16 người đang online
°

Brazil là thị trường cung cấp ngô nhiều nhất cho Việt Nam

Đăng ngày 02 - 05 - 2024
Lượt xem: 23
100%

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt trên 2,78 triệu tấn, trị giá gần 702,74 triệu USD, giá trung bình 252,7 USD⁄tấn, tăng 27,1% về lượng, nhưng giảm 4,8% kim ngạch và giảm 25,1% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023.

 

Brazil là thị trường cung cấp ngô nhiều nhất cho Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt trên 2,78 triệu tấn, trị giá gần 702,74 triệu USD, giá trung bình 252,7 USD⁄tấn, tăng 27,1% về lượng, nhưng giảm 4,8% kim ngạch và giảm 25,1% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, riêng tháng 3/2024 đạt 871.741 tấn, tương đương 215,88 triệu USD, giá trung bình 247,7 USD/tấn, giảm 6,5% về lượng và giảm 9,1% kim ngạch so với tháng 2/2024, giá cũng giảm 2,8%; so với tháng 3/2023 thì tăng 13,6% về lượng, nhưng giảm 17,2% về kim ngạch và giảm 27,1% về giá.

Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024, chiếm 53,4% trong tổng lượng và chiếm 54,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, đạt 1,49 triệu tấn, tương đương gần 381,27 triệu USD, giá 256,6 USD/tấn, tăng mạnh 22,5% về lượng, nhưng giảm 5,8% kim ngạch và giảm 23% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023.

Thị trường lớn thứ 2 là Achentina, trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 728.759 tấn, tương đương 178,79 triệu USD, giá 245,3 USD/tấn, chiếm trên 26,2% trong tổng lượng và chiếm 25,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng 79,5% về lượng, tăng 31,6% về kim ngạch nhưng giá giảm 26,7% so với 3 tháng đầu năm 2023.

Tiếp đến thị trường Lào 3 tháng đầu năm 2024 đạt 66.033 tấn, tương đương 16,55 triệu USD, giá 250,6 USD/tấn, chiếm 2,4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng 11% về lượng, nhưng giảm 20,3% về kim ngạch và giá giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ngô là mặt hàng quan trọng trong ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngô thường chiếm khoảng 25-40% trong khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm tùy theo giai đoạn phát triển, trạng thái sinh lý của cơ thể của loại vật nuôi. Mặt hàng này cũng gắn chặt với chăn nuôi, với những nước sản lượng ngô càng nhiều, chăn nuôi càng phát triển.

Theo Statista, Việt Nam thuộc một trong số 30 quốc gia trồng ngô lớn nhất trên thế giới nhưng đồng thời cũng nằm trong nhóm các quốc gia nhập khẩu ngô nhiều nhất thế giới đứng sau Trung Quốc, châu Âu, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ai Cập.

 

Việt Nam đang dẫn đầu về cá ngừ đông lạnh (mã HS 0304) tại Canada

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Canada nhập khẩu (NK) cá ngừ từ hơn 43 nước trên thế giới trong năm 2023, đạt 214 triệu USD.

Trong đó, Thái Lan, Italy, Việt Nam, Mỹ, Mexico, Indonesia, Ecuador, Sri Lanka và Philippines lần lượt là 9 nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường này, chiếm tới 95% tổng giá trị NK.

Xuất khẩu (XK) cá ngừ của Việt Nam sang Canada từ năm 2019 – 2022 ngày càng tăng. Năm 2023, do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế nên XK bị sụt giảm. Nhưng nhìn chung, kim ngạch XK trong 5 năm qua đã tăng từ 21 triệu USD năm 2019 lên gần 34 triệu USD năm 2023, tăng 57%.

Canada nhập khẩu rất nhiều cá ngừ chế biến và đóng hộp từ các nước, chiếm tới hơn 80% tổng giá trị NK. Từ sau khi Hiệp đinh CPTPP có hiệu lực, XK các sản phẩm cá ngừ đóng hộp mã HS16 của Việt Nam sang Canada tăng đáng kể. Kim ngạch XK nhóm sản phẩm này đã tăng từ 8 triệu USD lên gần 15 triệu USD trong 5 năm qua. Mặc dù vậy, thị phần của Việt Nam vẫn còn nhỏ, chỉ chiếm khoảng 13%, trong khi Thái Lan 52% và Italy là 15%.

