công ty thiết bị y tế Hàn Quốc tiến hành 501 cuộc tư vấn kinh doanh với 306 khách hàng Việt Nam với tổng giá trị tư vấn đạt 91 triệu USD.

Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) và Cơ quan Xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) ngày 17/6 đã công bố thông tin về kết quả “Hội nghị tư vấn xuất khẩu thiết bị y tế liên kết K-Med Expo” tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tuần trước.

Đây là năm thứ 2 K-Med Expo, được tổ chức tại Việt Nam với sự hợp tác giữa KINTEX và Hiệp hội Công nghiệp Thiết bị Y tế Hàn Quốc. Trong 2 ngày 13~14/6, đã có 84 công ty thiết bị y tế Hàn Quốc tiến hành 501 cuộc tư vấn kinh doanh với 306 khách hàng Việt Nam với tổng giá trị tư vấn đạt 91 triệu USD.

Đặc biệt, các đối tác tại Việt Nam tỏ ra rất quan tâm đến các lĩnh vực như nha khoa, chẩn đoán hình ảnh, chăm sóc da. Tại Việt Nam, một nửa dân số dưới 35 tuổi nên các cuộc tư vấn về thiết bị y tế liên quan đến thủ thuật thẩm mỹ và sản phụ khoa rất được quan tâm.

Trong sự kiện này năm nay, nhiều buổi giới thiệu sản phẩm tiên tiến và hội thảo học thuật đã được tổ chức, bao gồm cả lĩnh vực sức khỏe kỹ thuật số, vốn đang nổi lên như một lĩnh vực kinh doanh mới cho các thiết bị y tế Hàn Quốc.

Một công ty chuyên phát triển các giải pháp AI y tế Hàn Quốc cho biết Việt Nam là thị trường có tiềm năng lớn về các giải pháp AI từ phòng bệnh đến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị. Không chỉ đối tác mua hàng mà cả nhân viên y tế, quản lý mua hàng từ các bệnh viện đại học và đại lý thiết bị y tế cũng đã đến thăm quan và có các buổi tư vấn hiệu quả.

Một công ty chuyên về thiết bị y tế thẩm mỹ, bày tỏ sự hài lòng khi có cơ hội nhắm đến thị trường Việt Nam, cho biết công ty có thể phát huy hiệu quả độ tin cậy của mình bằng cách quảng bá năng lực công nghệ của Hàn Quốc tới đội ngũ nhân viên y tế Việt Nam, những người thực sự sử dụng các thiết bị.

Chủ tịch KOTRA Yoo Jeong-yeol cho biết với sự tăng trưởng của thị trường thiết bị y tế Việt Nam, cơ hội hợp tác trong ngành chăm sóc sức khỏe giữa hai nước có nhiều tiềm năng. KOTRA sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động xúc tiến thông qua hợp tác với các bộ và tổ chức để những thiết bị y tế có thể trở thành động lực tăng trưởng xuất khẩu mới của Hàn Quốc.

Do Hàn Quốc là nhà cung cấp thiết bị y tế nhập khẩu lớn thứ 6 vào Việt Nam nên cơ hội cho các sản phẩm thiết bị y tế Hàn Quốc và các công ty trong nước gia nhập thị trường dự kiến sẽ còn mở rộng hơn nữa.

KOTRA đang thành lập K-Bio Desk tại bảy khu vực, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ các địa điểm xuất khẩu cho các công ty y tế sinh học Hàn Quốc. Trong thời gian tới, KOTRA có kế hoạch hỗ trợ các công ty gặp khó khăn liên quan đến xuất khẩu như đăng ký kinh doanh tại địa phương, thông quan và hậu cần hay tư vấn chứng nhận CE-MDR và mở rộng các dự án hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm chuyên biệt.

 

Hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương

Việc thông báo, đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) với Bộ Công Thương là điều kiện cần thiết đối với doanh nghiệp, tránh những hậu quả pháp lý không đáng có, đồng thời nâng cao uy tín của doanh nghiệp, xây dựng niềm tin với khách hàng.

Từ lâu, trong các văn bản pháp luật như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, Thông tư số 47/2014/TT-BCT, Nghị định số 85/2013/ND-CP đã yêu cầu tất cả các website/ứng dụng TMĐT bán hàng đều phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu và có nhận thức rõ ràng về việc phải thực hiện thông báo, đăng ký website/ứng dụng TMĐT bán hàng với Bộ Công Thương. Vì vậy, khi lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, chủ sở hữu các website, ứng dụng TMĐT này đều lúng túng và thừa nhận chưa nhận thức rõ ràng cần phải tuân thủ quy định này.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu rõ hơn về những quy định trong việc đăng ký, sáng ngày 13/6/2024, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet) phối hợp với Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục TMĐT và Kinh tế số) tổ chức workshop online (miễn phí) với chủ đề: Hướng dẫn thủ tục thông báo website TMĐT bán hàng với Bộ Công Thương.

Tham gia trình bày tại workshop có ông Bùi Việt Anh, hiện đang công tác tại Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử và bà Lê Thị Viêng đến từ Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Phụ trách thiết kế website. Chia sẻ tại workshop, các diễn giả cung cấp những thông tin cơ bản về website bán hàng TMĐT; Chính sách pháp luật đối với website TMĐT bán hàng; Hướng dẫn các bước làm thủ tục thông báo website TMĐT với Bộ Công Thương trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT (online.gov.vn).

