Từ ngày 18⁄2⁄2025, các loại hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng khi gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Sắp đánh thuế với hàng nhập khẩu chuyển phát nhanh giá trị dưới 1 triệu đồng
Từ ngày 18⁄2⁄2025, các loại hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng khi gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Cụ thể, ngày 3/1/2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
Theo quyết định trên, hàng nhập khẩu giá trị dưới một triệu đồng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh sẽ không còn được miễn thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng kể từ ngày 18/2/2025. Quyết định quy định, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị trên 1 triệu đồng phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
Khi ban hành Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg, hệ thống khai báo hải quan chỉ thuần túy thực hiện theo thủ công nên chính sách miễn thuế tại Quyết định này đã góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính và giúp đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, giảm bớt số lượng hàng hóa phải khai nộp thuế. Tuy nhiên đến nay, chính sách này không còn phù hợp do thương mại điện tử thế giới cũng như tại Việt Nam đã và đang tăng trưởng rất nhanh qua các năm. Hằng ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử.
Sự phát triển và hoàn thiện của hệ thống khai hải quan điện tử đã giúp thông quan hàng hóa nhanh chóng và tạo thuận lợi cho việc quản lý tờ khai hàng hóa hằng ngày với số lượng lớn mà không làm gián đoạn hoạt động thương mại. Người khai hải quan cũng không cần đến các nơi làm thủ tục hải quan để kê khai qua mạng, từ đó giảm lượng người kê khai do việc làm thủ tục được tiến hành thông qua các đại lý, hãng vận chuyển nên việc quản lý và thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được tiến hành tập trung và nhanh chóng hơn nhiều so với trước đây.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng cùng một chủng loại hàng hóa nhưng hàng hóa sản xuất trong nước vẫn phải nộp thuế giá trị gia tăng nên việc miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ vô hình chung đã tạo sự chênh lệch giá dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng với hàng hóa cùng chủng loại sản xuất trong nước (do phải nộp thuế giá trị gia tăng), từ đó ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước…
Từ cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ra đời để bảo đảm tính đồng bộ của chính sách thuế và thông lệ quốc tế đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ, thực hiện đúng chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đồng thời bảo đảm thu đủ thuế, bảo đảm công bằng với sản xuất trong nước, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước.
Thông tư 45/2024/TT-BTNMT: Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp
Ngày 30/12/2024, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 45/2024/TT-BTNMT về việc Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp.
Dưới đây là các nội dung chính:
1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp (QCVN 19:2024/BTNMT).
Quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn cho phép của các thông số ô nhiễm trong khí thải công nghiệp khi xả thải ra môi trường không khí.
Áp dụng với các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường; các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả khí thải công nghiệp ra môi trường không khí.
2. 07 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp hết hiệu lực kể từ ngày QCVN 19:2024/BTNMT có hiệu lực:
QCVN 19:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ;
QCVN 20:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với một số chất hữu cơ;
QCVN 21:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất phân bón hóa học;
QCVN 22:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện;
QCVN 23:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng;
QCVN 34:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp lọc hóa dầu đối với bụi và các chất vô cơ;
QCVN 51:2017/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Doanh nghiệp cần chủ động nhiều phương án phù hợp để tiếp tục kinh doanh tại thị trường Hoa Kỳ
Ngày 8⁄1⁄2024, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Chính sách mới của Hoa Kỳ: Những tác động đến thương mại và đầu tư”, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam và Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Thông tin tại Hội thảo, Phó Giám đốc ITPC Cao Thị Phi Vân cho biết, năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt hơn 132 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Từ số liệu trên cho thấy, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ và đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN.
Ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc và thiết bị quang học. Cùng với đó, Việt Nam đang đón nhận những dòng đầu tư công nghệ cao từ Hoa Kỳ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, đặc biệt trong các lĩnh vực như vi mạch và bán dẫn.
Tính đến cuối năm 2024, Hoa Kỳ có hơn 1.400 dự án tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ xếp thứ 3 trong số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư, với hơn 1,55 tỷ USD, cho thấy sự quan tâm ngày một tăng của giới đầu tư Hoa Kỳ đối với thị trường Việt Nam.
Tuy vậy, để xâm nhập sâu rộng vào thị trường Hoa Kỳ là thử thách không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, theo lãnh đạo ITPC, doanh nghiệp, nhà đầu tư và đối tác liên quan cần cập nhật, nắm rõ và tận dụng những ưu đãi, thông tin mới nhất về chính sách, quy định mới. Qua đó, tận dụng tối đa những cơ hội và vượt qua những thách thức mà chính sách mới của Hoa Kỳ mang lại.
Doanh nghiệp cần nắm bắt được xu hướng và xây dựng kế hoạch phù hợp
Ông Kevin Morgan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam nhấn mạnh, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên toàn thế giới đều đang quan tâm về tác động của chính quyền sắp tới của Hoa Kỳ đối với các chính sách thương mại.
Việt Nam có thặng dư thương mại trên 100 tỷ USD với Hoa Kỳ. Do đó, Việt Nam chắc chắn sẽ có những tác động của chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ.
“Mặc dù, không ai biết chính xác chính sách thương mại và thuế quan mới sẽ như thế nào, nhưng tôi nghĩ tốt hơn là nên chuẩn bị và lên kế hoạch cho nhiều phương án khác nhau để tiếp tục kinh doanh tại thị trường Hoa Kỳ”, ông Kevin Morgan nhấn mạnh.
Tại Hội thảo “Chính sách mới của Hoa Kỳ: Những tác động đến thương mại và đầu tư”, các chuyên gia đã cập nhật những thông tin mới nhất, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các bên liên quan có cái nhìn rõ ràng hơn về triển vọng thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Đồng thời, phân tích tác động có thể có của chính quyền mới tại Hoa Kỳ đối với sự phát triển thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, bao gồm những vấn đề liên quan đến thương mại, thuế quan, công nghệ, tài chính và đầu tư. Qua đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ nắm bắt được xu hướng, xây dựng kế hoạch phù hợp, đồng thời, tăng cường kết nối để thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong tương lai.
TT TT CN & TM