Chính phủ Nigeria đã thông báo về việc thực thi chương trình chính sách tài chính 2023 gồm (i) rà soát, sửa đổi thuế quan chung ECOWAS (CET) của Nigeria giai đoạn 2022-2026;
Nigeria thực hiện rà soát và điều chỉnh chính sách thuế năm 2023
Chính phủ Nigeria đã thông báo về việc thực thi chương trình chính sách tài chính 2023 gồm (i) rà soát, sửa đổi thuế quan chung ECOWAS (CET) của Nigeria giai đoạn 2022-2026; (ii) rà soát mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm đồ uống có cồn, sản phẩm thuốc lá và (iii) áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần (Single Use Plastics). Theo đó:
(i) Sản phẩm gạo nhập khẩu vào Nigeria sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% và thuế phụ thu 50%, ngoại trừ gạo lứt (Husked brown rice) áp dụng mức thuế nhập khẩu 10% và thuế phụ thu 20%.
(ii) Sản phẩm bia và rượu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 75NGN/lít (tương đương 0,16USD/lít) cho năm 2023 và 100NGN/lít (0,22USD/lít) cho năm 2024.
(iii) Sản phẩm đồ uống có cồn khác (whisky, brandy, vodka & rums) áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 150NGN/lít (0,33USD/lít) cho năm 2023 và 200NGN/lít (0,43USD/lít).
(iv) Sản phẩm thuốc lá điếu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 8,2NGN/điếu (0,02USD/điếu) cho năm 2023 và 2024.
(v) Sản phẩm thuốc lá khác áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 1.500NGN/kg (3,26USD/kg); 3.500NGN/lít (7,61USD/lít) cho năm 2023 và 2.000NGN/kg (4,35USD/kg); 4.000NGN/lít (8,7USD/lít) cho năm 2024.
(vi) Thuế tiêu thụ đặc biệt cho dịch vụ viễn thông là 5% cho giai đoạn 2023-2024.
(vii) Theo cam kết của đối với việc ứng phó biến đổi khí hậu để giảm thiểu tác hại tới mối trường, Nigeria áp dụng Thuế Xanh (Green Tax) được tính gồm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và thuế phụ thụ thu nhập khẩu (Import Adjustment Tax Levy) đối với sản phẩm phương tiện cơ giới (motor vehicles) động cơ từ 2000 cc trở lên. Cụ thể, thuế xanh (thuế tiêu thụ đặc biệt) áp dụng cho sản phẩm nhựa sử dụng một lần là 10% trong giai đoạn 2023-2024; thuế xanh (thuế phụ thu) trong giai đoạn 2023-2024 áp dụng cho phương tiện cơ giới nhập khẩu vào Nigeria có động cơ từ 2000cc - 3999 cc là 2% và từ 4000cc trở lên là 4%.
Các loại thuế được rà soát và điều chỉnh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/2023.
Mỳ ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm
Từ ngày 27 tháng 6 năm 2023, các mặt hàng mỳ ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn và kịp thời của Bộ Công Thương trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như tích cực hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Với nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương và doanh nghiệp xuất khẩu các loại mỳ, bún, miến, phở dạng khô có gia vị (sau đây viết tắt là mỳ ăn liền) sang EU trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, ngày 07 tháng 6 năm 2023 EU đã đăng công báo Quy định (EU) 2023/1110 ký ngày 06 tháng 6 năm 2023 sửa đổi Quy định 2019/1973 về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU.
Theo đó, EU đã chính thức đưa mỳ ăn liền của Việt Nam từ Phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang phụ lục I với tần suất kiểm tra tại Biên giới là 20%. Theo Quy định 2023/1110, kể từ ngày 27 tháng 6 năm 2023, các mặt hàng mỳ ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Tuy nhiên, việc EU vẫn duy trì kiểm soát tại cửa khẩu với tần suất 20% đòi hỏi Việt Nam luôn phải duy trì tốt công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mỳ ăn liền. Nếu trong 6 tháng cuối năm 2023, mỳ ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào EU vi phạm quy định an toàn thực phẩm thi lộ trình tiếp theo của EU sẽ tăng giám sát lên mức 50% tại cửa khẩu và sau đó đưa quay lại phụ lục II và quá trình thuyết phục EU đưa lại phụ lục I là khó khăn hơn rất nhiều.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị sản xuất và xuất khẩu mỳ ăn liền sang EU tiếp tục duy trì tốt công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mỳ ăn liền như trong thời gian qua, các đơn vị cần nâng cao nhận thức và năng lực trong việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, kiểm soát tốt từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm trong quy trình sản xuất mỳ ăn liền.
