36 người đang online
°

Các thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam 4 tháng năm 2024

Đăng ngày 27 - 05 - 2024
Lượt xem: 70
100%

4 tháng đầu năm 2024 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 1,59 triệu tấn, trị giá trên 505,37 triệu USD, giá trung bình đạt 317,7 USD/tấn.

 

Các thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam 4 tháng năm 2024

4 tháng đầu năm 2024 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 1,59 triệu tấn, trị giá trên 505,37  triệu USD, giá trung bình đạt 317,7 USD/tấn.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2024 cả nước nhập khẩu 495.103 tấn phân bón, tương đương 163,17 triệu USD, giá trung bình 329,6 USD/tấn, tăng 15,5% về lượng, tăng 32,3% kim ngạch và tăng 14,6% về giá so với tháng 3/2024. So với tháng 4/2023 cũng tăng 60,8% về lượng, tăng 48,6% kim ngạch nhưng giảm 7,6% về giá.

Trong tháng 4/2024 nhập khẩu phân bón từ thị trường chủ đạo Trung Quốc tiếp tục tăng 10,5% về lượng, tăng 57,9% kim ngạch và tăng 42,9% về giá so với tháng 3/2024, đạt 192.850 tấn, tương đương 63,12 triệu USD, giá 327,3 USD/tấn; So với tháng 4/2023 tăng 9% về lượng, tăng 8% kim ngạch nhưng giảm 0,9% về giá. Nhập khẩu từ thị trường Nga tháng 4/2024 tăng mạnh 417% về lượng, tăng 276,9% kim ngạch nhưng giảm 27% về giá so với tháng 3/2024, đạt 101.515 tấn, tương đương trên 31,88 triệu USD, giá 314 USD/tấn; so với tháng 4/2023 thì tăng mạnh 916% về lượng, tăng 536,8% kim ngạch nhưng giảm 37,3% về giá.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2024 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 1,59 triệu tấn, trị giá trên 505,37 triệu USD, giá trung bình đạt 317,7 USD/tấn, tăng 75% về khối lượng, tăng 49,4% về kim ngach nhưng giảm 14,6% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023. Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 46,5% trong tổng lượng và chiếm 33% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 659.463 tấn, tương đương 167,29 triệu USD, giá trung bình 253,7 USD/tấn, tăng 37,7% về lượng, tăng 0,8% về kim ngạch nhưng giảm 26,8% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023.

Tiếp đến thị trường Nga đứng thứ 2, chiếm 15,2% trong tổng lượng và chiếm 22,9% trong tổng kim ngạch, với 241.950 tấn, tương đương 115,69 triệu USD, giá trung bình 478,2 USD/tấn, tăng 684% về lượng, tăng 563,7% về kim ngạch nhưng giảm 15,4% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023.

Nhập khẩu phân bón từ thị trường Đông Nam Á đạt 163.218 tấn, tương đương 51,75 triệu USD, tăng 36,4% về lượng, tăng 3% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm trên 10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Phân bón nhập khẩu từ thị trường FTA RCEP đạt gần 1,01 triệu tấn, tương đương 259,02 triệu USD, tăng 35% về lượng, tăng 2,9% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 63,3% trong tổng lượng và chiếm 51,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Nhập khẩu phân bón từ thị trường FTA CPTTP đạt 236.087 tấn, tương đương 50,29 triệu USD, tăng 92,4% về lượng, tăng 161% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 14,8% trong tổng lượng và chiếm 10% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Nhìn chung, trong 4 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường tăng so với 4 tháng đầu năm 2023.

