50 người đang online
°

Ấn Độ tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo đến năm 2024

Đăng ngày 11 - 01 - 2024
Lượt xem: 37
100%

Chuyên gia kinh tế của Nomura Holdings cho biết chừng nào giá gạo ở Ấn Độ còn đối mặt với sức ép tăng cao, nước này sẽ tiếp tục duy trì những biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo.

 

 

Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, dự kiến sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2024. Động thái này có thể giữ giá gạo ở mức gần mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008.

Giá thấp hơn và lượng hàng dự trữ dồi dào đã giúp Ấn Độ trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu trên toàn cầu trong thập niên qua và gần đây chiếm gần 40% tổng lượng hàng.

Các quốc gia châu Phi như Benin và Senegal nằm trong số những khách hàng mua nhiều nhất.

Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi đã nhiều lần thắt chặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu nhằm kiềm chế giá gạo trong nước tăng và bảo vệ người tiêu dùng Ấn Độ.

Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Ấn Độ và châu Á, không bao gồm Nhật Bản, tại Nomura Holdings Inc., ông Sonal Varma, cho biết chừng nào giá gạo trong nước còn phải đối mặt với sức ép tăng cao, thì những hạn chế xuất khẩu gạo có thể sẽ tiếp tục được duy trì.

Thậm chí ngay cả sau cuộc bầu cử, nếu giá gạo trong nước không ổn định, các biện pháp đó có thể được gia hạn.

Ấn Độ đã áp đặt thuế xuất khẩu và mức giá tối thiểu, đồng thời cấm xuất khẩu các loại gạo trắng không thuộc loại basmati. Giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm trong tháng 8/2023.

Các khách mua từ một số quốc gia nhập khẩu dễ bị tổn thương nhất đã hạn chế mua hàng, còn một số nước tìm kiếm thỏa thuận miễn trừ.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá gạo trong tháng 10/2023 vẫn cao hơn 24% so với một năm trước.

Chủ tịch Hiệp hội các Nhà Xuất khẩu Gạo, ông B.V. Krishna Rao, cho biết chính quyền Thủ tướng Modi muốn đảm bảo có đủ nguồn cung trong nước và giảm bớt tình trạng tăng giá.

Theo ông, chính phủ có thể sẽ giữ nguyên các hạn chế xuất khẩu cho đến cuộc bỏ phiếu vào năm 2024.

Sự xuất hiện của hiện tượng thời tiết El Nino có thể làm thắt chặt hơn nữa thị trường gạo toàn cầu, vào thời điểm lượng hàng tồn kho thế giới đang hướng tới năm giảm thứ ba liên tiếp.

Chính phủ Thái Lan cho biết sản lượng lúa gạo của nước xuất khẩu lớn thứ hai có thể giảm 6% trong niên vụ 2023-2024 do thời tiết khô hạn.

Thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ở Washington, ông Joseph Glauber, cho biết Ấn Độ để lại “một lỗ hổng lớn cần lấp đầy.”

Một công ty xuất khẩu gạo có trụ sở tại Mumbai cho biết, nguồn cung từ vụ thu hoạch mới ở các bang miền Bắc Ấn Độ đang đổ về, qua đó kéo giá gạo đi xuống.

Nỗi lo về mùa màng ở Ấn Độ cũng khiến các nhà hoạch định chính sách thận trọng hơn. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp, vụ gieo trồng mùa Hè có thể giảm gần 4% so với năm trước do mưa rải rác.

Việc đảm bảo nguồn cung có sẵn để hỗ trợ chương trình thực phẩm miễn phí của đất nước, mang lại lợi ích cho hơn 800 triệu người dân, là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Ông Modi cho biết chương trình này sẽ được kéo dài thêm 5 năm.

Thông báo trên được đưa ra chỉ vài ngày trước chuỗi 5 cuộc bầu cử cấp bang và được xem là thông báo quan trọng trong bối cảnh chi phí thực phẩm tiếp tục tăng.

Giá gạo bán lẻ tại New Delhi tăng 18% so với một năm trước đó, trong khi giá lúa mỳ cao hơn 11%.

Người phát ngôn của Bộ Lương thực và thương mại cho biết chính phủ đang liên tục theo dõi giá lương thực và đưa ra quyết định phù hợp về xuất khẩu vào đúng thời điểm, cũng như lưu ý đến lợi ích của người tiêu dùng và của người nông dân.

