8 người đang online
°

Brazil kết thúc niên vụ 2023/24 với sản lượng đường và ethanol đạt mức cao kỷ lục

Đăng ngày 02 - 05 - 2024
Lượt xem: 20
100%

Hiệp hội Mía dường Brazil (UNICA) cho biết, khu vực Trung Nam – Brazil đã kết thúc niên vụ 2023/24 (tháng 4/2023 – tháng 3/2024), lần đầu tiên được ghi nhận mức kỷ lục trong sản xuất mía, đường và ethanol.

 

Brazil kết thúc niên vụ 2023/24 với sản lượng đường và ethanol đạt mức cao kỷ lục

Hiệp hội Mía dường Brazil (UNICA) cho biết, khu vực Trung Nam – Brazil đã kết thúc niên vụ 2023/24 (tháng 4/2023 – tháng 3/2024), lần đầu tiên được ghi nhận mức kỷ lục trong sản xuất mía, đường và ethanol.

Trong niên vụ vừa qua, khu vực Trung Nam – Brazil đã chế biến được 654 triệu tấn mía, tăng 19% so với niên vụ trước, do thời tiết rất thuận lợi trong cả quá trình phát triển của cây mía cũng như thời gian thu hoạch.

Vụ mùa kết thúc với sản lượng đường đạt 42,42 triệu tấn, tăng 25% và sản lượng ethanol đạt 33,59 tỷ lít, tăng 16% so với vụ trước.

Các nhà máy đã tập trung đẩy mạnh sản xuất đường để thu lợi nhuận khi giá thế giới ở mức cao. Mức phân bổ mía để sản xuất đường cũng tăng từ 44,6% của vụ trước lên 48,8% trong vụ này.

Bên cạnh đó, việc tăng cường sử dụng ngô để sản xuất nhiên liệu cũng khiến sản lượng ethanol đạt mức kỷ lục với 6,26 tỷ lít, tăng 41% so với niên vụ trước. Lượng ethanol từ ngô đã chiếm gần 20% tổng sản lượng ethanol.

Tính riêng trong nửa cuối tháng 3/2024, khu vực Trung Nam của Brazil đã ép 5,04 triệu tấn mía, tăng 6,5% so với cùng thời điểm năm 2023. Sản lượng đường đạt 183.000 tấn, tăng 9% còn sản lượng ethanol đạt 528 triệu lít, tăng 37,4%.

Dưới đây là chi tiết báo cáo mùa vụ của UNICA (mía và đường tính bằng triệu tấn, ethanol tính bằng tỷ lít, tổng lượng đường có thể thu hồi – TRS tính bằng kg/tấn):

 

2022/23

2023/24

% thay đổi

Sản lượng mía

548

654

19,29

Sản lượng đường

33,75

42,42

25,70

Sản lượng ethanol

28,92

33,59

16,16

TRS (kg/tấn)

140

139

-1,10

Tỷ trọng mía sử dụng sản xuất đường

44,6%

48,8%

 

 

StoneX dự báo thặng dư đường toàn cầu trong niên vụ 2023/24

Hãng tư vấn StoneX dự báo thị trường đường toàn cầu trong niên vụ 2023/24 (tháng 10/2023 - tháng 9/2024) sẽ dư cung, do sản xuất ở Ấn Độ và Thái Lan phục hồi trong giai đoạn cuối vụ. Theo đó, tổng cung đường toàn cầu sẽ vượt nhu cầu 3,88 triệu tấn, tăng từ mức 3,4 triệu tấn trong tháng 2/2024.

StoneX đã nâng dự báo sản lượng của Ấn Độ thêm 1,7 triệu tấn lên mức 32,8 triệu tấn và tăng thêm 500.000 tấn vào ước tính của Thái Lan, đạt mức 9,1 triệu tấn. Cả hai quốc gia này đều đang có vụ thu hoạch dồi dào với năng suất cao hơn ở giai đoạn cuối vụ. Sản lượng tăng hơn dự kiến ở châu Á sẽ bù lại mức giảm ở Mexico và Brazil.

