27 người đang online
°

Thị trường nhập khẩu giấy 3 tháng đầu năm 2024

Đăng ngày 27 - 05 - 2024
Lượt xem: 55
100%

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2024, cả nước nhập khẩu 541.020 tấn giấy các loại, tương đương trên 483,39 triệu USD, giá trung bình 893,5 USD/tấn, tăng 8,9% về lượng, tăng 4,8% về kim ngạch nhưng giảm 3,8% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023.

 

Thị trường nhập khẩu giấy 3 tháng đầu năm 2024

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2024, cả nước nhập khẩu 541.020 tấn giấy các loại, tương đương trên 483,39 triệu USD, giá trung bình 893,5 USD/tấn, tăng 8,9% về lượng, tăng 4,8% về kim ngạch nhưng giảm 3,8% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023.

Riêng tháng 3/2024 nhập khẩu giấy tăng 52,8% về lượng, tăng 48,9% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 200.648 tấn, tương đương 177,61 triệu USD; so với cùng tháng năm 2023 thì giảm 0,7% về lượng và giảm 3,9% về kim ngạch. Giá nhập khẩu giấy các loại trong tháng 3/2024 đạt trung bình 885,2 USD/tấn, giảm 2,5% so với tháng liền kề trước đó và giảm 3,2% so với tháng 3/2023.

Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản là các thị trường lớn cung cấp giấy các loại cho Việt Nam; trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc 179.913 tấn, tương đương 170,84 triệu USD, giá 949,6 USD/tấn, tăng 19% về lượng, tăng 15% về kim ngạch nhưng giảm 3,3% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023, chiếm 33,3% trong tổng lượng giấy các loại nhập khẩu của cả nước và chiếm 35,3% trong tổng kim ngạch.

Nhập khẩu từ Nhật Bản 68.475 tấn, tương đương 57,23 triệu USD, giá nhập khẩu 835,8 USD/tấn, tăng 35,9% về lượng, tăng 23,3% về kim ngạch nhưng giảm 9,3% về giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm trên 12,7% trong tổng lượng và chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu giấy các loại của cả nước.

Nhập khẩu từ Hàn Quốc 64.203 tấn trị giá 57,12 triệu USD, giá 889,6 USD/tấn, giảm 17,6% về lượng, giảm 8,6% về kim ngạch nhưng tăng 11% về giá so với cùng kỳ năm 2023, chiếm gần 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.

Nhập khẩu từ Indonesia giảm mạnh 29% về lượng, giảm 30,7% về kim ngạch và giảm 2,3% về giá so với cùng kỳ, đạt 60.319 tấn, tương đương 53,57 triệu USD, chiếm trên 11% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.

Nhập khẩu giấy các loại 3 tháng đầu năm 2024

(Tính toán theo số liệu công bố ngày 10/4/2024 của TCHQ)

 

Qúy I/2024: Giá xuất khẩu trung bình cá tra sang Mỹ tăng nhẹ so với quý trước đó

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 3/2024, kim ngạch XK cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt 156 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ. Giá trị XK cá tra Việt Nam trong QI/2024 đạt 411 triệu USD, giảm 3% so với QI/2023.

Về thị trường tiêu thụ, tháng 3/2024, Trung Quốc & Hồng Kông mua từ Việt Nam hơn 36 triệu USD, giảm 44% so với tháng 3/2023 và tăng 56% so với tháng trước đó. Quý đầu tiên của năm 2024, Việt Nam XK gần 112 triệu USD cá tra sang thị trường này, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này chủ yếu do tháng 2/2024, cả Việt Nam và Trung Quốc đều có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trung Quốc & Hồng Kông tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam, chiếm 27% tỷ trọng trong tổng giá trị Việt Nam XK sang các thị trường.

Đứng sau Trung Quốc & HK, Mỹ NK gần 31 triệu USD cá tra trong tháng 3/2024, tăng nhẹ 0,03% so với tháng 3/2023 và tăng gần gấp đôi so với tháng 2/2024. Đây cũng là tháng ghi nhận giá trị XK cá tra sang Mỹ cao nhất kể từ tháng 6/2023. Lũy kế XK cá tra Việt Nam sang Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay đạt gần 65 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình XK cá tra sang Mỹ những tháng đầu năm nay có nhích hơn so với quý IV/2023 tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch XK cá tra sang Mỹ trong quý đầu năm nay là 1 trong những dấu hiệu khả quan cho năm 2024 với những đơn đặt hàng mới, khi lượng tồn kho tại quốc gia này đang giảm.

Tháng 3/2024, Việt Nam XK gần 22 triệu USD cá tra sang khối thị trường CPTPP, giảm 8% so với tháng 3/2023. Tháng cuối QI/2024, một số thị trường ghi nhận tăng trưởng dương NK cá tra bao gồm Brunei, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Chile,... Đáng chú ý, Mexico là quốc gia tiêu thụ nhiều nhất cá tra trong tháng 3/2024 trong khối, với giá trị NK từ Việt Nam là gần 5 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo sau đó là Nhật Bản với hơn 4 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 129% so với tháng trước đó. QI/2024, CPTPP tiêu thụ hơn 59 triệu USD cá tra, tăng 8% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh lạm phát và chiến tranh với hàng loạt rủi ro về an ninh cung ứng, các quốc gia có xu hướng tìm kiếm những mặt hàng có nguồn cung ổn định và giá cả hợp lý như cá tra Việt Nam.

