74 người đang online
°

Những lưu ý khi doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Á

Đăng ngày 18 - 11 - 2024
Lượt xem: 6
100%

Ngày 5/11, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Á.

 

Những lưu ý khi doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Á

Ngày 5/11, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Á.

Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Á được tổ chức nhằm chia sẻ về tiềm năng và lợi thế của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam trong khu vực cũng như tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực châu Á.

Thông tin về tổng quan các FTA trong khuôn khổ ASEAN, ông Quyền Anh Ngọc - Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết, trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các nước cam kết xóa bỏ, cắt giảm thuế nhập khẩu, không cam kết đối với thuế xuất khẩu. Cùng với đó, việc mở cửa thị trường hàng hóa tương tự các FTA ASEAN hiện hành.

Những lưu ý khi doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Á

Ông Quyền Anh Ngọc - Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - thông tin về tổng quan các FTA trong khuôn khổ ASEAN. Ảnh: Phương Cúc

Các nước ASEAN xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 85,9%-100% số dòng thuế; lộ trình dài nhất từ 15-20 năm kể từ khi FTA có hiệu lực. Bên cạnh đó, các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 90,7%-98,3% số dòng thuế; lộ trình dài nhất từ 15-20 năm kể từ khi FTA có hiệu lực.

Điểm khác biệt về thuế với hiệp định này là các nước áp dụng cam kết thuế quan khác nhau với các đối tác khác nhau cho một số mặt hàng trong khi các FTA khác chỉ áp dụng một biểu cam kết thuế quan.

Cũng theo ông Quyền Anh Ngọc, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu được các nước xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực gồm thủy sản, thịt, rau quả, nông sản. Bên cạnh đó, một số loại máy móc, trang thiết bị cơ khí; dụng cụ phụ tùng, máy móc, máy vi tính và thiết bị linh kiện điện tử. Ngoài ra, còn có một số nhóm hàng giày, dép và bộ phận, phụ kiện của giày, dép; nguyên liệu dệt, hàng dệt may, quần áo, hóa chất.

Đối với cam kết mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cam kết toàn bộ 11 ngành hàng với khoảng 110/115 phân ngành dịch vụ (theo phân loại của WTO) từ dịch vụ viễn thông, tài chính, giao thông vận tải tới các dịch vụ khác như dịch vụ liên quan tới sản xuất, dịch vụ nghe nhìn… Mặt khác, mở cửa toàn bộ khách sạn, nhà hàng, kho bãi, đại lý vận tải hàng hóa, chuyển phát nhanh và một số phân ngành dịch vụ chuyên môn như dịch vụ kế toán, kiểm toán, kiến trúc, nghiên cứu và phát triển khoa học tự nhiên, cho thuê không kèm người điểu khiển đối với máy bay.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng, hàng hóa Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế đáng kể. Theo ông Quyền Anh Ngọc, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu giải quyết bài toán khan hiếm đầu vào, trong khi thuế nhập khẩu ưu đãi tại thị trường đích tạo lợi thế cạnh tranh rõ ràng. Môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi thúc đẩy đầu tư và kinh doanh, quy tắc xuất xứ linh hoạt đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Đặc biệt, việc đơn giản hóa giao dịch, thông quan và phát hành hóa đơn tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí. Ngoài ra, cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị khu vực mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những lợi thế này, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng mới. Việc hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, hiệp hội và nghiên cứu kỹ lưỡng các cam kết quốc tế cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp là yếu tố then chốt để khai thác tối đa cơ hội. Bằng cách nắm bắt lợi thế và chủ động thích ứng, hàng hóa Việt Nam có thể khẳng định vị thế trên thị trường xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Với mục tiêu tận dụng ưu đãi từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại tại Indonesia - đã đưa ra những phân tích cụ thể.

Những lưu ý khi doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Á

Hội thảo giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực châu Á. Ảnh: Phương Cúc

Thứ nhất, Indonesia sở hữu những đặc điểm thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam như văn hóa Á Đông gần gũi, thị trường dễ tính hơn so với các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Khoảng cách địa lý gần giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.

Thứ hai, hàng hoá Việt Nam đã dần khẳng định vị thế tại Indonesia với giá trị kim ngạch xuất khẩu gia tăng và có lợi thế so sánh trong nhiều nhóm hàng nông, thủy sản. Việc kết nối đường bay thẳng giữa hai nước thông qua Vietnam Airlines và Vietjet Air cũng là lợi thế để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo ông Cường, thị trường Indonesia cũng đặt ra một số thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp cần lưu ý đến các biện pháp bảo hộ cao của Indonesia như hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu, chứng nhận Halal, tiêu chuẩn quốc gia (SNI) và quy định về cảng nhập khẩu. Indonesia cũng thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời sở hữu địa hình chia cắt với nhiều đảo, dẫn đến chi phí logistics gia tăng.

