Xuất khẩu nội tạng lợn nửa đầu năm sang thị trường Trung Mỹ tăng 3% lên 61.690 tấn, giá trị tăng 10% lên 175,9 triệu USD. Xuất khẩu sang Honduras, Guatemala, El Salvador, Nicaragua và Costa Rica tăng, bù đắp cho sự sụt giảm của Panama.
Dự báo giá ure trong nước sẽ tăng trong quý IV tới
Giá phân ure-chủng loại dẫn dắt thị trường phân bón trong nước đã giảm nhẹ theo giá thế giới và do nhu cầu thấp.
Tuy nhiên, theo quy luật tiêu thụ phân bón nhiều năm lại đây cộng thêm giá phân ure thế giới được định giá theo biến động của giá dầu khí, giá ure trong nước được dự báo sẽ tăng trong quý IV tới.
Theo phân tích của Công ty nghiên cứu thị trường Agroviet, trong ngắn hạn, thị trường có xu hướng dư cung ure do nguồn cung từ Nigeria và Đông Nam Á phục hồi, còn xuất khẩu ure của Trung Quốc dự kiến tăng.
Trong khi đó, nhu cầu phân bón ure dường như không cải thiện khiến cả thương nhân và nhà nhập khẩu đều có xu hướng giảm giá chào bán.
Tại Indonesia, trong tuần cuối tháng 8, Pupuk Indonesia đã đóng đấu thầu bán 30-45.000 tấn ure hạt đục và 28.000 tấn ure hạt trong, giao hàng trong nửa đầu tháng 9.
Theo đó, giá thầu cao nhất với ure hạt đục ở mức 392 USD/tấn FOB và Ure hạt trong ở mức 377,5 USD/tấn Fob (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán); so với giá thầu cao nhất trong đấu thầu đóng trước đó giá đã giảm 22,54-28,65 USD/tấn.
Trên thị trường, giá ure thế giới trong tuần cuối tháng Tám đã giảm 15-20 USD/tấn so với tuần trước đó tại hầu hết các thị trường trong bối cảnh giá trong đấu thầu mua hàng của Ấn Độ thấp hơn kỳ vọng, nhu cầu mua hàng suy yếu sau khi tăng cao bất thường trong tháng 7 và các thương nhân cố gắng đảm bảo thanh khoản thông qua các giao dịch bán khống.
Tại Trung Đông, giao dịch giao ngay kém thanh khoản và chỉ diễn ra giao dịch với các lô hàng được xác nhận sẽ được giao đến Ấn Độ trong đấu thầu của IPL.
Tại Iran, các nhà sản xuất chào giá ure hạt đục Iran ở mức 350 USD/tấn Fob, giảm 20 USD/tấn so với tuần trước đó và giảm 40 USD/tấn so với đầu tháng 8.
Tại khu vực Đông Nam Á, hoạt động giao dịch tại các ngày trong tuần cuối tháng 8 ở mức thấp. Tại Brunei, BFI chào giá hàng giao ngay tháng 9 ở mức 400-410 USD/tấn Fob nhưng không có giao dịch được báo cáo.
Tại Brazil, giá ure giảm 18 USD/tấn xuống mức 370-380 USD/tấn CFR (giá CFR bao gồm tiền hàng cộng với cước phí) khi người bán tiếp tục tìm kiếm thanh khoản trên thị trường.
Hầu hết các chào giá trong tuần này không nhận được sự quan tâm của người mua, người mua chấp nhận mua hàng ở mức 370 USD/tấn CFR nhưng không có giao dịch ở mức này.
Tại Biển Đen, giao dịch giao ngay kém thanh khoản do người bán gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhu cầu mua hàng và không sẵn sàng chấp nhận mức giá tại các thị trường trong khu vực.
Tại Trung Quốc, giá xuất xưởng ure hạt trong trong tuần cuối tháng Tám giảm nhẹ 1% so với tuần trước xuống mức 2490-2550 NDT/tấn (tùy khu vực) trong bối cảnh nhu cầu mua hàng của các nhà máy phân bón hỗn hợp ở mức cao.
