28 người đang online
°

Khuyến cáo về việc gửi hồ sơ XNK hàng hóa cho đối tác tại Ai Cập

Đăng ngày 16 - 09 - 2024
Lượt xem: 23
100%

Hiện nay Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập đang xử lý khiếu nại của một doanh nghiệp nhập khẩu Ai Cập về việc nhận thiếu 01 bộ hồ sơ xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa do doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gửi chuyển phát qua đường DHL.

 

Khuyến cáo về việc gửi hồ sơ XNK hàng hóa cho đối tác tại Ai Cập

Hiện nay Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập đang xử lý khiếu nại của một doanh nghiệp nhập khẩu Ai Cập về việc nhận thiếu 01 bộ hồ sơ xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa do doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gửi chuyển phát qua đường DHL.

Doanh nghiệp Ai Cập cho rằng khối lượng bưu phẩm nhận được thấp hơn so với gửi từ đầu Việt Nam và đã đưa thông tin không chính xác qua mạng Internet nhằm gây áp lực đòi bồi thường thiệt hại và hạ thấp uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp Ai Cập thông báo đang chuẩn bị các thủ tục kiện doanh nghiệp Việt Nam ra tòa trọng tài quốc tế trong trường hợp không thống nhất được việc bồi thường.

Mặc dù hiện tại chưa thể khẳng định được việc thất lạc xảy ra tại khâu chuyển phát hay trong nội bộ doanh nghiệp Ai Cập cũng như thiếu cơ sở để đổ lỗi cho doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên vụ việc gây ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường.

Trước sự việc trên, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập thông tin và khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam một số biện pháp sau nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình gửi chuyển phát hồ sơ XNK cho đối tác nhập khẩu:
- Thống nhất trước với bên nhập khẩu về đơn vị chuyển phát hồ sơ XNK, thông tin, địa chỉ người nhận hồ sơ và cách thức xử lý trong trường hợp hồ sơ bị thất lạc;
- Ghi hình quá trình đóng gói gửi hồ sơ và cung cấp trước cho bên nhận danh mục hồ sơ, hình ảnh và khối lượng bưu kiện/bưu phẩm được gửi;
- Yêu cầu nhà nhập khẩu một số biện pháp nhằm đảm bảo nhận đủ hồ sơ theo danh mục, ví dụ như quay lại video quá trình nhận, mở bưu kiện/bưu phẩm chứa hồ sơ, cân lại bưu kiện/bưu phẩm, tạm thời không nhận và liên lạc với bên xuất khẩu để xử lý trong trường hợp bưu kiện không giống như hình ảnh được cung cấp hoặc có dấu hiệu đã bị mở, sai lệch về khối lượng, ...
- Thông tin kịp thời tới Thương vụ trong trường hợp cần hỗ trợ.

 

Dự thảo Thông tư quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2025

Bộ Công Thương đăng tải toàn văn nội dung Dự thảo Thông tư quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2025 để lấy ý kiến rộng rãi của các Cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Để thực hiện cam kết về quản lý nhập khẩu hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng muối và trứng gia cầm của Việt Nam tại WTO, Bộ trưởng giao Cục Xuất nhập khẩu (là đơn vị đầu mối chủ trì thuộc Bộ) phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2025.

Bộ Công Thương đăng tải toàn văn nội dung Dự thảo thông tư nói trên để lấy ý kiến rộng rãi của các Cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Mọi ý kiến đóng góp, xin gửi về: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

Hướng dẫn thực hiện Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU

EU đang đưa ra các hướng dẫn chi tiết liên quan đến thực thi luật chống phá rừng. Luật sẽ có hiệu lực thực hiện từ 30-12-2024 và áp dụng từ 30-6-2025 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

1. Phạm vi

Các quy tắc mới được áp dụng nếu bạn đưa vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ EU: dầu cọ, gia súc, đậu nành, cà phê, ca cao, gỗ và cao su cũng như các sản phẩm có nguồn gốc (như thịt bò, đồ nội thất hoặc sô cô la). Quy định áp dụng cho mọi số lượng sản phẩm dù lớn hay nhỏ.

2. Trách nhiệm thẩm định

Việc thẩm định phải được thực hiện để đảm bảo các sản phẩm không bị phá rừng. Chúng đến từ vùng đất không bị phá rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020. Chúng cũng phải tuân thủ luật pháp của quốc gia nơi chúng được sản xuất.

