18 người đang online
°

Khô đậu tương có nguy cơ tăng giá vào quý I/2023 gây áp lực lên ngành chăn nuôi

Đăng ngày 03 - 01 - 2023
Lượt xem: 92
100%

Ngành chăn nuôi dịp trước Tết nguyên đán 2023 vẫn đang khá trầm lặng. Thay vì đẩy mạnh sản xuất, các doanh nghiệp chỉ thận trọng tái đàn trong bối cảnh giá lợn hơi biến động thất thường và chi phí thức ăn chăn nuôi ở mức cao.

 

Khô đậu tương có nguy cơ tăng giá vào quý I/2023 gây áp lực lên ngành chăn nuôi

Ngành chăn nuôi dịp trước Tết nguyên đán 2023 vẫn đang khá trầm lặng. Thay vì đẩy mạnh sản xuất, các doanh nghiệp chỉ thận trọng tái đàn trong bối cảnh giá lợn hơi biến động thất thường và chi phí thức ăn chăn nuôi ở mức cao.

Giá lợn hơi ghi nhận sáng nay dao động từ 52.000 - 54.000 đồng/kg, mức giá thấp nhất trong vài tháng trở lại đây. Ngược lại, chi phí thức ăn chăn nuôi (TĂCN) chỉ tính từ đầu năm 2022 đã trải qua 8 đợt điều chỉnh tăng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất lớn trong ngành một mặt đang đẩy mạnh việc đa dạng nguồn nguyên liệu đầu vào, vừa tìm thời điểm hợp lý để thực hiện nghiệp vụ mua hàng nhập khẩu nông sản.

Nhu cầu mua nguyên liệu đang chậm dần

Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã chi 650 triệu USD trong tháng 11 để nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu, tăng 61,7% so với tháng trước và 78,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu về nước ta trong 11 tháng qua đạt 5,14 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khô đậu tương là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất với 2,44 tỷ USD cho 4,33 triệu tấn.

Trong tháng 12, lượng khô đậu tương hàng tàu nhập khẩu về Việt Nam có thể đạt hơn 630 nghìn tấn. Một số thương nhân cho biết, Việt Nam đã ký mua khoảng 3 tàu khô đậu tương Ấn Độ. Lượng hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp thương mại về nhiều nhưng nhu cầu từ các nhà máy lại đang khá chậm. Giá khô đậu tương thế giới vẫn đang ở mức cao khiến cho các doanh nghiệp sản xuất đang thận trọng chờ thêm diễn biến mới. Sáng nay, giá khô đậu tương được bán trong khoảng 14.700 đồng/kg cho kỳ hạn giao đến cuối năm nay.

Giá khô đậu tương thế giới biến động mạnh mẽ

Khô đậu tương là thành phẩm chính từ quá trình ép dầu hạt đậu tương và là loại nguyên liệu cực kì quan trọng trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi do tỉ lệ protein cao hơn so với hầu hết các loại nông sản khác. Việt Nam với sự phát triển mạnh mẽ của ngành chăn nuôi trong những năm gần đây cũng đồng thời trở thành nước nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 thế giới. Những biến động trên thị trường khô đậu tương thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cơ cấu chi phí của ngành chăn nuôi nước ta.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên 20/12, giá khô đậu tương Chicago đóng cửa ở mức 452 USD/tấn. Trong khi giá 2 loại nông sản khác là ngô và lúa mì đã sụt giảm đáng kể từ đầu quý IV, thì giá khô đậu tương mới chỉ có dấu hiệu hạ nhiệt hơn trong vài phiên gần đây. Trước đó, vào đầu tháng 12, thị trường chăn nuôi đã không khỏi bất ngờ và lo lắng trước chuỗi tăng liên tiếp của mặt hàng này.

Nhu cầu tiêu thụ khô đậu tương trong ngành chăn nuôi suy yếu đang tạo sức ép lên giá mặt hàng này. Tính đến giữa tháng 12 năm 2022, mặc dù lượng hàng đặt trước của Trung Quốc cao hơn 54% so với cùng kỳ nhưng khối lượng thực tế từ Mỹ đến quốc gia tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới này vẫn đang thấp hơn 4%. Triển vọng nhu cầu thịt lợn cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được dự báo sẽ yếu hơn do nhiều người vẫn phải tự cách ly trong bối cảnh tỷ lệ COVID-19 tăng cao, mặc dù các chính sách kiểm soát đã nới lỏng hơn vào đầu tháng 12.

