Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), ngày 03 tháng 8 năm 2023 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo khởi xướng rà soát hành chính lần thứ nhất về thuế chống bán phá giá đối với mật ong của Việt Nam trên cơ sở đơn đề nghị rà soát của Nguyên đơn, các nhà nhập khẩu Mỹ và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng rà soát hành chính về thuế chống bán phá giá mật ong của Việt Nam
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), ngày 03 tháng 8 năm 2023 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo khởi xướng rà soát hành chính lần thứ nhất về thuế chống bán phá giá đối với mật ong của Việt Nam trên cơ sở đơn đề nghị rà soát của Nguyên đơn, các nhà nhập khẩu Mỹ và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam.
Thời kỳ rà soát là từ ngày 25/8/2021 đến ngày 31/5/2023. Danh sách rà soát dự kiến gồm các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ. Doanh nghiệp nào trong danh sách này không xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ trong thời kỳ rà soát phải thông báo cho DOC trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng rà soát (dự kiến đến ngày 2/9/2023).
Theo quy định, trong vòng 35 ngày kể từ ngày công bố khởi xướng rà soát (dự kiến 7/9/2023), DOC sẽ tiến hành lựa chọn các doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc trong vụ việc dựa trên lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp từ cao tới thấp theo số liệu của Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP).
Ngoài ra, trong vòng 90 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng rà soát, các bên có thể rút đơn yêu cầu rà soát của mình (dự kiến ngày 1/11/2023).
Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, đối với một số quốc gia mà Hoa Kỳ coi là nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam, để có thể hưởng thuế suất riêng rẽ, doanh nghiệp phải nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ trong vòng 30 ngày kể từ ngày khởi xướng rà soát (dự kiến đến 2/9/2023). Trường hợp các doanh nghiệp không nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ và không được chọn làm bị đơn bắt buộc, doanh nghiệp có thể bị áp một mức thuế suất toàn quốc.
DOC dự kiến ban hành kết luận rà soát muộn nhất vào ngày 30/6/2024. Do đó trong thời gian tới, DOC sẽ yêu cầu các bên cung cấp thông tin để chọn nước làm giá trị thay thế cho Việt Nam, bản câu hỏi Lượng và Giá trị và bản câu hỏi dành cho các bị đơn bắt buộc.
Trước đó, ngày 14/5/2022, DOC đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam.
Ngày 17/11/2021, DOC ban hành kết luận sơ bộ và áp thuế mật ong Việt Nam từ 410,93% đến 413,99%. Mức thuế này cao hơn gấp đôi so với mức thuế mà Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ đề xuất ban đầu là 207%.
Ngày 8/4/2022, DOC ban hành kết luận cuối cùng, theo đó biên độ bán phá giá của Việt Nam được giảm rất mạnh, khoảng 7 lần so với kết luận sơ bộ, xuống còn 58,74%-61,27% nhờ điều chỉnh một phần phương pháp tính toán theo đề nghị của Việt Nam.
Tháng 6/2022, DOC ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá chính thức từ 58,74% đến 61,27% với sản phẩm mật ong Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong 5 năm kể từ ngày 3/6/2022 và sẽ tiến hành rà soát hành chính thuế chống bán phá giá hàng năm.
Tránh bẫy lừa đảo khi làm ăn với Na Uy
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy đã có bài trả lời phỏng vấn truyền hình VTV4 về vấn đề này.
1. Với 1 số vụ việc doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị lừa đảo khi xuất khẩu sang thị trường Na Uy thời quan qua, Bà có thể cho biết về 1 số hình thức lừa đảo tại thị trường Na Uy? Doanh nghiệp Việt đã bị ảnh hưởng ra sao?
Gần đây xuất hiện tình trạng mạo danh các công ty của Na Uy để lừa đảo các đối tác nước ngoài. Đối tượng lừa đảo lập các website giả danh các công ty xuất khẩu có thật với đầu mối liên hệ là giả mạo. Lợi dụng tâm lý cho rằng Na Uy là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, một số công ty khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn nên tiến hành gấp sợ bỏ lỡ cơ hội, không chịu kiểm tra kỹ thông tin về đối tác… mà các đối tượng xấu đã lừa đảo được nhiều công ty của các nước khác, nhất là từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Cảnh sát Na Uy cho biết đã được báo cáo về 40 trường hợp lừa đảo trong thời gian qua, và cho rằng con số thực tế còn lớn hơn. Hầu hết các trường hợp này, đối tượng lừa đảo thường không ở tại Na Uy nên cảnh sát cũng không can thiệp được.
Có trường hợp, đối tượng lừa đảo tinh vi hơn lập hẳn website ngân hàng giả mạo, lừa doanh nghiệp Việt Nam gửi bộ chứng từ gốc đến địa chỉ do chúng yêu cầu tại Na Uy và cho người theo dõi tracking chứng từ, đón lõng để nhận bộ chứng từ gốc để nhận hàng và không thực hiện thanh toán.
2. Bà có thể đưa ra một số dấu hiệu lừa đảo cần chú ý cho các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với doanh nghiệp Na Uy?
Một số dấu hiệu cần chú ý có thể là lừa đảo như sau:
Đối tác muốn trao đổi qua Whatsapp hoặc Skype;
Tài khoản thanh toán thuộc ngân hàng nằm ngoài Na Uy;
Trao đổi qua thư điện tử không phải của các doanh nghiệp, bằng hộp thư công cộng như gmail;
Mã số thuế VAT trên website là không phải 9 ký tự (mã số thuế của các doanh nghiệp Na Uy có 9 ký tự);
Website của công ty có tên miền không kết thúc với đuôi .no;
Website của công ty không có phiên bản tiếng Na Uy.