3. Truy suất nguồn gốc

Người vận hành phải thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu chứng minh sản phẩm không bị chặt phá rừng và hợp pháp, như tọa độ vị trí địa lý, số lượng, quốc gia sản xuất, v.v.

4. Hệ thống đăng ký thẩm định

Báo cáo thẩm định phải được nộp dưới dạng điện tử trong cơ quan đăng ký nạn phá rừng do Ủy ban Châu Âu tạo ra. Những tuyên bố này sẽ được kiểm tra trong cơ quan đăng ký và bởi cơ quan có thẩm quyền của các Quốc gia Thành viên.

Trang web đăng ký thẩm định của EU

https://green-business.ec.europa.eu/deforestation-regulation-implementation/deforestation-due-diligence-registry_en

5. Các bước cần thực hiện

5. 1 – Nguồn trồng

Hàng hóa phải được sản xuất hợp pháp và không bị phá rừng. Dữ liệu vị trí địa lý của khu vực sản xuất phải được thu thập.

Hàng hóa được sản xuất bất hợp pháp, trên đất bị phá rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020 hoặc không thể truy xuất nguồn gốc, không tuân thủ các quy định và không thể đưa vào thị trường EU. Hàng hóa tuân thủ phải được bảo quản riêng biệt đối với những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đạt tiêu chuẩn.

5. 2 – Kinh doanh và vận chuyển

Hàng hóa hợp pháp và không bị phá rừng phải được tách biệt khỏi các hàng hóa khác trong khi buôn bán và vận chuyển. Không được phép trộn lẫn hàng hóa đạt tiêu chuẩn và không đạt tiêu chuẩn hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong những trường hợp như vậy, toàn bộ lô hàng sẽ không tuân thủ và không thể được đưa vào thị trường EU.

5. 3 – Nhập khẩu

Trước khi đưa sản phẩm vào thị trường EU, nhà nhập khẩu phải thực hiện thẩm định.

Nhà nhập khẩu cũng phải nộp Tuyên bố thẩm định và sẽ nhận được số tham chiếu (và mã thông báo bảo mật), số này phải được khai báo trong tờ khai hải quan nhập khẩu.

Chỉ những sản phẩm tuân thủ mới có thể được đưa vào thị trường EU. Nhà điều hành có thể đưa sản phẩm vào thị trường EU khi sản phẩm đã được cơ quan hải quan cho phép nhập khẩu.

5.4 – Sản xuất

Các nhà sản xuất hàng hóa lớn ở EU (ví dụ: nhà sản xuất sôcôla) phải kiểm tra xem hoạt động thẩm định đã được thực hiện ở khâu đầu trong chuỗi cung ứng hay chưa.

Các nhà sản xuất lớn phải kiểm tra Tuyên bố thẩm định (DDS) của nhà nhập khẩu hàng hóa và nộp DDS của riêng họ cho sản phẩm của họ, sử dụng số tham chiếu của DDS thượng nguồn. Sau đó, nhà điều hành sẽ nhận được số tham chiếu DDS mới và mã thông báo bảo mật.

5.5 – Bán hoặc xuất khẩu sản phẩm

Trước khi bán sản phẩm trên thị trường EU, các nhà bán lẻ lớn phải kiểm tra xem việc thẩm định đã được thực hiện ở khâu đầu trong chuỗi cung ứng hay chưa.

Nhà bán lẻ phải kiểm tra DDS ngược dòng trong chuỗi cung ứng và gửi DDS của riêng họ dựa trên tất cả các số tham chiếu trước đó. Sau đó, người giao dịch sẽ nhận được số tham chiếu DDS mới và mã thông báo bảo mật.

Các công ty nhỏ (SME) không cần phải kiểm tra hoặc gửi báo cáo thẩm định đối với các sản phẩm đã được thẩm định trong chuỗi cung ứng.

 

Singapore điều chỉnh một số chính sách mới

Thương vụ Việt nam tại Singapore xin gửi tới quý bạn đọc và doanh nghiệp thông tin về việc thị trường này điều chỉnh một số chính sách mới để tham khảo.

1. Khuôn khổ quản lý tiêu thụ côn trùng làm thực phẩm tại Singapore

Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore (SFA) đã xây dựng khuôn khổ quản lý việc nhập khẩu và sử dụng côn trùng và các sản phẩm từ côn trùng làm thực phẩm với các hướng dẫn cụ thể đối với đối tượng này. Theo đó, kể từ ngày 08/7/2024, SFA cho phép nhập khẩu côn trùng và sản phẩm côn trùng thuộc các loài đã được đánh giá có mức độ quan ngại thấp. Các loài côn trùng và sản phẩm từ côn trùng này có thể được sử dụng để làm thực phẩm cho con người hoặc làm thức ăn chăn nuôi.

