36 người đang online
°

Dấu hiệu cho thấy Phi-líp-pin đã bước đầu thành công trong việc đa dạng hóa nguồn cung gạo và định hướng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam

Đăng ngày 04 - 04 - 2024
Lượt xem: 26
100%

Gạo là mặt hàng thiết yếu quan trọng đảm bảo an ninh lương thực đối với Phi-líp-pin. Mặc dù có nền sản xuất lúa gạo nhưng sản lượng hàng năm không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nên Phi-líp-pin phải nhập khẩu gạo từ nhiều quốc gia. Đối với Việt Nam, gạo vừa là mặt hàng truyền thống và đồng thời là mặt hàng xuất khẩu chủ lực tạo nên vị thế vững trắc của Việt Nam vào thị trường Phi-líp-pin trong thời gian qua.

 

Dấu hiệu cho thấy Phi-líp-pin đã bước đầu thành công trong việc đa dạng hóa nguồn cung gạo và định hướng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam

Gạo là mặt hàng thiết yếu quan trọng đảm bảo an ninh lương thực đối với Phi-líp-pin. Mặc dù có nền sản xuất lúa gạo nhưng sản lượng hàng năm không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nên Phi-líp-pin phải nhập khẩu gạo từ nhiều quốc gia. Đối với Việt Nam, gạo vừa là mặt hàng truyền thống và đồng thời là mặt hàng xuất khẩu chủ lực tạo nên vị thế vững trắc của Việt Nam vào thị trường Phi-líp-pin trong thời gian qua.

Tuy nhiên, cùng với những biến động địa chính trị và bất ổn trên thế giới, sự thay đổi chính sách của một số quốc gia sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới, điển hình như lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, làm cho vấn đề đảm bảo an ninh lương thực của Phi-líp-pin càng được trú trọng hơn.

Trong bối cảnh đó, nhận ra sự phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung gạo từ Việt Nam nên Chính phủ Phi-líp-pin đang tìm cách giảm sự phụ thuộc này thông quan việc đa dạng hóa nguồn cung, tìm đến những nhà cung ứng gạo tiềm năng khác Việt Nam mà trước đây họ cho rằng không có lợi thế. Điều này đã được Thương vụ Việt Nam tại Phi-líp-pin nắm bắt thông tin, nhận định và cảnh báo tới các cơ quan bộ, ngành quản lý, xây dựng chính sách và doanh nghiệp trong nước.

Và từ thông tin số liệu nhập khẩu gạo của Phi-líp-pin tính đến giữa tháng 3 năm 2024 phần nào đã phản ánh sự thành công bước đầu của Chính phủ Phi-líp-pin trong việc tìm cách đa dạng hóa nguồn cung gạo.

Theo thống kê của Cục Thực vật – Bộ Nông nghiệp Phi-líp-pin, tính từ ngày 01 tháng 01 cho đến hết ngày 14 tháng 3 năm 2024, tổng lượng gạo nhập khẩu của Phi-líp-pin là 886.963,11 tấn, cao hơn khoảng 10,6% so với tổng lượng gạo nhập khẩu của Phi-líp-pin trong quý I năm 2023. Con số này cho thấy dự báo của Thương vụ Việt Nam tại Phi-líp-pin về mức nhập khẩu gạo của Phi-líp-pin trong năm 2024 vẫn ở mức cao, khoảng 3,8 đến 4,0 triệu tấn là hoàn toàn phù hợp.

Trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Phi-líp-pin nêu trên, gạo nhập khẩu từ Việt Nam vẫn chiếm lượng lớn nhất, là 493.962,72 tấn, chiếm 55,7%. Tiếp theo là gạo nhập khẩu từ Thái Lan với 230.559,43 tấn, chiếm 26%, trong khi gạo nhập khẩu từ Pakistan là 109.803,5 tấn, chiếm 12,4%. Ngoài ra, Phi-líp-pin còn nhập khẩu gạo từ Myanmar với số lượng 48.960 tấn, từ Cambodia 1.620 tấn, từ Nhật Bản 1.815,37 tấn, từ Ấn Độ 235,5 tấn và từ Italy 6,6 tấn.

