12 người đang online
°

Nhập khẩu vải may mặc 5 tháng năm 2023 từ hầu hết các thị trường sụt giảm

Đăng ngày 26 - 07 - 2023
Lượt xem: 174
100%

Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu vải may mặc các loại vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt gần 5,33 tỷ USD, giảm 19,8% so với 5 tháng đầu năm 2022

 

Nhập khẩu vải may mặc 5 tháng năm 2023 từ hầu hết các thị trường sụt giảm

Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu vải may mặc các loại vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt gần 5,33 tỷ USD, giảm 19,8% so với 5 tháng đầu năm 2022.

Riêng tháng 5/2023 đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 4% so với tháng 4/2023 nhưng giảm 25% so với tháng 5/2022.

Vải may mặc nhập khẩu về Việt Nam có tới 63,6% trong tổng kim ngạch xuất xứ từ thị trường Trung Quốc, riêng tháng 5/2023 nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 790,37 triệu USD, giảm 0,3% so với tháng 4/2023 và giảm 24,7% so với tháng 5/2022; cộng chung cả 5 tháng đầu năm 2023 đạt gần 3,39 tỷ USD, giảm 20% so với 5 tháng đầu năm 2022.

Tiếp sau đó là thị trường Hàn Quốc đạt gần 638,95 triệu USD, giảm 17,8%, chiếm 12%; Riêng tháng 5/2023 đạt 146,1 triệu USD, tăng 19% so với tháng 4/2023 nhưng giảm 19,4% so với tháng 5/2022.

Nhập khẩu từ thị trường Đài Loan trong tháng 5/2023 tăng 9,7% so với tháng 4/2023 nhưng giảm 44,3% so với tháng 5/2022, đạt 104,16 triệu USD; tính chung cả 5 tháng đầu năm 2023 giảm 31,7% so với cùng kỳ, đạt 565,77 triệu USD, chiếm 10,6%.

Vải nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản 5 tháng đầu năm 2023 tăng nhẹ 0,14%%, đạt 276,57 triệu USD, chiếm 5,2%.

Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu vải may mặc từ hầu hết các thị trường trong 5 tháng đầu năm 2023 sụt giảm so với 5 tháng đầu năm 2022.

Nhập khẩu vải may mặc 5 tháng đầu năm 2023

(Tính toán theo số liệu công bố ngày 15/6/2023 của TCHQ)

ĐVT: USD 

 

Xuất khẩu cá ngừ Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất

4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ của Thái Lan đạt 153 nghìn tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), đây là khối lượng thấp nhất trong 10 năm qua.

Xuất khẩu cá ngừ Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất

Nếu như quý 1/2022, xuất khẩu (XK) cá ngừ của Thái Lan bị ảnh hưởng bởi giá cước vận chuyển tăng cao lên mức “cắt cổ”, năm nay giá cá ngừ nguyên liệu tăng cao lên mức kỷ lục làm tăng giá cá ngừ đóng hộp cuối cùng và lượng tồn kho của các nhà bán lẻ tại các thị trường chính như Mỹ, Canada đã ảnh hưởng tới XK cá ngừ của nước này, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp.

Cụ thể năm nay, XK cá ngừ của Thái Lan sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua. Theo số liệu thống kê của Hải quan Thái Lan, XK cá ngừ của Thái Lan sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt hơn 30 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. XK cá ngừ của Thái Lan sang một quốc gia Châu Mỹ khác là Canada cũng giảm 28% so với cùng kỳ, đạt hơn 5 triệu USD.

XK cá ngừ của Thái Lan sang các nước Trung Đông trong giai đoạn này cũng đang giảm 21% về khối lượng so với cùng kỳ, đạt 41 nghìn tấn. XK cá ngừ sang Ai Cập, thị trường chiếm tới 49% tổng giá trị XK cá ngừ của Thái Lan sang khối thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2022, giảm tới 77% trong 4 tháng đầu năm nay. Do đó, mặc dù XK sang Ảrập Xêut và UAE tăng 99% và 43% cũng vẫn không đủ bù đắp lại lượng sụt giảm tại thị trường này

Trong khi đó, XK sang Nhật Bản có xu hướng tăng. XK cá ngừ của Thái Lan sang thị trường này tăng liên tục từ đầu năm và tốc độ tăng ngày càng nhanh. Tính đến hết tháng 4/2023, XK cá ngừ của Thái Lan sang Nhật Bản đạt hơn 15 nghìn tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng với Nhật Bản, XK của Thái Lan sang Chile tăng gấp đôi năm ngoái, đạt gần 6 triệu USD. Đưa Chile từ vị trí thứ 12 trong 4 tháng đầu năm 2022 lên trở thành thị trường NK cá ngừ lớn thứ 7 của Thái Lan trong cùng kỳ năm nay.

Điều này cho thấy, khi XK sang cá ngừ sang các thị trường trọng điểm như Mỹ, Ai Cập… gặp phải “những con gió ngược”, các DN cá ngừ của Thái Lan cũng đang tìm cách đẩy mạnh XK sang các thị trường nhỏ và tiềm năng đề bù đắp. Và điều này, đang khiến cho cạnh tranh tại các thị trường nhỏ này sẽ gia tăng.