Khuôn khổ trên có 02 Phụ lục: (i) Phụ lục A: Danh sách các loài côn trùng được chấp thuận an toàn cho con người sử dụng và (ii) Phụ lục B:  tóm tắt các hướng dẫn nhập khẩu cụ thể, tùy thuộc vào hình thức côn trùng và sản phẩm côn trung nhập khẩu, mục đích sử dụng của chúng. Việc nhập khẩu côn trùng và sản phẩm từ côn trùng được chấp thuận phải thông qua nhà nhập khẩu Singapore đã được đăng ký cấp phép, đồng thời, các nhà cung cấp, các cơ sở chế biến nước ngoài đối với mặt hàng này cũng phải được nhà nhập khẩu đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

2. Hoàn tất tham vấn cộng đồng về Khuôn khổ quản lý việc sử dụng cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi

Từ ngày 20/12/2023 đến ngày 19/02/2024, SFA đã khởi xướng tham vấn cộng đồng về Khuôn khổ quản lý việc sử dụng cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Nội dung tham vấn tập trung vào 02 lộ trình đánh giá cây trồng biến đổi gen có hoặc không có chứa DNA ngoại lai và hướng dẫn đánh giá, phê duyệt và tra cứu thông tin về loại cây trồng biến đổi gen đã được SFA thông qua.

Sau khi kết thúc hoạt động tham vấn theo lịch trình đã đưa ra, SFA đã nhận được 11 ý kiến phản hồi và cũng đưa ra phản hồi của mình về tài liệu tham vấn. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào tính phù hợp để phân loại các loại cây trồng biến đổi gen hiện tại, những loại được phát triển và sẽ được phát triển trong tương lai (đoạn 9 – 11 của tài liệu); và tính phù hợp của Danh sách kiểm tra thông tin (đoạn 12 và Phụ lục I) đối với việc xác định xem một loại cây trồng biến đổi gen có tương đương với một loại cây trồng được lai tạo theo phương pháp thông thường hay không.

Dự kiến Khuôn khổ quản lý việc sử dụng cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi này sẽ được hoàn tất, sửa đổi và dự kiến có hiệu lực vào Quý III năm 2024.

Hiện tại, ở nhiều quốc gia, trong đó có Singapore, chưa có một hành lang pháp lý quy định đầy đủ về việc sử dụng các loại cây trồng biến đổi gen để làm thực phẩm cho con người và/hoặc làm thức ăn cho động vật. Do vậy, có thể nói đây là nội dung khá mới và nhạy cảm, cần có sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

3. Lấy ý kiến cộng đồng về việc xem xét điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật cho dây cáp cách điện

Ngày 02/8/2024, Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore (ESG) đã khởi động lấy ý kiến cộng đồng về việc xem xét điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật cho dây cáp cách điện Polyvinyl Chorua có điện áp định mức lên đến và bao gồm 450/750 V (được nêu tại Tiêu chuẩn Singapore SS358, áp dụng từ năm 2019). Việc lấy ý kiến này sẽ kết thúc vào ngày 03/9/2024.

Có 02 nội dung của SS358 được đưa ra lấy ý kiến gồm:

Phần 3: Cáp không có vỏ bọc cho dây cố định (SS 358-3:2019) (Sửa đổi tiêu chuẩn IEC 60227-3:1993+A1:1997)

Tiêu chuẩn này nêu chi tiết các thông số kỹ thuật cụ thể cho cáp lõi đơn không có vỏ bọc cách điện Polyvinyl Clorua cho hệ thống dây cố định có điện áp định mức lên đến và bao gồm 450/750 V. (Tham khảo tiêu chuẩn hiện hành theo link: Singapore Standards (singaporestandardseshop.sg))

Phần 5: Cáp mềm (dây) (SS 358-5:2019) (Giống như tiêu chuẩn IEC 60227-5:2011)

Tiêu chuẩn này nêu chi tiết các thông số kỹ thuật cụ thể cho cáp mềm (dây) cách điện polyvinyl clorua có điện áp định mức lên đến và bao gồm 300/500 V (Tham khảo tiêu chuẩn hiện hành theo link: Singapore Standards (singaporestandardseshop.sg)).