Giá xuất xưởng ure hạt trong của Trung Quốc trong tuần cuối tháng 8 giảm nhẹ 1% (8-25 NDT/tấn) so với tuần trước xuống mức 2490-2550 NDT/tấn (tùy khu vực).
Tại thị trường Việt Nam, với nhu cầu tiêu thụ nội địa ở mức thấp và xuất khẩu cũng chưa ghi nhận có lô hàng mới nên các giao dịch hiện khá trầm lắng. Hiện nhu cầu tiêu thụ phân ure cho cây trồng tại các khu vực đều ở mức thấp/hạn chế.
Tại miền Bắc, nhiều diện tích lúa Hè Thu đã bón xong 3 đợt chính nên nhu cầu tiêu thụ chậm. Khu vực miền Trung đã và đang thu hoạch lúa Hè Thu nên nhu cầu tạm ngưng.
Tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhu cầu tiêu thụ tại một số khu vực sạ muộn đầu tháng 8 gia tăng (An Giang), trong khi sụt giảm tại hầu hết các tỉnh sạ lúa trong tháng 7 (Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp), nhu cầu ở mức thấp.
Giá ure hiện dao động với biên độ hẹp. Hiện sức mua trên thị trường yếu nên các nhà phân phối và đại lý chào giá sang tay ure Hà Bắc ở mức 9.500-9.900 đồng/kg, giảm 75 đồng/kg so với hai tuần trước đây. Tại Sài Gòn, các nhà phân phối chào bán ure ở mức 9.700-9.800 đồng/kg, giảm 350 đồng/kg so với hai tuần trước đó.
Dự kiến đầu tháng 9 này, tàu ure Brunei được Công ty Tường Nguyên nhập khẩu về Việt Nam và chào giá ở mức 10.800 đ/kg, giảm 200 đồng/kg so với hai tuần trước do sức mua yếu.
Theo khảo sát tại thị trường, với nhu cầu tiêu thụ trong nước hạn chế nên các thương nhân và nhà phân phối dường như không lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung, do đó không xảy ra tình trạng gom hàng.
Tuy nhiên, theo quy luật tiêu thụ phân bón nhiều năm lại đây, nhu cầu phân bón ure sẽ tăng mạnh hơn trong quý IV-thời điểm vụ Đông Xuân nên giá phân ure sẽ có thể sẽ điều chỉnh tăng.
Ngoài ra, giá phân ure thế giới được định giá theo biến động của giá dầu khí. Vì vậy, giá ure trong nước đang được nhiều doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trong quý IV tới.
Brazil vượt Achentina vươn lên dẫn đầu thế giới về xuất khẩu bột đậu tương
Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, xuất khẩu bột đậu tương của Brazil đã vượt quá khối lượng xuất khẩu của Achentina.
Lần đầu tiên kể từ vụ mùa 1997/98, Brazil đã vượt qua Achentina trở thành nước xuất khẩu bột đậu tương hàng đầu thế giới.
Vụ thu hoạch đậu tương ở Brazil đạt kỷ lục đã thúc đẩy xuất khẩu bột đậu tương của nước này tăng gần 7% trong năm nay. Nếu điều kiện thị trường vẫn tiếp tục thuận lợi, thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dự kiến sẽ tăng cao hơn khi Brazil thu hoạch vụ mùa đậu tương. Theo StoneX, vụ đậu tương năm 2022/23 của Brazil dự kiến sẽ vượt 163 triệu tấn, tăng hơn 30 triệu tấn so với vụ trước.
Tại Achentina, đợt hạn hán lịch sử đã khiến xuất khẩu bột đậu tương của nước này giảm 34% trong năm nay. Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu đã bù đắp phần nào sự sụt giảm mạnh của sản lượng trồng trọt trong nước. Theo ước tính mới nhất của Guía Estratégica para el Agro (GEA - BCR), sản lượng đậu tương của Achentina năm 2022/23 sẽ đạt tổng cộng 20 triệu tấn, giảm hơn 52% so với vụ mùa trước.