Ngành chăn nuôi vẫn đang đối mặt phải rủi ro tăng giá nguyên liệu

MXV cho biết, triển vọng mùa vụ đậu tương ở Brazil và Argentina sẽ là yếu tố quan trọng nhất quyết định xu hướng giá khô đậu trong quý I năm 2023. Nếu như diện tích gieo trồng đạt kỷ lục, cùng với tiến độ ở Brazil đang diễn ra khá thuận lợi thì mùa vụ ở Argentina lại đang gặp khá nhiều bất lợi.

Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết, lượng mưa những ngày gần đây vẫn không đủ để nông dân Argentina có thể đẩy mạnh việc gieo trồng đậu tương tại các vùng nông nghiệp trọng điểm. Tiến độ trồng đậu tương niên vụ 22/23 tại nước này mới chỉ đạt 50,8% trên tổng số 16,7 triệu héc-ta dự kiến, chậm hơn 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động gieo trồng càng diễn ra chậm thì sản lượng tiềm năng càng thấp do cây trồng không được phát triển trong khung thời gian lý tưởng.

Câu hỏi hiện nay là thiệt hại tiềm năng ở Argentina sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường toàn cầu? Argentina là nước xuất khẩu khô đậu nành và dầu đậu nành lớn nhất thế giới. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến xuất khẩu khô đậu từ quốc gia Nam Mỹ này sẽ chiếm 38% thương mại toàn cầu. Với tình hình hiện tại của Argentina, nếu có thêm bất kì rủi ro tương lai nào đối với mùa vụ Brazil, giá khô đậu tương sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới vào đầu năm sau, tương tự như 2 năm trước.

 

Thị trường thuỷ sản Canada – tiềm năng và dư địa xuất khẩu

Hiện nay, trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 160 triệu USD các mặt hàng thuỷ sản sang Canada. Thuỷ sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam sang Canada. Dự kiến năm nay, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang địa bàn lần đầu tiên sẽ vượt mốc 200 triệu USD.

Vài nét về thị trường thuỷ sản Canada

Ngành công nghiệp thuỷ sản Canada đóng góp lớn vào nền kinh tế Canada. Năm 2020, ngành đánh cá của Canada đã xuất khẩu 6,4 tỷ CAD các sản phẩm cá và hải sản và sử dụng khoảng 68.000 lao động trong ngành (44.000 trong đánh bắt cá, 4.000 trong nuôi trồng và gần 20.000 trong chế biến thuỷ hải sản). Doanh số đánh bắt cá nước ngọt và xa bờ đạt trung bình 2.5 tỷ CAD/năm và nuôi trồng thuỷ sản đạt 1 tỷ CAD/năm; trong khi đó chế biến đóng gói thuỷ sản đạt gần 6 tỷ CAD/năm.

Canada có 17.000 thuyền đăng ký đánh bắt xa bờ và mỗi năm đánh bắt được khoảng 720.000 tấn chủ yếu là các loại cá, trong đó giá trị các thuỷ sản có vỏ lên tới trên 2 tỷ với 344.000 tấn, khoảng 300 triệu CAD giá trị cá đáy và 150 triệu CAD cá mặt nước. Về số cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, Canada hiện có 881 cơ sở, với năng lực cung cấp khoảng 170.000 tấn năm. Canada chủ yếu nuôi trồng cá hồi với khối lượng 120.000 tấn năm và giá trị đạt 820 triệu CAD; ngoài ra là các sản phẩm cá có vây và nhuyễn thể có vỏ khác như hàu, vẹm, nghêu, sò điệp… 

Về thương mại, ngành cá và thuỷ sản của Canada đóng vai trò quan trọng cả trong xuất và nhập khẩu. Năm 2021, Canada xuất khẩu 619.381 tấn sản phẩm các loại, thu về khoảng 8.8 tỷ CAD và nhập khẩu 572.764 tấn sản phẩm, tương đương 4.6 tỷ CAD, thặng dư thương mại ngành thuỷ hải sản của Canada đạt trên 4 tỷ CAD. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Canada là tôm hùm, cua tuyết, cá hồi đại dương trong khi Canada nhập khẩu nhiều loại thuỷ sản khác từ thế giới, trong đó có cá ngừ và tôm. Có thể thấy hơn 75% sản lượng đánh bắt và nuôi trồng nội địa của Canada là để xuất khẩu. Hiện nay, Canada là nhà xuất khẩu thuỷ hải sản lớn thứ 8 trên thế giới với mạng lưới khách hàng rộng khắp trên 130 nước. Hoa Kỳ tiêu thụ 64% sản lượng xuất khẩu của Canada, Trung Quốc 11%, EU 10%, Nhật Bản 4% và Hongkong 2%.