Hiện tại theo dự báo của các nhà khoa học khí hậu, hiện tượng El Niño dẫn đến nước mặt ở vùng xích đạo Thái Bình Dương trở nên ấm hơn mức trung bình, có khả năng mạnh lên vào nửa cuối năm. Ngành cá ngừ toàn cầu đang thận trọng và chuẩn bị sẵn sàng cho đợt gia tăng giá cá ngừ trong thời gian tới, vì El Nino có thể ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt cá ngừ. Các doanh nghiệp đóng hộp Thái Lan, nhà xuất khẩu cá ngừ đóng hộp lớn nhất sang Mỹ và các nơi khác trên thế giới, sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn nếu nguồn cung cá của họ bị ảnh hưởng.

 

Xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP chưa thể bứt phá

VASEP cho rằng xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực như Canada trong khối vẫn chưa thể bứt phá do ảnh hưởng gián tiếp của thị trường Mỹ.

Xuất khẩu cá tra giảm 35% trong tháng 5

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết trong tháng 5, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường các nước thành viên CPTPP chỉ đạt 19 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường chính trong khối giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam 10% - 65%, trừ Singapore tăng 2%.

Tính chung 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 94 triệu USD do ảnh hưởng của lạm phát giá thực phẩm toàn cầu cùng với biến động thế giới, thị trường này cũng “không phải là một ngoại lệ” của sự sụt giảm chung.

 

5 tháng đầu năm nay, nhiều thị trường thuộc khối CPTPP ghi nhận tăng trưởng âm như Canada đạt 14 triệu USD, giảm 50%; Mexico đạt 26 triệu USD, giảm 50%; Nhật Bản đạt 13 triệu USD, giảm 14%.

Điểm sáng duy nhất của khối thị trường này trong xuất khẩu cá tra sang Singapore vẫn duy trì mức tăng trưởng dương 16%, đạt 15 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2023.

Mặc dù dân số của nước này không nhiều nhưng Singapore lại là một trong những điểm trung chuyển hàng hóa hàng đầu do sở hữu các cảng biển lớn thuận lợi giao thương quốc tế.

 

Trong số các thị trường thuộc khối CPTPP, Canada đứng thứ 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam. Đây là thị trường thủy sản giá tốt, tăng trưởng ổn định trong khối Bắc Mỹ. Quốc gia này và Mỹ có đường biên giới chung dài nhất thế giới, quan hệ thương mại chặt chẽ, do đó Mỹ là thị trường có ảnh hưởng lớn nhất đối với thương mại thủy sản của Canada.

Tuy nhiên, thị trường Mỹ đang phải đối mặt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Canada chưa thể bứt phá.

 

EVFTA - Lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan tiếp cận thị trường của nhau

Theo Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan về quan hệ thương mại giữa hai nước, động lực thúc đẩy từ Hiệp định EVFTA cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận, khai thác hiệu quả thị trường của nhau.

Việt Nam và Ba Lan không chỉ là hai đất nước có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời mà còn chia sẻ nhiều tương đồng trong tiến trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường và hội nhập thành công vào kinh tế quốc tế.

Sau khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2004, nền kinh tế Ba Lan đã nhanh chóng hòa nhập và đạt tốc độ tăng trưởng cao. Liên tục từ năm 2004 tới 2019 khi đại dịch Covid-19 diễn ra, Ba Lan duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức 5,3% thuộc hàng cao nhất trong EU. GDP năm 2021 tăng gấp 3 lần năm 2004 đạt xấp xỉ 650 tỷ USD, đứng thứ 21 trên thế giới.

Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Ba Lan là các loại ô tô và linh kiện, đồ gỗ, pin, nông sản, thực phẩm… Bạn hàng lớn nhất của Ba Lan là Đức, các nước EU, Nga, Hoa Kỳ… (xấp xỉ 85% tổng kim ngạch). Các nước châu Á chiếm tỷ trọng nhỏ trong xuất khẩu của quốc gia này. Đơn cử Trung Quốc 1,3%, Hàn Quốc 0,4%, Nhật Bản 0,3% và Việt Nam  0,17%.

Các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm ô tô và linh kiện, nhiên liệu, đồ điện tử, dệt may,… Bên cạnh các nước EU là bạn hàng truyền thống, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc nằm trong nhóm 10 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Ba Lan.

Thương mại Việt Nam - Ba Lan không ngừng phát triển

Trong những năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan không ngừng phát triển song hành với những thành tựu trong phát triển kinh tế mỗi nước. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan tăng mạnh trong những năm gần đây nhờ nhóm hàng điện thoại, điện tử đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 ngoài Liên minh châu Âu (EU) của Ba Lan đồng thời là bạn hàng lớn nhất của Ba Lan tại Đông Nam Á. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt xấp xỉ 3 tỷ USD. Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan đạt trên 2,5 tỷ USD và nhập khẩu trên 400 triệu USD.