Xuất khẩu bột đậu tương của Brazil và Achentina năm 2021-2023 (từ tháng 1 đến tháng 7).

Nguồn: @BRCmercados dựa trên dữ liệu Indec, Anec, Nabs và ComexStat.
Xuất khẩu dầu đậu tương của Achentina cũng giảm 12% so với năm ngoái. Ngược lại, xuất khẩu dầu đậu tương của Brazil đã tăng gấp đôi so với hai năm trước. Vào thời điểm đó, xuất khẩu dầu đậu tương của Achentina cao hơn xuất khẩu của Brazil hơn 400%, nhưng hiện nay Achentina cao hơn Brazil 57%.
Các nhà bán lẻ có thể giúp xây dựng thị trường hải sản bền vững
Các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMO), các cơ quan quốc tế quản lý trữ lượng cá quan trọng về mặt thương mại trên biển, bao gồm các Quốc gia thành viên có lợi ích trong hoạt động đánh bắt cá trong khu vực trách nhiệm của các tổ chức. Thông thường, các tổ chức này gồm các phái đoàn quốc gia bao gồm các quan chức chính phủ, các nhà khoa học và đại diện của ngành đánh bắt cá. Tuy nhiên, sự quan tâm của người tiêu dùng đến tính bền vững ngày càng tăng, các nhà bán lẻ có tiềm năng tác động tích cực đến RFMO, góp phần quản lý có trách nhiệm nguồn lợi thủy sản quốc tế. Các nhà bán lẻ có cơ hội thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong RFMO
Các nhà bán lẻ hải sản có thể vận động RFMO thay đổi tích cực bằng cách:
1. Tham gia các cuộc họp RFMO: Hiện tại, đại diện tại các cuộc họp RFMO thiên về lĩnh vực đánh bắt và kinh doanh, có khả năng thiên về lợi ích ngắn hạn. Các nhà bán lẻ có thể tham dự các cuộc họp ủy ban RFMO để tác động trực tiếp đến các quyết định quản lý, tận dụng sức mua của họ để thúc đẩy các chính sách bảo vệ nghề cá và hệ sinh thái, những điều quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ.
2. Liên lạc với các Phái đoàn Quốc gia: Các nhà bán lẻ có thể liên hệ với các quan chức chính phủ ở quốc gia nơi họ cung cấp hải sản cũng như nơi họ bán sản phẩm của mình. Bằng cách truyền đạt cam kết của mình về quản lý nghề cá có trách nhiệm trước các cuộc họp của RFMO, họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm nguồn cung ứng bền vững trong quá trình ra quyết định.
3. Tham gia vào các Liên minh Công nghiệp:Việc tham gia các liên minh như Liên minh Cá ngừ Toàn cầu hoặc Nhóm Vận động Pelagic Bắc Đại Tây Dương mang lại cho các nhà bán lẻ một nền tảng tập thể để bày tỏ mối quan ngại, khuếch đại tiếng nói của họ trong chuỗi cung ứng và thúc đẩy những thay đổi tích cực trong RFMO.
4. Cam kết với các nhà cung cấp: Các nhà bán lẻ có thể yêu cầu các nhà cung cấp hải sản của họ chịu trách nhiệm tuân thủ các cam kết bền vững. Bằng cách yêu cầu các biện pháp tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm và ủng hộ các quy định quản lý nghề cá nghiêm ngặt tại RFMO, họ có thể đảm bảo các nhà cung cấp tuân thủ các mục tiêu bền vững của họ.
