39 người đang online
°

Ngành chăn nuôi và triển vọng khởi sắc sau 3 năm dịch bệnh

Đăng ngày 27 - 03 - 2023
Lượt xem: 182
100%

Tổng cục Hải quan, trong tháng 02/2023, Việt Nam nhập khẩu gần 368 triệu USD giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng hơn 33,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối lượng nhập khẩu lúa mì và ngô đều tăng mạnh và lần lượt cao hơn 55,6% và 25,8% so với năm 2022. Ngành chăn nuôi nước ta vẫn đang phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

 

Ngành chăn nuôi và triển vọng khởi sắc sau 3 năm dịch bệnh

Bài toán chi phí đã luôn là gánh nặng đôi với ngành chăn nuôi nước ta, đặc biệt là kể từ sau đại dịch Covid-19. Giá nguyên liệu nhập khẩu tăng phi mã đã đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi trong gần 3 năm qua. Tuy nhiên, diễn biến thị trường nông sản thế giới gần đây đang mang lại những tín hiệu khả quan hơn.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 02/2023, Việt Nam nhập khẩu gần 368 triệu USD giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng hơn 33,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối lượng nhập khẩu lúa mì và ngô đều tăng mạnh và lần lượt cao hơn 55,6% và 25,8% so với năm 2022. Ngành chăn nuôi nước ta vẫn đang phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, giá lúa mì Chicago lao dốc mạnh và đã quay trở lại mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Giá ngô cũng đang ở trong đà giảm mạnh hơn 1 tháng qua và đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/03 ở mức 249 USD/tấn. Khác với những đợt hạ nhiệt trước đó, bối cảnh nguồn cung hiện tại là cơ sở vững chắc cho xu hướng giảm giá của các mặt hàng nông sản và là tín hiệu cho khởi đầu mới của ngành chăn nuôi.

 
 

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen tiếp tục được gia hạn

Căng thẳng chính trị ở Biển Đen từng là nguyên nhân đóng góp vào đà tăng của giá nông sản trong nửa đầu năm ngoái. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa hai nước được thiết lập đã nối lại con đường vận chuyển nông sản từ Biển Đen ra thị trường quốc tế. Bất chấp những trở ngại khi Nga đưa ra cảnh cáo về khả năng gia hạn, vào ngày 19/03 vừa qua, thỏa thuận trên được thống nhất sẽ kéo dài thêm ít nhất 60 ngày.

Trước khi chiến tranh xảy ra dẫn tới đóng băng con đường vận chuyển, Nga và Ukraine chiếm khoảng 1/3 khối lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Theo Liên hợp quốc, cho đến nay, Ukraine đã xuất khẩu gần 25 triệu tấn ngô và lúa mì chủ yếu nhờ thỏa thuận. Những lo ngại về nguồn cung ở Biển Đen gần như được xoá bỏ đã khiến giá lúa mì hiện đã giảm về dưới vùng trước chiến tranh. Công ty tư vấn nông nghiệp IKAR cho biết, giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein từ Biển Đen của Nga đã giảm tới 13 USD/tấn trong tuần vừa rồi, xuống còn 277 USD/tấn. Bên cạnh việc thoả thuận được gia hạn, lúa mì từ Nga cũng phải chịu sức ép cạnh tranh bởi các nhà cung cấp lớn khác, trong đó có Ukraine.

 
 

Triển vọng nguồn cung dịch chuyển theo hướng nới lỏng

Mùa vụ ngô ở Argentina và Brazil là 2 yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất tới triển vọng nguồn cung trong giai đoạn này. Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cuối tuần trước đã hạ dự báo sản lượng ngô niên vụ 2022/23 của Argentina xuống mức 36 triệu tấn, từ mức 37,5 triệu tấn dự báo trước đó. Đây là mức sản lượng ngô thấp nhất của nước này trong vòng 7 năm với năng suất dự kiến là mức thấp nhất kể từ niên vụ 2000/01. Hạn hán chưa từng có tại Argentina đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, tình hình sẽ được cải thiện từ tuần này khi những cơn mưa dự kiến sẽ xuất hiện đều đặn hơn tại các khu vực sản xuất chính của Argentina. Các chuyên gia khí tượng học cho biết sự xuất hiện của những cơn mưa sẽ đánh dấu sự khởi đầu của quá trình bình thường hóa khí hậu ở khu vực Nam Mỹ, khi mà La Nina khiến hạn hán kéo dài từ tháng 05 năm 2022. Với lượng mưa lớn dự kiến sẽ mở rộng trong nửa cuối tháng 3, đây sẽ là tin tốt đối với ngô trồng muộn của Argentina.

