35 người đang online
°

Cơ hội mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam

Đăng ngày 09 - 07 - 2024
Lượt xem: 31
100%

Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng để tiếp cận thị trường xuất khẩu Halal toàn cầu với giá trị dự kiến đạt 4.500 tỷ USD năm 2030. Việt Nam được đánh giá có tiềm năng sản xuất các sản phẩm Halal trị giá khoảng 34 tỷ USD cho các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhờ cơ sở nông nghiệp đa dạng và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đang phát triển.

 

Cơ hội mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam

Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng để tiếp cận thị trường xuất khẩu Halal toàn cầu với giá trị dự kiến đạt 4.500 tỷ USD năm 2030. Việt Nam được đánh giá có tiềm năng sản xuất các sản phẩm Halal trị giá khoảng 34 tỷ USD cho các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhờ cơ sở nông nghiệp đa dạng và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đang phát triển.

Nỗ lực thúc đẩy Chứng Chỉ Halal Việt Nam

Thời gian qua Việt Nam đã có những bước tiến trong tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghiệp, tuy nhiên cơ sở hạ tầng cấp chứng nhận Halal còn đi sau một số quốc gia trong khu vực. Việt Nam thiếu một hệ thống chứng nhận Halal chuẩn hóa và được công nhận rộng rãi, nguyên nhân một phần là do nhu cầu trong nước về các sản phẩm được chứng nhận Halal tại Việt Nam chưa cao.

Trước nhu cầu đẩy mạnh tiếp cận thị trường Halal quốc tế, Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động về chứng nhận Halal. Trung tâm HALCERT mới thành lập có chức năng giám sát các hoạt động chứng nhận Halal của Việt Nam; thúc đẩy trao đổi, đào tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Halal. Hiện có khoảng 50 công ty tại Việt Nam đã nhận được chứng nhận Halal, với các sản phẩm chính là thủy sản, đồ uống và bánh kẹo.

Tiềm năng xuất khẩu Halal của Việt Nam

Việt Nam có tiềm năng lớn để khai thác ngành công nghiệp thực phẩm Halal toàn cầu. Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Một số công ty Việt Nam đã thâm nhập thị trường Halal, trong đó tập đoàn thủy sản Minh Phú, một trong những nhà sản xuất tôm lớn nhất Việt Nam, đã tăng lượng hàng xuất khẩu sang các nước Hồi giáo sau khi nhận được chứng nhận Halal. Tương tự, công ty sữa lớn nhất Việt Nam Vinamilk đã mở rộng danh mục sản phẩm được cấp chứng nhận Halal nhằm tiếp cận các thị trường mới ở Trung Đông và Đông Nam Á

Việt Nam đang thúc đẩy hợp tác với các cơ quan chứng nhận Halal quốc tế và các nước OIC để đảm bảo các sản phẩm Halal của mình đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Vừa qua Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận với các cơ quan Halal của Malaysia và Indonesia về công nhận lẫn nhau tiêu chuẩn chứng nhận Halal, giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường.

Cơ hội của Việt Nam tại thị trường Halal khu vực

Đông Nam Á có tiềm năng trở thành thị trường Halal quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam. Trong đó, quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới Indonesia có dung lượng hơn 200 tỷ USD. Vị trí địa lý gần gũi với Indonesia giúp Việt Nam có lợi thế trong việc tiếp cận thị trường này với nhiều mặt hàng và lĩnh vực như thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang và du lịch.

Khi thâm nhập thị trường Halal Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt các quy định mới nhất về sản phẩm Halal của nước này. Vừa qua, Chính phủ Indonesia đã ban hành Luật Bảo đảm Sản phẩm Halal (Luật số 39 năm 2021), quy định danh mục các hàng hóa và dịch vụ cần có chứng chỉ Halal. Bên cạnh thực phẩm và đồ uống, luật này còn quy định các lĩnh vực tiêu dùng như mỹ phẩm, thuốc, vật tư và thiết bị y tế, quần áo, văn phòng phẩm và thiết bị gia dụng. Theo quy định, các sản phẩm phải có chứng nhận Halal trong khoảng thời gian từ tháng 10/2024 đến tháng 10/2034.