Trái lại, tại phân khúc thị trường thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Canada, Việt Nam đang dẫn đầu với thị phần khoảng 46%. Hiện nay, cạnh tranh chủ yếu cùng Việt Nam đối với mã HS 0304 là Indonesia và Ecuador. Tuy nhiên, nhu cầu đối với các sản phẩm thuộc nhóm hàng này của Canada tăng không nhiều. Hiệp định CPTPP không tác động ngay đáng kể đến tăng trưởng xuất khẩu nhóm sản phẩm thuộc mã HS 0304 của Việt Nam.

 

Xuất khẩu thủy sản của Na Uy quý I/2024 giảm sau 3 năm tăng liên tiếp

Giá trị xuất khẩu thủy sản của Na Uy quý I/2024 giảm, chấm dứt chuỗi 3 năm tăng liên tiếp so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Thủy sản Na Uy (NSC), trong quý I/ 2024 xuất khẩu thủy sản của Na Uy đạt 40,2 tỷ NOK (tương đương 3,7 tỷ USD, 3,4 tỷ EUR), giảm 1,2 tỷ NOK (tương đương 112 triệu USD, 103 triệu EUR), hay giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân một phần do sự thay đổi của tỷ giá; Trong Quý I/2023 đồng krone Na Uy suy yếu là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu.

Ông Christian Chramer - Giám đốc điều hành NSC cho biết, do đồng krone Na Uy yếu và giá xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 1 và tháng 2/2024 tăng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của tiền tệ đã giảm trong tháng 3/2024, khối lượng xuất khẩu của một số loại thủy sản giảm trong ba tháng đầu năm, kết quả là kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung trong quý I/2024 giảm.

NSC cho biết, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 và tháng 2 tăng so với cùng kỳ, nhưng giá cá hồi lại giảm và lễ Phục sinh sớm đã khiến tháng 3 khó khăn, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài 3 năm.

Xuất khẩu trong tháng 3/2024 giảm xuống 13,6 tỷ NOK (tương đương 1,2 tỷ USD, 1,1 tỷ EUR), giảm 2,2 tỷ NOK (tương đương 206 triệu USD, 190 triệu EUR), tăng 14%, so với cùng tháng năm 2023.

Ông Chramer cho biết một nguyên nhân lớn khác dẫn đến sự sụt giảm giá trị là do khối lượng xuất khẩu giảm - cả đối với cá hồi nuôi và thủy sản đánh bắt tự nhiên. Nhiều loài đánh bắt tự nhiên quan trọng như cá tuyết, cá trích, cá thu và cua huỳnh đế đã bị giảm hạn ngạch. CGiảm hạn ngạch là một biện pháp quan trọng để đảm bảo nguồn tài nguyên thủy sản vẫn bền vững nhưng đồng thời khiến Na Uy có ít hải sản để xuất khẩu hơn, lạm phát thực phẩm chậm lại cũng góp phần làm giá trị giảm.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực toàn cầu đã giảm hơn 10% trong 12 tháng qua.

Bất chấp sự sụt giảm chung, xuất khẩu thủy sản của Na Uy sang Liên minh châu Âu trong quý I/2024 vẫn tăng 1% kim ngạch và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, đạt 23 tỷ NOK (tương đương 2,1 tỷ USD, 1,9 tỷ EUR). Trong quý I/2024 Na Uy đã xuất khẩu thủy sản sang 137 quốc gia – tăng 7 quốc gia so với năm 2023.

Trong đó, xuất khẩu cá hồi nuôi của Na Uy quý I/2024 giảm cả về giá trị và khối lượng, đạt 246.560 tấn, thu về 27,9 tỷ NOK (tương đương 2,6 triệu USD, 2,4 tỷ EUR) – giảm về khối lượng là 6% và giảm giá trị 709 triệu NOK (tương đương 66 triệu USD, 61 triệu EUR), tương đương 2% so với quý I/2023.

Ông Paul Aandahl - Chuyên gia phân tích hải sản của NSC cho biết: xuất khẩu cá hồi giảm chủ yếu là do sản lượng giảm và khối lượng thu hoạch giảm. Điều này một phần là do nhiệt độ nước biển thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu philê cá tăng thay vì cá nguyên con cũng góp phần làm giảm khối lượng.