Vụ mùa mới 2024/25 của khu vực Trung Nam - Brazil đã bắt đầu vào tháng 4 này, với ước tính của StoneX đưa ra không mấy khả quan, khi cho rằng sản lượng mía ép sẽ giảm xuống còn 602 triệu tấn, từ mức 622 triệu tấn hồi tháng 1/2024, do thời tiết khô hạn.

Mặc dù các nhà máy tập trung cao độ vào việc sản xuất đường, tuy nhiên khối lượng mía thu hoạch thấp, khiến sản lượng đường của khu vực Trung Nam - Brazil sẽ không thể vượt qua được mức kỷ lục của niên vụ trước.

StoneX ước tính sản lượng đường của Brazil chỉ ở mức 42,3 triệu tấn, giảm so với mức dự kiến 43,1 triệu tấn hồi tháng 1/2024. Trong khi một số nhà phân tích khác còn dự đoán sản lượng thấp hơn, chỉ ở mức 40 triệu tấn.

 

Giá cá hồi Na Uy tăng mạnh

Theo Báo cáo trên sàn giao dịch cá hồi châu Âu Fish Pool, giá cá hồi Na Uy đã tăng 22% trong 4 tuần qua và tăng gần 30% trong 12 tuần qua.

Giá cá hồi Na Uy trung bình đạt 135,28 NOK/kg (tương đương 12,46 USD, 11,61 EUR) vào tuần 14 của năm 2024 (tức tuần thứ 2 của tháng 4/2024), tăng 6,6% so với mức giá trung bình của tuần trước đó là 126,90 NOK (tương đương 11,79 USD, 10,91 EUR).

Cá hồi từ 1 đến 2 kg chiếm 0,25% trong tổng lượng bán ra trong tuần thứ 14 năm 2024 và đạt mức giá trung bình là 103,37 NOK (tương đương 9,54 USD, 8,88 EUR), tăng so với 84,23 NOK của tuần 13 (tương đương 7,85 USD, 7,25 EUR).

Cá hồi từ 2 đến 3 kg chiếm 7,14% trong tổng lượng bán ra giá trung bình 119,60 NOK (tương đương 11,04 USD, 10,28 EUR), cao hơn mức 112,36 NOK của tuần trước đó (tương đương 10,48 USD, 9,68 EUR).

Cá hồi loại 3 đến 4 kg chiếm 22,76% trong tổng lượng bán ra, giá trung bình 132,37 NOK/kg (tương đương 12,22 USD, 11,38 EUR), cao hơn so với mức 122,88 NOK của tuần 13 (tương đương 11,46 USD, 10,56 EUR). 

Loại 4 đến 5 kg, chiếm 26,34% trong tổng lượng bán ra trong tuần 14, giá tăng trung bình mỗi tuần là 10,06 NOK/kg (tương đương 0,93 USD, 0,86 EUR), đạt 136,22 NOK (tương đương 12,58 USD , 11,70 EUR), tăng so với mức 126,16 NOK của tuần trước đó (tương đương 11,77 USD, 10,87 EUR).

Cá hồi Na Uy từ 5 đến 6 kg chiếm 24,64% trong tổng lượng bán ra và giá tăng 8 NOK/kg (tương đương 0,74 USD, 0,69 EUR) so với tuần trước đó, đạt 138,84 NOK/kg (tương đương 12,82 USD, 11,93 EUR).

Cá hồi loại 6 đến 7 kg chiếm 14,68% trong tổng lượng bán ra và giá trung bình 139,94 NOK (tương đương 12,92 USD, 12,02 EUR), tăng so với mức 133,38 NOK của tuần trước đó (tương đương 12,44 USD, 11,48 EUR).

Cá hồi nặng từ 7 đến 8 kg, chiếm 3,84% trong tổng lượng bán ra, giá trung bình 137,98 NOK/kg (tương đương 12,73 USD, 11,85 EUR), tăng so với mức 131,97 NOK của tuần 13 (tương đương 12,31 USD, 11,36 EUR). Cá hồi loại 8 đến 9 kg chiếm 0,33% trong tổng lượng bán ra và giá tăng 3,13 NOK/kg so với tuần trước đó (tương đương 0,29 USD, 0,27 EUR), đạt 137,01 NOK (tương đương 12,65 USD, 11,77 EUR), tăng so tuần trước là 133,88 NOK (tương đương 12,48 USD, 11,53 EUR).