Nhập khẩu phân bón 4 tháng đầu năm 2024

(Tính toán từ số liệu công bố ngày 14/5/2024 của TCHQ)

 

 

Giá sắn xuất khẩu tăng 18% trong 4 tháng

Theo Tổng cục Hải quan, điểm sáng của mặt hàng sắn là giá xuất khẩu bình quân trong 4 tháng đầu năm đạt 452 USD⁄tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 4 đạt 183.361 tấn với trị giá hơn 80 triệu USD. Lũy kế trong 4 tháng đầu năm, mặt hàng này đã thu về hơn 510 triệu USD với hơn 1,1 triệu tấn, giảm nhẹ 3,5% về lượng nhưng tăng đến 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Điểm sáng của mặt hàng này là giá xuất khẩu bình quân trong 4 tháng đầu năm đạt 452 USD/tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về thị trường, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của sắn Việt Nam khi sản lượng và trị giá chiếm đến 91% của cả nước. Cụ thể trong 4 tháng, nước ta xuất sang Trung Quốc 1,054 triệu tấn sắn với trị giá hơn 470 triệu USD, tăng nhẹ 0,2% về lượng nhưng tăng 18% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 446 USD/tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng thứ 2 trong số các thị trường xuất khẩu sắn của Việt Nam là Đài Loan (Trung Quốc). Trong 4 tháng đầu năm, nước ta xuất sang thị trường này 20.693 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, thu về hơn 11 triệu USD, tăng 1% về lượng và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu đạt 553 USD/tấn, tăng 14%.

Giá sắn xuất khẩu tăng 18% trong 4 tháng

Phillipines là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với 9.443 tấn, trị giá hơn 4,9 triệu USD, giảm 10% về lượng nhưng tăng gần 1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 521 USD/tấn, tăng 12%.

Tổng cục Thống kê thông tin, hiện tại Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu sắn lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thái Lan. Việt Nam hiện có có 528.000 ha sắn. Trên địa bàn cả nước có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kết 11,3 triệu tấn củ tươi/năm.

Thiếu hụt sắn nguyên liệu là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới giá sắn tươi tăng trong tháng 1. Từ đầu tháng 1 đến nay, giá củ sắn tươi tại khu vực miền Trung trở ra phía Bắc đang liên tục có xu hướng tăng lên. Sản lượng sắn giảm đáng kể cũng được cho là nguyên nhân dẫn tới giá sắn tăng.

Thời gian tới, dự báo nhu cầu mua sắn và tinh bột sắn từ các nhà nhập khẩu vẫn cao do các nước tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hiệp hội Sắn Việt Nam đề ra mục tiêu xuất khẩu sắn đến năm 2028 sẽ đạt 2 tỷ USD/năm và tăng lên 2,5 tỷ USD/năm vào năm 2050.

 

Giá gạo Thái Lan cao nhất hơn 3 tháng do nguồn cung thắt chặt

Giá xuất khẩu gạo của Thái Lan tuần này tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 tháng do nguồn cung thấp và nhu cầu cao, trong khi giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ ổn định trong bối cảnh nhu cầu yếu.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này tiếp tục tăng, đạt 632 USD - 640 USD/tấn so với 600 USD của tuần trước.

Reuters dẫn lời một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết giá tăng là do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu mạnh mẽ từ Indonesia và Brazil do lũ lụt.

Lũ lụt tại các vùng đất nông nghiệp và thị trấn ở miền nam Brazil đã giết chết người dân, vật nuôi, làm tê liệt cơ sở hạ tầng và cản trở việc vận chuyển ngũ cốc đến các nhà chế biến địa phương và cảng Rio Grande.

Một thương nhân khác ở Bangkok cho biết nhu cầu và hoạt động trong nước cũng nhộn nhịp và nguồn cung mới sẽ đến vào tháng 7.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 531-539 USD/tấn trong tuần này, không thay đổi so với tuần trước.

Một nhà xuất khẩu ở bang miền nam Andhra Pradesh cho biết: “Giá Ấn Độ cạnh tranh hơn so với các điểm đến khác nhưng nhu cầu vẫn không tăng”.

Trong khi đó, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức 585-590 USD/tấn vào thứ Năm, tăng so với mức 585 USD một tuần trước, các thương nhân cho biết.