Ở Canada, Bộ Nghề cá và Đại dương (DFO) giám sát việc quản lý nguồn lợi thủy sản của Canada và làm việc với ngư dân trên khắp đất nước để đảm bảo tính bền vững của các đại dương và nghề cá nội địa của Canada; điều chỉnh và quản lý khâu sản xuất cuối cùng của doanh nghiệp. Bộ Nghề cá và Đại dương thiết lập các hướng dẫn và thủ tục để hỗ trợ các hệ sinh thái lành mạnh và hiệu quả, đồng thời duy trì nghề cá cho các thế hệ tương lai. Bộ Nông nghiệp Thực phẩm Canada (AAFC) chịu trách nhiệm hỗ trợ phát triển thị trường và truy xuất nguồn gốc. Cơ quan Kiểm tra Thực phẩm Canada (CFIA) đặt ra các chính sách, yêu cầu và tiêu chuẩn kiểm tra.

Tất cả các sản phẩm thủy sản đến từ ngành đánh bắt cá của Canada đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng và tuân thủ các tiêu chuẩn về sản phẩm và quy trình để tiêu thụ trong nước và quốc tế. Các tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho các sản phẩm hải sản nhập khẩu vào Canada và đảm bảo rằng các sản phẩm hải sản được an toàn và được xác định đúng. Một phần quan trọng trong việc thiết lập nghề cá bền vững ở Canada là chứng nhận và giám sát nguồn gốc của các sản phẩm cá và hải sản, nơi chúng được chế biến và cách chúng được bán cho người tiêu dùng Canada. Chứng nhận sản phẩm cá và hải sản có nghĩa là nhà sản xuất phải đưa ra bằng chứng rằng sản phẩm của họ đã được thu hoạch và phát triển một cách bền vững.

Tình hình và tiềm năng xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Canada

Giai đoạn 2012-2021, Canada nhập khẩu trung bình khoảng trên 2 tỷ USD/năm, trong đó file cá đông lạnh và tôm đông lạnh là hai sản phẩm chủ yếu. Năm 2021, Canada nhập khẩu mã HS 0304 lên đến 789 triệu USD và mã 0306 lên đến 982 triệu USD. Năm 2021 Canada nhập khẩu tăng đột biến, lên đến gần 2.7 tỷ USD do gián đoạn sản xuất trong nước vì các quy định giãn cách và do giá thuỷ sản xuất khẩu của Canada tăng cao trên thị trường thế giới. Mười nước xuất khẩu thuỷ sản chủ yếu vào Canada lần lượt là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Chile, Việt Nam, Nauy, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Iceland và Ecuador...

 

Kể từ sau CPTPP, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường Canada giảm nhẹ 0.5% (giai đoạn 2018-2021), sự sụt giảm này là do bối cảnh Covid làm tăng chi phí vận chuyển và đứt gẫy nguồn cung nội tại của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam đã tụt xuống là nhà xuất khẩu lớn thứ 4 vào thị trường Canada, sau Chile, chiếm 6% thị phần nhập khẩu thuỷ sản của Canada. Thực tế, giai đoạn 2018-2021, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Canada vẫn tăng cao, trung bình 19%. Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường đã tăng mạnh (56.5%) so với cùng kỳ năm 2021, đưa Việt Nam trở lại vị trí là nhà xuất khẩu lớn thứ ba vào địa bàn, vượt Chile. Hiện nay, trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 160 triệu USD các mặt hàng thuỷ sản sang địa bàn. Thuỷ sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam sang Canada. Dự kiến năm nay, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang địa bàn lần đầu tiên sẽ vượt mốc 200 triệu USD.

 Trong các loại thuỷ sản Canada nhập từ Việt Nam, ngoài mã HS 0304 và 0306, Canada có nhập cả cá đông lạnh nguyên con (HS 0303), một số thuỷ hải sản khô (HS 0305) và động vật thuỷ sinh khác (hải sâm, sứa, mã HS 0307) nhưng giá trị không đáng kể, gộp chung lại năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 17 triệu USD vào địa bàn. Việt Nam hầu như không có thế mạnh với các sản phẩm thuộc nhóm mã HS 0301, 0302 và 0308 (chưa đến 1 triệu USD/năm).