 

Nhiều loại phí, lệ phí được giảm từ 10 - 50% từ ngày 1/7

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 43/2024 quy định giảm mức thu phí, lệ phí từ 10 - 50% từ ngày 1/7 – 31/12/2024. Theo Bộ Tài chính, việc giảm một số khoản phí, lệ phí nhằm gỡ khó cho kinh doanh sẽ khiến ngân sách hụt thu khoảng 700 tỷ đồng.

Từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2024, Bộ Tài chính sẽ giảm 50% đối với lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng (mức thu bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại điểm a Mục 1 Biểu mức thu lệ phí tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 150/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng; giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho các tổ chức không phải là ngân hàng).

Bộ Tài chính cũng áp dụng giảm 50% đối với lệ phí cấp căn cước công dân; lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD phi ngân hàng; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đăng bạ đại diện sở hữu công nghiệp; phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản; lệ phí cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh...

Ngoài ra, giảm 50% đối với phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy; lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; lệ phí sở hữu công nghiệp; phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…

Tại Thông tư này, Bộ Tài chính cũng giảm từ 10 - 30% nhiều khoản phí, lệ phí, như: Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam; phí hải quan đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng Hàng không Việt Nam.

Đối với lĩnh vực chứng khoán, giảm 50% phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ 2 khoản phí, lệ phí đó là: Lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận (chứng chỉ) hành nghề chứng khoán cho cá nhân hành nghề chứng khoán tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán và phí giám sát hoạt động chứng khoán...

Kể từ ngày 1/1/2025 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí quy định tại Biểu nêu trên thực hiện theo quy định tại các Thông tư gốc, Thông tư số 63/2023/TT-BTC và các Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

Trong suốt 4 năm qua, Bộ Tài chính đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài khóa, có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

 

Muốn tăng xuất khẩu vào thị trường Bắc Âu, doanh nghiệp cần lưu ý

Bắc Âu là khu vực thị trường có nhu cầu cao về hàng nhập khẩu và sẵn sàng chi trả số tiền lớn cho hàng hoá đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu, trong 5 tháng đầu năm 2024, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy đạt 1,08 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 650,36 triệu USD, tăng 3,76% và nhập khẩu đạt 430,91 triệu USD, tăng 8,37% so với cùng kỳ năm 2023. Về đầu tư, các nước Bắc Âu hiện có 337 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 2,91 tỷ USD.

Mặc dù xuất nhập khẩu duy trì được đà tăng trưởng, song con số tuyệt đối đạt được chưa cao. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về xu hướng của thị trường, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán Thương mại tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu cho biết, các nước Bắc Âu thường có chính sách để đạt mục tiêu của EU sớm hơn so với các nước khác. Trong số đó, nguyên tắc/tiêu chuẩn chung quy định trách nhiệm của nhà sản xuất đối với hàng dệt may của các nước Bắc Âu cần được các doanh nghiệp lưu ý.

Cụ thể, Uỷ ban Hợp tác về phát triển bền vững khu vực Bắc Âu đã tổ chức họp trong tháng 2 năm 2024 tại Stockholm, Thuỵ Điển và nhất trí đưa ra một nguyên tắc/tiêu chuẩn chung quy định trách nhiệm của nhà sản xuất đối với hàng dệt may.

Mục tiêu chính của việc đưa ra các quy định là nhằm giảm khối lượng lớn quần áo và hàng dệt may được tiêu thụ ở khu vực Bắc Âu. Ngành thời trang và dệt may là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới. Ngành này chiếm từ 8-10% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và những người sống tại Bắc Âu tiêu thụ hàng dệt may nhiều hơn mức trung bình của thế giới.