Xuất khẩu cá hồi Na Uy tháng 3/2024 giảm cả khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do tháng 3/2023 giá đạt mức kỷ lục. Tháng 3/2024 xuất khẩu 81.900 tấn cá hồi trị giá 9,3 tỷ NOK (tương đương 873 triệu USD, 803 triệu EUR), giảm lần lượt 12% và 16%.

Một điểm sáng trong quý I/2024 là cá hồi hoa, đạt 13.942 tấn, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023, giá trị 1,4 tỷ NOK (tương đương 131 triệu USD, 120 triệu EUR), tăng 273 triệu NOK (tương đương 25 triệu USD, 23 triệu EUR), tương đương tăng 25%. Ông Aandahl cho rằng nguyên nhân tăng là do các công ty ngày càng tập trung vào loài này.

Xuất khẩu cua tuyết của Na Uy trong quý I/ 2024 cũng tăng mạnh, đạt 4.511 tấn, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2023, đạt giá trị 495 triệu NOK (tương đương 46 triệu USD, 42 triệu EUR), so với cùng kỳ năm trước tăng 200 triệu NOK (tương đương 18 triệu USD, 17 triệu EUR), tương đương 68%, trở thành quý xuất khẩu cua tuyết tốt nhất từ trước đến nay của Na Uy.

Hầu hết các loài thủy sản đánh bắt tự nhiên khác bị sụt giảm. NSC cho biết xuất khẩu cá tuyết tươi của Na Uy quý I/2024 giảm cả về khối lượng và giá trị, đạt 18.454 tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023, đó cũng là khối lượng thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Về giá trị đạt 1,2 tỷ NOK (tương đương 112 triệu USD, 103 triệu EUR), giảm 181 triệu NOK (tương đương 16 triệu USD, 15 triệu EUR), tương đương giảm 13% so với cùng kỳ năm 2023. .

Cá tuyết nuôi chiếm phần lớn trong xuất khẩu cá tuyết tươi của Na Uy, đạt 3.250 tấn – tăng 180 tấn, hay 6% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đạt 180 triệu NOK (tương đương 16 triệu USD, 15 triệu EUR), tăng 23%.

Ông Brækkan cho biết: “Xét về giá trị, cá tuyết nuôi chiếm 15% xuất khẩu cá tuyết tươi trong quý đầu tiên”.

Xuất khẩu Cá tuyết đông lạnh trong quý I/2024 cũng giảm kim ngạch, mặc dù khối lượng tăng nhẹ, đạt 18.583 tấn, tăng 1% so với năm 2023; giá trị giảm 28 triệu NOK (tương đương 2,6 triệu USD, 2,4 triệu EUR), tương đương 3%, xuống 1 tỷ NOK (tương đương 93 triệu USD, 86 triệu EUR).

 

Tập trung khai thác thị trường thực phẩm Halal, đẩy mạnh xuất khẩu sang Malaysia

Theo ông Lê Phú Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia nhận định, hàng hóa Việt Nam còn rất nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Malaysia. Bởi đây là thị trường có sức mua khá, nhu cầu đa dạng và gần gũi về văn hóa tiêu dùng với hàng Việt.

Chưa kể, Malaysia có độ mở thị trường lớn; mức độ rào cản tương đối thấp với hàng xuất khẩu của Việt Nam do hai nước cùng tham gia nhiều hiệp định trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN +, đặc biệt là Hiệp định Ðối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hơn nữa, Malaysia đang thiếu hụt nguồn cung nội địa về nhiều loại thực phẩm thiết yếu như gạo, thủy hải sản...

Bên cạnh cơ hội, hoạt động xuất khẩu sang thị trường này còn gặp nhiều rào cản. Theo Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, nước này có tỷ lệ dân theo đạo Hồi lớn (tới trên 65%). Hiện quốc gia này đang thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) cho hàng thực phẩm nhập khẩu chủ yếu vì lý do tôn giáo.

Tuy nhiên việc áp dụng tiêu chuẩn này đã trở thành một rào cản phi thuế. Việc áp dụng chỉ mang tính chất tự nguyện chứ không phải là quy định bắt buộc với cả nước xuất khẩu và nhập khẩu.

Việc áp dụng tiêu chuẩn Halal làm tăng chi phí cho các sản phẩm lượng thực, thực phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên việc có được chứng chỉ này sẽ giúp sản phẩm tiếp cận được số lượng người tiêu dùng đông đảo hơn tại nước này do những người tiêu dùng Hồi giáo chiếm tỷ lệ đông đảo và họ có ý thức rất cao về lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm có chứng chỉ Halal” - ông Lê Phú Cường phân tích.

