3 người đang online
°

Nâng cấp hệ thống hỗ trợ in mẫu form C⁄O tự động và tra cứu e-C⁄O đã hoàn thiện

Đăng ngày 11 - 01 - 2024
Lượt xem: 102
100%

Hai tính năng được nâng cấp của hệ thống Vsign sẽ được hỗ trợ miễn phí đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2024.

 

 

Với mục đích cung cấp giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số, in mẫu form C/O theo chuẩn mẫu của Bộ Công Thương và nhiều tiện ích khác, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm thời gian tra cứu thông tin hoặc thực hiện công việc một cách dễ dàng, nhanh chóng hơn, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) xây dựng và phát triển hệ thống Vsign (tại địa chỉ http://vsign.vn).

Sau khi ra mắt và vận hành hệ thống, Vsign đã thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp. Dự kiến, năm 2023, Trung tâm Phát triển TMĐT hỗ trợ được hơn 30.000 lượt doanh nghiệp với 100.000 lượt khai và in các mẫu form C/O từ hệ thống Vsign.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong thời gian tới, từ tháng 12 năm 2023, Vsign đã được nâng cấp hệ thống với hai tính năng mới:

(i) Với các loại C/O mà thương nhân có thể tự in trên giấy trắng, kích thước A4 theo tiêu chuẩn ISO bao gồm: AANZ, AI, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VN-CU và S, hệ thống Vsign đã nâng cấp tính năng in tự động tất cả các mẫu form do Bộ Công Thương cấp phép mà không cần phải nhập lại dữ liệu đã khai báo trên Ecosys. Doanh nghiệp chỉ cần đăng nhập bằng tài khoản khai báo C/O đang dùng và trải nghiệm giải pháp in form C/O chủ động hoặc tại: http://vsign.vn/ListCOView.aspx.

(ii) Hỗ trợ tra cứu, theo dõi e-C/O điện tử đã được cấp phép. Cụ thể, hệ thống được nâng cấp giúp doanh nghiệp theo dõi e-C/O đã gửi sang hệ thống hải quan nước nhập khẩu hay chưa; hoặc tình trạng hồ sơ cần điều chỉnh sau cấp phép đã được HỦY/CẤP PHÉP LẠI e-C/O tại http://vsign.vn/SearchLogCOVNSWView.aspx.

Các tính năng mới trên wesite được hỗ trợ miễn phí đến hết ngày 31/01/2024.

Doanh nghiệp có thể in mẫu Đơn xin cấp C/O và Form C/O trên cùng giao diện quản lý, xem chi tiết hướng dẫn có tại http://vsign.vn/FAQ.aspx.

Hình ảnh minh họa được chụp từ giao diện Vsign đã được nâng cấp

Nếu doanh nghiệp gặp các vướng mắc liên quan đến vấn đề C/O điện tử, có thể gửi yêu cầu tới Vsign.vn để hỗ trợ chuyên sâu thông qua 03 số điện thoại hỗ trợ: Hotline: (024) 62705538 - Hà Nội (024) 22205513 - Hồ Chí Minh (028) 39152880 và email: dangkyca@ecomviet.vn.

 

Singapore sẽ chính thức tăng thuế dịch vụ hàng hóa (GST) từ 8% lên 9% kể từ ngày 01/01/2024

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, mới đây, Cơ quan quản lý doanh thu nội địa của Singapore cũng đã ban hành Hướng dẫn cho các doanh nghiệp chịu thuế GST năm 2024 và có thông báo về việc tăng thuế GST của Singapore lên 9% bắt đầu từ ngày 01/01/2024.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định trong thời gian dài, nhưng hiện tại Singapore cũng như nhiều quốc gia khác đang phải chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng từ sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, ngân sách dành cho chi tiêu chăm sóc sức khỏe người dân, đối phó với biến đổi khí hậu, chi phí vận tải và các dịch vụ hỗ trợ xã hội khác ngày càng tăng. Thuế GST là nguồn thu chính và bền vững để phục vụ cho các dịch vụ công, hỗ trợ xã hội nói trên. Từ năm 2022, Bộ Tài chính Singapore đã thông báo lộ trình tăng thuế GST sau 15 năm giữ mức thuế này không đổi ở mức 7% (kể từ năm 2007). Theo đó, thuế GST của Singapore đã tăng từ 7% lên 8% vào ngày 01/01/2023 và sẽ tiếp tục tăng lên thành 9% vào ngày 01/01/2024. Mới đây, Cơ quan quản lý doanh thu nội địa của Singapore cũng đã ban hành Hướng dẫn cho các doanh nghiệp chịu thuế GST năm 2024 và có thông báo về việc tăng thuế GST của Singapore lên 9% bắt đầu từ ngày 01/01/2024.

Theo các chuyên gia, việc Singapore tăng thuế GST lên 9% có thể sẽ ảnh hưởng đến một số lĩnh vực trong kinh doanh và thị trường Singapore như:

Suy giảm trong chi tiêu tiêu dùng: Thuế GST tăng sẽ dẫn đến giá chung của sản phẩm và dịch vụ trên thị trường cũng tăng lên, gây tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các hàng hóa xa xỉ. Có thể dự đoán về việc người dân sẽ cân nhắc chi tiêu ít đi hoặc tìm kiếm những sản phẩm có giá thành phải chăng và chất lượng vừa phải hơn.

Lạm phát tăng. Tuy nhiên, theo tính toán của Chính phủ Singapore thì lạm phát sẽ được kiểm soát với lộ trình tăng thuế GST theo giai đoạn như hiện nay.

Gia tăng áp lực chi phí lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Singapore: Việc tăng thuế GST sẽ tác động sâu hơn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp thuộc nhóm này đang phải đối mặt với chi phí ngày càng tăng về lực lượng lao động, logistic và năng lượng, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh khi họ buộc phải tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ của mình hoăc tìm kiếm nguồn cung, đối tác khác để có mức giá đầu vào thấp hơn, đảm bảo công việc kinh doanh.