Số gạo nêu trên được nhập bởi 109 công ty được Cục Thực vật – Bộ Nông nghiệp Phi-líp-pin cấp giấy phép nhập khẩu, trong đó có hai doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất của Phi-líp-pin là Orison Free Enterprise Inc, với khối lượng 103.408,35 tấn, tiếp theo là BLY Agri Venture Trading với khối lượng nhập là 55.419,99 tấn. Trong khi đó, Cục Thực vật – Bộ Nông nghiệp Phi-líp-pin, từ ngày 01 đến ngày 14 tháng 3 năm 2024 cũng đã cấp 424 giấy chứng nhận kiểm dịch thông quan cho 358.188,5 tấn gạo nhập khẩu. Và theo quy định, lượng gạo được cấp phép kiểm dịch thông quan nên trên phải được nhập vào Phi-líp-pin trong vòng 30 ngày kể từ ngày cấp phép.

Việc Phi-líp-pin đạt được thành công bước đầu trong việc đa dạng hóa nguồn cung gạo làm cho gạo của Việt Nam ngày càng bị cạnh tranh hơn tại thị trường Phi-líp-pin, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải có sự chuẩn bị và chiến lược cạnh tranh tốt, trước hết là hình ảnh, uy tín để tiếp tục duy trì quan hệ với các bạn hàng, đối tác truyền thống lâu năm, mở rộng tìm kiếm các đối tác, nhà nhập khẩu mới. Đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Phi-líp-pin triển khai các chương trình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, mặt hàng của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo.

 

Sản lượng đường của Mexico trong niên vụ 2023/24 được dự báo ở mức thấp nhất 10 năm

Nhà phân tích và nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng Czarnikow cho biết, sản lượng đường của Mexico trong niên vụ 2023/24 (từ tháng 10 - tháng 9) dự kiến sẽ giảm 15% so với niên vụ trước chỉ đạt 4,7 triệu tấn, mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Vụ mía đường của Mexico phát triển kém trong mùa này do không đủ mưa, khiến sản lượng cây trồng trên mỗi hecta sụt giảm cũng như năng suất thấp trong quá trình chế biến.

Vì sản lượng thấp, Mexico phải nhập khẩu đường như trong niên vụ trước. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, nước này có thể mua đường từ các nhà sản xuất Trung Mỹ như Guatemala, Honduras và El Salvador.

Trong niên vụ trước, hơn 50% lượng đường nhập khẩu của Mexico đến từ Ấn Độ. Tuy nhiên năm nay, điều này khó có thể xảy ra, do chính phủ Ấn Độ chưa cấp phép xuất khẩu đường nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Điều này nghĩa là Mexico phải phụ thuộc vào nguồn cung đường ở Trung Mỹ nhiều hơn so với bình thường.

Các nước Trung Mỹ thường xuất khẩu khoảng 3,3 triệu tấn đường và năm nay, phần lớn sẽ xuất sang Mexico.

 

USDA: Dự báo sản lượng và xuất nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc năm 2024

Theo dự báo của USDA, sản lượng lợn của Trung Quốc năm 2024 sẽ giảm nhẹ do giá lợn hơi liên tục ở mức thấp gây áp lực lên các nhà chăn nuôi. Nhập khẩu thịt lợn có thể tăng nhẹ để bù đắp cho sự sụt giảm dự kiến của sản lượng thịt lợn nội địa.

Sản lượng lợn: Năm 2024, sản lượng lợn của Trung Quốc dự kiến đạt 695 triệu con, giảm 3% so với năm 2023 do đàn lợn nái năm 2023 giảm so với năm 2022 vì Trung Quốc giết mổ hàng loạt do giá lợn thấp cùng với dịch bệnh dai dẳng trong năm 2023.

