55 người đang online
°

Vụ mía đường của Ấn Độ và Thái Lan có triển vọng tốt hơn dự kiến

Đăng ngày 04 - 04 - 2024
Lượt xem: 33
100%

Nhà phân tích của Wilmar có trụ sở tại Singapore cho biết, vụ thu hoạch mía đường ở Ấn Độ và Thái Lan – hai nhà sản xuất chính của châu Á – đang có triển vọng tốt hơn trong giai đoạn cuối vụ.

 

Vụ mía đường của Ấn Độ và Thái Lan có triển vọng tốt hơn dự kiến

Nhà phân tích của Wilmar có trụ sở tại Singapore cho biết, vụ thu hoạch mía đường ở Ấn Độ và Thái Lan – hai nhà sản xuất chính của châu Á – đang có triển vọng tốt hơn trong giai đoạn cuối vụ.

Karim Salamon, người đứng đầu bộ phận phân tích đường tại Wilmar kỳ vọng, sản lượng mía ép tại Thái Lan sẽ đạt 85 triệu tấn, sản xuất ra được 8,5 – 9 triệu tấn đường. Con số này so với dự đoán cách đây 3 tuần đã tăng thêm khoảng hơn 1 triệu tấn và đảm bảo nguồn cung cầu được cân bằng.

Theo Salamon, vụ thu hoạch mía của Ấn Độ đang trên đà tăng trưởng bất ngờ, hiện có 462 nhà máy đang hoạt động trong nước, tăng hơn so với thời điểm này năm ngoái với 441 nhà máy ép. Sản lượng đường của Ấn Độ sẽ đạt trên 32,5 triệu tấn và rất có thể còn ở trên mức 33 triệu tấn, gần bằng so với năm 2023.

Trong khi đó tại Brazil, vụ mía 2024/25 bắt đầu vào tháng 4 tới có thể sẽ đạt mức kỷ lục như vụ trước đó, sản xuất được 42,5 – 44,5 triệu tấn đường, bất chấp thời tiết khô hơn bình thường.

Hồi cuối tháng 2/2024, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đã nâng dự báo thiếu hụt đường thế giới niên vụ 2023/24 lên mức 689.000 tấn, gấp đôi mức thiếu hụt 335.000 tấn trong dự báo hồi tháng 11/2023. Sản lượng đường toàn cầu trong niên vụ 2023/24 ước đạt 179,7 triệu tấn, tiêu thụ ước đạt 180,4 triệu tấn.

Tuy nhiên, dự đoán này của ISO lại trái ngược với kết quả khảo sát của Reuters cũng đưa ra hồi cuối tháng 2/2024, với dự báo mức trung bình dư thừa 500.000 tấn trong niên vụ 2023/24.

 

Senegal, thị trường nhập khẩu gạo tấm lớn ở châu Phi

Senegal là thị trường tiêu thị nhiều gạo với khối lượng nhập khẩu từ 900.000 đến 1000.000 tấn, chủ yếu là gạo tấm 100% giá rẻ. Đây là một trong những nước có mức tiêu thụ gạo tính theo đầu người cao nhất Tây Phi, khoảng 117 kg/người/năm.

Theo Trung tâm thống kê của nước này, năm 2023, nhập khẩu gạo của Senegal đã đạt 1,3 triệu tấn, kim ngạch hơn 500 triệu USD, giảm 12,4% về lượng và gần 13% về giá trị so với năm 2022. Các nước cung cấp chính gồm Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Pakistan, Uruguay, Việt Nam… Ngoài phục vụ thị trường trong nước hơn 18 triệu dân, Senegal còn nhập khẩu gạo để tái xuất sang các nước láng giềng như Mauritania, Guinea-Bissau và Gambia.

Về cơ chế, từ 1995, Senegal xóa bỏ độc quyền nhập khẩu gạo của công ty Nhà nước và tự do hóa hoàn toàn việc nhập khẩu loại lương thực này. Từ nhiều năm nay, Chính phủ Senegal đã thực hiện chính sách phát triển trồng lúa nước để bảo đảm tự túc lương thực, tuy nhiên chỉ đáp ứng được từ 25-30%.

Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này đạt 12.392 tấn, kim ngạch 5,35 triệu USD (+215%). Trong 2 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nước ta đã xuất khẩu sang Senegal 414 tấn gạo, kim ngạch đạt 307.820 USD.

Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và Senegal đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2024, khả năng nước này sẽ tăng cường nhập khẩu gạo tấm từ châu Á. Tháng 3/2023, Ấn Độ đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu 250.000 tấn gạo tấm sang Senegal. Quyết định này được xem là động thái hỗ trợ một số nước Tây Phi của Ấn Độ mặc dù nước này đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và đánh thuế 20% với việc xuất khẩu các loại gạo khác kể từ tháng 9/2022. Trong cuộc thảo luận về nông nghiệp tại cuộc họp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tháng 2/2024, nhằm đa dạng hóa nguồn cung, Bộ trưởng Thương mại Senegal đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Campuchia về việc nhập khẩu gạo từ quốc gia Đông Nam Á.