Nhận thức rõ những thách thức này, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường Indonesia phù hợp, tận dụng lợi thế của FTA, tìm hiểu kỹ các quy định và tiêu chuẩn của thị trường, đồng thời nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.

Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI. Cùng đó, chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan Việt Nam trong trường hợp Indonesia khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại có liên quan tới sản phẩm của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.

Nhằm tránh bị lừa đảo hay tranh chấp thương mại, ông Phạm Thế Cường khuyến nghị, doanh nghiệp cần cảnh giác khi thấy việc đàm phán giá cả, hợp đồng đang diễn ra nhanh chóng, ít mặc cả, chấp nhận giá cao; không cung cấp hoặc cung cấp giấy tờ pháp lý doanh nghiệp dưới nhiều pháp nhân khác nhau. Do đó, trước khi ký hợp đồng doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác Indonesia phải cung cấp chứng nhận/sổ đăng ký kinh doanh (NIB) và mã số thuế (TIN).

Mặt khác, thực hiện thẩm tra đối tác thông qua Thương vụ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, các hiệp hội của Indonesia, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam CIC. Đặc biệt, doanh nghiệp lưu ý không chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản cá nhân. Điều khoản hợp đồng chặt chẽ, lưu ý điều khoản bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mình; trong đó, phải có điều khoản về tranh chấp, khiếu nại.

 

EU ban hành các quy định điều chỉnh mới liên quan đến công nhận các đơn vị chứng nhận và cấp chứng nhận hữu cơ nhập khẩu vào EU

Ngày 4⁄11⁄2024, ỦY ban Châu Âu ban hành Quy định thực hiện (EU) 2024⁄2794 sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2021⁄1378 liên quan đến việc công nhận một số tổ chức⁄đơn vị thực hiện kiểm soát và cấp chứng nhận hữu cơ tại các nước thứ ba đối với các sản phẩm hữu cơ nhập khẩu vào EU theo Điều 46 của Quy định (EU) 2018⁄848 của Hội đồng và Nghị viện châu Âu.

Quy định này sửa đổi phụ lục II Quy định thực hiện (EU) 2021/1378 liệt kê một số tổ chức/đơn vị được EU công nhận thực hiện các dịch vụ kiểm soát và cấp chứng nhận hữu cơ đối với các nhóm sản phẩm nhập khẩu vào EU. Theo Quy định này  một số Tổ chức/ Đơn vị có tên sau đây được công nhận thực hiện kiểm soát và cấp chứng nhận hữu cơ đối với các sản phẩm  từ Việt Nam:

1/ DQS POLSKA SPÓŁKA Z OGRANICZONĄ ODPOWIEDZIALNOŚCIĄ:  Code VN-BIO-181;  Các Nhóm sản phẩm: A,  D, G

2/ ONECERT INTERNATIONAL PRIVATE LIMITED; Code VN-BIO-152; Các Nhóm sản phẩm: A,  D,  G

3/ SRS Certification GmbH:  Code VN-BIO-195 Các Nhóm sản phẩm: A,  D,  E,  G.

Trong đó:

Sản phẩm nhóm A:  gồm thực vật và sản phẩm thực vật chưa qua chế biến, bao gồm hạt giống và các vật liệu làm giống khác; 

Sản phẩm nhóm D: gồm sản phẩm nông nghiệp chế biến, bao gồm sản phẩm nuôi trồng thủy sản, để sử dụng làm thực phẩm;

Sản phẩm nhóm E: Thức ăn chăn nuôi;

Sản phẩm nhóm G: bao gồm các sản phẩm khác được liệt kê trong Phụ lục I của Quy định (EU) 2018/848 hoặc không thuộc các danh mục trên)

Quy định này áp dụng sau 3 ngày công bố (từ ngày 7/11/2024), chi tiết tham khảo tại đường link:

https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=OJ:L_202402794.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong chiến lược mà EU cho là sẽ quản lý chặt lại tình hình thực tế đối với các sản phẩm hữu cơ. Trước đó, EU cho rằng có quá nhiều tổ chức có thể cấp nhãn bio, sinh thái, hữu cơ… mà chưa hoàn toàn phản ánh đúng tình hình sản xuất có liên quan theo yêu cầu của EU.