Trên đây mới chỉ là dấu hiệu có thể là lừa đảo. Khi thấy các dấu hiệu này, các doanh nghiệp cần kiểm tra và xác minh đối tác kỹ hơn.
3. Bà có khuyến nghị hay lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp Việt để tránh bị lừa đảo trong giao thương quốc tế?
Lời khuyên đầu tiên, các công ty Việt Nam khi tiến hành hợp tác thương mại với các công ty Na Uy cần xác minh thẩm định doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp lần đầu giao dịch. Đối với các hợp đồng lớn, cần giao dịch trực tiếp, tránh chỉ giao dịch qua internet.
Đối với việc thanh toán, cần chọn phương án thanh toán đảm bảo an toàn như mở LC không hủy ngang và yêu cầu ngân hàng kiểm tra tính xác thực của LC trước khi giao chứng từ.
Đối với các hợp đồng lớn, các doanh nghiệp nên thuê luật sư để soạn thảo hợp đồng một cách chặt chẽ. Các doanh nghiệp cũng cần tính đến phương án bảo lãnh thanh toán qua ngân hàng, mua bảo hiểm hàng hóa hoặc có thể sử dụng các dịch vụ logistics để giảm thiểu rủi ro.
Ngoài ra, để giảm thiểu khả năng bị lừa đảo, cảnh sát Na Uy khuyến cáo khi trao đổi giao dịch nên đề nghị đối tác dùng video conference và lưu lại. Các công ty có thật không ngại vấn đề này, còn đối tượng lừa đảo thường từ chối tiếp xúc lộ diện.
Bộ Công Thương triển khai loạt giải pháp điều hành xuất khẩu gạo
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, thời gian qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực; diễn biến địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen)... Điều này đã tác động mạnh đến nguồn cung sản lượng gạo toàn cầu, làm quan ngại về các vấn đề an ninh lương thực thế giới cũng như ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia khi tình trạng lạm phát chưa được cải thiện.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022. Với sản lượng lúa dự kiến như trên, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, còn khoảng 2,67 triệu tấn cho xuất khẩu trong 5 tháng còn lại của năm 2023.
Là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thương mại gạo, trước bối cảnh diễn biến khó lường của thị trường toàn cầu, đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP.
Trong đó, thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước đồng thời báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo quy định hiện hành. Đồng thời, chủ động bám sát tình hình thị thường thương mại toàn cầu để tổ chức phương án sản xuất, giao dịch đàm phán phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.
Để công tác phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực và các thương nhân, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo vào ngày 4/8. Trên cơ sở đó, cùng thống nhất triển khai quyết liệt nhóm giải pháp để đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá lương thực trong nước và tạo thuận lợi, hạn chế rủi ro cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm.
Nhằm cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương thực hiện trách nhiệm đã quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Theo đó, chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm. Chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.
Ngoài ra, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương để theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước.
Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững
Để tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao tại Công điện số 610/CĐ-TTg và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân tập trung triển khai các nhóm giải pháp.
Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, khẩn trương rà soát, hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.
Đối với công tác tìm kiếm, thông tin và phát triển thị trường, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta là thành viên để chủ động đàm phán với các đối tác nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Ngoài ra, hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các hình thức thương mại truyền thống và trực tuyến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống (như Philippines, Indonesia, khu vực Châu Phi, Trung Quốc) và khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua (như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ…).
Bộ Công Thương đang phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân về những quy định của các cơ chế hợp tác đa phương và song phương mà nước ta đã ký kết để tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương còn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để theo dõi sát tình hình thị trường, kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo để phối hợp đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm.
Những điều cần biết về thị trường Thụy Điển
Năm 2019, Việt Nam và Thụy Điển kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong hơn 50 năm qua, mối quan hệ truyền thống, hữu nghị từng bước được Chính phủ và nhân dân hai nước xây dựng và vun đắp. Thụy Điển đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn trong nhiều năm qua. Quan hệ hai nước đã chuyển từ viện trợ phát triển sang quan hệ đối tác cùng có lợi, tập trung vào kinh tế, thương mại và đầu tư từ năm 2013.
Việt Nam và Thụy Điển có rất nhiều điểm tương đồng về mục đích phát triển đất nước, có cơ cấu kinh tế bổ trợ lẫn nhau, các mặt hàng xuất nhập khẩu không cạnh tranh. Trong thời gian qua, quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển ổn định về cả diện mặt hàng cũng như tốc độ tăng trưởng đối với từng chủng loại hàng hóa.
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), trong đó có Thụy Điển, được ký kết, đi vào thực thi từ tháng 8/2020 đã và đang mang lại tác động tích cực cho cả hai nước, tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-Thụy Điển.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Thụy Điển ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Latvia phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia) xuất bản cuốn sách “Những điều cần biết về thị trường Thụy Điển” vào cuối năm 2019. Đây là cuốn tái bản, cập nhật thông tin đến hết tháng 6/2023.
Để đọc sách xin bấm vào đường link:
https://vietnordic.com/wp-content/uploads/New-ebooks/Sweden2022/book.html