“Thông qua đề xuất này, Uỷ ban đang hướng tới việc thiết lập các điều kiện tốt hơn cho chất lượng dệt may bền vững như len và da được sản xuất ở khu vực Bắc Âu, đồng thời giảm việc sử dụng các loại sợi làm từ nhựa nhẹ như ni-lông, polyester và acrylic. Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành dệt may chủ yếu dựa vào sợi tổng hợp, loại sợi này chiếm chưa đến 20% sản lượng sợi toàn cầu cách đây 20 năm nhưng hiện nay chiếm 62%” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý thông tin.

Bên cạnh đó, các nước Bắc Âu cũng mong muốn thúc đẩy ngành dệt may theo hướng bền vững hơn, mang lại sự cạnh tranh công bằng, giải quyết các vấn đề liên quan đến chất thải dệt may được xuất khẩu sang các nước có thu nhập thấp ngoài EU để chôn lấp.

Qua các chính sách mở rộng của các nước Bắc Âu, có thể thấy, các nước này luôn đi đầu trong vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tất cả các nước Bắc Âu đều nêu cao quan điểm phải có trách nhiệm hơn nữa để giảm tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Theo đó, Thuỵ Điển đã quyết định tăng gấp đôi viện trợ khí hậu lên 15 tỷ SEK (tương đương khoảng 1,54 tỷ USD) vào năm 2025, Đan Mạch cũng đang thúc đẩy đầu tư xanh, Na Uy sẽ hỗ trợ 14 tỷ NOK (tương đương với khoảng 1,49 tỷ USD) cho các nước đang phát triển vào năm 2026 để hỗ trợ biến đổi khí hậu và tăng cường công nghệ xanh, chuyển đổi sang các giải pháp tái tạo, tuần hoàn và bền vững.

Các Bộ trưởng của các nước Bắc Âu cũng đã thống nhất nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường như giảm thiểu sử dụng nhựa trong tương lai, đưa ra sáng kiến tăng cường sự tham gia của thanh niên vì một thế giới bền vững… Do vậy, vấn đề bảo vệ môi trường, tiêu dùng xanh và xu hướng chuyển sang sản xuất bền vững đang là chủ đề nóng trong các diễn đàn của khu vực Bắc Âu và cũng ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng người dân nơi đây.

Người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng có xu hướng thiên về thiên nhiên, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái chế, tái sử dụng. Đối với thực phẩm, thì ngày càng có xu hướng chuyển sang tiêu dùng thực phẩm hữu cơ. Các thực phẩm hữu cơ cũng đang ngày càng thịnh hành và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Dự báo đến năm 2030, tiêu thụ thực phẩm hữu cơ tại khu vực Bắc Âu sẽ tăng gấp 3 lần hiện tại.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý nêu rõ, đối với các mặt hàng thời trang như dệt may, giày dép, do xu hướng ở các nước Bắc Âu là bảo vệ môi trường, một số doanh nghiệp các nước chuyển hướng tiếp thị các sản phẩm bền vững như “thời trang chậm”, ngược với “thời trang nhanh” là các sản phẩm nhanh lỗi mốt, chỉ mặc trong 1 mùa, gây lãng phí, sử dụng nhiều tài nguyên… và sử dụng nhiều công nghệ trong quá trình sản xuất như tự động hóa sản xuất, thiết kế 3D, số hóa cho các công việc hậu cần, phòng trưng bày và sàn diễn ảo, đánh giá, đo lường tác động đối với môi trường… Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để chuyển hướng sản xuất phù hợp với xu hướng thế giới trong thời gian tới.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Về triển vọng thương mại những tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý thông tin, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát, lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, các hộ gia đình khu vực Bắc Âu đã thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu ngay cả trong những tháng nghỉ hè. Nhiều ngành gặp khó khăn như xây dựng, buôn bán nội thất, quần áo, giày dép… và được dự đoán sẽ có nhiều vụ phá sản trong thời gian tới. Thương mại ngành quần áo, giày dép đều giảm mạnh, trong khi lĩnh vực xây dựng có thể thấy rõ sự tương đồng với cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1990, tình trạng phá sản trong ngành ngày càng gia tăng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập khẩu của khu vực này giảm.

