97 người đang online
°

Một số quy định của Nhật Bản với mặt hàng da giày nhập khẩu

Đăng ngày 26 - 07 - 2023
Lượt xem: 36
100%

hị trường Nhật Bản có những tiêu chuẩn cao về thiết kế, kích cỡ và phù hợp với điều kiện khí hậu. Vì vậy, việc thay đổi mẫu mã, thậm chí nhập khuôn thiết kế từ Nhật là thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu da giầy của Việt Nam. Ngoài ra, để đẩy mạnh việc bán sản phẩm và xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Nhật Bản

 

Một số quy định của Nhật Bản với mặt hàng da giày nhập khẩu

Thị trường Nhật Bản có những tiêu chuẩn cao về thiết kế, kích cỡ và phù hợp với điều kiện khí hậu. Vì vậy, việc thay đổi mẫu mã, thậm chí nhập khuôn thiết kế từ Nhật là thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu da giầy của Việt Nam. Ngoài ra, để đẩy mạnh việc bán sản phẩm và xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm được một số quy định của nước bạn liên quan đến mặt hàng này như:

Về công ước Washington

Tùy thuộc vào loại da, giầy da là đối tượng điều chỉnh của Công ước Washington (Pháp luật về bảo tồn các loại động thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng). Các sản phẩm chế biến từ động thực vật được phân loại ở Phụ lục số II và III của Công ước này có thể được mua bán với mục đích kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, khi nhập các sản phẩm thuộc Phụ lục số II cần có Giấy phép xuất khẩu (CITES - Công ước về buôn bán quốc tế về các loài Động Thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng) do Cơ quan Chính phủ nước xuất khẩu cấp (bản gốc), đối với sản phẩm ở Phụ lục III cần có Giấy phép xuất khẩu hoặc Giấy chứng nhận xuất xứ (bản gốc). Ngoải ra, trường hợp hàng chế biến từ động thực vật nêu tại Khoản 7- (6), Mục 3 của Công Bố Nhập khẩu, trước khi khai báo thông quan nhập khẩu cần có giấy chứng nhận do Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cấp.
Ngoài ra, để biết nguyên liệu sử dụng cho các sản phẩm đó có thuộc danh mục điều chỉnh của Công ước Washington hay không cần tham vấn ý kiến của Bộ phận thẩm tra mua bán các sản phẩm từ động thực vật hoang dã, Phòng quản lý thương mại, Vụ Hợp tác kinh tế thương mại, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.

Về thuế quan và phân bổ hạn ngạch thuế quan mặt hàng giầy da

Điều cần lưu ý khi nhập khẩu giầy da là thuế quan. Thuế đánh cao thấp khác nhau tùy thuộc vào bộ phận da nào được sử dụng và tùy thuộc nước xuất khẩu. Thông thường mức thuế là 30% hoặc 4.300 Yên/đôi tùy theo cách tính nào cao hơn (Thuế suất theo Hiệp định đối tác kinh tế ở thời điểm 01/04/2012).

Giầy da là một trong những mặt hàng có mức thuế suất cao nhưng để điều hòa giữa nhu cầu mua giá rẻ của người tiêu dùng và bảo hộ sản xuất trong nước, giầy da đã được đưa vào danh mục chịu hạn ngạch thuế quan.
“Hệ thống phân bổ hạn ngạch thuế quan” là hệ thống giới hạn số lượng nhập khẩu ở một mức nhất định và miễn thuế hoặc áp dụng thuế thấp (thuế suất trong hạn ngạch) cho số lượng giới hạn này nhằm đảm bảo cung cấp hàng nhập khẩu giá rẻ cho người tiêu dùng;  mặt khác để bảo hộ những nhà sản xuất trong nước thì đối với phần nhập khẩu vượt số lượng cho phép sẽ bị áp thuế nhập khẩu tương đối cao (thuế suất ngoài hạn ngạch).