Fish Pool dự đoán giá cá hồi Na Uy giao kỳ hạn tháng 4/2024 dự kiến sẽ đạt khoảng 124 NOK (tương đương 11,44 USD, 10,65 EUR), tăng so với mức 117,50 NOK của tuần trước đó (tương đương 10,98 USD, 10,12 EUR). Giá giao tháng 5 được dự đoán sẽ giảm xuống 114,95 NOK (tương đương 10,61 USD, 9,87 EUR) từ mức 117 NOK (tương đương 11,04 USD, 10,19 EUR) được dự đoán trong tuần 13. Giá dự đoán giao tháng 6 vẫn giữ nguyên như báo cáo trong tuần 13 ở mức 110,90 NOK (tương đương 9,52 USD), 8,79 EUR).

Dự đoán giá quý II/2024 tăng lên 117,30 NOK (tương đương 10,83 USD, 10,08 EUR), tăng so với dự đoán trong tuần trước là 115,13 NOK (tương đương 10,77 USD, 9,91 EUR) và Quý III/2024 cũng đã tăng lên 87,37 NOK (tương đương 8,07 USD, 7,51 EUR) tăng so với dự đoán tuần 13 là 87,27 NOK (tương đương 8,06 USD, 7,50 EUR). Trong khi đó, giá quý IV/2024 hiện ở mức dự đoán là 87,37 NOK (tương đương 8,07 USD, 7,51 EUR), giảm so với dự đoán của tuần trước là 88,73 NOK (tương đương 8,30 USD, 7,64 EUR).

Theo Báo cáo của Hội đồng Cá hồi Na Uy, xuất khẩu thủy sản của Na Uy trong tuần thứ 14 năm 2024 đạt 11.687 tấn, tăng so với 9.516 tấn của tuần trước đó nhưng giảm so với mức 11.796 tấn xuất khẩu trong tuần 14 của năm 2023. Trong đó, chủ yếu xuất khẩu sang Các quốc gia châu Âu 8.505 tấn sản phẩm, tăng so với mức 6.682 tấn của tuần 13. Xuất khẩu sang Đan Mạch 1.880 tấn, cao hơn mức 1.530 tấn của tuần trước; Ba Lan 1.334 tấn, cao hơn mức 864 tấn của tuần trước; Tây Ban Nha 1.134 tấn, tăng từ 787 tấn; Pháp 1.051 tấn, tăng từ 1.018 tấn; Italia 920 tấn, tăng từ 541 tấn; Hà Lan 818 tấn, giảm so với 989 tấn của tuần 13; và Anh 546 tấn, tăng so với 492 tấn của tuần 13. Trung Quốc 609 tấn, tăng so với 512 tấn của tuần 13 và Mỹ 35 tấn, giảm so với 48 tấn của tuần trước đó.

 

 

DOANH NGHIỆP CẦN BIẾT

 

 

Công văn số 708/CCPT-ATTP: mẫu chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Vương quốc Anh

Ngày 15/4/2024, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) đã có Công văn số 708/CCPT-ATTP về mẫu chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Vương quốc Anh.

Theo đó, NAFIQPM cho biết, từ 2021, Nước Anh (GB) đã xây dựng Mô hình Hoạt động Mục tiêu Biên giới (BTOM) để kiểm soát biên giới đối với nhập khẩu hàng hóa SPS từ tất cả các nước thứ ba vào GB. Thông tin chi tiết của mô hình BTOM tham khảo tại đường link: https://www.gov.uk/government/publications/the-border-target-operating-model-august-2023  

BTOM bao gồm cam kết điều chỉnh hợp lý định dạng và nội dung của Giấy chứng nhận y tế xuất khẩu (EHC) động vật và sản phẩm động vật vào GB. Giấy chứng nhận điều chỉnh được áp dụng từ ngày 30/4/2024. (Cơ quan thẩm quyền Anh cũng lưu ý không nên sử dụng trực tiếp các mẫu giấy chứng nhận từ web Gov.UK, các cơ quan thẩm quyền phải soạn thảo giấy chứng nhận bao gồm tất cả thông tin, số giấy chứng nhận GB, số phiên bản), (chi tiết mẫu chứng nhận tại https://www.gov.uk/government/publications/fish-products-health-certificates).

