72 người đang online
°

sản Xuất kinh doanh 05/12/2012

Đăng ngày 05 - 12 - 2012
Lượt xem: 28
100%

 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 12 tỷ USD

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch&Đầu tư), tính từ 01/01 đến 20/11/2012, cả nước thu hút được 980 dự án cấp mới đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký cấp mới là 7.256,80 triệu USD; 406 lượt dự án tăng vốn; vốn đăng ký tăng thêm 4.924,54 triệu USD, nâng tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lên 12.181,35 triệu USD.

Trong đó, về hình thức đầu tư, số dự án cấp mới 100% vốn nước ngoài là 832 dự án, có tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 9.878,12 triệu USD; liên doanh 145 dự án, cổ phần 3 dự án.

Xét theo ngành, công nghiệp chế biến, chế tạo đang dẫn đầu với 431 dự án cấp mới, vốn đăng ký cấp mới 4.392,70 triệu USD; 290 dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4.114,76 triệu USD nâng tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lên 8.507,45 triệu USD.

Đứng thứ hai là kinh doanh bất động sản 9 dự án cấp mới, vốn đăng ký cấp mới 1.350,64 triệu USD; 5 dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm 494,36 triệu USD nâng tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lên 1.845,01 triệu USD.

Tiếp theo là dự án đầu tư về các lĩnh vực: Bán buôn,bán lẻ, sửa chữa; thông tin và truyền thông; vận tải kho bãi; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; y tế và trợ giúp xã hội; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; nông, lâm nghiệp, thủy sản; nghệ thuật và giải trí; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa; dịch vụ khác; khai khoáng; hành chính và dịch vụ hỗ trợ; cấp nước, xử lý chất thải; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Các đối tác đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, tính đến ngày 20/11, dẫn đầu hiện là Nhật Bản có 247 dự án cấp mới với 3.931,55 triệu USD và 103 dự án tăng vốn với 1.120,36 triệu USD, nâng tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lên 5.051,91 triệu USD.

Đối tác giữ vị trí thứ hai là Singapore, thứ ba là Hàn Quốc, thứ tư là Samoa và lần lượt đến các đối tác: British Virgin Islands; Hong Kong (Trung Quốc); Đài Loan (Trung Quốc); Síp; Trung Quốc; Malaysia; Đức; Thái Lan; Hoa Kỳ; Pháp…

Xét theo địa phương, đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Bình Dương đang dẫn đầu với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,287.43 triệu USD; tiếp đến là TP HCM 1.145,84 triệu USD; rồi đến các địa phương Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hưng Yên, Long An…/.

 

Đầu tư ra nước ngoài hơn 15 tỉ USD

Ngày 27-11, Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) cho biết 11 tháng đầu năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 73 dự án của nhà đầu tư Việt Nam, tổng vốn đăng ký đạt 1,275 tỉ USD.

Lũy kế đến tháng 11-2012, tổng số dự án đầu tư ra nước ngoài là 738, vốn đăng ký 15,142 tỉ USD.

Các dự án đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp (15 dự án); bán buôn bán lẻ và sửa chữa (13); công nghiệp chế biến, chế tạo (chín); khai khoáng (chín); số dự án còn lại đầu tư vào dịch vụ lưu trú-ăn uống, giáo dục-đào tạo...

Lào là quốc gia được nhà đầu tư Việt Nam lưu tâm nhất với 222 dự án, tổng vốn đầu tư gần 3,8 tỉ USD. Campuchia đứng thứ hai với 124 dự án, vốn đầu tư hơn 2,5 tỉ USD. Thứ ba là Mỹ với 100 dự án, hơn 350 triệu USD.

 

Việt Nam sẽ nhận 9 tỷ USD kiều hối

Trong báo cáo mới cập nhật, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, các nước đang phát triển sẽ nhận được tổng cộng 406 tỷ USD kiều hối năm 2012, tăng 6,5% so với năm ngoái.