Người nhập khẩu, bán hàng khi nộp Đơn xin cấp hạn ngạch thuế quan cần đáp ứng điều kiện là đang kinh doanh liên quan đến da và các sản phẩm da (như sản xuất, bán hàng, nhập khẩu) và phải tiến hành nhập khẩu đều đặn với kim ngạch năm sau phải bằng hoặc cao hơn 1 năm trước ngày nộp đơn. Hàng năm, hạn ngạch nhập khẩu của năm sau được công bố vào tuần đầu của tháng 3.

Về yêu cầu về nhãn mác khi bán hàng

Khi bán giầy sử dụng da hỗn hợp ở cổ giầy, cao su hoặc nhựa hỗn hợp ở đế giày, gắn kết phần cổ giầy và đế giầy bằng keo dán, cần ghi nhãn bắt buộc theo Luật Nhãn mác chất lượng hàng tạp hóa công nghiệp” của Luật Nhãn mác chất lượng hàng gia dụng gồm các hạng mục: (1) Tên vật liệu làm cổ giầy, (2) Tên vật liệu làm đế giày, (3) Khả năng chịu áp lực của đế giày, (4) Những điểm cần lưu ý khi sử dụng, tên, địa chỉ và số điện thoại của người ghi nhãn.
Ngoài ra, “Quy tắc cạnh tranh công bằng liên quan đến ghi nhãn cho giầy thể thao” đã được ban hành như là một tiêu chuẩn tự nguyện cho giới kinh doanh mặt hàng này. Giầy thể thao cũng trở thành đối tượng điều chỉnh bởi tiêu chuẩn này.

 

Cảnh báo tình trạng lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân sang Dubai

Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) vừa có Thông báo số 45/TB-HHĐ gửi các hội viên và các doanh nghiệp ngành điều thông tin về vụ việc hiện tượng nghi lừa đảo của khách hàng hoặc ngân hàng bên mua trong xuất khẩu điều nhân sang Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Cụ thể, VINACAS nhận được kiến nghị của Công ty Tín Mai (hội viên VINACAS) về nghi ngờ bị lừa đảo, với nội dung công ty này ký hợp đồng bán nhân điều cho BAB AL REHAB FOODSTUFF TRADING LLC; DUBAI, UAE. Người giao dịch trực tiếp: Mr. Naeem Chaudhry, Mob/Whatsapp: +971 58 600 1304, email: naeem@barft.com.

Khách hàng ứng 15% tiền, công ty đã giao hàng. Ngày 24-6, hàng đã đến cảng Jabel Ali, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27-6. Trong khi đó, Công ty Tín Mai vẫn chưa được thanh toán 85% trị giá lô hàng.

Mặc dù, Ngân hàng Sacombank đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua là Ajman Bank PJSC - Sheikh Zayed Road Dubai Branch yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ nhưng không được thực hiện.

Qua kiểm tra, được biết chứng từ của lô hàng đã được DHL giao cho 1 nhân viên an ninh của ngân hàng AJMAN BANK PJSC - Sheikh Zayed Road Dubai Branch nhưng chưa biết sau đó chứng từ đến đâu. Bên hãng tàu cho biết, họ giao hàng khi có đầy đủ chứng từ theo quy định.

Được biết ngoài Công ty Tín Mai, còn ít nhất 2 doanh nghiệp trong ngành tiêu và cây gia vị gặp tình trạng tương tự với cùng một khách hàng và ngân hàng nói trên.

Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký VINACAS cho biết lãnh đạo VINACAS sẽ phối hợp với Lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp để nắm đầy đủ các thông tin, từ đó sẽ chính thức kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và UAE xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vụ việc. Nếu các Hội viên VINACAS hoặc doanh nghiệp ngành điều đang gặp sự việc tương tự, đề nghị liên lạc với Văn phòng VINACAS để cung cấp thông tin.

Đại diện VINACAS khuyến cáo, nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp bị lừa là do quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác. Do các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn bởi tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng nên khi có đơn hàng là mong muốn bán được hàng, nhất là vào thời điểm thị trường có ít giao dịch. Vì vậy, doanh nghiệp cần có sự kiểm tra đối tác một cách độc lập, thận trọng.