Trước tình hình chi phí cho sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt gia tăng, có thể dự đoán xu hướng tiêu dùng của đại đa số người dân Singapore trong thời gian tới sẽ thắt chặt hơn và các doanh nghiệp nước này, về lâu dài, sẽ đẩy mạnh tìm kiếm các nhà cung cấp với mức giá phải chăng hơn. Việt Nam sẽ là một trong số những nhà cung cấp mà doanh nghiệp Singapore rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn hợp tác dài hạn.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore đề nghị Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, trưng bày, tăng sự hiện diện các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Singapore. Đồng thời, tạo điều kiện tổ chức các đoàn giao thương, làm việc trực tiếp giữa doanh nghiệp hai nước nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, đầu tư công nghiệp và dịch vụ. Qua đó góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Singapore.

 

Bộ tiêu chuẩn ESG về môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp

ESG (bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng) đang dần trở thành một trong những thước đo tiêu chuẩn để đánh giá tính bền vững của doanh nghiệp.

Bộ tiêu chuẩn ESG là một thuật ngữ tiếng Anh viết tắt của 3 từ Environmental - Social - Governance, là bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp trong quá trình vận hành doanh nghiệp. ESG đóng vai trò như “kim chỉ nam” giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý các rủi ro, cũng như cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn ESG này còn khá mới với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh. Trong đó, có các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như ngành hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống từng bước thực hiện phát triển bền vững như sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường…

Về tiêu chí đối với sản phẩm xanh, đó là sản phẩm đáp ứng 4 tiêu chí, gồm: sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn cho môi trường và sức khỏe thay thế sản phẩm độc hại, sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng (ít chất thải, sử dụng năng lượng tái sinh, ít chi phí bảo trì), sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe.

Trên thế giới, áp dụng ESG đang là xu hướng của các doanh nghiệp. Hiện, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG.

Năng lượng xanh, sản xuất xanh, tăng trưởng xanh là yếu tố quan trọng trong việc tăng chỉ số ESG để giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu.

Trong một báo cáo gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã liệt kê xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững của các nước là một áp lực lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến họ tăng chi phí nếu muốn tuân thủ.

Chẳng hạn, việc EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới, thực hiện Thỏa thuận xanh châu Âu và Chính sách từ nông trại đến bàn ăn sẽ là thách lớn trong khi hầu hết doanh nghiệp Việt chưa có đầy đủ thông tin, kiến thức, nguồn lực để tuân thủ.

Doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm cũng đang chú trọng cải tiến sản phẩm, áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng các nguyên liệu xanh, hữu cơ và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc phát triển ESG của doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm đang áp lực với chuẩn “xanh”. Doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang đối mặt với thiếu đơn hàng và thêm áp lực về tiêu chuẩn “xanh” từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), ngành dệt may của Việt Nam phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) sử dụng rất nhiều tài nguyên nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất sau xử lý.

Trước mắt, EU đưa ra quy định liên quan đến chương trình dệt may tuần hoàn và bền vững, ràng buộc trách nhiệm nhà sản xuất đối với các sản phẩm dệt may (EPR - Trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất), được áp dụng từ năm 2025.

Là một trong những ngành chủ yếu hướng tới xuất khẩu và đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ sớm, các doanh nghiệp dệt may đang tiên phong thực hiện các giải pháp xanh hóa sản phẩm, xanh hóa nhà máy sản xuất.

Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh không hề dễ nhiều doanh nghiệp đã rất áp lực trước sự chuyển đổi này. Đó vừa là bài toán thay đổi nhận thức, vừa là sức ép chi phí trong giai đoạn thị trường đầy thách thức. Những doanh nghiệp nào nhỏ, không đủ tiềm lực có thể phải tạm dừng.

Do đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp Chính phủ cần có những trợ lực nhất định đặc biệt trong giai đoạn đầu khi thực hiện các quy định bắt buộc về kiểm kê phát thải nhà kính. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có các cơ chế khuyến khích, các ưu đãi về thuế với hàng hóa, dịch vụ được sản xuất theo phương thức carbon thấp.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng công cụ hỗ trợ doanh nghiệp kiểm kê khí nhà kính và xuất báo cáo; giải pháp tối ưu hóa quy trình vận chuyển và quản lý chuỗi cung ứng một cách bền vững thông qua các chứng chỉ carbon, ESG; thúc đẩy phát triển ngành sản xuất bao bì thực phẩm xanh, thân thiện với môi trường…

 TT TT Cn & TM

Tin liên quan

Quy định mới về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA, UKVFTA(09/07/2024 9:32 SA)

Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng số 1 cho Colombia trong suốt hơn 1 thập kỷ(24/06/2024 9:27 SA)

Nghị định số 34/2024/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm(24/06/2024 9:10 SA)

Hoa Kỳ nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm pin năng...(27/05/2024 8:46 SA)

USDA dự báo sản lượng đường của Ấn Độ niên vụ 2024/25 đạt 34,5 triệu tấn(27/05/2024 8:45 SA)

Tin mới nhất

Quy định mới về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định EVFTA, UKVFTA(09/07/2024 9:32 SA)

Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng số 1 cho Colombia trong suốt hơn 1 thập kỷ(24/06/2024 9:27 SA)

Nghị định số 34/2024/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm(24/06/2024 9:10 SA)

Hoa Kỳ nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm pin năng...(27/05/2024 8:46 SA)

USDA dự báo sản lượng đường của Ấn Độ niên vụ 2024/25 đạt 34,5 triệu tấn(27/05/2024 8:45 SA)