Giá lợn hơi trung bình ở Trung Quốc năm 2022 - 2024

Nguồn: MARA

Xuất khẩu lợn sống năm 2024 của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 1,14 triệu con. Hồng Kông và Macao sẽ vẫn là những thị trường hàng đầu về xuất khẩu lợn sống của Trung Quốc. Xuất khẩu thịt lợn năm 2024 của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhẹ lên mức 100 nghìn tấn. Hồng Kông và Nhật Bản là hai thị trường xuất khẩu chính của các sản phẩm thịt lợn.

Sản lượng thịt lợn năm 2024 của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm 3% do số lượng giết mổ ít hơn và lượng lợn tồn cũng như trọng lượng giết mổ của lợn vỗ béo thấp hơn.

Tiêu thụ thịt lợn năm 2024 của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 57,8 triệu tấn, giảm 3% so với năm trước, chủ yếu do kinh tế trì trệ. Mặc dù thịt lợn là một loại thịt cơ bản tại Trung Quốc, nhưng nhu cầu về các sản phẩm từ thịt lợn đã giảm khi nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức vào năm 2024.

Nhập khẩu lợn sống năm 2024 của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 7.000 con, giảm so với năm 2023 do khó khăn tài chính và giá thấp tiếp tục gây áp lực cho các nhà chăn nuôi, nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ, Đan Mạch và Pháp.

Nhập khẩu thịt lợn năm 2024 của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 1,95 triệu tấn để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng thịt lợn nội địa. Đàn lợn tồn cao vào cuối năm 2023 được chuyển sang năm 2024 sẽ làm giảm nhập khẩu cho đến khi nguồn cung giảm bớt. Các nhà cung cấp thịt lợn chính cho Trung Quốc là Tây Ban Nha, Brazil, Đan Mạch, Hà Lan, Canada và Mỹ.

Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc năm 2014 - 2024

 Nguồn: Trade Data Monitor, LLC và Post Forecasts

 

Argentina mong muốn xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam

Cơ quan chức năng Argentina đã gửi các đề xuất về xuất khẩu thịt lợn và nội tạng lợn sang Việt Nam và mong muốn phía Việt Nam sớm xem xét và phản hồi.

Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị với đoàn công tác Argentina do bà Diana Mondino - Bộ trưởng Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Argentina dẫn đầu, diễn ra sáng 20/3, tại Hà Nội.

Sáng 20/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị tiếp đoàn công tác Argentina do Bộ trưởng Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Argentina Diana Mondino dẫn đầu. (ảnh Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Thương mại hai chiều Việt Nam - Argentina giai đoạn 2007 - 2022 tăng gần 13 lần, từ 378 triệu USD lên 4,88 tỷ USD, đưa Argentina trở thành đối tác lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh (sau Brazil và Mexico). Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Argentina tại khu vực Đông Nam Á và thứ 6 trên phạm vi toàn cầu.

Riêng năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Argentina giảm 29,6% so với năm 2022, chỉ đạt 3,45 tỷ USD do Argentina phải trải qua đợt khô hạn lịch sử trong vụ mùa 2022 - 2023, khiến sản lượng nông nghiệp giảm tới 54%. Thương mại nông lâm thủy sản song phương trong 5 năm gần đây duy trì ở mức 3,08 - 3,8 tỷ USD (trừ năm 2023, giảm xuống 2,35 tỷ USD, tương ứng giảm 38,5% so với năm 2022).

Ông Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao mối quan hệ song phương Việt Nam - Argentina đang có những bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, trong đó, thương mại (chủ yếu là thương mại nông lâm thủy sản) là nội dung quan trọng đưa hai nước trở thành đối tác lớn của nhau.

“Việt Nam đánh giá cao vai trò và vị trí của Argentina là thành viên và là cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận thuận lợi với khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn là thành viên tích cực tham gia cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ giữa Việt Nam – Argentina”, ông Nguyễn Quốc Trị chia sẻ.