 

Luật về Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Đức và tác động của nó tới doanh nghiệp Việt Nam

Đạo luật mới của CHLB Đức về Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng (LkSG) được thông qua vào tháng 6/2021 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2023). Đối tượng áp dụng là toàn bộ doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trên lãnh thổ CHLB Đức có quy mô từ 3.000 lao động (áp dụng từ 1/1/2023) và từ 1.000 lao động (áp dụng từ 1/1/2024) trong đó có những tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của Đức.

Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng yêu cầu các công ty lớn bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường trong tất cả các tầng lớp thuộc chuỗi cung ứng của họ. Các công ty phải giám sát mọi hoạt động của mình và các nhà cung cấp trực tiếp cho họ trên toàn thế giới, thuộc mọi quy mô, đồng thời phải có hành động thích hợp nếu phát hiện sai phạm. Theo luật, doanh nghiệp của Đức có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 8 triệu euro hoặc tối đa 2% doanh thu toàn cầu hàng năm nếu họ không xác định, đánh giá, ngăn chặn và khắc phục các tác động đến nhân quyền và môi trường trong chuỗi cung ứng của mình. Ngoài ra, các công ty không tuân thủ có thể bị loại khỏi đấu thầu công khai, và có nguy cơ bị cấm tham gia các hợp đồng công của Đức trong tối đa 3 năm.

Bên cạnh đó, bất cứ nhà cung cấp nào cho một công ty lớn của Đức sẽ cần báo cáo dữ liệu ESG cho khách hàng Đức của họ để tuân thủ luật pháp. ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp tổ chức xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúng vào vận hành.

Luật LkSG liệt kê 11 quyền con người được quốc tế công nhận mà các công ty không được vi phạm. Nó bao gồm các lệnh cấm lao động trẻ em, nô lệ, lao động cưỡng bức, phân biệt đối xử, việc làm phi đạo đức, điều kiện làm việc không an toàn, hoạt động suy thoái môi trường. Các công ty phải soạn báo cáo hàng năm phác thảo những bước họ đã thực hiện để xác định và giải quyết những rủi ro nói trên.

Luật LkSG thể hiện bước chuyển quan trọng khỏi trách nhiệm xã hội hoàn toàn tự nguyện của doanh nghiệp. Theo các nghiên cứu của Ủy ban châu Âu và Chính phủ Đức, nhiều công ty không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở tự nguyện. Chưa đến 1/5 các công ty Đức giám sát các công ty con và nhà thầu nước ngoài của họ về vi phạm nhân quyền.

Các quy tắc trong luật sẽ được giám sát bởi một chi nhánh mới của Văn phòng Kinh tế và kiểm soát xuất khẩu Liên bang (BAFA), cơ quan này sẽ thực hiện kiểm toán thông qua các báo cáo bắt buộc do doanh nghiệp đệ trình và “kiểm tra dựa trên rủi ro”.

Theo Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam cũng có thể bị tác động gián tiếp bởi Luật LkSG, nếu là một phần của chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp Đức. Do đó, các doanh nghiệp phải chú trọng đến những tiêu chuẩn, quy định trong luật này.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Đức bền vững, hiệu quả và có trách nhiệm hơn.

Ông Guido Hildner, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam cho hay: “Luật nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng tạo ra cho Việt Nam cơ hội về lợi thế địa điểm trên thị trường thế giới. Như thế những đạo luật mạnh mẽ về môi trường và lao động và việc thực thi hiệu quả hơn nữa có thể trở thành một lợi thế địa điểm của Việt Nam, chứ không còn chỉ là chi phí sản xuất thuận lợi nữa. Điều đó cũng cải thiện tình trạng của người lao động và môi trường ở Việt Nam”.

Một trong những nội dung quan trọng của LkSG mà các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng phải tuân thủ đó là thiết lập quản lý rủi ro trong tất cả các quy trình kinh doanh có liên quan và tuân thủ các yêu cầu về trách nhiệm giải trình.

Trong đó bao gồm những quy định về bổ nhiệm người chịu trách nhiệm giám sát quản lý rủi ro; thực hiện phân tích rủi ro thường xuyên; thiết lập các biện pháp phòng ngừa; ban hành một tuyên bố chính sách về chiến lược nhân quyền của mình; thực hiện hành động khắc phục hậu quả; thiết lập thủ tục khiếu nại; lập tài liệu và báo cáo về việc tuân thủ trách nhiệm thẩm định.