Từ 30/4/2024, BTOM sẽ áp dụng phân loại rủi ro đối với hàng hóa từ các nước thứ ba (trong đó có Việt Nam), bao gồm rủi ro cao, trung bình và thấp. Việc phân loại này cung cấp thông tin chi tiết về cách thức sẽ áp dụng chế độ vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) mới. Những lô hàng được phân loại rủi ro thấp sẽ không yêu cầu EHC để được nhập khẩu vào GB và chỉ yêu cầu các tài liệu thương mại. Các lô hàng có rủi ro cao và trung bình sẽ tiếp tục yêu cầu EHC. Việc phân loại rủi ro theo đánh giá khoa học về rủi ro an toàn sinh học và an toàn thực phẩm từ các mặt hàng, có cân nhắc từ nguy cơ dịch bệnh của quốc gia xuất xứ.

Phân loại rủi ro được công bố tại: BTOM risk categories for animal and animal product imports from non-EU countries to Great Britain: summary tables - GOV.UK (www.gov.uk)

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Môi trường, Thực phẩm và các vấn đề nông thôn (DEFRA);

Căn cứ Điểm i Khoản 1 Điều 41 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu;

Để đáp ứng quy định của thị trường nhập khẩu, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông báo và hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản vào GB như sau:

- Cập nhật, nghiên cứu và tổ chức thực hiện đúng quy định mới nêu trên của Vương quốc Anh trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu thị trường GB.

- Chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu để có thông tin yêu cầu cụ thể của cơ quan kiểm soát cửa khẩu GB, tránh các vướng mắc khi xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường này.

- Thực hiện khai báo chính xác, đầy đủ thông tin khi đăng ký kiểm tra, chứng nhận xuất khẩu vào thị trường GB theo đúng quy định và theo hướng dẫn tại Phụ lục gửi kèm.

 

Nhiều quy định mới nhằm quyết liệt gỡ "Thẻ vàng" IUU

Nhiều quy định mới trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) đã được ban hành nhằm giúp Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý, sớm gỡ được “Thẻ vàng” IUU trong năm 2024.

Hoàn thiện khung pháp lý

Phát biểu tại tại Hội nghị triển khai các điểm mới theo Nghị định sửa đổi Nghị định số 26/2017/NQ-CP, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP và Thông tư số 23/2018/TT- BNNPTNT, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

So với Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP có một số điểm mới nổi bật đó là bổ sung quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong việc quản lý, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá; thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không được đưa tàu vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển.

Nghị định sửa đổi cũng quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát lắp đặt trên tàu cá; quy định rõ yêu cầu và quản lý việc lắp đặt đối với thiết bị giám sát tàu cá và quy định yêu cầu đối với việc lắp thiết bị chống va, đâm khi hoạt động trên biển để tránh tình trạng nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn trong việc quản lý. Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung quy định giám sát viên trên tàu cá Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam nhằm tạo khung pháp lý để duy trì và thúc đẩy việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam và kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu container nhập khẩu vào Việt Nam nhằm thực hiện Công điện số 1058/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu.

Nghị định cũng quy định việc kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam; kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu container nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, trước 48 giờ khi lô hàng được vận chuyển cập cảng, tổ chức, cá nhân khai báo và gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu không vi phạm IUU.

“Nghị định số 37/2024 có hiệu lực từ ngày 19/5 và Nghị định 38/2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 20/5, cả hai Nghị định mới ban hành này đều theo hướng kiểm soát và chế tài một cách nghiêm khắc các hành vi đánh bắt cá hợp pháp theo khuyến nghị của EC, qua đó cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc chống đánh bắt IUU, không chỉ vì mục tiêu gỡ ‘Thẻ vàng’ trước mắt, mà quan trọng là tạo chuyển biến thực sự của hoạt động thủy sản sang hướng bền vững”, Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm quy định về VMS

Đánh giá về việc gỡ “Thẻ vàng” IUU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về việc về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Cùng với đó là các nghị định thay thế, sửa đổi, bổ sung đã được ban hành; các công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia… về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). “Chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến nhưng để gỡ được ‘Thẻ vàng’ thì các địa phương cần nỗ lực hơn nữa. Các địa phương cần tiếp tục tập trung vào quản lý giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định mới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Đại sứ Julien Guerrier, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, táng 4/2024 là đợt cao điểm để Việt Nam gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của châu Âu. Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cử đoàn công tác do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu sang Bỉ làm việc với Ủy ban châu Âu (EC) nhận thông tin để chuẩn bị cho chuyến thanh tra tiếp theo.