Theo ông Bùi Việt Anh, doanh nghiệp cần xác định rõ mô hình hoạt động website của mình thuộc diện phải THÔNG BÁO hay ĐĂNG KÝ với Bộ Công Thương để chuẩn bị hồ sơ và thực hiện cho đúng. Đối với các website/ứng dụng TMĐT bán hàng (là website TMĐT thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của chính mình) thì doanh nghiệp phải làm thủ tục THÔNG BÁO. Đối với website cung cấp dịch vụ TMĐT được thiết lập nhằm cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại, bao gồm các loại hình dịch vụ sau: Dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử; Dịch vụ khuyến mại trực tuyến; Dịch vụ đấu giá trực tuyến, thì doanh nghiệp phải làm thủ tục ĐĂNG KÝ.

Ông Bùi Việt Anh thông tin, ngay trang chủ của Cổng thông tin online.gov.vn đã hướng dẫn “Quy trình đăng ký, thông báo website/ ứng dụng TMĐT” rất chi tiết, các doanh nghiệp chỉ cần truy cập và làm theo hướng dẫn trên Cổng thông tin. “Phòng Quản lý hoạt động TMĐT chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý hồ sơ của doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất”, ông Bùi Việt Anh nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Việt Anh, các website/ứng dụng TMĐT sau khi hoàn thành thủ tục thông báo/ đăng ký sẽ được cung cấp logo gắn lên website của mình, logo này dẫn tới đường link trên Cổng thông tin online.gov.vn xác nhận website đã đăng ký/ thông báo thành công.

Sau nội dung trình bày hấp dẫn của diễn giả, phần hỏi đáp, thảo luận càng cho thấy sức “nóng” của workshop khi nhận được hơn 30 câu hỏi trong thời gian ngắn. Các doanh nghiệp dành sự quan tâm hỏi về kinh nghiệm để hoàn thiện hồ sơ thông báo website TMĐT; Cách phân định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ logistics về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận; Các phương thức thanh toán; Cách làm Báo cáo cuối năm của website TMĐT theo yêu cầu của hệ thống online.gov.vn… và những câu hỏi liên quan đến vướng mắc thực tế của doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện thủ tục thông báo website TMĐT bán hàng với Bộ Công Thương.

Nhờ nội dung thiết thực, bổ ích và hấp dẫn, workshop thu hút sự tham gia của gần 200 người, đặc biệt, workshop không chỉ thu hút đối tượng doanh nghiệp, mà nhiều cán bộ quản lý nhà nước tại các địa phương cũng tham gia tìm hiểu nội dung quan trọng này.

Kết thúc workshop, nhiều học viên gửi lời cảm ơn đến Ban tổ chức vì đã được tham dự một workshop thiết thực và ý nghĩa. Bà Lê Thị Viêng – Trung tâm Phát triển TMĐT nhắn nhủ, việc thông báo, đăng ký website/ứng dụng TMĐT bán hàng với Bộ Công Thương là điều kiện cần thiết đối với doanh nghiệp trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường, tránh những hậu quả pháp lý không đáng có, đồng thời nâng cao uy tín của doanh nghiệp, xây dựng niềm tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình.

 

Ban hành quyết định kết quả rà soát nhà xuất khẩu mới đối với một số sản phẩm đường mía

Kết luận điều tra cho thấy, Công ty Kampong Speu Sugar Co., Ltd. không có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía từ Thái Lan.

Thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), ngày 01 tháng 8 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1514⁄QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Vương quốc Campuchia, Indonesia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Malaysia và Cộng hòa liên bang Myanma (mã vụ việc AC02-AD13.AS01).

Ngày 10 tháng 6 năm 2024, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1407/QĐ-BCT về kết quả rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (mã vụ việc NR02.AC02-AD13.AS01).

Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành điều tra vụ việc rà soát từ tháng 12 năm 2023 trên cơ sở đề nghị của nhà xuất khẩu mới - Công ty Kampong Speu Sugar Co., Ltd. (Vương quốc Campuchia) nộp vào tháng 11 năm 2023.

Trong quá trình điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã thực hiện theo đúng quy định liên quan của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, đánh giá kỹ lưỡng và xác định Công ty Kampong Speu Sugar Co., Ltd. là nhà xuất khẩu mới và sản xuất đường từ mía thu hoạch tại Vương quốc Campuchia.

Kết luận điều tra cũng cho thấy Công ty Kampong Speu Sugar Co., Ltd. không có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía từ Thái Lan.

Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan theo dõi tình hình nhập khẩu các sản phẩm đường mía, tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, tình hình sản xuất, cung-cầu, giá cả... để triển khai các công cụ quản lý phù hợp theo quy định.

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, việc triển khai các công cụ quản lý nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng và hài hòa lợi ích giữa người nông dân trồng mía, các doanh nghiệp sản xuất đường, các doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng.

 TT TT CN & TM

Tin liên quan

Dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2024 tăng lên mức cao kỷ lục mới(29/07/2024 9:32 SA)

Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng số 1 cho Colombia trong suốt hơn 1 thập kỷ(24/06/2024 9:27 SA)

Nghị định số 34/2024/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm(24/06/2024 9:10 SA)

Hoa Kỳ nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm pin năng...(27/05/2024 8:46 SA)

USDA dự báo sản lượng đường của Ấn Độ niên vụ 2024/25 đạt 34,5 triệu tấn(27/05/2024 8:45 SA)

Tin mới nhất

Dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2024 tăng lên mức cao kỷ lục mới(29/07/2024 9:32 SA)

Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng số 1 cho Colombia trong suốt hơn 1 thập kỷ(24/06/2024 9:27 SA)

Nghị định số 34/2024/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm(24/06/2024 9:10 SA)

Hoa Kỳ nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm pin năng...(27/05/2024 8:46 SA)

USDA dự báo sản lượng đường của Ấn Độ niên vụ 2024/25 đạt 34,5 triệu tấn(27/05/2024 8:45 SA)