 

Thỏa thuận xanh EU tác động tới xuất khẩu của Việt Nam như thế nào?

Thỏa thuận xanh châu Âu (The European Green Deal – EGD) là Chương trình tổng thể và dài hạn của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050.

Thỏa thuận được thông qua ngày 15/1/2020, EGD định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu phát thái ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050.

Trong tổng thể, các chính sách xanh của EU ( gồm Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản chính sách, pháp luật cụ thể) được triển khai trên 09 lĩnh vực chính, đặt ra nhiều tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu xanh mới và hoặc nâng cấp từ các quy định hiện hành, có tác động trực tiếp/ hoặc gián tiếp tới nhiều nhóm chủ thể trong các hoạt động liên quan.

Tuy là gói chính sách nội bộ của EU, các chính sách áp dụng cho hàng hóa giao dịch, sử dụng, tiêu dùng, thải bỏ tại EU, tức là sẽ ảnh hưởng đến những hàng hóa nhập khẩu vào EU (trong đó có hàng Việt Nam).

04 chính sách xanh EU sẽ có tác động tới xuất khẩu Việt Nam

1- Chiến lược “Từ trang trại tới bàn ăn”

Với những mục tiêu đến năm 2030, áp dụng đối với nhóm nông sản, thực phẩm, thủy sản như:

- Giảm 50% lượng sử dụng hóa chất trừ sâu

- Giảm 50% lượng sử dụng thuốc trừ sâu nguy hiểm

- Giảm ít nhất 20% lượng sử dụng phân bón

- Giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho vật nuôi và nuôi trồng thủy sản

2- Kế hoạch hoạt động Kinh tế tuần hoàn: gồm 35 hành động trong 07 chuỗi sản phẩm như: Điện tử và công nghệ thông tin, bao bì đóng gói, nhựa, dệt may

3- Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới: áp dụng với sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và Hyro. Việt Nam thì hiện đang xuất khẩu sắt thep, nhôm, là lượng nhỏ xi măng vào thị trường EU.

4- Chiến lược đa dạng sinh học EU: với quy định về chống phá rừng (EUDR) áp dụng cho các mặt hàng như gia súc, ca cao, cà phê, cao su, dầu cọ, đỗ tương, gỗ và các sản phẩm được tạo ra từ những mặt hàng này (da, socola, đồ nội thất,…)

Các chính sách xanh nói trên của EU ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam theo các cách thức khác nhau, phổ biến nhất là làm gia tăng tiêu chuẩn “xanh bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu. Từ góc độ thị trường, đây là cách thức tốt nhất để doanh nghiệp có thể đi trước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang tăng mạnh tại khu vực này.

Dưới đây là một số gợi ý giúp cho doanh nghiệp Việt Nam tránh việc bị động khi tiếp cận thị trường EU như:

- Cập nhật các thông tin mới nhất liên quan đến chính sách xanh ở EU

- Nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình

- Có sự chuẩn bị, đầu tư, và hành động sớm để dần thích ứng và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi Eu áp dụng chính thức

 

Đề xuất sửa đổi một số mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Ngày 21/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2023, trong đó, giao Bộ Tài chính: "... tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội rà soát trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước". Đồng thời, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của các bộ, ngành và Hiệp hội về việc sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng.

Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ, để kịp thời đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và phòng chống gian lận thương mại trong phân loại, áp mã, trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát các mức thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước.

Kết quả rà soát có 02 nhóm vấn đề như sau:

Nhóm 1: Là các mặt hàng xem xét điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, tạo thuận lợi thương mại, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, phòng chống gian lận trong phân loại, áp mã.

- Nhóm 2: Là các mặt hàng đề xuất chưa điều chỉnh do mức thuế suất hiện hành đã đảm bảo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.

Theo đó, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm để tăng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; góp phần ổn định thị trường, nhất là đối với sản phẩm trong nước đã sản xuất được và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.

Đối với kiến nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (mặt hàng khô dầu đậu tương), Bộ Tài chính cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Bộ Công an và một số Hiệp hội kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi) của mặt hàng khô dầu đậu tương từ 2% xuống 0%.