Các loại thuế liên quan đến nhập khẩu gạo vào Senegal trong khuôn khổ biểu thuế chung của Liên minh kinh tế-tiền tệ Tây Phi (UEMOA) gồm: gạo trắng, gạo lức, thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%; gạo tấm, thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%; các loại gạo khác, thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%. Đầu năm 2022, trước tình trạng tăng giá lương thực, để giữ vững sức mua của người dân, Chính phủ Senegal đã đưa ra một loạt biện pháp trong đó có loại bỏ thuế VAT đối với gạo nhập khẩu và giảm thuế nhập khẩu gạo tấm và gạo thường từ 12,7% xuống còn 2,7%.   

 

Giá bột cá Trung Quốc giảm do thị trường suy yếu

Nhu cầu bột cá Peru của Trung Quốc đã giảm sau khi các nhà máy thức ăn chăn nuôi gặp khó khăn trên thị trường quốc tế vào năm ngoái. Theo Feed Trade, một cổng thông tin về giá thức ăn chăn nuôi, tồn kho bột cá của Trung Quốc đang tăng do nhu cầu yếu. Tính đến ngày 29/2, tồn kho nguồn protein nhập khẩu ở mức khoảng 184.600 tấn trên toàn quốc.

Ngày 4/3, tạp chí này đưa tin giá chào bột cá siêu nguyên chất của Peru tại Trung Quốc đã giảm từ 300-500 NDT/tấn (42-69 USD/tấn) trong tháng trước, xuống còn 17.000 NDT/tấn. Ngược lại, các nhà cung cấp Peru tăng báo giá xuất khẩu thêm 50 tấn USD lên 2.200 USD.

Nguồn cung cá cơm từ Peru nửa cuối năm 2023 đạt khoảng 290.000 tấn. Nhìn chung, nhập khẩu năm 2023 giảm 51% xuống còn 430.000 tấn.

Tongwei Group, nhà sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản  lớn thứ hai của Trung Quốc, cho biết khối lượng bán trước năm 2024 từ sản lượng đánh bắt cá cơm sắp tới của Peru thấp hơn rõ rệt so với bình thường, cho thấy nhu cầu tiếp tục suy giảm.

Tiêu thụ thủy sản trong nước chậm chạp từ đầu năm đến nay đã làm giá một số loài nuôi như tôm giảm, làm giảm sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo Tongwei, tình hình vẫn chưa ổn định. Người phát ngôn của tổ chức này cho biết: “Còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn vì nhu cầu và giá bột cá phụ thuộc vào nhu cầu thức ăn nuôi trồng thủy sản luôn thay đổi”.

Vào năm 2024, công ty dự báo bột cá siêu nguyên chất của Peru có giá trung bình khoảng 15.000-16.000 NDT/tấn, với giá loại 65% protein là từ 12.000-13.000 NDT/tấn.

 

Xuất khẩu cá tra sang Đức giảm hơn một nửa

Nửa đầu tháng 2 năm nay, Đức chỉ mua từ Việt Nam chưa đầy 700 nghìn USD cá tra, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2023.

Đức xếp thứ 3 về nhập khẩu cá tra Việt Nam trong khối EU. Theo số liệu Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 2 năm nay, Đức chỉ mua từ Việt Nam chưa đầy 700 nghìn USD cá tra, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15/2/2024, lũy kế XK cá tra sang Đức đạt khoảng 2,5 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, trong khi hầu hết các thị trường chính tiêu thụ cá tra đều tăng nhập khẩu, Đức từ điểm sáng trong nửa đầu năm 2023 trở thành thị trường có kim ngạch XK tăng, giảm thất thường.

Kinh tế của quốc gia thịnh vượng nhất châu Âu này trong năm 2024 cũng dự báo còn nhiều thách thức. XK cá tra Việt Nam sang Đức chưa thể ổn định trở lại trong năm nay.

Tháng 1/2024, XK cá tra Việt Nam sang khối thị trường EU đạt 13 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 7,8% tỷ trọng trong tổng XK cá tra sang các thị trường. Trong đó, Hà Lan vẫn tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra trong khối EU với 4 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Đứng sau Hà Lan, các thị trường Tây Ban Nha, Đức, Bỉ, Ba Lan lần lượt là các thị trường chính nhập khẩu nhiều cá tra Việt Nam trong khối EU.

Đáng chú ý, XK cá tra sang một số thị trường lẻ trong khối ghi nhận mức tăng trưởng 3 con số bao gồm Hungary tăng gấp 4 lần; Slovenia, Tây Ban Nha và Pháp tăng gấp khoảng 2,5 lần và Italy tăng gấp 2 lần so với tháng 1/2023. 

TT TT CN & TM

 

Tin liên quan

Thị trường xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2024(02/05/2024 10:35 SA)

Chính sách tiền tệ mới của Ai Cập tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam(04/04/2024 9:23 SA)

Thị trường cung cấp lúa mì cho Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024(04/04/2024 9:08 SA)

Tiêu thụ thịt lợn của Đức năm 2023 giảm(08/03/2024 10:19 SA)

Sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 dự kiến đạt mức kỷ lục 2.836 triệu tấn(08/03/2024 10:17 SA)

Tin mới nhất

Thị trường xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2024(02/05/2024 10:35 SA)

Chính sách tiền tệ mới của Ai Cập tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam(04/04/2024 9:23 SA)

Thị trường cung cấp lúa mì cho Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024(04/04/2024 9:08 SA)

Tiêu thụ thịt lợn của Đức năm 2023 giảm(08/03/2024 10:19 SA)

Sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 dự kiến đạt mức kỷ lục 2.836 triệu tấn(08/03/2024 10:17 SA)