 

Kim ngạch thương mại song phương hàng năm theo thống kê của Ba Lan có số lượng cao hơn khá nhiều so với thống kê của Việt Nam. Đơn cử năm 2022, trong khi số liệu xuất khẩu của bạn tương đương với số liệu thống kê của ta thì số liệu nhập khẩu của bạn là 3,6 tỷ USD cao hơn 1,1 tỷ USD so với số liệu của Tổng cục Hải quan. Nguyên nhân được cho bởi phương pháp thống kê của bạn dựa trên xuất xứ nên một mặt hàng xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào EU qua cửa khẩu một quốc gia thành viên (thông thường Đức, Hà Lan, Tiệp…) rồi từ đó mới vào Ba Lan vẫn tính là nhập khẩu từ Việt Nam.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Ba Lan bao gồm điện thoại, điện tử, dệt may, giày dép, nông - thủy sản. Các mặt hàng nhập khẩu từ Ba Lan bao gồm: máy móc, thiết bị, dược phẩm, sữa và sản phẩm sữa, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, cao su, sản phẩm từ sắt thép, chế phẩm thực phẩm, đồ nội thất…

Việt Nam - thị trường tiềm năng cho hàng hóa Ba Lan

Là một quốc gia có diện tích lớn, nông nghiệp phát triển, Ba Lan là nhà xuất khẩu hàng đầu: táo, thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, các loại thực phẩm chế biến… với thị trường chính là EU. Hiện các nhà sản xuất Ba Lan đang ngày càng quan tâm quảng bá sản phẩm tới các thị trường mới ở châu Á, trong đó có Việt Nam thông qua việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Việt Nam đang nổi lên là thị trường nhập khẩu tiềm năng cho các loại hoa quả ôn đới, thịt bò…

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực thi đã tạo lợi thế cho các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản của Ba Lan tiếp cận thị trường Việt Nam. Đơn cử, năm 2021, Việt Nam là nhà nhập khẩu táo hàng đầu thế giới với số lượng trên 90 ngàn tấn, trong đó nhập khẩu từ Ba Lan khoảng 32 ngàn tấn.

Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp đã tận dụng EVFTA để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản được cắt giảm thuế. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Ba Lan năm 2022 tăng 80% so với năm 2021 đạt 187 triệu USD. Con số giá trị tuyệt đối không lớn nhưng đó là thu nhập ròng do các nhà sản xuất Việt tạo ra và thu về. Đồng thời nó còn có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội khi đem lại thu nhập cho nông dân.

Thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu hàng Việt vào Ba Lan

Thời gian tới, trong triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư, việc quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam tại thị trường Ba Lan là một trong số ưu tiên hàng đầu.

Trước hết, đây là những mặt hàng chúng ta được hưởng lợi thế tiếp cận thị trường so với các đối thủ cạnh tranh nhờ EVFTA. Sản phẩm trong nước ngày càng đa dạng. Các nhà sản xuất trong nước cũng đã nhận thức rõ sự cần thiết phải áp dụng các quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe nếu muốn vào các thị trường cao cấp. Đơn cử tại hội chợ thực phẩm vừa qua tại Vac-sa-va, gian hàng của Đại sứ quán Việt Nam rất tấp nập người nếm, thử các loại hoa quả sấy dẻo do doanh nghiệp Việt giới thiệu thăm dò thị trường.

Thứ hai, đặc thù thị trường Ba Lan là các doanh nghiệp Việt hoạt động khá mạnh trong lĩnh vực phân phối và nhà hàng. Các nhà hàng Việt có số lượng lớn và thu hút không chỉ khách hàng Việt mà còn đông đảo thực khách Ba Lan do đó tiêu thụ lượng lớn thực phẩm trong nước. Các siêu thị, cửa hàng Việt cũng phân phối đa dạng sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước. Bởi vậy, khai thác tiềm năng của đội ngũ doanh nghiệp Việt kiều là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Ba Lan.

TT TT CN & TM

Tin liên quan

Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc quý I/2024 giảm lần đầu tiên sau 4 năm(02/05/2024 10:36 SA)

Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng(04/04/2024 9:12 SA)

Đài Loan tăng cường giám sát ớt và sản phẩm từ ớt nhập khẩu(04/04/2024 9:10 SA)

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua phần lớn đi ngang(12/03/2024 9:20 SA)

Mời tham gia phiên tư vấn xuất nhập khẩu với thị trường Algeria(08/03/2024 10:32 SA)

Tin mới nhất

Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc quý I/2024 giảm lần đầu tiên sau 4 năm(02/05/2024 10:36 SA)

Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng(04/04/2024 9:12 SA)

Đài Loan tăng cường giám sát ớt và sản phẩm từ ớt nhập khẩu(04/04/2024 9:10 SA)

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua phần lớn đi ngang(12/03/2024 9:20 SA)

Mời tham gia phiên tư vấn xuất nhập khẩu với thị trường Algeria(08/03/2024 10:32 SA)