 

Israel bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng sữa các loại

Ngày 13/7/2023, Bộ trưởng Tài chính Israel-ông Bezalel Smotrich đã ký lệnh bãi bỏ mức thuế nhập khẩu 40% đối với các loại sản phẩm sữa trong thời hạn 3 tháng, kéo dài từ nay cho đến ngày 09/10/2023 sau khi kỳ nghỉ lễ truyền thống kết thúc. Đây là một quyết định lịch sử và biện pháp này được thực hiện với sự thận trọng cũng như trách nhiệm cần thiết để loại bỏ tình trạng thiếu sữa trên các kệ hàng trong các hệ thống siêu thị cũng như tại các cửa hàng bán lẻ mà người dân Israel đang gặp phải trong những tuần gần đây. Bộ trưởng Tài chính Israel cho biết thêm, động thái này là bước đi đúng đắn nhất để chấm dứt tình trạng thiếu hụt nguồn cung, do trong những năm gần đây đã nhiều lần xảy ra tình trạng thiếu hụt sữa trên thị trường. Sữa là sản phẩm được bán nhiều nhất ở Israel, vì thế không thế chấp nhận được tình trạng thiếu hụt sữa trong mùa hè khi trẻ em được nghỉ hè và trước kỳ nghỉ lễ truyền thống.

Việc giảm thuế nhập khẩu còn nhằm mục đích mở cửa thị trường, tăng cường nguồn cung và gia tăng tính cạnh tranh để góp phần làm giảm giá bán mặt hàng này cho người tiêu dùng. Cùng với đó, theo đề xuất của Bộ trưởng Kinh tế, chính phủ Israel sẽ có kế hoạch tiếp tục thay đổi hệ thống nhập khẩu của Israel để tương thích với các phương thức quản lý và tiêu chuẩn của châu Âu, đồng thời tiến hành cắt giảm thủ tục quan liêu đối với hàng hóa nhập khẩu do Bộ Kinh tế và Công nghiệp cùng với Văn phòng Thủ tướng giám sát thực thi.

Trong các năm qua, đã từng có nhiều ý kiến cho rằng về mặt kỹ thuật không thể nhập khẩu sữa lỏng do thời hạn sử dụng ngắn. Sau khi Bộ Tài chính đã trao đổi, các nhà nhập khẩu và các chuyên gia Israel đều cho rằng điều này thực sự có tính khả thi. Thực tế cho thấy, do thiếu hụt, có những nhà nhập khẩu sẵn sàng nhập khẩu sữa ngay cả khi phải chịu thuế nhập khẩu và việc giảm thuế có thể để mang lại số lượng cần thiết với mức giá phù hợp.

Để bảo hộ sản xuất trong nước, ngành công nghiệp sữa của Israel được quản lý, điều hành thông qua kế hoạch tập trung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội đồng các nhà sản xuất sữa. Hai cơ quan này phối hợp với nhau trong việc phân bổ hạn ngạch sản xuất cho từng trang trại bò sữa và không được vượt quá tổng hạn ngạch do chính phủ quy định. Bên cạnh đó, Israel cũng áp dụng hạn ngạch nhập khẩu mặt hàng sữa và mức thuế đánh vào mặt hàng sữa nhập khẩu ngoài hạn ngạch thường là rất cao. Với cơ chế trợ giá, người nông dân chăn nuôi bò sữa cũng nhận được mức giá tối thiểu, trong khi người tiêu dùng được bảo vệ bởi mức giá tối đa do chính phủ quản lý. Điều này khiến cho ngành công nghiệp sữa trở nên khác biệt so với các ngành sản xuất khác khác ở Israel cũng như so với ngành công nghiệp sữa ở hầu hết các nước phương Tây.