5. Sửa đổi chính sách tìm nguồn cung ứng: Trong nội bộ, các nhà bán lẻ có thể thiết lập các chính sách tìm nguồn cung ứng ưu tiên các chiến lược quản lý nghề cá phòng ngừa. Họ cũng có thể thúc đẩy các biện pháp giám sát và tuân thủ nâng cao trong RFMO. Hỗ trợ tài chính cho các phương pháp quản lý đổi mới có thể thể hiện rõ hơn cam kết.
Các nhà bán lẻ nên yêu cầu RFMO làm gì?
1. Chiến lược thu hoạch:
Các nhà bán lẻ có thể ủng hộ RFMO áp dụng các chiến lược thu hoạch sáng tạo, thoát khỏi việc ra quyết định phản ứng truyền thống. Chiến lược thu hoạch bao gồm sự hợp tác, lập kế hoạch dài hạn giữa các nhà khoa học, nhà quản lý nghề cá và ngành để thiết lập các mục tiêu quản lý rõ ràng. Những chiến lược này loại bỏ nhu cầu đàm phán hạn ngạch hàng năm, đảm bảo mức đánh bắt bền vững, thích ứng nhanh với các điều kiện thay đổi và cải thiện tình trạng nguồn lợi thủy sản.
2. Giám sát nghề cá:
Các nhà bán lẻ có thể hỗ trợ cải thiện hoạt động giám sát nghề cá bằng cách thúc đẩy nâng cấp công nghệ như giám sát điện tử (EM), số nhận dạng tàu duy nhất và hệ thống giám sát tàu (VMS). EM tăng cường giám sát thông qua camera trên tàu, hỗ trợ tuân thủ các quy định và ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp. Số nhận dạng duy nhất và VMS giảm thiểu việc đánh bắt trái phép bằng cách cải thiện độ chính xác của việc theo dõi và báo cáo tàu.
3. Cơ chế tuân thủ:
Các nhà bán lẻ có thể thúc đẩy các thủ tục tuân thủ hiệu quả trong RFMO để xác minh việc tuân thủ các quy tắc quản lý nghề cá. Họ có thể tham gia vào các cuộc họp RFMO, liên lạc với các phái đoàn của các quốc gia thành viên và tham gia các tổ chức trong ngành để khuyến khích các quy trình đánh giá tuân thủ minh bạch, xây dựng năng lực và hậu quả đối với các hành vi vi phạm.
4. Chống khai thác IUU:
Các nhà bán lẻ có thể giải quyết vấn đề đánh bắt trái phép bằng cách ủng hộ các chương trình tài liệu đánh bắt (CDS) trong RFMO. CDS theo dõi cá từ khâu đánh bắt đến buôn bán, đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp trong chuỗi cung ứng. Các nhà bán lẻ nên kêu gọi RFMO duy trì danh sách cập nhật các tàu tham gia vào hoạt động IUU và chia sẻ thông tin này, từ đó hạn chế tác động kinh tế và sinh thái của hoạt động đánh bắt IUU.
Thị trường nào nhập khẩu nhiều thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam?
Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Bỉ, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Malaysia,...
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt đạt 1,87 nghìn tấn, trị giá 8,04 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng 12,3% về trị giá so với tháng 7/2022.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 12,24 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 57,51 triệu USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 37,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Bỉ, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Malaysia, Papua New Guinea, Pháp...
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chiếm 41,16% về lượng và chiếm 57,65% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của cả nước, với 771 tấn, trị giá 4,63 triệu USD, tăng 10,9% về lượng và tăng 41% về trị giá so với tháng 7/2022.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông 5,39 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 33,81 triệu USD, tăng 30,4% về lượng và tăng 61% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt heo sữa nguyên con đông lạnh, thịt heo nguyên con đông lạnh...
Trong 7 tháng đầu năm 2023, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm…
Trong đó, thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là heo sữa và thịt heo nguyên con đông lạnh) được xuất khẩu nhiều nhất với 6,03 nghìn tấn, trị giá 35,42 triệu USD, giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng 30,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường như: Hồng Kông, Lào và Malaysia…
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tiếp tục tăng mạnh, đạt 3,17 nghìn tấn, trị giá 8,28 triệu USD, tăng 335,7% về lượng và tăng 439,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như: Trung Quốc, Papua New Guinea, Malaysia, Hàn Quốc, Hồng Kông...
