75 người đang online
°

Nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam giảm nhẹ trong tháng 7/2023

Đăng ngày 18 - 09 - 2023
Lượt xem: 272
100%

Dù Việt Nam có nguồn cung lớn, nhưng mặt hàng này vẫn tăng nhập khẩu liên tiếp trong 5 tháng, và bước sang tháng 7/2023 đã có bước sụt giảm nhẹ.

 

Nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam giảm nhẹ trong tháng 7/2023

Dù Việt Nam có nguồn cung lớn, nhưng mặt hàng này vẫn tăng nhập khẩu liên tiếp trong 5 tháng, và bước sang tháng 7/2023 đã có bước sụt giảm nhẹ.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 7/2023, Việt Nam nhập khẩu 60,82 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với trị giá 124,85 triệu USD, giảm 1,1% về lượng và giảm 11,2% về trị giá so với tháng 7/2022.

Đáng chú ý, đây là tháng giảm đầu tiên sau 5 tháng liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 356,4 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 723,03 triệu USD, tăng 1,6% về lượng, nhưng giảm 8,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 7/2023, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 44 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ, Nga, Brazil, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ một số thị trường như: Nga, Ba Lan, Australia, Hà Lan, Đan Mạch… Tuy nhiên, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ một số thị trường lại sụt giảm như: Ấn Độ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức, Canada…

Trong 7 tháng đầu năm 2023, cơ cấu thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm thịt cho Việt Nam có sự thay đổi khi lượng nhập khẩu từ Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc có xu hướng giảm; trong khi nhập khẩu từ Nga, Hoa Kỳ, Ba Lan… lại có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 7/2023, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt trâu và thịt bò có xu hướng giảm; Trong khi nhập khẩu thịt heo và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2022.

 

 

Riêng với mặt hàng thịt heo, tháng 7/2023, Việt Nam nhập khẩu 13,18 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 35,37 triệu USD, tăng 31,5% về lượng và tăng 63,9% về trị giá so với tháng 7/2022, đây là tháng thứ 3 liên tiếp lượng thịt heo nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu thị heo trung bình về Việt Nam đạt 2.683 USD/tấn, tăng 24,6% so với tháng 7/2022.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 54,76 nghìn tấn, trị giá 142,61 triệu USD, giảm 1,2% về lượng, nhưng tăng 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 7/2023, Việt Nam nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 21 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Nga, Brazil, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Canada. Trừ Canada, lượng thịt heo nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, cơ cấu thị trường cung cấp thịt heo cho Việt Nam có sự thay đổi, khi tỷ trọng nhập khẩu từ Nga, Hoa Kỳ tăng; trong khi tỷ trọng nhập khẩu từ Brazil, Đức, Canada, Hà Lan lại giảm.

 

Quy định ký quỹ gây khó khăn cho ngành tôm Indonesia

Quy định mới của chính phủ Indonesia buộc các nhà xuất khẩu phải gửi một phần thu nhập vào tài khoản ngân hàng do chính phủ kiểm soát là một đòn giáng nữa đối với các nhà xuất khẩu và chế biến tôm của quốc gia này, những người đang phải chịu sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu và chi phí sản xuất và thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Quy định này yêu cầu các nhà xuất khẩu vận chuyển các sản phẩm trị giá ít nhất 250.000 USD (232.000 EUR) hàng năm phải gửi ít nhất 30% thu nhập của họ trong tối thiểu ba tháng vào tài khoản ngân hàng đặc biệt do chính phủ Indonesia kiểm soát. Sự biện minh của chính phủ cho quy định này, có hiệu lực từ ngày 1/ 8, là các nhà xuất khẩu Indonesia thường giữ lại thu nhập ngoại hối của họ ở nước ngoài để tận dụng lãi suất thuận lợi hơn và hỗ trợ các hoạt động quốc tế của họ.

Sander Visch, nhà phân tích hàng đầu tại công ty dữ liệu nghề cá và nuôi trồng thủy sản Na Uy Kontali, cho biết trong Hội nghị Thượng đỉnh Tôm 2023 diễn ra tại Việt Nam: “Mục đích của chính phủ là giữ nhiều tiền hơn trong nước để ổn định tài chính”. “Nhưng nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các nhà xuất khẩu và chế biến, nghĩa là họ sẽ rất khó mua được tôm với giá cao hơn.