 

Điều chỉnh biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 144⁄2024⁄NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26⁄2023⁄NĐ-CP ngày 31⁄5⁄2023 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo đó, đối với hàng hóa phân khoáng hoặc phân hóa học, có chứa nitơ (mã hàng 31.02), Chính phủ quy định: Urê, có hoặc không ở trong dung dịch nước (mã hàng 3102.10.00); amoni sulphat (mã hàng 3102.21.00); loại khác (mã hàng 3102.29.00); hỗn hợp của amoni nitrat với canxi carbonat hoặc các chất vô cơ khác không phải phân bón (mã hàng 3102.40.00); natri nitrat (mã hàng 3102.50.00); muối kép và hỗn hợp của canxi nitrat và amoni nitrat (mã hàng 3102.60.00); hỗn hợp urê và amoni nitrat ở trong dung dịch nước hoặc dung dịch amoniac (mã hàng 3102.80.00); loại khác, kể cả hỗn hợp chưa được chi tiết trong các phân nhóm trước (3102.90.00) có thuế suất thuế xuất khẩu 5%.

Chính phủ cũng quy định Amoni nitrat có hàm lượng NH4NO3 > 98,5% (mã hàng 3102.30.00.10) thuế suất 0%; loại khác (mã hàng 3102.30.00.90) thuế suất 5%.

Điều chỉnh thuế xuất khẩu kẽm chưa gia công, thiếc chưa gia công

Kẽm, không hợp kim có hàm lượng kẽm từ 99,99% trở lên tính theo khối lượng (mã hàng 7901.11.00); kẽm, không hợp kim có hàm lượng kẽm dưới 99,99% tính theo khối lượng (mã hàng 7901.12.00); hợp kim kẽm (mã hàng 7901.20.00) thuế suất xuất là 10%.

Thiếc chưa gia công (mã hàng 80.01), trong đó, thiếc, không hợp kim (mã hàng 8001.10.00); mặt hàng hợp kim thiếc (mã hàng 8001.20.00) có thuế suất thuế xuất khẩu 10%.

Điều chỉnh thuế nhập khẩu thuốc lá

Tại Nghị định, Chính phủ quy định sản phẩm chứa lá thuốc lá, thuốc lá hoàn nguyên, nicotin, hoặc các nguyên liệu thay thế lá thuốc lá hoặc các nguyên liệu thay thế nicotin, dùng để hút mà không cần đốt cháy; các sản phẩm chứa nicotin khác dùng đề nạp nicotin vào cơ thể con người (mã hàng 24.04) thì thuế suất nhập khẩu như sau:

Các sản phẩm dùng để hút mà không cần đốt cháy chứa lá thuốc lá hoặc thuốc lá hoàn nguyên (mã hàng 2404.11.00); loại khác, chứa nicotin (mã hàng 2404.12); dạng lỏng hoặc gel dùng cho thuốc lá điện tử (mã hàng 2404.12.10); loại khác (mã hàng 2404.12.90); chứa các nguyên liệu thay thế lá thuốc lá (mã hàng 2404.19.10); chứa các nguyên liệu thay thế nicotin (mã hàng 2404.19.20); kẹo cao su có nicotin (mã hàng 2404.91.10); miếng dán nicotin (mã hàng 2404.92.10)… có thuế suất nhập khẩu 50%.

Bên cạnh đó, thiết bị điện tử dùng cho thuốc lá điện tử và các thiết bị điện hóa hơi cá nhân tương tự (mã hàng 8543.40.00) có thuế suất nhập khẩu 50%.

Nghị định nêu rõ, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của các mặt hàng thuộc nhóm 24.04, các mặt hàng có mã HS 8543.40.00 nêu trên được áp dụng trong trường hợp các mặt hàng này được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2024.

 

Công điện 111/CĐ-TTg: tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản IUU, chuẩn bị đón và làm việc với đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC

Ngày 04/11/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 111/CĐ-TTg về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển và Chủ tịch các Hội, Hiệp hội: Thủy sản Việt Nam, Cá ngừ Việt Nam, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản.