Đối với sản phẩm cá đông lạnh nguyên con HS 0303, nhu cầu của thị trường Canada tăng khá nhanh qua các năm. Năm 2021, Canada nhập 268 triệu USD và ước tính năm 2022, Canada có thể nhập đến trên 300 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ tư sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga. Do chiến tranh Nga Uckraina và căng thẳng quan hệ Canada-Trung Quốc, hiện nay, Canada đang giảm mạnh nhập khẩu mã HS 0303 từ Nga và Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng nhập khẩu mã HS 0303 từ Việt Nam lên tới 66.3% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến năm 2022, Canada có thể nhập khoảng 15 triệu USD từ Việt Nam đối với sản phẩm 0303.

Đối với sản phẩm thuỷ hải sản khô HS 0305, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Canada không cao, khoảng dưới 100 triệu USD/năm, chủ yếu từ Trung Quốc, Nauy, Luthuania. Việt Nam mới hiện diện trong top 10 nhà xuất khẩu lớn vào Canada kể từ năm 2019 (thứ 7) và dự kiến năm 2022 sẽ vươn lên vị trí thứ 3. Năm 2019, Việt Nam mới xuất khẩu được khoảng 2 triệu USD, năm 2021 khoảng 4 triệu USD nhưng với tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong các nhóm HS (132.8%), dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mã HS 0305 của Việt Nam sẽ đạt trên 10 triệu.

Đối với sản phẩm mã HS 0307, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 2.5 triệu USD sang địa bàn, tăng 14% so với năm 2018. Tuy nhiên, Việt Nam có vị trí không đáng kể trong các nhà xuất khẩu mặt hàng này vào Canada. Canada có nhu cầu khoảng 200 triệu USD/năm với mặt hàng này và nhu cầu của thị trường Canada tiếp tục tăng ổn định qua các năm. Hiện nay, các nhà xuất khẩu chủ yếu và Canada là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan. Đây cũng là một lĩnh vực mặt hàng Việt Nam có nhiều dư địa để cạnh tranh.

Hai mã 0304 (Cá file đông lạnh) và 0306 (tôm đông lạnh) là sản phẩm Canada có nhu cầu nhập khẩu cao nhất, chiếm trên 65% tổng nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Canada và cũng là hai sản phẩm Việt Nam có thế mạnh và hiện là sản phẩm thuỷ sản chủ lực của thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang địa bàn.

 

Việt Nam hiện đứng thứ 4 về thị phần đối với sản phẩm cá file đông lạnh tại Canada (khoảng 6%). Hiện nay, cạnh tranh chủ yếu cùng Việt Nam đối với mã HS 0304 là Trung Quốc, Chile, Peru và Indonesia. Có thể thấy, nhu cầu với cá file (cá hồi đại dương, cá hồi vịnh và các dòng cá troute béo) của Canada tăng nhanh qua các năm trong khi nhu cầu nhập khẩu với các dòng cá nước ngọt, cá pangasius và cá ngừ tăng không nhiều, thậm chí còn giảm. CPTPP không tác động ngay đáng kể đến tăng trưởng xuất khẩu mã HS 0304 của Việt Nam, dao động quanh 50 triệu USD/năm (chưa đến 3% giai đoạn 2018-2021). Đặc biệt, trong các năm 2020, 2021, do tình hình Covid (chi phí vận chuyển, khả năng cung hàng của Việt Nam…), xuất khẩu của Việt Nam đối với mã HS 0304 sang địa bàn còn bị tụt hạng (từ vị trí thứ 4 xuống thứ 5). Tuy nhiên, mã HS 0304 là mặt hàng Canada có nhu cầu tăng đều qua các năm, Việt Nam có nhiều lợi thế để không chỉ nâng cao kim ngạch, mà còn mở rộng thị phần trong bối cảnh Canada muốn giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm 2022, với đà tăng 84.8% so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu mã HS 0304 đã đạt 76 triệu USD và nếu tiếp tục với đà tăng này, dự kiến năm 2022, Việt Nam có thể xuất khẩu gần 100 triệu USD, tức gấp đôi mức trung bình giai đoạn 2018-2021.

