Indonesia đã phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo bổ sung 1,6 triệu tấn cho năm 2024, sau khi nhập khẩu với khối lượng gần kỷ lục trong năm ngoái, do tình trạng khô hạn liên quan đến kiểu thời tiết El Nino đã làm trì hoãn việc thu hoạch tại nước này.
Indonesia phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo bổ sung 1,6 triệu tấn gạo trong năm nay
Indonesia đã phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo bổ sung 1,6 triệu tấn cho năm 2024, sau khi nhập khẩu với khối lượng gần kỷ lục trong năm ngoái, do tình trạng khô hạn liên quan đến kiểu thời tiết El Nino đã làm trì hoãn việc thu hoạch tại nước này.
Hạn ngạch nhập khẩu mới nhất, cao hơn 2 triệu tấn đã được phê duyệt trước đó cho năm 2024, được đưa ra trong bối cảnh dự đoán vụ thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 3 sẽ thấp hơn năm ngoái do lượng mưa ở Java - vùng trồng lúa trọng điểm của đất nước - thấp hơn bình thường.
Một nhà kinh doanh gạo có trụ sở tại Singapore cho biết: “Việc mua gạo của Indonesia đã đẩy giá toàn cầu tăng cao và tin tức này càng tạo thêm động lực tăng giá cho thị trường”.
Giá gạo châu Á gần đạt mức cao nhất trong 16 năm sau khi Ấn Độ, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, hạn chế xuất khẩu vào năm ngoái.
Giá gạo đồ xuất khẩu từ trung tâm lúa gạo hàng đầu thế giới - Ấn Độ - đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tuần này do nguồn cung hạn chế và nhu cầu cải thiện nhẹ.
Giá tại các trung tâm xuất khẩu chính khác - Thái Lan của Việt Nam - đang ở gần mức cao nhất kể từ năm 2008.
Sản lượng gạo Indonesia giảm có nguy cơ thắt chặt nguồn cung hơn nữa, đẩy giá gạo lên cao.
Quan chức Bộ Thương mại nước này, Arif Sulistiyo, cho biết sản lượng gạo Indonesia từ tháng 1 đến tháng 3 dự kiến sẽ thấp hơn 2,82 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ thương mại đang làm việc để cấp giấy phép nhập khẩu cho khoản phân bổ bổ sung, ông Arif cho biết thêm.
Slide thuyết trình của ông cho thấy mục tiêu không thay đổi về sản lượng hàng năm ở mức 32 triệu tấn năm 2024, so với ước tính 30,9 triệu tấn vào năm 2023.
Tuy nhiên, Giám đốc Cơ quan Lương thực Quốc gia Arief Prasetyo Adi nói với các phóng viên rằng chính phủ đang tập trung vào việc thực hiện hạn ngạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo đã được phê duyệt trước đó, trong khi hạn ngạch bổ sung sẽ được thực hiện sau nếu cần.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã nhập khẩu 3,06 triệu tấn gạo trong năm 2023, gần mức kỷ lục.
Tại Indonesia, giá bán lẻ gạo đang cao hơn mức trần do chính phủ quy định trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung.
Ấn Độ kéo dài thời hạn áp thuế xuất khẩu gạo đồ
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hôm 21/2 đã gia hạn thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ, có hiệu lực trong thời gian không xác định (dự kiến tới 31/3/2024) để ngăn chặn bất cứ khả năng tăng giá nào trên thị trường trong nước trước cuộc tổng tuyển cử.
Chỉ còn vài tháng nữa là đến ngày bầu cử. Do đó, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi lo lắng về giá thực phẩm tăng cao, vốn chiếm khoảng một nửa trong số tổng các thành phần tính chỉ số giá tiêu dùng của nước này. Lạm phát giá thực phẩm của Ấn Độ tháng 1/2024 là 8,3%.
Động thái của nước trồng lúa lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục gây sức ép lên nguồn cung gạo toàn cầu và đẩy giá quốc tế tăng cao. Điều đó sẽ tác động lớn đến một số quốc gia ở Tây Phi và Trung Đông vốn phụ thuộc vào Ấn Độ để đáp ứng phần lớn nhu cầu lương thực thiết yếu.
Quốc gia Nam Á này chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu trong năm 2022-23. Gạo đồ chiếm khoảng 30% tổng lượng xuất khẩu của Ấn Độ trước khi có lệnh hạn chế.
Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi dỡ bỏ lệnh cấm vận với Niger
Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã tổ chức cuộc họp bất thường ngày 24/2/2024 ở Abuja, Nigeria nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, sau khi 3 quốc gia là Niger, Burkina Faso và Mali tuyên bố rút khỏi tổ chức khu vực này.
Theo đó, sau cuộc họp, ECOWAS cho biết khối này dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt áp đặt lên Niger liên quan đến cuộc đảo chính năm ngoái, trong một nỗ lực mới nhằm thúc đẩy đối thoại. Chủ tịch ECOWAS, Omar Alieu Touray, nêu rõ hôm 24-2 rằng, các biện pháp trừng phạt như vùng cấm bay, đóng cửa biên giới, ngừng các giao dịch tài chính, phong tỏa ngân hàng trung ương và tài sản Nhà nước với Niger đã được dỡ bỏ “có hiệu lực ngay lập tức”. Đây là tin vui đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với quốc gia Tây Phi này.
Trước đó, vào tháng 7/2023, Tổng thống Mohamed Bazoum của Niger đã bị phế truất trong một cuộc đảo chính quân sự, khiến ECOWAS phải đình chỉ thương mại và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước này. Trong thời gian Niger bị cấm vận, giao dịch giữa doanh nghiệp Niger và đối tác nước ngoài gần như bị ngưng trệ nhất là trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu cũng như thông quan hàng hóa. Do Niger nằm sâu trong lục địa, không có biển, nên các hoạt động xuất nhập khẩu của nước này phải sử dụng cảng biển quá cảnh của những quốc gia láng giềng như Benin (cảng Cotonou) và Ghana (Tema), sau đó hàng hóa được chuyên chở bằng đường bộ qua biên giới chung.
Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Niger đạt 16,93 triệu USD trong đó hàng dệt may chiếm tới 14,9 triệu USD, máy móc, thiết bị điện 1,85 triệu USD...
TT TT Cn & TM