Chiều ngày 17/3/2025, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Lễ chuyển giao Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về địa phương, thành lập Chi Cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương, kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ. Về phía tỉnh Ninh Thuận có đồng chí Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Công Thương (thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận) tham dự.

Quang cảnh Hội nghị
Ngày 26/2/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Theo đó, mô hình Tổng cục Quản lý thị trường sẽ không còn, thay vào đó, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, bộ máy của Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước. Đồng thời, Bộ Công Thương chuyển giao nguyên trạng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh thuộc Tổng cục Quản lý thị trường về UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thành lập Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương trước ngày 1/6/2025.
Đối với cấp địa phương, theo cơ cấu tổ chức mới, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước không quản lý về mặt con người. Tuy nhiên, sẽ phụ trách kiểm tra về mặt thực thi pháp luật, triển khai các biện pháp nghiệp vụ trong phòng chống gian lận thương mại, xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề. Việc kiểm tra vẫn sẽ duy trì ở cả 2 cấp: Địa phương và cấp kiểm tra thuộc Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước. Đối với các vụ việc ở địa phương, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ quản lý về hồ sơ kiểm tra, bao gồm: Biên bản kiểm tra, quyết định kiểm tra, đối tượng kiểm tra và người thực hiện cuộc kiểm tra…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc chuyển giao hệ thống quản lý thị trường về địa phương là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thị trường, đồng thời gắn trách nhiệm chính quyền địa phương với thực tế công tác quản lý thị trường trên địa bàn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi công tác quản lý thị trường phải bám sát thực tiễn, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Việc phân cấp mạnh mẽ này sẽ giúp địa phương chủ động hơn trong công tác quản lý, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa quản lý thị trường với các lực lượng chức năng trên địa bàn, bảo đảm thị trường minh bạch, lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.”
Để bảo đảm việc chuyển giao diễn ra thuận lợi, Bộ trưởng Công thương đề nghị các địa phương nhanh chóng kiện toàn tổ chức Chi cục Quản lý thị trường, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa quản lý thị trường với các sở, ngành liên quan, đồng thời đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành. Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, quá trình chuyển giao sẽ được thực hiện trên nguyên tắc giữ nguyên trạng tổ chức, nhân sự, tài chính và cơ sở vật chất của các Cục Quản lý thị trường hiện nay, bảo đảm hoạt động quản lý thị trường không bị gián đoạn. Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trong giai đoạn chuyển đổi, bảo đảm sự ổn định, thông suốt của hệ thống.
VĂN PHÒNG