Quy định xử lý hành vi phạm cấp phép tại cảng của Myanmar
Ngày 09/6/2023 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Tài Chính Chính quyền hiện nay của Myanmar đã ban hành quy định về thủ tục giải quyết đối với hàng hoá vi phạm quy định cấp phép nhập khẩu vào Myanmar áp dụng từ ngày 09/06/2023
Theo các quy định đã được ban hành trước đây (Thương vụ đã thông tin), hàng hoá nhập khẩu vào Myanmar khi đến cảng của Myanmar phải có giấy phép nhập khẩu. Hầu hết các sản phẩm nhập khẩu vào Myanmar hiện nay đòi hỏi phải có giấy phép nhập khẩu, điều này nằm trong chính sách kiểm soát ngoại tệ của Myanmar trong bối cảnh khó khăn về nguồn ngoại tệ của nước này.
Theo Thông báo số 40/2023 kèm theo của Bộ Kế hoạch và Tài chính của Chính quyền QS Myanmar, hàng hoá đến cảng khi chưa có giấy phép nhập khẩu sẽ được xử lý theo các bước được quy định cụ thể trong quy định. Sau 91 ngày hàng đến mà chưa có giấy phép, hàng hoá sẽ bị xung công.
Quy định mới của EU về các biện pháp khẩn cấp và tạm thời kiểm soát an toàn thực phẩm
Ngày 7/6/2023, EU đã đăng công báo Quy định (EU) 2023/1110 ký ngày 6 tháng 6 năm 2023 sửa đổi Quy định 2019/1973 về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU. Theo đó, EU đã chính thức đưa các loại mỳ ăn liền của Việt Nam từ Phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang phụ lục I với tần suất kiểm tra tại Biên giới là 20%. Như vậy, kể từ ngày 27 tháng 6 năm 2023, các mặt hàng mỳ ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Cũng tại Quy định này, ớt chuông từ Việt Nam vẫn nằm trong phụ lục I với tần suất kiểm tra 50% tại cửa khẩu; Đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20%. Điều này có nghĩa là các mặt hàng nông nghiệp không có thay đổi so với quy định của 6 tháng trước.
Quy định có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo.
Thông tin chi tiết xin tham khảo tại công báo EU: https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=uriserv%3AOJ.L_.2023.147.01.0111.01.ENG&toc=OJ%3AL%3A2023%3A147%3ATOC
Như vậy, chỉ 6 tháng sau khi EU thông qua quy định kiểm soát khẩn cấp đối với các loại bún, miến mỳ của Việt Nam (hiệu lực từ ngày 01/01/2022), Việt Nam đã thành công thuyết phục EU đưa bún miến, các sản phẩm từ gạo ra khỏi danh mục quản lý an toàn thực phẩm và 18 tháng sau thì thành công đưa mỳ ăn liền từ phụ lục II (kiểm soát theo chứng thư và tại cửa khẩu) sang phụ lục I (kiểm soát tại cửa khẩu). Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn và kịp thời của Bộ Công Thương trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như tích cực hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
- Tuy nhiên, việc EU vẫn duy trì kiểm soát tại cửa khẩu với tần suất 20% đòi hỏi Việt Nam luôn phải duy trì tốt công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mỳ ăn liền. Nếu trong 6 tháng cuối năm 2023, mỳ ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào EU có nhiều vụ vi phạm quy định an toàn thực phẩm thì lộ trình tiếp theo của EU sẽ là tăng giám sát lên mức 50% tại cửa khẩu và sau đó là đưa quay lại phụ lục II. Nếu mỳ ăn liền của Việt Nam bị đưa lại về phụ lục II (như trường hợp của Thanh Long), thì quá trình thuyết phục EU đưa lại phụ lục I là khó khăn hơn rất nhiều.
Do vậy, đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu mỳ ăn liền của Việt Nam phải liên tục kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, và kể cả xem xét áp dụng các biện pháp tự nguyện như tự xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm uy tín đối với các lô hàng mỳ ăn liền xuất khẩu vào EU.
EU tiếp tục gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu thêm một năm
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho hay, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu theo hình thức hạn ngạch thuế quan đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu thêm 1 năm.
Theo đó, ngày 2/6/2023, Ủy ban Tự vệ (Committee on Safeguards) thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông báo về việc Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu theo hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu thêm 1 năm (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024).
Nêu lý do việc tiếp tục gia hạn, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng ngành sản xuất nội địa sẽ tiếp tục bị thiệt hại nghiêm trọng nếu không gia hạn biện pháp tự vệ. Các nhà sản xuất thép EU vẫn đang thực hiện điều chỉnh để thích nghi với sự gia tăng nhập khẩu thép. Vì vậy, việc gia hạn các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu là cần thiết.