Dẫn đầu danh sách này là Ấn Độ với 70 tỷ USD. Tiếp đến, Trung Quốc: 66 tỷ USD, Philippines và Mexico: 24 tỷ USD và Nigeria: 21 tỷ USD. Việt Nam nhận 9 tỷ USD, xếp thứ 7 sau Hy Lạp: 18 tỷ USD, Pakistan và Bangladesh: 14 tỷ USD. Theo báo cáo trên, Việt Nam thuộc nhóm 16 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới trong năm 2011.

 

Công ty tư nhân có thể được tài trợ không hoàn lại 800.000 USD

Theo đó, quỹ VBCF sẽ hỗ trợ tư vấn kinh doanh và đồng tài trợ không hoàn lại khoản tiền 800.000 USD cho các dự án có tiềm năng mang lại lợi ích cho người thu nhập thấp, thông qua tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện tiếp cận sản phẩm và dịch vụ với giá hợp lý. Các dự án này cũng phải bền vững về mặt thương mại có thể được nhân rộng về lâu dài.

VBCF được xây dựng dựa trên thành công của quỹ Thách thức Việt Nam (VCF) mới kết thúc gần đây, do Chính phủ Anh và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tài trợ, và được ADB quản lý.

“Sự ra mắt quỹ Thách thức thứ hai này với quy mô lớn hơn thể hiện sự tin tưởng của chúng tôi về cách tiếp cận. Từ tác động đầy ấn tượng của quỹ Thách thức đầu tiên, chúng tôi nhận thấy rằng sức sáng tạo và đổi mới của khối tư nhânViệt Nam là vô cùng mạnh mẽ. Quỹ Thách thức này có thể giúp các doanh nghiệp tư nhân biến hoài bão của mình thành các sáng kiến kinh doanh hiện thực. Đồng thời, quỹ cũng có mục tiêu tạo cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nghèo, như khẩu hiệu củaVBCF: Giàu doanh nghiệp - Lợi cộng đồng”, bà Fiona Louise Lappin, trưởng đại diện DFID tạiViệt Nam phát biểu.

VBCF sẽ tập trung hỗ trợ ba lĩnh vực được xác định là những ngành chủ chốt đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam và tăng trưởng vì người nghèo, gồm nông nghiệp, tăng trưởng xanh, cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và dịch vụ cơ bản.

Các doanh nghiệp quan tâm cần gửi ‘Tóm tắt Đề xuất Kinh doanh cùng người thu nhập thấp’ muộn nhất là ngày 28.1.2013.

Theo tổng kết của ADB, 7 dự án được VCF tài trợ giai đoạn 2009 – 2012 đã tạo ra 2.100 việc làm mới và cải thiện thu nhập của 3.600 hộ gia đình trên cả nước.

 

Đón dòng khí đầu tiên từ mỏ Lan Đỏ

Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ ONGC, Tổng Công ty Khai thác dầu khí PVEP, và Công ty TNK Vietnam trong vai trò là nhà điều hành, nhà đầu tư Dự án khí ngoài khơi lô 06.1 vừa tổ chức kỷ niệm 10 năm khai thác với hơn 27 triệu giờ làm việc an toàn và đón thành công dòng khí đầu tiên từ mỏ Lan Đỏ.

Lô 06.1, gồm hai mỏ khí tự nhiên Lan Tây và Lan Đỏ, nằm ngoài khơi cách đông nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 370km. Việc phát hiện hai mỏ khí này năm 1992 và 1993 đặt nền móng cho dự án khai thác khí có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Từ khi Lan Tây bắt đầu được khai thác tháng 11-2002, lô 06.1 đã cung cấp 37 tỷ mét khối khí và 13 triệu thùng condensate, đáp ứng khoảng 22% lượng điện sản xuất của Việt Nam. Dự án đã thực hiện thành công ba giai đoạn chính là phát triển mỏ Lan Tây, nâng công suất lên 16 triệu mét khối khí/ngày, và phát triển mỏ Lan Đỏ. Trong những giai đoạn này, nhà đầu tư luôn bảo đảm tiêu chuẩn an toàn cao nhất trong ngành dầu khí và đến nay đã thực hiện trên 27 triệu giờ làm việc an toàn. Cũng trong dịp này, ONGC-PVEP và TNK đã đón dòng khí đầu tiên vào bờ sau hai năm xây dựng.