Giá sữa ở Israel là một vấn đề nhạy cảm và đã gây ra những phản ứng thường biến thành các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chi phí sinh hoạt cao. Vào năm 2011, cái gọi là cuộc biểu tình phô mai đã từng gây ra nhiều tuần lễ bất ổn xã hội, dẫn đến việc các siêu thị phải hạ giá bán các mặt hàng sữa cùng với các cải cách chính sách của chính phủ nhằm giảm chi phí tiêu dùng. Trong thực tế, Israel điều tiết giá một số sản phẩm sữa chủ yếu được sản xuất trong nước bao gồm sữa, phô mai trắng mềm và bánh mì thiết yếu, thường đắt hơn so với giá ở các nước châu Âu.

Tình trạng thiếu sữa các loại gần đây xảy ra sau khi giá các sản phẩm sữa do chính phủ điều tiết đã tăng hơn 9% trong tháng 5/2023, khi Bộ trưởng Tài chính đạt được thỏa thuận vào phút cuối với các nhà sản xuất sữa của Israel về mức tăng dự kiến 16% sẽ được thực hiện rải ra trong một số năm. Các nhà sản xuất sữa đã và đang phàn nàn rằng giá ngũ cốc thức ăn cho gia súc, chiếm một phần đáng kể trong chi phí sản xuất các mặt hàng sữa, đã tăng vọt dẫn tới làm tăng chi phí. Một cuộc kiểm toán của cơ quan quản lý nhà nước được công bố vào tháng 5/2023 đã làm sáng tỏ chi phí sữa nguyên liệu tăng leo thang. Cuộc kiểm toán cho thấy giá sữa nguyên liệu ở Israel cao hơn khoảng 24% so với mức trung bình của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, chênh lệch giá giữa một lít sữa thông thường đối với người tiêu dùng Israel và giá trung bình ở các nước OECD đứng cao ở mức đáng kinh ngạc là 77%.

Đồng thời với việc bãi bỏ thuế nhập khẩu cho sản phẩm sữa như nói ở trên, Bộ trưởng Bezalel Smotrich cũng nhắc lại cam kết của chính phủ đối với ngành nông nghiệp Israel. Theo đó, nông nghiệp và nông dân có ý nghĩa rất quan trọng đối với chính phủ Israel. Họ là những người yêu nước đã đạt được chủ nghĩa phục quốc Do Thái và nếu không có chủ nghĩa phục quốc Do Thái sẽ không tồn tại Israel. Người nông dân thức dậy các buổi sáng và làm những công việc khó khăn nhất để bảo vệ đất đai và duy trì an ninh lương thực. Ngay trong ngân sách phê duyệt gần đây nhất, Bộ trưởng Tài chính Israel đã quyết định tài trợ hàng tỷ đô la Mỹ cho đầu tư vốn và hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp Israel trong những năm tới đây, với niềm tin vững chắc vào nền nông nghiệp và người nông dân Israel cũng như tin tưởng vào các giá trị to lớn mà nông dân Israel mang lại cho chủ nghĩa phục quốc Do Thái, cho xã hội, cho an ninh lương thực và nền kinh tế Israel.

Trong khi đó, với xu thế bảo hộ trong nước, Hội đồng các nhà sản xuất sữa Israel không hoan nghênh động thái bãi bỏ thuế nhập khẩu của Bộ trưởng Tài chính và cho biết, trước đó vài ngày, cơ quan này đã thông báo với Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thông về việc các công ty sữa trên Cao nguyên Golan đang gia tăng sản lượng sản xuất sữa dưới sự giám sát chặt chẽ của họ và vì vậy sẽ đáp ứng tất cả các nhu cầu trên thị trường Israel. Tuy nhiên, chính phủ đã chọn hành động đơn phương giảm thuế nhập khẩu và thay vì hỗ trợ sản xuất trong nước ở trên Cao nguyên Golan. Trong ngắn hạn, người tiêu dùng và công chúng có thể tiết kiệm trả ít hơn một shekel, nhưng về lâu dài, mọi người sẽ bị phụ thuộc vào hoạt động của các nhà nhập khẩu và giá cả sẽ tăng lên như đã từng xảy ra đối với mặt hàng bơ, khi giá thực tế gây tổn thất nghiêm trọng đối với một doanh nghiệp hàng đầu của chủ nghĩa phục quốc Do Thái.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bezalel Smotrich cho biết thêm, trong ba tháng tới, Bộ Tài chính sẽ xem xét tác động của lệnh bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với thị trường cả về số lượng và giá cả. Bộ Tài chính Israel sẽ tổ chức đối thoại chuyên sâu với tất cả các bên tham gia vào hoạt động trong ngành công nghiệp sữa để xem xét những điều chỉnh cần thực hiện nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thường xuyên và giá tối ưu cho mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa. Việc bãi bỏ thuế nhập khẩu dự kiến cũng không dẫn đến thất thu thuế, vì mức thuế cao đã ngăn cản việc nhập khẩu sữa và các sản phẩm khác từ sữa vào Israel. Đồng thời, nông dân trong nước sẽ không bị thiệt hại, vì các công ty sữa sẽ tiếp tục mua hạn ngạch sữa hiện tại với mức giá mục tiêu hiện hành.