Dự kiến nhập khẩu thịt lợn vào Nhật Bản cuối năm 2023 sẽ tăng mạnh
Giá thịt lợn tại thị trường nội địa tăng cũng thúc đẩy nhu cầu sử dụng thịt lợn nhập khẩu, do đó nhu cầu nhập khẩu dự kiến sẽ vẫn mạnh cho đến cuối năm 2023.
Tính đến 1/2/2023, đàn lợn của Nhật Bản tăng nhẹ 0,4% so với năm 2022, mặc dù tổng số cơ sở chăn nuôi lợn đã giảm 6% do nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ đã rời khỏi thị trường hoặc đã sáp nhập.
Trong khoảng thời gian ba năm kết thúc vào tháng 5/2023, giá thức ăn chăn nuôi trung bình đã tăng 51%. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Nhật Bản (MAFF) đã hõ trợ để bù đắp một phần cho những chi phí tăng. Điều này cũng khiến giá thịt lợn đang ở mức cao kỷ lục. Các ngành công nghiệp thịt kỳ vọng nhu cầu thịt lợn trong nước tăng mạnh mẽ sẽ tiếp tục hỗ trợ giá thịt lợn.
Trong nửa đầu năm 2023, trong lượng lợn nuôi trung bình tăng, điều này đã làm tổng số lượng lợn được giết mổ giảm 2%. Tại thị trường Nhật Bản, những con lợn nặng hơn có thể bán được giá cao hơn, giúp bù lại chi phí thức ăn chăn nuôi tăng thêm. Giá thịt lợn tăng đã làm cho trọng lượng lợn trung bình trong 6 tháng tăng lên 79.5 kg.
Trong năm 2023, tác động của dịch tả lợn châu Phi không đáng kể: chỉ có hai ca bệnh được báo cáo, với tổng cộng 2,950 con lợn bị tiêu hủy.
Doanh số bán lẻ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn từ tháng 1 đến tháng 6/2023 đã vượt mức trước đại dịch COVID-19. So với năm 2019, tiêu thụ thịt heo năm 2022 và trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng 7% về lượng, mặc dù giá bán lẻ cao hơn 12% vào năm 2022 và 16% vào năm 2023.
Nhập khẩu thịt lợn của Nhật Bản trong năm 2023 đang giảm xuống dưới mức năm 2022, năm mà nhập khẩu thịt lợn đông lạnh giá rẻ từ Tây Ban Nha đã tăng mạnh. Việc nhập khẩu thịt lợn làm mát đang được cân nhắc dựa trên nhu cầu hiện tại: một số sự thay thế từ thịt bò sang thịt lợn cũng giúp bù đắp chi phí nhập khẩu cao hơn do đồng yên yếu trong năm 2022 và 2023. Mặt khác, giá thịt lợn trong nước tăng cũng thúc đẩy nhu cầu sử dụng thịt lợn nhập khẩu, do đó nhu cầu nhập khẩu dự kiến sẽ vẫn mạnh cho đến cuối năm 2023. Nhập khẩu sản phẩm từ thịt lợn đã qua chế biến trong 6 tháng đầu năm 2023 không thay đổi so với cùng kỳ năm trước, nhưng FAS/Tokyo dự báo sẽ có sự tăng trưởng trong năm 2023 và 2024 khi các biện pháp cắt giảm thuế có hiệu lực, đặc biệt là đối với thịt lợn xay ướp gia vị (GSP), chủ yếu để sản xuất xúc xích.