Trong khi đó, tại Brazil, hoạt động gieo trồng ngô vụ 2, mặc dù tiến độ chậm trễ nhưng lại đang được ủng hộ bởi thời tiết khá thuận lợi. Tiến độ đã đạt mức 81%, thấp hơn so với mức 94% một năm trước. Tại Brazil, ngô vụ 2 được gieo trồng sau khi đậu tương được thu hoạch và ở cùng khu vực. Loại ngô này chiếm khoảng 75% tổng sản lượng ngô trong một năm nhất định tại quốc gia Nam Mỹ. Nếu như không gặp phải các khung thời tiết cực đoan thì dự kiến sản lượng ngô của Brazil năm nay sẽ đạt mức kỷ lục 125 triệu tấn.

 
 

Lo ngại về thiệt hại đối với nguồn cung ở Argentina phần nào được xóa đi cũng kéo theo đà giảm của giá do đây là yếu tố hỗ trợ mạnh nhất với thị trường ngô kể từ cuối năm ngoái. Bên cạnh đó, vụ ngô chính phục vụ cho mục đích xuất khẩu của Brazil cũng đang trong giai đoạn phát triển thuận lợi. Theo ông Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, chưa xét tới nhu cầu, triển vọng nguồn cung đang có sự dịch chuyển theo hướng nới lỏng hơn sẽ đẩy giá nông sản tiếp tục mở rộng đà giảm.

Doanh nghiệp chăn nuôi trong nước có thể giảm bớt gánh nặng chi phí

Không chỉ riêng giá nông sản thế giới, sự sụp đổ của hai ngân hàng tại Mỹ cũng gây ra hàng loạt biến động trên các thị trường tài chính từ việc lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ lao dốc đến giá dầu thô giảm mạnh. Lo ngại về nguy cơ suy thoái nền kinh tế cũng sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu nông sản làm nguyên liệu trong ngành chăn nuôi toàn cầu.

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng mức lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này, bước đi được coi là hợp lý và không nằm ngoài dự kiến. Trong tuyên bố sau cuộc họp, Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đưa ra tín hiệu cho thấy Fed có thể sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn khi cụm từ “tiếp tục tăng lãi suất” đã không còn được sử dụng như trong tuyên bố của các lần họp trước.

Tuy nhiên, Fed cũng đưa ra các triển vọng kinh tế kém tích cực hơn, làm dấy lên lo ngại về một cuộc “hạ cánh mềm” sẽ khó có thể xảy ra. Theo Reuters, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo một siêu chu kỳ hàng hoá sắp diễn ra do Trung Quốc thúc đẩy việc nhập khẩu và dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường rủi ro do những lo ngại về sự sụp đổ của các ngân hàng. Điều này đặt ra câu hỏi liệu rằng giá các mặt hàng nông sản có một lần nữa tăng vọt như năm 2020 hay không?

Theo số liệu từ MXV, chỉ trong 1 tuần vừa qua, Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh nhập khẩu ngô từ Mỹ khi các đơn bán hàng lớn trong ngày (Daily Export Sales) liên tục được báo cáo bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Ông Phạm Quang Anh cho biết, hoạt động mua hàng từ Mỹ của Trung Quốc xuất phát từ lo ngại nguồn cung sẵn có hạn chế trong ngắn hạn. Khác với giai đoạn kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế hiện đang đứng trước nguy cơ lạm phát, tăng trưởng chậm do lãi suất tăng cao và điều kiện tín dụng thắt chặt. Chính vì thế nên giá nông sản nhiều khả năng sẽ thiếu động lực trở lại đà tăng mạnh như giai đoạn trước. Do đó, các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước có thể sẽ được giảm bớt gánh nặng về chi phí nguyên liệu nhập khẩu ít nhất là cho tới hết quý II năm nay. 

 

ISMA: Sản lượng đường của Ấn Độ giảm 1% trong niên vụ 2022/23

Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) cho biết, các nhà máy đã sản xuất được 28,2 triệu tấn đường kể từ đầu mùa vụ đến nay (01/10), giảm 1% so với cùng kỳ vụ trước.

Việc sản lượng đường thấp hơn từ Ấn Độ, nhà sản xuất chất tạo ngọt lớn nhất thế giới, sẽ khó để tạo ra bất kỳ thặng dư nào cho xuất khẩu bổ sung trong niên vụ hiện tại.

Chính phủ nước này cho phép các nhà máy chỉ được xuất khẩu 6,1 triệu tấn đường trong niên vụ 2022/23, nhưng chính quyền của Thủ tưởng Narendra Modi dự kiến sẽ cho phép xuất khẩu đợt thứ hai.