Những năm gần đây, do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng gia tăng mạnh nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu hụt bơ sữa khiến cho giá cả mặt hàng này tăng cao và Israel phải liên tục điều chỉnh chính sách quản lý bằng cách tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này tại nhiều thời điểm khác nhau. Do thói quen và tập quán tiêu dùng, các loại sữa là mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao đối với người dân ở Israel. Cùng với việc thực hiện giảm thuế nhập khẩu nói trên, đây là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất sản phẩm sữa các loại của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Israel trong thời gian tới.

 

Cơ chế CBAM của EU và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam

Một trong những vấn đề mới và được quan tâm nhất hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được Liên minh Châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 01/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Vậy Cơ chế CBAM là gì, tác động thế nào đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU và cần giải pháp ứng phó, thích ứng ra sao với chính sách mới này của EU?

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là gì?

EU đang tiến hành kế hoạch để đạt được mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, EU lo ngại các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, hay còn gọi là “rò rỉ carbon” qua việc chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu.

Để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). EU cũng tin rằng, một Cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài EU thông qua hệ thống định giá hợp lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất sẽ khuyến khích ngành công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU.

Về bản chất, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Về cơ chế cụ thể, nhà nhập khẩu hàng vào EU theo Cơ chế CBAM đăng ký với cơ quan quản lý trong nước và mua chứng chỉ CBAM. Giá của chứng chỉ dựa vào giá tín chỉ phát thải hàng tuần của Hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS). Nhà nhập khẩu trong EU kê khai hàm lượng phát thải trong hàng nhập khẩu và giao nộp số lượng tín chỉ tương ứng của mỗi năm. Nếu nhà nhập khẩu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ.

EU phân loại hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm: Hàng hóa đơn giản và hàng hóa phức tạp. Hàng hóa phức tạp sẽ tính toán cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào. Như vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức được rằng, phát thải được tính cho hàng hóa không chỉ đơn giản phát sinh trong quá trình sản xuất, mà còn cả từ nguyên liệu, nghĩa là các doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết về hàng hóa đầu vào.

Việc đánh thuế này là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu và cũng là một trong những cơ chế mà EU khuyến khích các đối tác thương mại khử carbon trong lĩnh vực sản xuất.

“EU là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này trong hơn 20 năm qua. Đây là một thỏa thuận lịch sử về khí hậu.” - Ông Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu.

Trước đó, năm 2005, EU bắt đầu thực hiện đánh thuế về việc xả thải carbon ra môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp tại EU bắt buộc phải trả tiền cho mỗi tấn carbon xả thải ra môi trường. Thuế carbon được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để điều chỉnh lượng xả thải carbon hằng năm tuân theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 mà các quốc gia đã ký kết.

Theo các chuyên gia, những nước chịu ảnh hưởng đầu tiên từ Cơ chế CBAM là 5 đối tác thương mại hàng đầu tại châu Á của EU gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Việt Nam là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU. Dù hiện tại phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không thuộc các nhóm này nhưng phạm vi có thể sẽ mở rộng và bao gồm nhiều sản phẩm hơn trong tương lai.

Mặc dù nhằm mục đích chống biến đổi khí hậu, CBAM sẽ tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt nếu Cơ chế này được mở rộng sang các lĩnh vực khác trong tương lai.