Các nhà xuất khẩu tuân thủ quy định sẽ nhận được ưu đãi về thuế, nhưng những người không thực hiện đặt cọc theo yêu cầu có thể bị đình chỉ giấy phép xuất khẩu. Một nỗ lực vận động hành lang đã được thực hiện để đáp lại quy định này nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ quy định này.

Hiện tại, chính phủ  Indonesia đang tập trung vào bốn lĩnh vực là khai thác, trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản vì đây là những lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào nguồn thu ngoại tệ của quốc gia. Các nhà xuất khẩu trong các lĩnh vực nêu trên sẽ phải kiểm tra kế hoạch kinh doanh của mình và thực hiện các điều chỉnh cần thiết về quản lý dòng tiền, cùng với các vấn đề khác. Tuy nhiên, quy định khiến cho một phần thu nhập vốn được dành riêng cho hỗ trợ kinh doanh của các nhà xuất khẩu bị ký gửi trong ít nhất 3 tháng. Ngành hy vọng chính phủ sẽ ban hành thêm các quy định thực thi trong tương lai để điều chỉnh chi tiết về các ưu đãi được đưa ra theo quy định này.

Quy định này có thể đe dọa mục tiêu đầy tham vọng của Indonesia là 7,6 tỷ USD (7,1 tỷ EUR) cho xuất khẩu thủy sản và hải sản vào năm 2023.

 

Ngành mía đường Việt Nam - Nguồn cung đường tỷ lệ nghịch với nhu cầu tiêu thụ

Ngành đường nội địa kỳ vọng tăng trưởng từ giá đường thế giới cao kỷ lục và kéo dài.

Tuy nhiên, thực trạng khan hiếm nguồn cung đường tiếp tục là bài toán nan giải, đặc biệt khi dịp Lễ, Tết cuối năm đang đến gần.

Trợ lực chính đáng từ Chính phủ với ngành mía đường nội địa

Ngành mía đường nội địa vẫn đang chịu sức ép về chi phí sản xuất và giá cả nguyên vật liệu tăng cao từ khủng hoảng kinh tế vĩ mô, đường lậu, cạnh tranh vùng nguyên liệu mía với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, ngành mía đường trong nước vẫn đang được bảo hộ tốt.

Cụ thể, theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT mới đây của Bộ Công Thương sau khi rà soát lần thứ nhất về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan, Bộ Công Thương tiếp tục áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía do một số công ty Thái Lan sản xuất, xuất khẩu, thời hạn thực hiện từ 18/8/2023 đến 15/6/2026.

Các biện pháp phòng vệ thương mại, áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp một lần nữa gia tăng lợi thế cho sản phẩm đường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo kinh doanh và duy trì giá thu mua mía ổn định với người dân trồng mía ở mức tương đương các nước trong khu vực, trong khi vẫn giữ giá đường ở mức ngang bằng và thấp hơn so với các nước lân cận (Philippine, Indonesia và Trung Quốc). Điều này đã giúp nông dân an tâm phát triển vùng nguyên liệu và hạn chế tình trạng mất giá sau vụ thu hoạch.

Nguồn cung đường sản xuất tỉ lệ nghịch với nhu cầu tiêu thụ

Sau niên vụ 2022-2023, tổng sản lượng đường sản xuất cả nước chỉ đạt 871.000 tấn. Số liệu dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy lượng đường tiêu thụ tại Việt Nam năm 2023 ước 2,389 triệu tấn. Như vậy, lượng đường sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 36.4% nhu cầu trong nước. Song song đó, dự báo lượng đường nhập khẩu chính ngạch của Việt Nam năm 2023 cũng chỉ khoảng 319.070 tấn, trong đó nhập khẩu đường trắng, đường thô ngoài hạn ngạch thuế quan của Việt Nam là 200.000 tấn. Đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan Việt Nam cam kết WTO dự kiến 119.000 tấn.