Về phía đoàn công tác Argentina, bà Diana Mondino - Bộ trưởng Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo - cho biết, những năm gần đây, hai bên đã làm việc tích cực và mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm. Từ năm 2017, hai bên đã có những chuẩn bị liên quan đến các điều khoản cho nội dung của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối Mercosur. Theo đó, Chính phủ Argentina mong muốn thúc đẩy đàm phán.

Ngoài việc đàm phán các Hiệp định, bà Diana Mondino cho rằng, việc tiếp tục mở cửa thị trường của hai nước cũng là nội dung quan trọng.

Bà Diana Mondino nêu vấn đề, các sản phẩm Argentina xuất khẩu sang Việt Nam như sản phẩm da, thuộc da, ngô… đã được sử dụng để đưa vào chuỗi sản xuất và tái xuất khẩu đi các nước để tạo giá trị thương mại cho Việt Nam.

Hai nền kinh tế Việt Nam - Argentina có sự tương hỗ, tạo điều kiện để hai bên khai thác nhiều tiềm năng hợp tác cho nhiều sản phẩm hơn nữa. Do đó, cần xem xét về tổng thể cán cân thương mại hai nước.

Cũng theo bà Diana Mondino, cơ quan chức năng Argentina đã gửi các đề xuất sang phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xuất khẩu thịt lợn và nội tạng lợn từ Argentina. Bà Diana Mondino cam kết cung cấp cho Việt Nam thịt có chất lượng ngon với giá thành phải chăng, mong muốn phía Việt Nam sớm xem xét và phản hồi.

Về việc này, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị thông tin, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Việt Nam không chỉ coi trọng vấn đề sản xuất mà còn quan tâm đến thương mại và xác định đây là động lực phát triển của ngành.

Với đề nghị từ phía bạn về mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm hơn, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận và đề xuất Argentina, ở chiều ngược lại, cũng mở cửa cho các sản phẩm Việt Nam có thể tiếp cận thị trường nước này.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ giao các cơ quan chuyên trách xử lý các đề xuất cụ thể từ phía Argentina và ngược lại, đồng thời đề nghị phía bạn cũng sớm xem xét đề xuất từ phía Việt Nam.

“Việt Nam coi trọng hợp tác nông nghiệp với Argentina, đặc biệt là thương mại nông sản và khoa học công nghệ. Thương mại nông sản cần có các biện pháp hướng tới từng bước cân bằng cán cân thương mại. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi hai bên phối hợp chặt chẽ để triển khai hợp tác theo các nội dung, vấn đề chuyên ngành, tuân thủ quy định của hai bên và thông lệ quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết thêm. 

 TT TT CN * TM

Tin liên quan

Brazil là thị trường cung cấp ngô nhiều nhất cho Việt Nam(02/05/2024 10:47 SA)

Lưu ý khi xuất khẩu dưa hấu sang thị trường Trung Quốc(02/05/2024 10:39 SA)

Thông báo về việc hỗ trợ xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh tại khu...(11/04/2024 2:19 CH)

ISO nâng gấp đôi dự báo về mức thiếu hụt đường thế giới vụ 2023/24(04/04/2024 9:23 SA)

Hoa Kỳ tăng nhẹ thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam(04/04/2024 9:17 SA)

Tin mới nhất

Brazil là thị trường cung cấp ngô nhiều nhất cho Việt Nam(02/05/2024 10:47 SA)

Lưu ý khi xuất khẩu dưa hấu sang thị trường Trung Quốc(02/05/2024 10:39 SA)

Thông báo về việc hỗ trợ xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh tại khu...(11/04/2024 2:19 CH)

ISO nâng gấp đôi dự báo về mức thiếu hụt đường thế giới vụ 2023/24(04/04/2024 9:23 SA)

Hoa Kỳ tăng nhẹ thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam(04/04/2024 9:17 SA)