Hồi đầu tháng giêng năm nay, một quan chức trong ngành cho biết đã có đề xuất phân bổ hạn ngạch xuất khẩu bổ sung khoảng 400.000 tấn cho các nhà máy đường đang sản xuất ethanol trực tiếp từ nước mía. Nhưng đề xuất này không được phê duyệt vi chính phủ muốn xem số lượng sản xuất thực tế trước khi đưa ra quyết định.

Trong niên vụ 2021/22 trước đó, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 11,2 triệu tấn đường. Do vậy, việc nước này vắng mặt trên thị trường có thể khiến nâng giá đường toàn cầu và các đối thủ Brazil, Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu.

Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu đường sang các nước Indonesia, Bangladesh, Malaysia, Sudan, Somalia và UAE.

Cuối tháng 1/2023, ISMA đã cắt giảm 7% ước tính sản lượng niên vụ 2022/23 xuống còn 34 triệu tấn, giảm so với dự báo trước đó là 36,5 triệu tấn. Vụ trước, các nhà máy Ấn Độ đã sản xuất kỷ lục 35,8 triệu tấn đường.

Điều kiện thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến vụ mía ở bang miền Tây Maharashtra, bang sản xuất lớn nhất của đất nước, làm giảm năng suất vụ hiện tại xuống 12,1 triệu tấn (so với mức 13,7 triệu tấn vụ trước).

ISMA cho biết, sản lượng của bang lân cận phía nam Karnataka có thể giảm xuống 5,6 triệu tấn (so với 6 triệu tấn của vụ trước).

Reuters là đơn vị đầu tiên đưa tin hồi tháng 12 về khả năng giảm sản lượng.

Cũng theo ISMA, cho đến nay, đã có 194 nhà máy đường đóng cửa hoạt động trong vụ 2022/23, so với 78 nhà máy trong cùng kỳ vụ trước, phản ảnh nguồn cung đường thấp hơn.

Hồi cuối tháng 2/2023, hơn 20 nhà máy ở Maharashtra đã ngừng ép mía, sớm hơn gần 2 tháng so với năm ngoái do thời tiết bất lợi.

 

Ấn Độ có thể xuất khẩu nhiều đường hơn trong niên vụ 2022/23

Ấn Độ có thể xuất khẩu thêm 1 triệu tấn đường trong niên vụ 2022/23, nếu sản lượng đạt mức cao hơn so với ước tính hiện tại.

Bên lề Hội nghị Đường Dubai, Avantika Saraogi của Balrampur Chini Mills có trụ sở tại Kolkata cho biết, sản lượng đường của Ấn Độ hiện tại ước đạt 33,5 triệu - 34,5 triệu tấn.

Tính đến nay, Ấn Độ chỉ xuất khẩu được 6,1 triệu tấn đường trong niên vụ 2022/23, giảm mạnh so với mức xuất khẩu kỷ lục 11 triệu tấn của niên vụ trước. Chính phủ và các quan chức đầu ngành đã hạ triển vọng xuất khẩu do sản lượng đường dự kiến giảm, đặc biệt là ở bang sản xuất chính Maharashtra,

Avantika Saraogi cho biết, nếu sản lượng vụ hiện tại vượt quá 34 triệu tấn và chính phủ nước này thấy đủ lượng dự trữ trong tháng 4, thì có thể sẽ phê duyệt tăng thêm 1 triệu tấn đường xuất khẩu.

Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) đã cắt giảm dự báo hồi cuối tháng 1 xuống còn 34 triệu tấn cho niên vụ 2022/23 kết thúc vào tháng 9 tới, trong khi đầu tuần tháng 3/2023, Hiệp hội thương mại đường toàn Ấn Độ (AISTA) cho biết nước này có khả năng chỉ sản xuất 33,5 triệu tấn.

Ngược lại, Saraogi cho biết Balrampur Chini Mills dự kiến sẽ báo cáo sản lượng đường tăng 15% trong niên vụ 2022/23 sau một vụ mùa thuận lợi hơn trong năm nay. Công ty này hiện đang chuyển 20% sản lượng sucrose sang sản xuất ethanol sau khi tăng gấp đôi công suất trong năm qua.

Ấn Độ đã đặt mục tiêu pha trộn 20% ethanol trong xăng vào năm 2025, tăng từ mức khoảng 10% hiện nay, nhằm tiết kiệm ngoại hối, cắt giảm lượng khí thải carbon và cải thiện chất lượng không khí.

Theo Rahil Shaikh - Phó Chủ tịch AISTA, khoảng 4,5 triệu tấn sucrose hiện đang được chuyển sang sản xuất ethanol, cùng với việc chính phủ ưu tiên ethanol và thị trường đường trong nước hơn xuất khẩu.

