Ngày 22/11/2024, tại TP. Đông Hà, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X, năm 2024.
Tham dự và chủ trì hội nghị có: Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long; Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam; Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Trường Khoa. Tham dự còn có đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương 15 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh: Hội nghị lần này là diễn đàn để các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên cùng nhau chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chung của ngành Công Thương và Sở Công Thương của từng địa phương; thảo luận, tìm ra giải pháp tháo gỡ, lắng nghe các chỉ đạo, định hướng của Bộ Công Thương để giúp các địa phương thực thi tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, thời gian qua các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, hệ thống kho tàng, bến cảng... tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng mặt bằng phát triển sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.
Quang cảnh Hội nghị
Tính đến tháng 9/2024, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 12 Khu kinh tế với tổng diện tích trên 345.322ha; 793 dự án đăng ký đi vào hoạt động với tổng số vốn thực hiện 905.861,9 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 99 nghìn lao động.
Có 236 Cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 7.577ha; trong đó, 190 Cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.508ha đi vào hoạt động, thu hút 2.216 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký của các dự án là 62.490 tỷ đồng, tạo việc làm trên 131,7 nghìn lao động. Hoạt động sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tại một số địa phương vẫn giữ được đà tăng trưởng, trong đó 4/15 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp cao (Khánh Hoà (+36,4%); Quảng Nam (+15,7%); Ninh Thuận (+11,6); Kon Tum (+10%). Có 10/15 tỉnh, thành phố có chỉ số IIP duy trì mức tăng ổn định; 1/15 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực đạt 819.734 tỷ đồng, tăng 12,17% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung cả nước 8,8% và tương đương với mức tăng cùng kỳ năm 2023) và đạt 79,16% kế hoạch năm 2024. Tính đến tháng 9/2024, khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã thực hiện đầu tư: 1.703 chợ; 204 siêu thị; 43 trung tâm thương mại; 3.465 cửa hàng xăng dầu; 4.794 cửa hàng LPG; 2 tổng kho hàng hoá; 4 trung tâm logistic; 1 trung tâm hội chợ triển lãm và 2 kho ngoại quan.
Về hoạt động xúc tiến thương mại, toàn khu vực hỗ trợ 184 lượt doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường trong và ngoài nước; tổ chức 33 đợt đưa hàng Việt về nông thôn và theo dõi 208.123 lượt thông báo thực hiện Chương trình khuyến mãi quốc gia, xác nhận 221 lượt đăng ký khuyến mại; tổ chức 20 lượt hội thảo, hội nghị chuyên đề về xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm...
Tuy nhiên, hoạt động Công Thương tại khu vực vẫn còn gặp một số khó khăn: Sản xuất công nghiệp của một số tỉnh, thành phố trong khu vực chậm phục hồi, tăng trưởng còn thấp, thiếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Quy mô sản xuất và trình độ công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp trong khu vực còn hạn chế, chưa có nhiều dự án lớn được đầu tư với công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao tạo động lực phát triển của vùng. Sản phẩm chế biến thô và gia công còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp và cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của vùng…
Tại hội nghị các đại biểu đã phát biểu tham luận về một số vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước và đề xuất một số kiến nghị trong thẩm quyền của Bộ Công Thương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững ngành Công Thương tại các địa phương; Các kiến nghị đã được lãnh đạo Bộ Công Thương lắng nghe, giải đáp; đồng thời các Cục, Vụ thuộc Bộ đã cung cấp thêm thông tin về chính sách và đề xuất những giải pháp cụ thể, thực chất để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương; một số kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu để có phương án giải quyết khả thi, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định pháp luật. Một số kiến nghị khác, Bộ Công Thương sẽ trả lời bằng văn bản đến các đơn vị.
Phát biểu kết luận bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long bày tỏ: "Lĩnh vực Công Thương là một lĩnh vực rộng chiếm 80% GDP của cả nước. Đặc biệt các vấn đề trọng tâm, trọng điểm rất phức tạp, liên quan đến vấn đề liên ngành. Trong những nội dung được trao đổi tại hội nghị có những vấn đề chưa có giải pháp xử lý triệt để, do đó chúng tôi rất chia sẻ về những trăn trở, nỗi lo và trách nhiệm của các đại biểu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng là trọng tâm được Bộ trưởng Bộ Công Thương tập trung cao độ để chỉ đạo. Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành loạt văn bản, chính sách về năng lượng mang tính đột phá; đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan trong đoàn công tác ghi chép để có báo cáo và trả lời bằng văn bản đối với những đề nghị của các địa phương, cũng như đưa đề xuất vào các chương trình làm việc của các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ nghiên cứu giải quyết. Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, năm 2025 sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước, Thứ trưởng mong rằng tinh thần các đơn vị sẽ luôn ở quyết tâm cao nhất như tinh thần Thủ tướng Chính phủ “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”… để đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án… góp phần đưa ngành Công Thương đạt được những thành tựu lớn hơn nữa trong năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã nhận cờ luân lưu cho hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XI, dự kiến tổ chức vào năm 2025.
Sở Công Thương tỉnh Kom Tum nhận cờ luân lưu tổ chức Hội nghị năm 2025
VĂN PHÒNG