Phát triển mỏ Lan Đỏ là giai đoạn cuối của Dự án khí Nam Côn Sơn nhằm duy trì sản lượng lô 06.1 là nhà sản xuất khí lớn nhất ở Việt Nam.

 

Việt - Nhật chọn năm nhóm hàng ưu tiên hợp tác

Bộ Kế hoạch - đầu tư, Đại sứ quán VN tại Nhật Bản và Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân Nhật Bản (FEC) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn kinh tế VN - Nhật Bản lần thứ 6 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư VN Bùi Quang Vinh cho biết hai nước đã nhất trí lựa chọn năm nhóm ngành ưu tiên hợp tác phát triển bao gồm điện - điện tử, chế biến thực phẩm, máy nông nghiệp, đóng tàu và công nghiệp môi trường - tiết kiệm năng lượng.

Theo ông Vinh, VN sẽ dành các ưu đãi tốt nhất trong điều kiện cho phép để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư vào các ngành ưu tiên kể trên, tiếp tục coi Nhật Bản là đối tác ưu tiên hàng đầu trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài và cam kết tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản, đặc biệt là vai trò của Sáng kiến chung VN - Nhật Bản. Ông Vinh đánh giá cao vai trò và ý nghĩa thiết thực của Diễn đàn kinh tế VN - Nhật Bản, coi đây là cơ hội để ghi nhận các ý kiến đóng góp và nguyện vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào VN.

Phát biểu tại buổi họp giao ban sản xuất ngày 27-11 tại Bộ Kế hoạch - đầu tư, ông Đặng Xuân Quang, cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết theo thống kê của cơ quan ngoại giao tại Nhật Bản, có năm hơn 20 đoàn cả trung ương và địa phương VN sang Nhật xúc tiến đầu tư! Trong đó một số đoàn xúc tiến đầu tư còn đi theo hình thức... thuê công ty du lịch tổ chức. Ông Quang cho rằng hiện tượng mạnh ai nấy đi xúc tiến như vậy rất dễ xảy ra khả năng chồng chéo, không hiệu quả.

Theo ông Quang, Bộ Kế hoạch - đầu tư đang hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng về tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Theo đó, hằng năm Bộ Kế hoạch - đầu tư sẽ ban hành hướng dẫn về chương trình xúc tiến đầu tư với những khuyến nghị cụ thể. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ phải lập kế hoạch, xây dựng chương trình xúc tiến, gửi lại Bộ Kế hoạch - đầu tư để thống nhất ý kiến, tránh chồng chéo.

 

Khởi công thủy điện Trung Sơn

Ngày 24-11, Công ty TNHH MTV thủy điện Trung Sơn (thuộc Tập đoàn Điện lực VN - EVN) đã tổ chức khởi công xây dựng công trình thủy điện Trung Sơn (tại xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Dự án có công suất lắp đặt 260 MW, bao gồm bốn tổ máy và sản lượng điện hằng năm 1,018 tỉ kWh.

Số người dân chịu tác động từ dự án là khoảng 10.600 người (2.327 hộ). Dự kiến quý 4-2016 tổ máy số 1 của thủy điện Trung Sơn sẽ phát điện.

Tổng vốn đầu tư cho thủy điện này lên đến trên 7.775 tỉ đồng (tương đương 410,68 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 330 triệu USD, vốn đối ứng của EVN là 80,68 triệu USD). Đây là dự án thủy điện đầu tiên của VN được Ngân hàng Thế giới tài trợ.

 

Ngành công nghiệp chế biến đối mặt nhiều khó khăn

Tại giao ban thường kỳ ngày 27/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết tình hình phát triển kinh tế và hoạt động của khối doanh nghiệp đã có bước chuyển biến khá tích cực, từng bước hồi phục và đúng hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 11 đã tăng 4,8% so với tháng trước, góp phần đưa IPP 11 tháng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng cao nhất là 12,4%. Một số sản phẩm quan trọng, có mức tăng trưởng cao như dầu thô, khí đốt thiên nhiên, phân hóa học, thủy sản chế biến, dầu thực vật, quần áo.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi đạt mức tăng trưởng thấp nhất 3,9% và chưa khẳng định được tầm vóc và vị thế như thời gian trước.