Trước những biến động khó lường về kinh tế, chính trị trên thế giới và diễn biến thị trường, các DN cá tra nên duy trì sự linh hoạt, đa dạng hóa thị trường, nắm bắt xu hướng, đẩy mạnh các sản phẩm chế biến.

 

Dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam có thể vượt kế hoạch

Với lượng xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt trên 3 triệu tấn, khả năng còn lại của tháng 5 và tháng 6 sẽ vượt dự kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 26/4, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I năm 2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Căn cứ vào thị trường xuất nhập khẩu gạo của các nước, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định: Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục sôi động và được mở rộng.

"Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 4,3 triệu tấn. Tuy nhiên, với lượng xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm đạt trên 3 triệu tấn thì khả năng còn lại của tháng 5 và tháng 6 sẽ vượt dự kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với tình hình xuất khẩu nhiều tích cực, khả năng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 vượt kế hoạch ban đầu (7,6 triệu tấn)", ông Nam nhận định.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn; các thị trường khác như: Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023- 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo; trong đó, có Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo tương đương năm 2023 (8,13 triệu tấn) nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực.

Sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn; trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa, hiện trong nước đang bước vào cuối vụ Đông Xuân, vụ mùa lớn nhất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng dồi dào, phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường trên thế giới vẫn được dự báo ở mức cao hơn tổng cung toàn cầu nên giá gạo xuất khẩu vẫn được kỳ vọng tăng.

Bên cạnh những cơ hội, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024 được đánh giá vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức: thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia; công tác phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng.

Vì thế, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phan Thị Hằng đề nghị các bộ, ngành liên quan; các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng các thương nhân xuất khẩu gạo bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, bình ổn thị trường trong nước. Đồng thời, tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất và kinh doanh, bảo đảm xuất khẩu gạo bền vững, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Các địa phương, thương nhân theo dõi sát tình hình thời vụ và diễn biến thị trường thế giới để có kế hoạch sản xuất, thu mua, chế biến, cất trữ, bảo quản và xuất khẩu phù hợp, bảo đảm hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.

Xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với vùng trồng, người sản xuất và giữa các thương nhân với nhau để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép cấp, ép giá. Cùng đó, chú trọng mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, khẳng định và nâng tầm thương hiệu Gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.

Thứ trưởng Phan Thị Hằng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương cần cảnh báo chú trọng bảo đảm diện tích đất trồng lúa phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động theo dõi tình hình, kịp thời năm bắt thông tin để cung cấp đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường lúa, gạo và hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp và các hộ nông dân tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường nhập khẩu để chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ổn định giá cả thị trường.

Song song đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của các đối tác áp dụng với thóc, gạo xuất khẩu của Việt Nam; chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận về kiểm dịch thực vật, quy định kỹ thuật về chất lượng thóc, gạo để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam;...

Tính đến hết quý I năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 2,18 triệu tấn, với giá trị gần 1,43 tỷ USD (giá trung bình 653,9 USD/tấn), tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I năm 2023.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 1,01 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình đạt 641,7 USD/tấn, tăng 13,2% về lượng, tăng 44% về kim ngạch và tăng 27,3% về giá so với cùng kỳ năm 2023.

Một số chủng loại gạo xuất khẩu trong quý I năm 2024 vẫn được ưa chuộng trên thị trường: gạo thơm các loại (ST24, ST25, ĐT8, Hàm Châu, Nàng Hoa...) gạo jasmine, gạo japonica, gạo trắng 5%...

 TT TT CN & TM

Tin liên quan

Sản lượng đường của Brazil nửa đầu tháng 6/2024 tăng so với dự kiến(29/07/2024 9:31 SA)

AHDB: Nguồn cung lợn Trung Quốc vẫn khan hiếm do lượng lợn nái giảm(09/07/2024 9:46 SA)

Cơ hội cho xuất khẩu cá tra khi có FTA Việt Nam - Mercosur(09/07/2024 9:45 SA)

Một số nội dung chính Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC(24/06/2024 9:29 SA)

Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường 5 tháng đầu năm 2024(24/06/2024 9:26 SA)

Tin mới nhất

Sản lượng đường của Brazil nửa đầu tháng 6/2024 tăng so với dự kiến(29/07/2024 9:31 SA)

AHDB: Nguồn cung lợn Trung Quốc vẫn khan hiếm do lượng lợn nái giảm(09/07/2024 9:46 SA)

Cơ hội cho xuất khẩu cá tra khi có FTA Việt Nam - Mercosur(09/07/2024 9:45 SA)

Một số nội dung chính Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC(24/06/2024 9:29 SA)

Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường 5 tháng đầu năm 2024(24/06/2024 9:26 SA)