Về vấn đề này, theo Bộ Tài chính, hiện nay, cơ bản mức thuế suất MFN các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đều đã ở mức rất thấp, để bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp với khả năng đáp ứng thị trường trong nước. Đối với mặt hàng khô đậu tương, đã sản xuất được 35% nhu cầu trong nước và nhập khẩu 65% nên mức thuế suất MFN đối với mặt hàng này là 2% (so với mức cam kết trần WTO 5%) như hiện hành là phù hợp, đảm bảo nguyên tắc ban hành Biểu thuế, thuế suất, khuyến khích ngành chăn nuôi chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu.

Mặt hàng khô dầu dậu tương là một trong những nguyên liệu quan trọng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong nước cũng đã sản xuất được một phần (như một số nhà máy ép dầu ăn sản xuất). Việc điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN có thể dẫn đến giảm nhu cầu, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và tăng sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, qua đó tác động trực tiếp tới hoạt động chăn nuôi của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 02 phương án như sau:

Phương án 1: Giữ nguyên mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu đậu tương như hiện hành.

Phương án 2: Điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu dậu tương từ 2% xuống 1% (thay cho phương án giảm xuống 0% như đề xuất của Bộ NNPTNT và một số Hiệp hội).

 

Thông báo 468/TB-VPCP về việc tháo gỡ trong lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp

Ngày 14/11/2023 Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 468/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một số nhiệm vụ cấp bách, khó khăn cần tháo gỡ trong lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan có liên quan và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 4/11/2023 về tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của EC và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện chống khai thác IUU tại địa phương.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, làm việc trực tiếp với Bộ Tư pháp thống nhất phương án sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ theo khuyến nghị của EC để sớm trình Chính phủ ban hành, hoàn thành trước ngày 30/11/2023.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, đàm phán với EC theo hướng không đưa quy định kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu bằng tàu Container đối với cá ngừ vây ngực dài, hoàn thành trước ngày 30/11/2023.

Đồng thời, khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 để hướng dẫn địa phương xử lý dứt điểm đối với nhóm tàu cá "03 không", hoàn thành, ban hành trước ngày 31/1/2024.

Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công tác thực thi pháp luật và xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và mất kết nối VMS, đặc biệt tập trung tại các tỉnh trọng điểm có nhiều tàu cá vi phạm như: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Định, Khánh Hòa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/1/2024.

Tham mưu, tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về IUU với các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan để tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU trong tuần đầu tháng 12/2023.

Thực hiện cao điểm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và có giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ nay đến tháng 4/2024 (thời điểm EC sang thanh tra thực tế lần thứ 5).

Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ưu tiên, tăng cường lực lượng tại các đồn, trạm biên phòng ven biển để kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến; có giải pháp tuyên truyền, vận động, ngăn chặn xử lý ngay từ bờ các tàu cá và ngư dân có nguy cơ vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, có phương án kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm;

Đưa ra truy tố các vụ việc môi giới đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp

Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cấp bách từ nay đến tháng 4/2024.

Xử lý dứt điểm đối với nhóm tàu cá "03 không"

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp quản lý chặt chẽ và xử lý dứt điểm đối với nhóm tàu cá "03 không", đảm bảo không vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp.

 

Đề xuất chưa điều chỉnh thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Hiệp hội kiến nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với một số loại phân bón

Về kiến nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với một số loại phân bón, Bộ Tài chính cho biết, Hiệp hội Phân bón Việt Nam (sau đây gọi là Hiệp hội) tổng hợp kiến nghị của một số doanh nghiệp thành viên về thuế suất thuế xuất khẩu một số loại phân bón như sau:

(i) Kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu phân bón supe lân (SSP) (thuộc nhóm 31.03) là 0% do: năng lực sản xuất dư thừa, cần phải có đầu ra xuất khẩu để các doanh nghiệp sản xuất SSP tồn tại để phục vụ sản xuất trong nước; Supe lân là mặt hàng được khuyến khích xuất khẩu; và việc bị áp thuế xuất khẩu 5% theo quy định tại Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 thì có thể dẫn đến việc cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc khiến sản phẩm supe lân của Việt Nam kém lợi thế khi xuất khẩu.