MỞ ĐỢT CAO ĐIỂM KIỂM SOÁT, XỬ LÝ TÀU CÁ “3 KHÔNG”

Công điện nêu rõ: Sau 7 năm chống khai thác IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), các ban, bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Đến nay, qua 4 đợt thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC), kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến, đạt được những kết quả cụ thể, được phía EC ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn nhiều mục tiêu, nhiệm vụ chưa đạt, chậm hoàn thành theo chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của EC liên quan.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu do khâu tổ chức triển khai thực hiện tại một số địa phương; người đứng đầu tại một số nơi thiếu sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, thanh tra, giám sát; một số lực lượng chức năng có tình trạng trục lợi, bao che, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU…

Để quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, không để ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Thủy sản, đời sống sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển; đặc biệt là làm giảm uy tín, vị thế, hình ảnh của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ nay đến trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam lần thứ 5 cần tập trung nguồn lực, xử lý dứt điểm nhiều nội dung trọng tâm, cấp bách.

Các Ban, Bộ, ngành và địa phương có liên quan tổ chức quán triệt, phân công cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, thời gian hoàn thành, kết quả đạt được để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU tại Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về IUU.

Phải chủ động, phối hợp kịp thời giữa các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng trong công tác chia sẻ thông tin, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU. Chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật trực thuộc trong tháng 11 mở đợt cao điểm đồng loạt triển khai lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác), tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động… Phải xử lý dứt điểm tàu cá "3 không" hoàn thành trước ngày 20/11/2024.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của địa phương mình.  Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển phân công 1 đồng chí Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thường xuyên trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra thực tế công tác chống khai thác IUU tại cơ sở; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế.

NÂNG CẤP HẠ TẦNG THÔNG TIN QUẢN LÝ NGHỀ CÁ

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có báo cáo về các văn bản này lên Thủ tướng Chính phủ trước 15/12/2024.

Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết bị, gắn thiết bị kết nối trên các tàu cá để đảm bảo chất lượng và phòng ngừa các hành vi tháo gỡ, tắt thiết bị giám sát sát hành trình tàu cá. 

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin quản lý nghề cá, cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), hệ thống giám sát tàu cá (VMS), ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích, theo dõi, giám sát, xử phạt hành vi khai thác IUU; hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) khai báo, cập nhật sản lượng, nguồn gốc thủy sản khai thác, quản lý lao động nghề cá… theo quy định.

Cần kiện toàn hệ thống kiểm ngư từ trung ương đến địa phương, đảm bảo đủ nguồn lực, kinh phí, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU, phát triển thuỷ sản bền vững và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo các lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển chủ trì, phối hợp với kiểm ngư và các lực lượng chấp pháp trên biển tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh với các nước thường xuyên có tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp; nghiên cứu triển khai việc hỗ trợ sửa chữa, cung cấp thiết bị giám sát sát hành trình tàu cá (VMS) thay thế trong trường hợp bị hỏng trên biển. Chỉ đạo lực lượng biên phòng kiên quyết không để tàu cá không đủ điều kiện xuất, nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản.

Bộ Công an: Tập trung chỉ đạo công an các lực lượng và công an 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển kiểm soát tình trạng tàu cá mua bán, chuyển nhượng không thực hiện sang tên đổi chủ, tàu cá "03 không", tàu cá, ngư dân địa phương khác hoạt động trên địa bàn quản lý không theo quy định pháp luật; tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm khai thác IUU, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, các hành vi vi phạm ngắt, gửi thiết bị VMS và các hành vi vi phạm nghiêm trọng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và nguồn vốn khác theo quy định để triển khai thực hiện Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển bền vững ngành thủy sản theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 32-CT/TW.

 TT TT CN & TM

Tin liên quan

RaboResearch: Tiêu thụ thịt lợn toàn cầu sẽ tăng trong quý IV/2024(18/11/2024 10:05 SA)

Cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ(18/11/2024 9:59 SA)

Cá rô phi Trung Quốc quyết tâm bám trụ ở Mỹ bất chấp mối đe dọa áp thuế 60%(18/11/2024 9:58 SA)

Giá thịt bò tại Mỹ tăng, giá thịt lợn giảm(25/10/2024 10:59 SA)

Nhập khẩu phân bón 9 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 1,28 tỷ USD(25/10/2024 10:58 SA)

Tin mới nhất

RaboResearch: Tiêu thụ thịt lợn toàn cầu sẽ tăng trong quý IV/2024(18/11/2024 10:05 SA)

Cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ(18/11/2024 9:59 SA)

Cá rô phi Trung Quốc quyết tâm bám trụ ở Mỹ bất chấp mối đe dọa áp thuế 60%(18/11/2024 9:58 SA)

Giá thịt bò tại Mỹ tăng, giá thịt lợn giảm(25/10/2024 10:59 SA)

Nhập khẩu phân bón 9 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 1,28 tỷ USD(25/10/2024 10:58 SA)