Bên cạnh đó, đồng tiền của các nước này, đặc biệt là Thụy Điển, hiện đang ở mức thấp kỷ lục so với đồng euro và đô la Mỹ. Việc đồng tiền yếu đã làm cho hàng hoá nhập khẩu trở lên đắt đỏ. Đồng thời, các hàng hoá sản xuất trong nước trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hoá nhập khẩu. Điều này có thể thúc đẩy sự ưa thích các sản phẩm nội địa và làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ các nước khác.

Ngoài ra, các xung đột chính trị và chiến tranh tại một số khu vực trên thế giới đã làm tăng chi phí vận chuyển quốc tế khiến giá thành sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường Bắc Âu. Do vậy, đối với các thị trường nhỏ và xa như Bắc Âu, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển nhập khẩu qua trung gian để tiết kiệm chi phí. Do vậy, dự báo nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam vào khu vực Bắc Âu sẽ khó khăn trong 6 tháng cuối năm.

Để khắc phục các khó khăn của thị trường, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2024, bên cạnh các hoạt động thường xuyên như cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp qua 2 trang web, facebook, bản tin của thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu đã tổ chức một số hội thảo cũng như tuần hàng, hội chợ để quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như quảng bá sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam. Thương vụ cũng đưa đoàn doanh nghiệp Bắc Âu về Việt Nam tham dự Hội chợ nguồn hàng do Bộ Công Thương tổ chức. Một số hợp đồng đã được ký kết ngay sau hội chợ. Nhiều mặt hàng rất mới được đưa vào thị trường.

Năm 2024 đánh dấu 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển. Đây là một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và thương mại. Do vậy, trong 6 tháng cuối năm, Thương vụ tập trung cho các hoạt động kỷ niệm 55 năm kết hợp quảng bá hình ảnh sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam thông qua Diễn đàn doanh nghiệp và Tuần hàng Việt Nam tại Thụy Điển.

Mới đây, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển đã tham gia Hội chợ Thương mại - Ẩm thực ASEAN 2024 tại Stockholm, Thụy Điển.

Đông đảo cộng đồng người dân ASEAN cùng hàng nghìn lượt du khách sở tại đã tham dự sự kiện. Ngoài các hoạt động quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam của Đại sứ quán, hơn 70 mặt hàng nông sản, thực phẩm đã được Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển quảng bá rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng bản địa.

Trong đó, nhiều mặt hàng mới được thương vụ quảng bá để giúp cho doanh nghiệp nhập khẩu tiêu thụ nhiều hơn như gạo ST25, nếp cái hoa vàng, đu đủ xanh nạo sợi, bánh mì Việt Nam, sầu riêng đông lạnh, cá tra, cá điêu hồng… Nhiều mặt hàng tiềm năng khác cũng được thương vụ giới thiệu cho các doanh nghiệp nhập khẩu như: Bún chùm ngây, bún trà xanh, phở gạo lứt, bánh tráng rau củ, mỳ rau củ, bánh tráng thanh long, các sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút làm từ bột gạo, bộ đồ ăn bằng tre, nấm Đà Lạt…

 

EU gia hạn biện pháp tự vệ thép đến tháng 6 năm 2026

Ngày 25 tháng 6, Ủy ban châu Âu công bố quy định về việc gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép thêm hai năm nữa, cho đến tháng 6 năm 2026.

Quy định này cũng điều chỉnh chức năng của biện pháp này để phù hợp với điều kiện thị trường.  