 

Đối với sản phẩm mã HS 0304 của Việt Nam, tuy không có vụ việc nào liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm được thông báo cho Thương vụ từ phía CFIA nhưng theo phản ánh của một số nhà nhập khẩu khi làm việc với Thương vụ, sản phẩm của Việt Nam thường có hàm lượng nước cao khiến nhà nhập khẩu quan ngại về chất lượng. Năm 2022, Canada có nhu cầu tăng rất mạnh với sản phẩm mã HS 0304 của Việt Nam là do phần nhiều các yếu tố nội tại của thị trường Canada (lạm phát cao, người tiêu dùng Canada ưu tiên chuyển sang các thực phẩm giá rẻ và do giá xuất khẩu thuỷ sản của Canada tăng cao trên thị trường thế giới). Hiện nay, đối với mã HS 0304, Indonesia, Colombia và Peru đang nổi lên là các đối tác cung cấp thủy sản mới, với nhiều sản phẩm tương đồng với Việt Nam và cạnh tranh về giá. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng này là bền vững, các doanh nghiệp cần tiếp tục chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện chất lượng để giữ uy tín của thủy sản Việt Nam đối với thị trường.

Việt Nam hiện đứng thứ 3 về thị phần đối với sản phẩm mã HS 0306 (tôm) tại Canada (khoảng 10%), sau Hoa Kỳ, Ấn Độ. Hiện nay, cạnh tranh chủ yếu cùng Việt Nam đối với mã HS 0306 là, Thái Lan, Ecuador và và Indonesia. Có thể thấy, giống như mã HS 0304, CPTPP không tác động ngay đáng kể đến tăng trưởng xuất khẩu mã HS 0306 của Việt Nam, dao động quanh 95 triệu USD/năm (chưa đến 2.5% giai đoạn 2018-2021). Đặc biệt, nhu cầu của thị trường Canada với mã HS 0306 là rất không ổn định, trồi sụt qua các năm. Cá biệt năm 2021, Canada nhập khẩu lên đến gần 1 tỷ USD nhưng nhu cầu của thị trường qua theo dõi 10 năm (2012-2021), chỉ dao động trong khoảng 750-800 triệu USD/năm. Mặc dù  9 tháng đầu năm 2022, với đà tăng 33.7% so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu mã HS 0306 đã đạt 92 triệu USD và nếu tiếp tục với đà tăng này, dự kiến năm 2022, Việt Nam có thể xuất khẩu gần 120 triệu USD. Tuy nhiên, đây là mức tăng dự báo chỉ có giá trị ngắn hạn do nhu cầu của địa bàn với các sản phẩm giá rẻ trong bối cảnh Canada có nhu cầu đa dạng hoá nguồn protein thay thế giữa cơn bão lạm phát. Hơn nữa, đối với sản phẩm 0306, hiện nay Việt Nam đang gặp phải 2 đối thủ cạnh tranh đặc biệt mạnh là Ecuador và Indonesia trong nhóm sản phẩm tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Ecuador đang phát triển mạnh năng lực nuôi trồng tôm, hiện nay Ecuador đang xuất khẩu vào Canada theo mức thuế MFN nhưng do vị trí gần, giá cạnh tranh, mắc tăng trưởng xuất khẩu của Ecuador rất cao (147.4% trong 9 tháng đầu năm 2022). Dự kiến Ecuador sẽ tăng giá trị xuất khẩu gấp 3 lần năm 2018. Tương tự như vậy, Indonesia với ưu thế sắp ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với Canada, xuất khẩu của Indonesia vào thị trường Canada tăng đột biến trong nhiều lĩnh vực mặt hàng, trong đó có thuỷ sản và tôm đông lạnh. Vì vậy, để giữ vững thị phần và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang địa bàn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu của địa bàn không ổn định, các doanh nghiệp càng cần chú trọng tìm các hướng đi mới, vừa đảm bảo chất lượng, hạ giá thành, vừa hướng đến xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản organic và nhất là tìm cách chế biến sâu.