(ii) Kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu phân bón urê (thuộc nhóm 31.02) là 5% do: năng lực sản xuất dư thừa; áp lực cạnh tranh do Brunei gia nhập thị trường phân bón.

(iii) Kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu phân bón kali sulphate (K2SO4, tên thương mại SOP) (thuộc nhóm 31,04) là 0%: Lý do là hiện tại, ở Việt Nam, Công ty SOP Phú Mỹ là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam và thứ hai tại Đông Nam Á sản xuất kali sulphate, cung ứng khoảng 60% cho thị trường trong nước. Nguyên liệu để sản xuất SOP là kali clorua và axit sunphuric hoàn toàn nhập khẩu.

Chưa điều chỉnh thuế để ổn định thị trường phân bón

Về kiến nghị của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tại Tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính báo cáo như sau: Trước bối cảnh diễn biến tình hình thị trường phân bón có nhiều biến động, giá các loại phân bón trên thị trường liên tục tăng cao, trên cơ sở đề xuất của một số cơ quan, đơn vị và để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện, tại Nghị định số 26/2023/NĐ-CP quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phân Urê, DAP, MAP là 5%.

Việc giữ mức thuế xuất khẩu cao hơn 0% đối với mặt hàng phân bón sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, ổn định thị trường phân bón trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao.

Về cơ bản, trước khi Nghị định số 26/2023/NĐ-CP có hiệu lực, các mặt hàng phân bón được điều chỉnh phần lớn chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5% khi tính toán và áp thuế dựa theo tỷ lệ 51% (ví dụ như phân urea, phân lân); riêng đối với phân DAP trước đây chịu thuế xuất khẩu là 0% (do tỷ lệ tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng nhỏ hơn 51%), sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 60%, phần còn lại phải nhập khẩu từ bên ngoài nên việc áp dụng thuế xuất khẩu 5% tại Nghị định 26/2023/NĐ-CP cũng là phù hợp để góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, ổn định thị trường phân bón.

Ngoài ra, việc quy định mức thuế suất cụ thể theo từng mã hàng thay cho quy định thuế suất dựa theo tỷ lệ tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng như hiện nay cũng góp phần làm giảm thủ tục hành chính cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp, giảm chi phí tài chính do việc phải thực hiện xác định tỷ lệ này trong giá thành sản phẩm, đảm bảo nguyên tắc ban hành biểu thuế được nêu tại khoản 4 Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Theo quy định trước đây, việc tính toán tỷ lệ này đã làm phát sinh chi phí cho việc phải theo dõi kê khai các chi phí liên quan, kiểm tra chứng từ sổ sách, nhất là khi các chi phí thường xuyên thay đổi theo thị trường. Cùng một loại phân bón xuất khẩu nhưng việc áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu lại phụ thuộc theo thời điểm xuất khẩu, giá xuất khẩu.

Quy định về chính sách thuế được ban hành cần có tính ổn định lâu dài. Việc sửa đổi quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón tại Nghị định số 26/2023/NĐ-CP nhằm góp phần giữ lại nguồn phân bón cho ngành công nghiệp trong nước, bảo vệ nguồn tài nguyên.

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ chưa điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón mà thực hiện theo quy định hiện hành.

 TT TT Cn & TM

Tin liên quan

Thị trường xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2024(02/05/2024 10:35 SA)

Chính sách tiền tệ mới của Ai Cập tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam(04/04/2024 9:23 SA)

Vụ mía đường của Ấn Độ và Thái Lan có triển vọng tốt hơn dự kiến(04/04/2024 9:22 SA)

Thị trường cung cấp lúa mì cho Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024(04/04/2024 9:08 SA)

Tiêu thụ thịt lợn của Đức năm 2023 giảm(08/03/2024 10:19 SA)

Tin mới nhất

Thị trường xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2024(02/05/2024 10:35 SA)

Chính sách tiền tệ mới của Ai Cập tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam(04/04/2024 9:23 SA)

Vụ mía đường của Ấn Độ và Thái Lan có triển vọng tốt hơn dự kiến(04/04/2024 9:22 SA)

Thị trường cung cấp lúa mì cho Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024(04/04/2024 9:08 SA)

Tiêu thụ thịt lợn của Đức năm 2023 giảm(08/03/2024 10:19 SA)