Thực tế hiện nay số lượng đơn vị có chức năng cấp chứng chỉ Halal ở Việt Nam còn ít, chi phí là khá cao đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt khác, một số yêu cầu khó thực hiện tại Việt Nam như quy định phải có người đạo Hồi giám sát quy trình sản xuất. Theo thông tin từ Thương vụ, hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp đã được cấp chứng chỉ Halal cho khoảng 3.000 sản phẩm xuất khẩu.

Không chỉ rào cản từ phi thuế quan, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia cho rằng do Malaysia là thị trường tương đối mở cho hàng nhập khẩu, vì thế hàng Việt Nam xuất sang thị trường này có sự cạnh tranh khốc liệt với nước xuất khẩu khác, nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... Hơn nữa, trong khi các mặt hàng thực phẩm yêu cầu có chứng chỉ Halal nhưng việc cấp chứng chỉ này không phải do cơ quan nhà nước Việt Nam quản lý mà do các cơ quan chính quyền một số nước Hồi giáo công nhận.

Ngoài ra, khi tiếp cận thị trường Malaysia, các doanh nghiệp trong nước còn gặp phải rào cản về ngoại ngữ, sự khác biệt về văn hóa... Chưa kể, nhiều trường hợp lừa đảo xảy ra đã làm giảm niềm tin trong giao thương.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam và Malaysia đang nỗ lực hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đây là thị trường khá “màu mỡ” cho doanh nghiệp Việt Nam, do đó doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Tuy nhiên, để tiếp cận được rộng hơn vào thị trường Malaysia, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đáp ứng về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là về chứng nhận Halal. Nếu có chứng nhận này sản phẩm của doanh nghiệp sẽ hướng đến 100% dân số của Malaysia. Chứng nhận Halal như là minh chứng về sự an toàn, vệ sinh thực phẩm và chất lượng nói chung cho toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm của mình.

Malaysia đang tăng cường kiểm soát giá cả sinh hoạt do thiếu hụt nguồn cung một số loại thực phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất, sản phẩm thiết yếu như trứng, gạo... nên quan tâm kết nối với hệ thống phấn phối để gia tăng xuất khẩu” - Thương vụ thông tin và cảnh báo, doanh nghiệp xuất khẩu cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thương vụ trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương, nhất là việc xác minh đối tác .

Đối với các địa phương, ông Lê Phú Cường cho rằng, các địa phương cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp tại thị trường Malaysia thông qua các hội chợ chuyên ngành hoặc tổng hợp các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại Malaysia...

Đặc biệt, Thương vụ lưu ý, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần chủ động cập nhật thêm về thông tin, tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và Malaysia nói riêng cũng như thị trường các nước Hồi giáo nói chung. Từ đó, có cơ sở hoạch định kế hoạch mở rộng thị trường, tìm được những đối tác đầu tư và kinh doanh tại Malaysia.

 tt tt cN  &tm

Tin liên quan

Lưu ý khi xuất khẩu dưa hấu sang thị trường Trung Quốc(02/05/2024 10:39 SA)

Thông báo về việc hỗ trợ xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh tại khu...(11/04/2024 2:19 CH)

ISO nâng gấp đôi dự báo về mức thiếu hụt đường thế giới vụ 2023/24(04/04/2024 9:23 SA)

Hoa Kỳ tăng nhẹ thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam(04/04/2024 9:17 SA)

Giá gạo tăng, Senegal tìm nguồn cung gạo tấm ngoài Ấn Độ(04/04/2024 9:16 SA)

Tin mới nhất

Lưu ý khi xuất khẩu dưa hấu sang thị trường Trung Quốc(02/05/2024 10:39 SA)

Thông báo về việc hỗ trợ xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh tại khu...(11/04/2024 2:19 CH)

ISO nâng gấp đôi dự báo về mức thiếu hụt đường thế giới vụ 2023/24(04/04/2024 9:23 SA)

Hoa Kỳ tăng nhẹ thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam(04/04/2024 9:17 SA)

Giá gạo tăng, Senegal tìm nguồn cung gạo tấm ngoài Ấn Độ(04/04/2024 9:16 SA)