Thuế ngoài hạn ngạch là 25%. Lượng hạn ngạch không chịu thuế tiếp tục tăng 4% so với giai đoạn 1/7/2021 - 30/6/2023.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, Việt Nam bị áp dụng TRQ chung với các nước khác theo từng quý đối với 8 nhóm sản phẩm bao gồm: nhóm 1 (tấm thép cán nóng); nhóm 3B (tấm thép kỹ thuật điện); nhóm 4A, 4B (tấm thép mạ), nhóm 5 (tấm thép mạ phủ hữu cơ), nhóm 9 (tấm thép cán nguội không gỉ), nhóm 25B (các loại ống thép lớn); nhóm 26 (các loại ống thép khác).
Đối với các nhóm sản phẩm thép khác, Việt Nam được loại trừ theo tiêu chí nước đang phát triển có thị phần nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%). Các nước liên quan có thể yêu cầu tham vấn với EU trong thời gian từ ngày 05/6/2023 đến ngày 13/6/2023.
Trường hợp thị phần nhập khẩu một nhóm sản phẩm thép khác từ Việt Nam vào EU vượt quá 3%, nhóm này sẽ bị đưa vào danh sách áp dụng TRQ trong các lần rà soát hành chính hàng năm. Ngoài ra, Việt Nam cũng không được áp dụng hạn ngạch riêng đối với nhóm nào.
Trước đó, ngày 26/3/2017, EC khởi xướng điều tra tự vệ đối với các sản phẩm thép nhập khẩu.
Ngày 18/7/2018, EC quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với việc nhập khẩu một số sản phẩm thép được phân loại theo 23 danh mục sản phẩm trong thời gian 200 ngày.
Ngày 2/2/2019, EC áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với 26/28 danh mục sản phẩm bị điều tra. Thuế suất ngoài hạn ngạch là 25%, hạn ngạch áp dụng khác nhau tùy thuộc loại sản phẩm và xuất xứ.
Áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu thấp hơn đối với các mặt hàng trong nước đã sản xuất đủ nhu cầu
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 (Nghị định 26) về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Quyết định 15/2023/QĐ-TTg ngày 31/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc ban hành Nghị định 26 nhằm thực hiện các cam kết quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước theo định hướng của Đảng và Nhà nước; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước; khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Nghị định 26 đã sửa đổi, bổ sung 3 nhóm nội dung chính.
Thứ nhất, chuyển đổi Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan để đảm bảo phù hợp với Danh mục AHTN 2022. Việc chuyển đổi này cơ bản không ảnh hưởng đến các quy định hiện hành, bảo đảm nguyên tắc công bằng, có đi có lại; hài hòa lợi ích đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước và trong quan hệ thương mại.
Thứ hai, hợp nhất các quy định liên quan đến Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung từ năm 2016 đến nay để tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho cơ quan Hải quan cũng như doanh nghiệp trong quá trình tra cứu, thực hiện.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp. Trong đó, đối với thuế xuất khẩu, Nghị định đã sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu của một số mặt hàng (ống đồng, phân bón, than củi, thiếc, kẽm chưa gia công) theo nguyên tắc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu cao hơn đối với các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu và áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu thấp hơn đối với các mặt hàng trong nước đã sản xuất đủ nhu cầu hoặc dư thừa để tạo thuận lợi cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc sản xuất các mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao, đảm bảo công bằng với các mặt hàng có chế biến tương tự.
Điển hình là đối với mặt hàng phân bón, để giảm thủ tục hành chính cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, Nghị định đã quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với phân lân, urê, riêng phân bón DAP, NPK quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% thay cho quy định thuế suất dựa theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng (51%). Việc sửa đổi này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện việc thu thuế xuất khẩu.
Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi, để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu xăng dầu, trong bối cảnh giá xăng dầu còn có thể có nhiều diễn biến phức tạp trong tương lai, Nghị định 26 đã điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng sinh học, nguyên liệu đầu vào để sản xuất xăng, dầu và các chế phẩm thay thế cho xăng. Việc điều chỉnh này sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần hạ giá thành mặt hàng xăng trong nước.
Bên cạnh đó, Nghị định 26 cũng đã sửa đổi một số nội dung chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan đã được sửa đổi trong thời gian qua. Việc sửa đổi này sẽ đảm bảo tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đảm bảo việc quản lý rủi ro của cơ quan Hải quan.
TT TT CN & TM