Tình hình và tiềm năng xuất khẩu thuỷ sản chế biến sang thị trường Canada:

Thực tiễn theo dõi số liệu xuất nhập khẩu Việt Nam qua các năm cho thấy, thuỷ sản chế biến xứng đáng có một vị trí riêng để theo dõi (tương tự như vậy với các sản phẩm nông nghiệp chế biến khác của Việt Nam).  Canada nhập khẩu trung bình khoảng trên 1.6 tỷ USD/năm với các sản phẩm chế biến thuộc mã HS 16 và có nhu cầu đang tăng dần qua các năm do đời sống công nghiệp và do nhu cầu thưởng thức thực phẩm chế biến toàn cầu tại nhà. Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 trong top 10 nước xuất khẩu thực phẩm/thuỷ sản chế biến lớn nhất vào Canada (sau Hoa Kỳ và Thái Lan). Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đối với mã HS 16 của Việt Nam vào thị trường Canada kể từ sau CPTPP (giai đoạn 2018-2022) đạt 22%, cao gần gấp đôi mức trung bình của các nước. Mặc dù vậy, thị phần của Việt Nam vẫn không đáng kể, mới chỉ chiếm khoảng 5% nhu cầu thuỷ sản chế biến của thị trường Canada. Hoa Kỳ vẫn chiếm trên 60% thị phần và Thái Lan trên 10% thị phần.

 

Trong 9 tháng đầu năm 2022, thuỷ sản chế biến của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt (43.6% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn nhiều mức tăng trung bình 13% của thị trường Canada với nhóm mặt hàng này). Nhờ vậy, dự kiến năm 2022, Việt Nam sẽ xuất khẩu được trên 110 triệu USD giá trị thuỷ sản chế biến vào thị trường. Nói cách khác, giá trị xuất khẩu thuỷ sản chế biến còn lớn hơn giá trị xuất khẩu cá file đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Canada.  

Trong nhóm thuỷ sản chế biến, Việt Nam là nước mạnh nhất về các sản phẩm tôm tẩm bột, tôm viên, chả giò hải sản, tôm hấp đông lạnh (mã HS 1605). Việt Nam chiếm 25% thị phần tại Canada đối với nhóm sản phẩm mã HS 1605, vượt xa Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Trong bối cảnh Canada giảm nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc (là 2 nước có thị phần lớn với mã HS 1605), Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu thêm vào thị trường. Dự kiến năm 2022, Việt Nam sẽ  xuất khẩu được 105 triệu USD. Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ sau CPTPP đạt 54%, và trong 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng 63.1% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù vậy, trong nhóm mặt hàng này, Việt Nam gặp nhiều cạnh tranh từ Indonesia, Ấn Độ. Đây là hai nước có thị phần và mức tăng trưởng rất mạnh trong những năm qua. Hàng năm, Canada có nhu cầu nhập

Đối với nhóm thuỷ sản chế biến mã HS 1604 (cá đóng hộp), mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường đã tăng 445% so với trước 2018 (từ 2.6 triệu năm 2018 lên 14.4 triệu năm 2021), tuy nhiên, mức tăng này là không đáng kể so với nhu cầu của thị trường. Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 5 các mặt hàng cá đóng hộp vào Canada nhưng thị phần của chúng ta chỉ khoảng 3.5%. Hàng năm, Canada có nhu cầu nhập khẩu khoảng 350-400 triệu USD và Canada đang nhập khẩu chủ yếu từ Hoa Kỳ, Thái Lan. Chỉ riêng hai nước này đã có thị phần khoảng 68%. Trong năm 2022, Việt Nam giảm mạnh xuất khẩu cá đóng hộp vào thị trường Canada (giảm 28.6% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2021) trong khi các nước vẫn xuất mạnh vào Canada (trung bình 11.2%). Dự kiến năm 2022, Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng trên 10 triệu USD tổng trị giá xuất khẩu mã HS 1604.

Một số quy định cần nắm khi xuất khẩu thuỷ sản và Canada

Nhập khẩu thuỷ sản đều phải tuân theo quy trình nhập khẩu thực phẩm nói chung. Ngoài ra, còn có một số yêu cầu cụ thể đối với việc nhập khẩu cá gọi là Hệ thống tham chiếu nhập khẩu tự động (AIRS). Canada giao phó trách nhiệm lên các nhà nhập khẩu và buộc các nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm đảm bảo rằng các sản phẩm thuỷ sản nhập về phải đáp ứng tất cả các yêu cầu hiện hành về an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng được nêu trong Quy định về Thực phẩm An toàn cho Người Canada (SFCR) cũng như mọi yêu cầu hiện hành của Quy định về Sức khỏe Động vật.