USMEF: Xuất khẩu thịt lợn Mỹ nửa đầu năm tăng mạnh
Theo dữ liệu của USDA và Hiệp hội xuất khẩu thịt Mỹ (USMEF), trong 6 tháng năm 2023 xuất khẩu thịt lợn của Mỹ đạt mức cao, xuất khẩu thịt bò thấp hơn nhiều so với tốc độ kỷ lục trong 6 tháng năm 2022, riêng tháng 6 xuất khẩu thịt bò đạt 900 triệu USD, tính chung cả 6 tháng đạt gần 5 tỷ USD.
Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ trong tháng 6/2023 đạt 245.964 tấn, tương đương 691,4 triệu USD, tăng 12% về khối lượng và tăng 6% về kim ngạch so với tháng 6/2022. Tính chung cả 6 tháng đạt 1,47 triệu tấn, trị giá 4,05 tỷ USD, tăng 14% về khối lượng và tăng 12% về kim ngạch
Ông Dan Halstrom, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USMEF cho biết: Mexico là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu thịt lợn của Mỹ trong năm 2023, bên cạnh đó xuất khẩu sang nhiều thị trường châu Á - Thái Bình Dương cũng tăng.
Xuất khẩu thịt lợn trong tháng 6/2023 sang thị trường Mexico tăng 19% so với tháng 6/2022 lên 85.853 tấn, giá trị tăng 8% lên 179,4 triệu USD, nâng tổng xuất khẩu trong nửa đầu năm lên mức kỷ lục 532.934 tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, giá trị tăng 21% lên 1,07 tỷ USD. Xuất khẩu phụ phẩm lợn sang Mexico 6 tháng năm 2023 tăng mạnh 49% lên 77.818 tấn, trị giá 136,6 triệu USD (tăng 43%).
Xuất khẩu thịt lợn sang Australia trong tháng 6/2023 tăng 79% so với tháng 6/2022 lên 7.513 tấn, trị giá 25,6 triệu USD (tăng 71%); tính chung 6 tháng xuất khẩu tăng 71% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 33.179 tấn) và tăng 64% về giá trị (đạt 114,9 triệu USD). Trong đó phần lớn là nguyên liệu thô để chế biến tiếp, các sản phẩm thịt lợn chế biến có giá trị gia tăng của Mỹ cũng rất phổ biến trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ thực phẩm của Australia.
Xuất khẩu thịt lợn và nội tạng lợn của Mỹ năm 2019 - 2023

Nguồn: USMEF
Nhu cầu nhập khẩu thịt lợn Mỹ của Đài Loan đã phục hồi đáng kể trong năm nay, tháng 6/2023 xuất khẩu sang Đài Loan đạt 3.767 tấn – mức cao nhất trong 14 năm, trị giá 12,3 triệu USD, tăng 915% về khối lượng và tăng hơn 1.000% về trị giá so với tháng 6/2022. Tính chung, xuất khẩu thịt lợn nửa đầu năm sang Đài Loan đạt 10.280 tấn, tương đương 33,5 triệu USD, tăng 531% về khối lượng và tăng 598% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 6/22023 xuất khẩu thịt lợn sang Nhật Bản tăng 1% về lượng (đạt 32.420 tấn) và tăng 3% về giá trị (đạt 131,7 triệu USD) so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng năm 2023 đạt 187.270 tấn, tương đương 749,4 triệu USD, giảm 1% về khối lượng và giảm 6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản nhập khẩu nhiều thịt lợn đông lạnh từ Mỹ và giảm nhập khẩu thịt lợn ướp lạnh cũng như thịt lợn xay, một phần do đồng yên yếu và những khó khăn về vận chuyển.
Xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang Hàn Quốc giảm nhẹ trong tháng 6, nhưng tính chung 6 tháng đầu năm vẫn tăng 10% về khối lượng so với cùng kỳ năm trước lên 101.969 tấn, trong khi giá trị tăng 2% lên 332,8 triệu USD do thịt lợn Mỹ nhập khẩu vào Hàn Quốc được hưởng mức thuế 0% theo Hiệp định Thương mại Tự do Hàn-Mỹ, mặc dù thịt nhập khẩu từ Canada, Mexico và Brazil cũng được hưởng lợi từ việc Hàn Quốc thực hiện miễn thuế nhập khẩu gần đây. Hàn Quốc gần đây cũng đã nhập khẩu thịt lợn trở lại từ các vùng không có dịch tả lợn châu Phi (ASF) của Đức, bao gồm một nhà máy giết mổ của Đức. Tương tự như các thị trường châu Á khác, Hàn Quốc giảm nhập khẩu thịt lợn từ EU do giá tại EU tăng.
Bất chấp giá lợn nửa đầu năm liên tục ở mức thấp và nguồn cung thịt lợn nội địa lớn, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Trung Quốc/Hồng Kông – phần lớn trong số đó là nội tạng lợn vẫn tăng. Xuất khẩu nửa đầu năm sang khu vực này đạt 275.358 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trị giá 716,2 triệu USD (tăng 20%). Xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc đạt kỷ lục trong tháng 6/2023, đạt tổng cộng 173.647 tấn, tăng 30% so với tháng 6/2022, trị giá 461 triệu USD (tăng 24%). Giá lợn hơi tại Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ giữa tháng 7/2023.
Xuất khẩu nội tạng lợn của Mỹ trong 6 tháng năm 2023 đạt 297.013 tấn, tương đương 703,9 triệu USD, tăng 32% về khối lượng và tăng 22% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc/Hồng Kông và Mexico, sau đó là Philippines, Canada, Colombia, Cộng hòa Dominica và Đài Loan.
Mặc dù xuất khẩu nội tạng lợn sang Cộng hòa Dominica có xu hướng giảm trong tháng 5 và tháng 6/2023, nhưng xuất khẩu vẫn tăng mạnh 29% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm trước lên 55.934 tấn, giá trị tăng 38% lên 149,4 triệu USD. Con số này gần bằng tổng giá trị cả năm 2021, khi xuất khẩu sang DR đạt 150,8 triệu USD.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Philippines và Malaysia đã đẩy xuất khẩu nội tạng lợn nửa đầu năm sang khu vực ASEAN lên 35.855 tấn, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá trị tăng 35% lên 86,2 triệu USD. Dịch tả ASF đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất thịt lợn nội địa ở cả hai nước và ngành công nghiệp thịt Mỹ đã tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh giá thịt lợn tại châu Âu tăng cao. Xuất khẩu nội tạng lợn sang Philippines trong nửa đầu năm tăng 67% lên 13.612 tấn, trị giá 19 triệu USD (tăng 39%).
Xuất khẩu nội tạng lợn nửa đầu năm sang thị trường Trung Mỹ tăng 3% lên 61.690 tấn, giá trị tăng 10% lên 175,9 triệu USD. Xuất khẩu sang Honduras, Guatemala, El Salvador, Nicaragua và Costa Rica tăng, bù đắp cho sự sụt giảm của Panama.
Xuất khẩu nội tạng lợn sang Nam Mỹ có xu hướng giảm trong nửa đầu năm do xuất khẩu sang Colombia giảm (đạt 42.960 tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước; tương đương 109,3 triệu USD, giảm 9%). Nhưng xuất khẩu sang Chile tăng mạnh 61% lên 7.327 tấn, trị giá 25,29 triệu USD (tăng 21%). Xuất khẩu sang Peru cũng tăng 6% lên 1.229 tấn, trị giá 3,2 triệu USD (tăng 11%). Tổng xuất khẩu sang khu vực Nam Mỹ giảm 10% xuống 52.442 tấn, trị giá 142,6 triệu USD (giảm 3%).
Giá xuất khẩu thịt lợn Mỹ trong tháng 6/2023 trung bình 66,31 USD/con, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Mức trung bình nửa đầu năm là 63,87 USD/con, tăng 10%. Xuất khẩu chiếm 31% trong tổng sản lượng thịt lợn trong tháng 6, tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước. TT TT CN & TM