Lộ trình thực hiện và những ngành hàng bị tác động đầu tiên

Theo Quy định (EU) 2023/956 ngày 10/5/2023 của Ủy ban Châu Âu về thiết lập Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) tại EU, Cơ chế CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 01/10/2023 với giai đoạn báo cáo đầu tiên cho các nhà nhập khẩu kết thúc vào ngày 31/01/2024.

Theo đó, nhà nhập khẩu có nghĩa vụ phải báo cáo sản lượng hàng hóa chịu tác động của cơ chế điều chỉnh các bon khi nhập hàng vào EU. Để tạo điều kiện triển khai suôn sẻ, các nhà nhập khẩu EU sẽ không phải thực hiện điều chỉnh tài chính nào trong thời gian chuyển tiếp này.

Nghĩa vụ báo cáo trong giai đoạn chuyển tiếp

Bộ quy tắc và yêu cầu đối với việc báo cáo lượng phát thải theo CBAM sẽ được cụ thể hóa thêm trong Đạo luật triển khai và sẽ được Ủy ban Châu Âu thông qua sau khi tham khảo ý kiến của Ủy ban CBAM, bao gồm các chuyên gia từ các quốc gia thành viên EU.

Trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, Hydrogen và Điện. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.

Vào cuối giai đoạn chuyển đổi của Cơ chế, tức năm 2025, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá về hoạt động của CBAM và có thể mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm “phát thải gián tiếp”, ví dụ như khí thải carbon từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa.

Sau khi thực hiện đầy đủ vào năm 2026, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp ETS của EU được biểu thị bằng €/tấn CO2 thải ra.

Nhà nhập khẩu EU phải khai báo trước ngày 31/5 hàng năm về số lượng hàng hóa và phát thải gắn liền trong những hàng hóa được nhập khẩu vào EU trong năm trước. Đồng thời, nhà nhập khẩu nộp lại số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính có trong sản phẩm.

Quy trình khai báo CBAM và giao nộp chứng chỉ CBAM trong giai đoạn vận hành

Nếu các nhà nhập khẩu EU có thể chứng minh, dựa trên thông tin đã được xác minh từ các nhà sản xuất ở nước thứ ba, rằng giá carbon đã được thanh toán trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu, thì số tiền tương ứng có thể được khấu trừ vào hóa đơn cuối cùng của họ. Các quốc gia ngoài EU có chính sách định giá carbon rõ ràng, ví dụ, thuế carbon hoặc thị trường carbon ETS, có thể được miễn trừ CBAM cho một số hàng nhập khẩu cụ thể.

“EU áp dụng cơ chế CBAM nhằm thúc đẩy tiến trình đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa các-bon. CBAM có thể gây nhiều khó khăn cho các quốc gia có hàng hóa xuất khẩu đến thị trường EU, trong đó có Việt Nam.” - Bà Sirpa Helena Jarvenpaa, Giám đốc Quỹ Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á.

Nếu xét về mặt tích cực, CBAM sẽ tạo ra động lực trực tiếp giảm phát thải cho các nhà sản xuất bị ảnh hưởng. Việc này sẽ có tác động lớn hơn nếu có thể mở rộng sang các ngành khác, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh và các cam kết giảm phát thải của Việt Nam.

Khuyến nghị giải pháp với Việt Nam

Nhằm đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát trên 4 lĩnh vực hiện có hàng hóa xuất khẩu đáng kể vào thị trường EU là: nhôm, thép, xi măng và phân bón. Xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngàng hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.

Trong đó, lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Giá trị xuất khẩu của ngành nhôm cũng giảm hơn 4% và sản lượng giảm khoảng 0,4%. Đối với ngành xi măng và phân bón, mức độ tác động không đáng kể.

Để ứng phó với quy định này của EU, theo các chuyên gia, Việt Nam nên lựa chọn giải pháp chấp nhận Cơ chế CBAM và tìm cách giảm thiểu tác động tích cực của cơ chế này.