“Nhu cầu vẫn mạnh trong khi nguồn cung trong nước đang cạn kiệt”, một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết và cho biết thêm rằng cơ quan thu mua thực phẩm nhà nước Bulog của Indonesia đang tìm cách mua thêm gạo.

Các thương nhân cho biết nguồn cung sẽ cải thiện từ tháng 6 khi vụ thu hoạch hè thu bắt đầu. (Báo cáo của Daksh Grover ở Bengaluru, Rajendra Jadhav ở Mumbai, Chayut Setboonsarng ở Bangkok, Khánh Vũ ở Hà Nội; Biên tập bởi Eileen Soreng).

 

Trái cây, thủy sản… Việt Nam có lợi thế lớn tại thị trường Anh

Nhờ UKVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len ), thủy sản Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn tại thị trường Anh so với sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Ấn Độ, trong khi thủy sản được hưởng lợi từ yêu cầu thủ tục nhập khẩu ít phức tạp hơn so với nhiều nước khác.

Trái cây, thủy sản… Việt Nam có lợi thế lớn tại thị trường Anh

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh (2013-2023)

Đại sứ quán Anh tại Hà Nội vừa công bố Báo cáo Thương mại nông nghiệp Anh - Việt Nam với tiêu đề “Kết nối Vương quốc Anh và Việt Nam trong nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống”. Báo cáo nhấn mạnh động lực thúc đẩy mối quan hệ thương mại nông nghiệp Vương quốc Anh - Việt Nam và xác định các cơ hội tăng trưởng tiềm năng cho ngành nông nghiệp của hai quốc gia.

Theo đó, với sự mở rộng nhanh chóng của các nhà hàng Việt Nam tại Anh, người tiêu dùng Anh cũng có thể thưởng thức nhiều loại nông sản Việt Nam đang được bày bán phong phú ở các siêu thị.

Tuy nhiên, hàng nông sản của Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào Anh, hiện chiếm 4,8%. Thực trạng này cho thấy cơ hội tăng trưởng to lớn và quan trọng trong lĩnh vực nông sản và các mặt hàng liên quan, dự kiến sẽ đóng vai trò đáng kể hơn trong việc định hình quan hệ thương mại giữa Anh - Việt Nam.

Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực tháng 5/2021 là chất xúc tác cho trao đổi thương mại. UKVFTA mang tới nhiều cơ hội to lớn cho ngành nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống. Hầu hết các dòng sản phẩm thực phẩm và đồ uống hiện đang được hưởng lợi từ việc giảm dần và cuối cùng, loại bỏ hoàn toàn thuế suất vào năm 2031 (tuân theo các hạn ngạch thuế quan liên quan).

Theo báo cáo, năm 2023, giá trị xuất khẩu cá và hải sản có vỏ của Việt Nam sang Anh đạt gần 300 triệu USD, đưa thủy sản trở thành nhóm sản phẩm đứng thứ năm trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang Anh. Tháng 1/2023, Ủy ban Nhân dân huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ xuất khẩu sang Anh chuyến hàng đầu tiên 7 tấn cam Cao Phong. Tiếp đó, vào tháng 5/2023, lô hàng 5 tấn sầu riêng Ri6 tiêu biểu của Việt Nam được phân phối đến các siêu thị trên khắp nước Anh.

Báo cáo cũng đưa ra nhận định, dù hàng nhập khẩu của Việt Nam hiện chỉ chiếm 1% trong tổng số 700 tỷ USD hàng nhập khẩu hàng năm của Anh, nhưng sức mua cao và cộng đồng người Việt ở Anh ngày càng tăng là nền tảng cho sự tăng trưởng được bảo đảm trong tương lai. Hiện nay, Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam ở châu Âu.

Thêm vào đó, với việc Anh tham gia CPTPP, khả năng tiếp cận của nông sản Việt Nam cũng sẽ được cải thiện. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi theo hướng giảm phát thải, áp dụng các quy trình hữu cơ và khai thác nguồn năng lượng tái tạo. Những nỗ lực bảo vệ môi trường này sẽ tạo được thiện cảm với người tiêu dùng Anh, những người ưu tiên hàng có truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường và đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức.