Quyết định này diễn ra sau cuộc điều tra do 14 quốc gia thành viên EU yêu cầu, cho thấy biện pháp tự vệ tiếp tục cần thiết để ngăn ngừa hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép của EU. Ngoài ra, nó cho thấy ngành công nghiệp EU đang điều chỉnh để đáp ứng mức nhập khẩu cao hơn. 

Việc kéo dài và điều chỉnh Quy định được chứng minh qua sự kết hợp của các yếu tố gây áp lực nhập khẩu đáng kể trên thị trường Liên minh: 

- Mức dư thừa thép toàn cầu cao và sự gia tăng xuất khẩu từ Trung Quốc sang các nước thứ ba, đặc biệt là ở châu Á, dẫn đến xuất khẩu tăng từ các nước thứ ba đó sang EU. Điều tra của EU cho biết “Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã đạt được tốc độ tăng trưởng công suất từ ​​35% đến 95%, trong khi nhu cầu thép giảm hoặc tăng nhẹ (…) và một số nền kinh tế khác ở Trung Đông, Nam Á và Bắc Phi cũng đang chứng kiến ​​mức tăng trưởng mất cân đối (ví dụ: Iran, Pakistan và Algeria)”

- Số lượng các biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp hạn chế thương mại khác do các nước thứ ba khác áp đặt ngày càng tăng gây chuyển hướng xuất trực tiếp hoặc gián tiếp vào EU như Mục 232 của Hoa Kỳ đối với một số sản phẩm thép và biện pháp khác một số nước áp dụng . Chẳng hạn, tháng 8 năm 2023, Mexico đã tăng thuế nhập khẩu từ 15% lên 25% đối với một số sản phẩm thép. Tháng 2 năm 2024 Brazil tăng thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm thép. Tháng 4 năm 2024, Türkiye hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm thép sang Israel.

- Nhu cầu ở EU giảm đáng kể. Chủ tịch tại Ủy ban Thép OECD tháng 3 năm 2024 dự báo năm 2024 và 2025 tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu sẽ tiếp tục rất chậm chạp. EUROFER chỉ ra sự bất ổn kinh tế đang diễn ra sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng thị trường thép trong các quý sắp tới năm 2024.

Các điều chỉnh kỹ thuật sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2024. Biện pháp này sẽ hết hạn vào ngày 30-6-2026, tám năm sau khi được áp dụng lần đầu tiên, đây là thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tối đa được phép theo quy định của EU và WTO.  Ủy ban vẫn có thể xem xét việc thực hiện biện pháp này trước ngày 30 tháng 6 năm 2026 nếu thấy cần điều chỉnh thêm. 

Việt Nam cũng là một trong số các nước xuất khẩu sang EU chịu ảnh hưởng của việc gia hạn quy định này.

 TT TT CN & TM

Tin liên quan

Thông tin về gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu các tỉnh,...(04/09/2024 2:35 CH)

Thông tin về “Hội chợ, triển lãm quốc tế quà tặng, quà lưu niệm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024”.(04/09/2024 2:34 CH)

Mời tham gia Triển lãm – Diễn đàn Nông Công nghiệp Viễn Đông(29/07/2024 9:34 SA)

Hội chợ Đầu tư và Khu công nghiệp Selangor - SPARK 2024(09/07/2024 9:48 SA)

Thông tin về Triển lãm Asia Business Show 2024(09/07/2024 9:41 SA)

Tin mới nhất

Thông tin về gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu các tỉnh,...(04/09/2024 2:35 CH)

Thông tin về “Hội chợ, triển lãm quốc tế quà tặng, quà lưu niệm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024”.(04/09/2024 2:34 CH)

Mời tham gia Triển lãm – Diễn đàn Nông Công nghiệp Viễn Đông(29/07/2024 9:34 SA)

Hội chợ Đầu tư và Khu công nghiệp Selangor - SPARK 2024(09/07/2024 9:48 SA)

Thông tin về Triển lãm Asia Business Show 2024(09/07/2024 9:41 SA)