14 người đang online
°

Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2021

Đăng ngày 07 - 12 - 2021
Lượt xem: 51
100%

Sáng ngày 02/12/2021, UBND TP HCM phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2021”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại TP HCM kết nối với điểm cầu từ Bộ Công Thương (tại Hà Nội) và 29 điểm cầu từ các tỉnh, thành phố.

 

Sáng ngày 02/12/2021, UBND TP HCM phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2021”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại TP HCM kết nối với điểm cầu từ Bộ Công Thương (tại Hà Nội) và 29 điểm cầu từ các tỉnh, thành phố.


Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Uỷ viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng; Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Cục Công tác phía Nam, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và đại diện một số Bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, các tập đoàn phân phối, các doanh nghiệp, nhà cung ứng và các cơ quan thông tấn báo chí truyền thông.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến khó lường, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống và tình hình kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, có thể thấy, ngay trong những giai đoạn khó khăn nhất, doanh thu thị trường trong nước vẫn được đánh giá là một trong những điểm sáng của kinh tế vĩ mô. Hoạt động kết nối cung cầu của cả nước nói chung và TP HCM nói riêng đã và đang đóng góp tích cực vào kết quả này.

Trong thời gian qua, nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong giai đoạn TP HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và phối hợp tích cực với các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh Chương trình bình ổn thị trường. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình đã trực tiếp triển khai các hoạt động cung ứng hàng hóa cho các địa bàn và xâ dựng các phương án cung ứng hàng linh hoạt phù hợp với mọi cấp độ dịch bệnh. Đây đều là những đơn vị, doanh nghiệp tham gia thường xuyên các hoạt động kết nối cung cầu bình ổn thị trường...

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu cho các địa phương trên cả nước, nhất là cho TP HCM và các tỉnh phía Nam năm 2021, Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác tiền phương (sau đó đổi tên thành Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trên cả nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp) để hỗ trợ và xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc trong cung ứng, lưu thông hàng hóa tại các địa phương có dịch trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, góp phần tiêu thụ sản phẩm sản xuất và cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân.

Thời gian qua, TP HCM đã xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho khoảng 10 triệu người dân trên địa bàn ngay cả khi dịch bệnh bùng phát. Chương trình hợp tác thương mại, Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa được tổ chức thường kỳ hàng năm đã trở thành nơi gặp gỡ giao thương giữa hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ TP HCM với nhiều nhà cung cấp có uy tín với nhiều sản phẩm chất lượng, sản phẩm làng nghề, sản phẩm của các hợp tác xã..., tạo điều kiện cho các doanh nghiệp TP HCM  trở thành đầu mối tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản thực phẩm của các tỉnh, thành phía Nam. Các hợp đồng, các biên bản ghi nhớ có giá trị được ký kết đã đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế chung của Thành phố, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp.

Thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải biểu dương và đánh giá cao vai trò của TP HCM trong việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương nhằm kiểm soát dịch bệnh và từng bước phục hồi kinh tế cũng như liên kết với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hiệp hội... trong cả nước tiêu thụ hàng hoá, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng bán lẻ, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Tuy nhiên, Thứ trưởng đánh giá, Chương trình vẫn gặp nhiều  khó khăn, hạn chế do dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá và công tác phối hợp xây dựng các chuỗi cung ứng, kết nối cung cầu... 

 Quán triệt tinh thần tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Lãnh đạo UBND thành phố, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp lưu ý một số nội dung sau:

Một là, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình Hợp tác thương mại nhất là các Chương trình Bình ổn thị trường và Chương tình Kết nối cung cầu hàng hóa tại địa phương thông qua việc tập trung vào hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu; định hướng mở rộng tiêu thụ hàng hóa qua kênh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, gia dụng (sản phẩm may mặc, nhựa,...), các sản phẩm OCOP; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công Thương đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối cung - cầu trên các nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số và sàn thương mại điện tử;

Hai là, nhân rộng mô hình và trao đổi kinh nghiệm với các địa phương nhất là các tỉnh, thành phố có nguồn cung hàng hoá đa dạng, dồi dào, hình thành chuỗi liên kết hàng hoá chặt chẽ, đảm bảo sự minh bạch trong nguồn gốc hàng hoá và an toàn thực phẩm, từng bước phát triển thương hiệu hàng Việt Nam với người tiêu dùng trong nước và thế giới;

Ba là, quán triệt tinh thần về thích ứng và kiểm soát dịch bệnh tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”;

Bốn là, tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung của Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương TP HCM nói riêng và Sở Công Thương các địa phương nói chung theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường; Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh hoặc Tết.

Năm là, đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa, khu vực biển đảo...nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ triển khai công tác kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường các dịp lễ, Tết của TP HCM với các tỉnh, thành và hướng tới xuất khẩu bền vững.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương và sự phối hợp tích cực, hiệu quả từ các địa phương giúp Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành phố đạt được thành công trong suốt 10 năm qua.

“Hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh/thành là một sáng kiến quan trọng trong việc giúp tìm kiếm đầu ra một cách phù hợp, hiệu quả cho các sản phẩm nông nghiệp của các địa phương. Chương trình được triển khai từ năm 2012, đến nay có thể nói đã cơ bản đáp ứng kỳ vọng ban đầu, các hệ thống phân phối TP HCM đã tìm được nhiều nhà cung cấp uy tín, các sản phẩm chất lượng, đặc sản vùng miền từ các địa phương để cung ứng cho người tiêu dùng, từ đó giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp”, bà Phan Thị Thắng chia sẻ.

Phát biểu tiếp thu ý kiến tại Hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh, dưới tác động của dịch bệnh, chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong bối cảnh đó, TP HCM đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, đồng hành của Bộ Công Thương và các địa phương. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Phó Chủ tịch UBND TP HCM để chuyển tải Chỉ thị 12 của Bộ Công Thương (Chỉ thị thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022) một cách thiết thực, thuận lợi, hiệu quả.
 moit.gov.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ban hành Quyết định quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân(28/03/2024 10:06 SA)

Đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương(13/03/2024 9:00 SA)

Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII(28/02/2024 4:11 CH)

Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII(27/02/2024 10:52 SA)

Hoàn thành công trình đường dây 220kV Nha Trang – Tháp Chàm chào mừng 94 năm thành lập Đảng Cộng...(05/02/2024 1:35 CH)