Các tiêu chuẩn này áp dụng cho các công ty kiểm tra, kiểm định, các nhà cung cấp và các nhà máy sản xuất cáp điện, các nhà thầu xây dựng và các công ty cung cấp dịch vụ, và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác.  

Theo Chương trình Tiêu chuẩn hóa Quốc gia của Singapore, việc lấy ý kiến ​​cộng đồng là bước quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống tiêu chuẩn của nước này. Công chúng được mời cung cấp phản hồi về dự thảo Tiêu chuẩn Singapore để công bố và đề xuất các hạng mục công việc để phát triển và xem xét Tiêu chuẩn Singapore và Tài liệu tham khảo kỹ thuật. Việc thiết lập Tiêu chuẩn Singapore được thực hiện theo các yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới về việc phát triển các tiêu chuẩn quốc gia.

Các cơ quan quản lý nhà nước, các công ty sản xuất cáp điện của Việt Nam và các thương nhân lưu ý cập nhật quá trình và nội dung thay đổi của các quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu của sở tại khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore.

Trên đây là một số nội dung cập nhật và thông tin về việc dự kiến chỉnh sửa, bổ sung một số chính sách của Singapore. Singapore là quốc gia có hệ thống văn bản quản lý và tiêu chuẩn cao, khắt khe đối với các hàng hóa được tiêu thụ nội địa. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt các chính sách, tiêu chuẩn hiện hành; theo dõi chặt chẽ và nhanh chóng cập nhật các quy định, tiêu chuẩn mới, được điều chỉnh của Singapore để đảm bảo tránh những rủi ro, khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa vào Singapore.

 

Bộ Công Thương tổ chức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2024 theo phương thức đấu giá

Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2024 theo phương thức đấu giá đã có Thông báo về việc tổ chức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2024 theo phương thức đấu giá ngày 27 tháng 08 năm 2024 để các thương nhân, tổ chức và cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện.

Căn cứ Thông tư số 11/2022/TT-BCT ngày 27/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá, Quyết định số 2226/QĐ-BCT ngày 20/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về lượng, thời điểm, phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2024, Quyết định số 2227/QĐ-BCT ngày 20/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2024 theo phương thức đấu giá, Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2024 theo phương thức đấu giá đã có Thông báo về việc tổ chức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2024 theo phương thức đấu giá ngày 27/8/2024 để các thương nhân, tổ chức và cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện. Theo đó:

1. Thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện được đề nghị phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá (theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 11/2022/TT-BCT ngày 27 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương). 

2. Lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường (mã HS 17.01) phân giao năm 2024 theo phương thức đấu giá là 126.000 tấn (một trăm hai mươi sáu nghìn tấn).

3. Giá khởi điểm là 2.100.000 đồng/tấn, bước giá là50.000 đồng/tấn, tiền đặt trước: (giá khởi điểm x số lượng đường đăng ký phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu) x 10%.

4. Hồ sơ đề nghị phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2024 theo phương thức đấu giá thực hiện theo quy định tại Thông báo.

5. Thời điểm nhận hồ sơ tính theo dấu công văn đến của Bộ Công Thương, từ 08 giờ ngày 29/8/2024 đến 17 giờ ngày 10/9/2024.

TT TT CN * TM

Tin liên quan

Giá gạo châu Á tăng nhẹ dù nhu cầu vẫn yếu(16/09/2024 8:25 SA)

Giá thịt lợn tại Mỹ tăng trở lại(09/07/2024 9:31 SA)

Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc quý I/2024 giảm lần đầu tiên sau 4 năm(02/05/2024 10:36 SA)

Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng(04/04/2024 9:12 SA)

Đài Loan tăng cường giám sát ớt và sản phẩm từ ớt nhập khẩu(04/04/2024 9:10 SA)

Tin mới nhất

Giá gạo châu Á tăng nhẹ dù nhu cầu vẫn yếu(16/09/2024 8:25 SA)

Giá thịt lợn tại Mỹ tăng trở lại(09/07/2024 9:31 SA)

Nhập khẩu lúa mì 5 tháng đầu năm 2024 tăng khối lượng nhưng giá giảm(09/07/2024 9:30 SA)

Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc quý I/2024 giảm lần đầu tiên sau 4 năm(02/05/2024 10:36 SA)

Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng(04/04/2024 9:12 SA)