Ngoài ra, khi ẩm thực Việt Nam như phở hay bánh mì ngày càng phổ biến hơn với người Anh, chính phủ Việt Nam và các nhà xuất khẩu có thể làm tốt hơn để thúc đẩy các thương hiệu đã được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản Việt, tương tự như một số thương hiệu thực phẩm Anh như rượu whisky Scotland, Ahmad, Twinings, Cadbury và McVitie's đã thâm nhập thành công vào Việt Nam.

 

Thị trường EU còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu gạo Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, quý I năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường EU gần 46 nghìn tấn gạo, thu về 41,4 triệu USD, tăng đến gần 118% so với cùng kỳ năm trước.

Sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU là nhờ các doanh nghiệp đã và đang tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (hiệp định EVFTA).

Trong khuôn khổ thực thi Hiệp định EVFTA đang triển khai, hiện nay có 9 giống gạo thơm được hưởng ưu đãi thuế trong hạn ngạch khi xuất khẩu sang EU, bao gồm: Jasmine85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM4900, OM5451 và Tài Nguyên Chợ Đào. Danh mục này được xây dựng từ trước 2015 (khi kết thúc đàm phán Hiệp định EVFTA).

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Hiệp định, Việt Nam đang đề xuất điều chỉnh danh mục gạo thơm để xuất khẩu vào EU với mức thuế là 0% theo hạn ngạch để phù hợp với thực tế xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay. Việc đàm phán điều chỉnh bổ sung danh mục gạo thơm đang được Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp cùng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm việc với phía EU.

Mức tiêu thụ hàng năm bình quân đầu người ở EU khoảng 6 kg, trong khi đó mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người trên toàn cầu vào khoảng 54 kg/người. Các đánh giá cho rằng EU là thị trường còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi hàng năm tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU đạt khoảng 3 - 4 triệu tấn (theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu – Eurostat), trong khi lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Tuy nhiên, thị trường này có nhiều tiêu chuẩn khắt khe và khó tính, nhất là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, tiêu chuẩn xã hội... Gạo không dùng chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản, tẩy trắng… Ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo là dưới 0,01mg/kg và các nhà nhập khẩu và nhà quản lý EU sẽ thường xuyên kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm.

Đáng chú ý, những tiêu chuẩn này thường xuyên được cập nhật theo hướng ngày càng nâng cao và khắt khe hơn. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải theo dõi chặt chẽ và nắm bắt các thông tin, chính sách, quy định của thị trường. Đây được coi là rào cản lớn với xuất khẩu gạo của Việt Nam do phải tốn thêm nhiều chi phí cho việc tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn dẫn đến giảm sức cạnh tranh.

 TT TT CN & TM

Tin liên quan

Sản lượng đường của Brazil nửa đầu tháng 6/2024 tăng so với dự kiến(29/07/2024 9:31 SA)

AHDB: Nguồn cung lợn Trung Quốc vẫn khan hiếm do lượng lợn nái giảm(09/07/2024 9:46 SA)

Cơ hội cho xuất khẩu cá tra khi có FTA Việt Nam - Mercosur(09/07/2024 9:45 SA)

Một số nội dung chính Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC(24/06/2024 9:29 SA)

Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường 5 tháng đầu năm 2024(24/06/2024 9:26 SA)

Tin mới nhất

Sản lượng đường của Brazil nửa đầu tháng 6/2024 tăng so với dự kiến(29/07/2024 9:31 SA)

AHDB: Nguồn cung lợn Trung Quốc vẫn khan hiếm do lượng lợn nái giảm(09/07/2024 9:46 SA)

Cơ hội cho xuất khẩu cá tra khi có FTA Việt Nam - Mercosur(09/07/2024 9:45 SA)

Một số nội dung chính Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC(24/06/2024 9:29 SA)

Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường 5 tháng đầu năm 2024(24/06/2024 9:26 SA)