Đứng trước mối lo ngại khủng hoảng nguồn cung đường, Văn phòng chính phủ mới đây đã có công văn hỏa tốc về kiến nghị nhập khẩu thêm 600.000 tấn đường. Theo công văn Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (LTTP), đường là một trong những hàng hóa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của làn sóng bảo hộ LTTP với các quyết định hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ, Brazil… dẫn đến thiếu hụt đường dự trữ trên toàn cầu, cùng với niên vụ sản xuất mía đường nội địa đã hết trong khi nhu cầu dự kiến tiếp tục tăng cao. Đặc biệt là khi ngành sản xuất thực phẩm đang chuẩn bị cho mùa cao điểm như Tết Trung thu và Tết Nguyên đán, với nhu cầu tăng từ 20-30%. Các doanh nghiệp thực phẩm và ngành nước giải khát phải đối mặt với áp lực thiếu nguồn cung đường sản xuất nội địa, khi tổng lượng đường trong nước và đường dự kiến nhập khẩu chính ngạch chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ năm 2023.

Tự chủ nguồn cung vẫn là chìa khoá duy trì nội lực

Trong những năm vừa qua, nguồn nguyên liệu mía phục vụ sản xuất của các nhà máy sản xuất đường Việt Nam đã và đang có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng. Lý do chính xuất phát từ việc phải chịu tác động kép từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh COVID-19, hạn hán, bão lũ, bên cạnh đó là sức ép từ đường nhập lậu, và cây mía phải cạnh tranh với cây trồng khác.

Sự hồi phục của ngành đường nội địa đang được kỳ vọng tiến triển tích cực sau quyết định tiếp tục áp thuế phòng vệ thương mại từ Bộ Công Thương đến năm 2026, giúp các nhà máy đường trong nước có cơ hội cạnh tranh tốt hơn trong thời gian tới. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong nước, lợi ích của người tiêu dùng và người nông dân trồng mía.

Tuy nhiên, có thể thấy việc hưởng lợi từ giá đường tăng cũng như các lợi thế về thuế nhập khẩu, thuế phòng vệ thương mại chỉ là giải pháp ngắn hạn. Trong tương lai, bài toán ổn định cung cầu và triển vọng của ngành phụ thuộc vào việc bổ sung hạn ngạch nhập khẩu đường một cách hợp lý. Thực tế, việc nhập khẩu đường thô chỉ nhằm đảm bảo nguồn cung thiếu hụt trong nước, không gây ảnh hưởng đến thị phần sản xuất nội địa. Việc này giúp đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất các sản phẩm chất lượng và đa dạng, phục vụ người tiêu dùng trong thời kỳ khan hiếm nguyên liệu.

Nhìn chung, việc hỗ trợ ngành đường mía đang đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định giá và cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm. Sự phối hợp giữa Chính phủ, phát triển vùng nguyên liệu tự chủ từ doanh nghiệp và sự cộng tác của người nông dân là chìa khóa để đảm bảo ngành đường phát triển bền vững và đối phó với các tác động khách quan từ thị trường.

 TT TT Cn & TM

Tin liên quan

Brazil là thị trường cung cấp ngô nhiều nhất cho Việt Nam(02/05/2024 10:47 SA)

Lưu ý khi xuất khẩu dưa hấu sang thị trường Trung Quốc(02/05/2024 10:39 SA)

Thông báo về việc hỗ trợ xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh tại khu...(11/04/2024 2:19 CH)

ISO nâng gấp đôi dự báo về mức thiếu hụt đường thế giới vụ 2023/24(04/04/2024 9:23 SA)

Hoa Kỳ tăng nhẹ thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam(04/04/2024 9:17 SA)

Tin mới nhất

Brazil là thị trường cung cấp ngô nhiều nhất cho Việt Nam(02/05/2024 10:47 SA)

Lưu ý khi xuất khẩu dưa hấu sang thị trường Trung Quốc(02/05/2024 10:39 SA)

Thông báo về việc hỗ trợ xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh tại khu...(11/04/2024 2:19 CH)

ISO nâng gấp đôi dự báo về mức thiếu hụt đường thế giới vụ 2023/24(04/04/2024 9:23 SA)

Hoa Kỳ tăng nhẹ thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam(04/04/2024 9:17 SA)