Thêm vào đó, với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 104 tỷ USD (tăng 18,4% so với cùng kỳ) trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 103,988 tỷ USD, nền kinh tế đã xuất siêu hơn 10 triệu USD. Đây là một diễn biến khá bất thường bởi phần lớn các khoảng thời gian cùng kỳ của các năm trước đều diễn ra tình trạng nhập siêu do nhập khẩu cao hơn hẳn so với xuất khẩu.

Thực tế trên cho thấy, nhu cầu sử dụng nguyên, vật liệu của các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đạt mức trung bình như các năm trước.
Cũng trong 11 tháng, cả nước có thêm 62.794 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 402.893 tỷ đồng tức giảm 10,7% về số lượng doanh nghiệp và giảm 8,4% về vốn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thì đây cũng là tín hiệu khá tích cực.

Theo ông Đào Quang Thu, nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều khó khăn và sản xuất-kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức nên trong tháng 12 tới, các cấp, ngành và địa phương cần tăng cường hợp tác, chủ động trong hoạt động điều hành một cách linh hoạt, chú trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường. Các đơn vị ưu tiên cho mục tiêu xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện những ưu đãi, điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất.

Đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, một số chuyên gia cho biết doanh nghiệp cần tận dụng thời gian kết hợp với việc sử dụng hợp lý các nguồn lực để làm tốt việc tái cơ cấu, trong đó tập trung đổi mới dây chuyền, trang bị công nghệ và sản phẩm để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau bởi đầu vào của doanh nghiệp này là đầu ra của doanh nghiệp khác. Ngoài ra, việc áp dụng các hình thức thanh toán linh hoạt và tiết giảm chi phí cũng là giải pháp cần tiếp tục tập trung để duy trì và phát triển trong thời gian tới./.

 

Chỉ số sản xuất và tiêu thụ xi măng đều giảm

11 tháng qua, chỉ số sản xuất ngành xi măng giảm 6,2%, chỉ số tiêu thụ giảm 18,1% so với cùng kỳ 2011.

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố về chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng qua cho thấy, nhiều ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ 2011.

Cụ thể, ngành sản xuất xi măng giảm 6,2%; sản xuất giày, dép giảm 0,6%; sản xuất vải dệt thoi giảm 2,3%; sản xuất sơn, vec ni giảm 2,9%; sản xuất dây cáp, dây điện giảm 3,5%; sản xuất vật liệu từ đất sét giảm 5,6%; sản xuất xi măng giảm 6,2%; sản xuất sản phẩm điện tử gia dụng giảm 7,5%; sản xuất hàng may sẵn giảm 8,3%; khai thác và thu gom than cứng giảm 9,3%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 9,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 14,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 16,4%; khai thác đá, cát, sỏi giảm 20%.

Còn chỉ số tiêu thụ một số ngành cũng giảm trong 11 tháng qua như: sản xuất giày, dép giảm 2,8%; sản xuất sắt, thép giảm 3,1%; sản xuất bia giảm 7,3%; sản xuất giường, tủ bàn, ghế giảm 7,8%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 10,2%; sản xuất sản phẩm từ plastic giảm 12,2%; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 16,3%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa giảm 17,8%; sản xuất xi măng giảm 18,1%; sản xuất xe có động cơ giảm 19,5%; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa giảm 20,5%; sản xuất vải dệt thoi giảm 22,3%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 25,2%; sản xuất dây, cáp điện giảm 42,5%./.
 TT TT CN & TM

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tiêu thụ thịt lợn của Đức năm 2023 giảm(08/03/2024 10:19 SA)

Sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 dự kiến đạt mức kỷ lục 2.836 triệu tấn(08/03/2024 10:17 SA)

Dự báo xuất khẩu thủy sản phục hồi nhẹ vào đầu năm 2024(22/01/2024 8:30 SA)

Sản lượng và xuất khẩu thịt gà, thịt lợn của Brazil năm 2023 và dự báo năm 2024(22/01/2024 8:24 SA)

Thị trường cung cấp lúa mì cho Việt Nam 11 tháng năm 2023(11/01/2024 9:57 SA)