Theo đó, về phía Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước, cần sớm ban hành hướng dẫn, doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó, tăng cường năng lực kỹ thuật và thể chế để thích ứng với CBAM; tham gia vào các đối thoại mang tính xây dựng với EU và đàm phán với EU để đưa ra các điều kiện có lợi cho Việt Nam; cải thiện khung chính sách về khử carbon như loại bỏ dần điện than, thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng...

Đặc biệt, cần xem xét việc áp dụng định giá carbon trong bối cảnh tổng thể. Theo kinh nghiệm từ các dự án thẩm định tín chí carbon hiện nay, quá trình xác minh dữ liệu và khảo sát hiện trường thường mất từ 3 – 6 tháng. Nếu Việt Nam có quy định về định giá carbon, một phần tiền thuế doanh nghiệp xuất khẩu đáng lẽ phải trả cho EU sẽ được giữ lại ở Việt Nam.

Với doanh nghiệp - đối tượng chịu tác động và điều chỉnh trực tiếp của cơ chế CBAM, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng… xuất khẩu sang thị trường EU nên có phương án giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU. Trước mắt các doanh nghiệp cần xây dựng báo cáo phát thải và phải kiểm soát tốt lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất của mình.

Theo chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của Cơ chế CBAM, mặc dù các nhà nhập khẩu của châu Âu là đối tượng chịu trách nhiệm báo cáo và chịu phí CBAM nhưng để có thông tin báo cáo, họ sẽ đòi hỏi các nhà sản xuất của Việt Nam thông tin về lượng sản phẩm, lượng phát thải trong sản phẩm, chi phí trả cho định giá các-bon trong nước... Ghi nhận thực tế cho thấy, một số đối tác châu Âu đã có động thái này.

“Hiện doanh nghiệp Việt mới chỉ có thể cung cấp thông tin phát thải trong quá trình sản xuất, gia công hàng hóa, trong khi CBAM yêu cầu thông tin số liệu phát thải trong cả nguyên liệu đầu vào sản xuất.” - Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM.

Về phần mình, các doanh nghiệp cho rằng, khi CBAM được áp dụng, nhà nhập khẩu EU phải nhận thông tin liên quan đến phát thải carbon từ nhà xuất khẩu và báo cáo với cơ quan chính phủ EU nhưng thủ tục này rất khó khăn và có khả năng trở thành rào cản nhập khẩu. Thời gian tới, cơ quan quản lý cần đơn giản hóa thủ tục nhận và báo cáo dữ liệu liên quan đến phát thải CO2, đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chiến lược/kế hoạch hành động để ứng phó với CBAM và có giải pháp thích hợp về phòng vệ thương mại theo quy định của WTO. Doanh nghiệp cũng cần được hướng dẫn chi tiết hơn về xác nhận lượng khí thải carbon và gửi dữ liệu cho các đối tượng liên quan đến phát thải CO2. TT TT CN & TM

Tin liên quan

Việt Nam, Philippines sẽ có hiệp định liên Chính phủ về thương mại gạo(18/09/2023 8:44 SA)

Nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam giảm nhẹ trong tháng 7/2023(18/09/2023 8:42 SA)

Ấn Độ cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo tới 3 nước Bhutan, Singapore và Mauritius(18/09/2023 8:38 SA)

Ấn Độ mở rộng hạn chế xuất khẩu gạo bằng việc áp thuế 20% đối với gạo đồ(18/09/2023 8:35 SA)

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng rà soát hành chính về thuế chống bán phá giá mật ong của...(18/09/2023 8:31 SA)

Tin mới nhất

Việt Nam, Philippines sẽ có hiệp định liên Chính phủ về thương mại gạo(18/09/2023 8:44 SA)

Nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam giảm nhẹ trong tháng 7/2023(18/09/2023 8:42 SA)

Ấn Độ cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo tới 3 nước Bhutan, Singapore và Mauritius(18/09/2023 8:38 SA)

Ấn Độ mở rộng hạn chế xuất khẩu gạo bằng việc áp thuế 20% đối với gạo đồ(18/09/2023 8:35 SA)

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng rà soát hành chính về thuế chống bán phá giá mật ong của...(18/09/2023 8:31 SA)