Cơ quan kiểm tra thực phẩm Canada (CFIA) sẽ xác minh việc tuân thủ các quy định của Canada và làm việc với các cơ quan có chức năng tương tự ở các đối tác thương mại lớn của Canada để cung cấp các quy định của Canada nhằm đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu là an toàn. Các nhà nhập khẩu phải truy cập AIRS để hoàn tất các giấy phép nhập khẩu. Đây là dịch vụ trực tuyến của CFIA, cho phép nhà nhập khẩu theo dõi trạng thái đơn đăng ký của mình và thanh toán trực tuyến cho dịch vụ.

Canada ban hành Danh mục các loài động vật thủy sinh được phân loại là "dễ mắc" các bệnh đáng lo ngại. Để nhập khẩu các sản phẩm có tên trong danh mục này, nhà nhập khẩu phải có Giấy phép Nhập khẩu Thủy sản đặc biệt (kiểm dịch thú y) do CFIA cấp. Các nước xuất khẩu các sản phẩm này phải cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật sau khi đã có đàm phán công nhận với CFIA (CFIA công nhận kết quả xét nghiệm bệnh của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài). Đối với các loại thuỷ sản không nằm trong danh sách này, không cần có Giấy phép Nhập khẩu Thuỷ sản nhưng phải có đầy đủ các thông tin: tên và địa chỉ của nhà xuất khẩu; tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu; tên phân loại của động vật thủy sinh, giai đoạn sống và số lượng được nhập khẩu, mục đích sử dụng cuối cùng... Ngoài ra, Canada còn có quy định dán nhãn với các mặt hàng thuỷ sản tương tự như quy định ghi nhãn thực phẩm và quảng cáo, đặc biệt các quy định về tiêu chuẩn dán nhãn organic.

Yêu cầu cụ thể đối với cá đông lạnh nhập khẩu: Cá đông lạnh nhập khẩu phải được vận chuyển theo quy trình chống bị mất nước và oxy hóa. Các nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm đảm bảo cá nhập khẩu nằm trong fiới hạn dư lượng tối đa (MRL) đối với các hoá chất được nêu trong danh sách giám sát dư lượng hoá chất nuôi trồng thủy sản của CFIA. Yêu cầu cụ thể đối với động vật có vỏ: Các nhà nhập khẩu phải đảm bảo nhập khẩu từ quốc gia đã được phê duyệt để xuất khẩu sang Canada. Ngoài ra, Canada còn kiểm sát nguy cơ nhiễm Vibrio parahaemolyticus (Vp-là một loại vi khuẩn có thể gây bệnh đường tiêu hóa ở người) trên các động vật có vỏ.

Nhìn chung, quy trình kiểm soát nhập khẩu thuỷ sản của Canada là quy trình tiền kiểm. Khi hàng cập cảng Canada và được Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (Hải quan) thông quan, hàng sẽ được phép phân phối ngay lập tức. Kiểm định của CFIA thường diễn ra đối với lần nhập khẩu đầu tiên và có kiểm tra xác suất trên cơ sở lấy mẫu ngẫu nhiên sau này. Thông thường, lấy mẫu với sản phẩm cá là rất hãn hữu trừ trường hợp có nghi ngờ. Tuy nhiên, nếu sản phẩm không được thông qua trong lần nhập khẩu đầu tiên, sẽ không được cho phép tái thẩm tra theo quy định của Luật an toàn thực phẩm Canada, vì vậy nhà nhập khẩu Canada rất ngại bị rút giấy phép nhập khẩu vì sẽ ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của mình.

TT CN TM

Tin liên quan

Chính sách tiền tệ mới của Ai Cập tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam(04/04/2024 9:23 SA)

Vụ mía đường của Ấn Độ và Thái Lan có triển vọng tốt hơn dự kiến(04/04/2024 9:22 SA)

Thị trường cung cấp lúa mì cho Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024(04/04/2024 9:08 SA)

Tiêu thụ thịt lợn của Đức năm 2023 giảm(08/03/2024 10:19 SA)

Sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 dự kiến đạt mức kỷ lục 2.836 triệu tấn(08/03/2024 10:17 SA)

Tin mới nhất

Chính sách tiền tệ mới của Ai Cập tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam(04/04/2024 9:23 SA)

Vụ mía đường của Ấn Độ và Thái Lan có triển vọng tốt hơn dự kiến(04/04/2024 9:22 SA)

Thị trường cung cấp lúa mì cho Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024(04/04/2024 9:08 SA)

Tiêu thụ thịt lợn của Đức năm 2023 giảm(08/03/2024 10:19 SA)

Sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 dự kiến đạt mức kỷ lục 2.836 triệu tấn(08/03/2024 10:17 SA)