Đại sứ Julien Guerrier cũng kỳ vọng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có báo cáo đầy đủ về tiến độ đáp ứng các yêu cầu của châu Âu. Một số khuyến nghị EC đưa ra vào đợt thanh tra lần thứ 4 gồm đảm bảo thông tin dữ liệu tàu cá trong VNFishbase là hoàn toàn chính xác và có cơ chế theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện việc cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá theo quy định. Bên cạnh đó, rà soát lại quy trình xử lý đối với việc ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS), xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm quy định về VMS.

 

Hoa Kỳ tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ từ nhập khẩu Việt Nam

Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo thông báo của DOC, kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm dự kiến được ban hành vào ngày 14 tháng 6 năm 2024. Đối với điều tra lẩn tránh thuế, DOC cũng đã tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của vụ việc tới ngày 28 tháng 6 và ngày 26 tháng 9 năm 2024.

Ngoài ra, DOC đã thiết lập mã vụ việc của nước thứ ba theo hệ thống tự động của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) cho Việt Nam: A-552-106-000 và C-552-107-000. Việc cập nhật mã vụ việc nhằm theo dõi các quy trình nhập khẩu sản phẩm liên quan vào Hoa Kỳ.

Đồng thời, DOC đã đưa ra dự thảo hướng dẫn về các quy trình và thủ tục nhằm xác minh nguồn gốc và phạm vi sản phẩm của tủ gỗ nhập khẩu, trong đó có những lưu ý về tạm ngừng thanh khoản và đặt cọc thuế; cơ chế chứng nhận của DOC và CBP. Đối với dự thảo hướng dẫn về các quy trình và thủ tục này, các bên quan tâm có thời hạn bình luận đến ngày 19 tháng 4 năm 2024, và thời hạn đưa ra ý kiến phản biện (rebuttal comments) là ngày 26 tháng 4 năm 2024.

Vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế PVTM bị DOC lần lượt khởi xướng từ tháng 5 và tháng 6 năm 2022. Tháng 9 năm 2023, DOC ban hành thông báo điều chỉnh kết luận sơ bộ tháng 3 năm 2023, theo đó liệt kê 3 trường hợp tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc thuộc phạm vi của lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc.

Trước đó, từ tháng 4 năm 2020 đến nay, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế CBPG là từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế CTC là từ 13,33% đến 293,45%.

Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: Phòng Xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM, Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chuyên viên phụ trách: Hà Văn Hiếu, Điện thoại: 024.7303.7898 (máy lẻ 110), Email: hieuhv@moit.gov.vnngocny@moit.gov.vn.

 tt tt cN & tm

Tin liên quan

USDA hạ dự báo nhập khẩu đường của Mexico(02/05/2024 10:38 SA)

Xuất khẩu cá ngừ hồi phục tại thị trường Mỹ(04/04/2024 9:21 SA)

Thị trường cung cấp thủy sản cho Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024(04/04/2024 9:14 SA)

Nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu tháng 1/2024 tăng 49,8%(08/03/2024 10:29 SA)

Dự báo sản lượng đường của Brazil trong niên vụ 2024/25 có thể đạt mức kỷ lục 43,1 triệu tấn(22/01/2024 8:31 SA)

Tin mới nhất

Xuất khẩu phân bón 3 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch(02/05/2024 10:46 SA)

USDA hạ dự báo nhập khẩu đường của Mexico(02/05/2024 10:38 SA)

Xuất khẩu cá ngừ hồi phục tại thị trường Mỹ(04/04/2024 9:21 SA)

Thị trường cung cấp thủy sản cho Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024(04/04/2024 9:14 SA)

Nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu tháng 1/2024 tăng 49,8%(08/03/2024 10:29 SA)