Sonjoy Mohanty, Tổng giám đốc của ISMA, cho biết việc chuyển đổi ethanol đang gia tăng nhanh chóng và sẽ đạt được mục tiêu pha trộn 20% vào năm 2025/26.

 

Dự báo sản lượng đường của Trung Quốc ở mức thấp nhất 6 năm do hạn hán

Sản lượng đường tại khu vực trồng hàng đầu Trung Quốc được dự báo sẽ ở mức thấp nhất trong 6 năm do hạn hán ở Tây Nam. Khu vực này bị hạn hán từ nửa cuối năm 2022, khiến 76% diện tích trồng mía bị ảnh hưởng (tính đến tháng 11/2022).

Green Pool dự báo sản lượng đường ở khu vực Tây Nam Trung Quốc trong niên vụ 2022/23 sẽ giảm 12% so với vụ trước xuống còn 5,4 triệu tấn, và là mức thấp nhất kể từ niên vụ 2016/17 (5,3 triệu tấn). Điều này cho thấy nguồn cung mía đang dần cạn kiệt. Nông dân địa phương cho rằng, một số mía thu hoạch vào cuối mùa đã bị thiệt hại đáng kể do hạn hán.

Tính chung sản lượng đường cả nước sẽ chỉ đạt 9,17 triệu tấn, giảm so với ước tính 9,52 triệu tấn trước đó.

Tuần đầu tháng 3/2023, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng giảm dự báo sản lượng mía của nước này xuống 9,3 triệu tấn, mất 7,2%. Việc cắt giảm này do dự đoán sản lượng thấp hơn tại các nhà sản xuất lớn Thái Lan và Ấn Độ, đẩy giá đường toàn cầu lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Trung Quốc là nước tiêu thụ đường lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ và phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu khoảng 15 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, giá đường toàn cầu cao khiến nhu cầu nhập khẩu bị sụt giảm.

Ngược lại, sản xuất đường của Mỹ tăng trở lại. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã tăng ước tính sản lượng đường củ cải trong báo cáo cung và cầu hàng tháng lên 5,16 triệu tấn ngắn (ST) từ 5,1 triệu ST vào tháng trước. USDA cũng hạ dự báo sản lượng đường của Mexico giảm 415.000 tấn, xuống còn 5,48 triệu tấn. Theo đó, xuất khẩu đường của Mexico đến Mỹ trong niên vụ 2022/23 đã giảm từ mức 1,47 triệu ST xuống còn 1,3 triệu ST hồi tháng trước.

Datagro dự đoán cân bằng nguồn cung đường toàn cầu niên vụ 2023/24 bị thâm hụt 1,3 triệu tấn. Sản lượng đường vụ 2023/24 tại khu vực Trung Nam Brazil ước đạt 38,3 triệu tấn, tăng so với mức 38 triệu tấn ước tính trước đó; sản lượng ethanol ước đạt 30,96 tỷ lít, tăng so với mức 29,22 tỷ lít vụ 2022/23. Các nhà máy ở khu vực này dự kiến phân phối 48% mía cho sản xuất đường trong niên vụ 2023/24 so với mức 45,6% hồi vụ trước. TT TT CN &TM

Tin liên quan

Tiêu thụ thịt lợn của Đức năm 2023 giảm(08/03/2024 10:19 SA)

Sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 dự kiến đạt mức kỷ lục 2.836 triệu tấn(08/03/2024 10:17 SA)

Dự báo xuất khẩu thủy sản phục hồi nhẹ vào đầu năm 2024(22/01/2024 8:30 SA)

Sản lượng và xuất khẩu thịt gà, thịt lợn của Brazil năm 2023 và dự báo năm 2024(22/01/2024 8:24 SA)

Thị trường cung cấp lúa mì cho Việt Nam 11 tháng năm 2023(11/01/2024 9:57 SA)

Tin mới nhất

Tiêu thụ thịt lợn của Đức năm 2023 giảm(08/03/2024 10:19 SA)

Sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 dự kiến đạt mức kỷ lục 2.836 triệu tấn(08/03/2024 10:17 SA)

Dự báo xuất khẩu thủy sản phục hồi nhẹ vào đầu năm 2024(22/01/2024 8:30 SA)

Sản lượng và xuất khẩu thịt gà, thịt lợn của Brazil năm 2023 và dự báo năm 2024(22/01/2024 8:24 SA)

Thị trường cung cấp lúa mì cho Việt Nam 11 tháng năm 2023(11/01/2024 9:57 SA)