23 người đang online
°

Ngành Công Thương 70 năm xây dựng và trưởng thành

Đăng ngày 12 - 05 - 2021
Lượt xem: 133
100%

 

Ngày 14-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Trải qua các thời kỳ chia tách và đổi tên của Bộ Công Thương. Đến ngày 31 tháng 7 năm 2007, Quốc hội Khóa XII thông qua Nghị quyết số 01/2007/QH12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương hiện nay. Ngày 02 tháng 10 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “ Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam”. Dến nay, ngành Công Thương Việt Nam đã trải qua 70 năm hình thành và phát triển.

Ngay từ những năm đầu thành lập, trong điều kiện kinh tế-xã hội trong nước còn nhiều khó khăn, lại phải đương đầu với giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành Công Thương đã vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng, duy trì và phát triển được hoạt động của nền công nghiệp và thương mại non trẻ của nước nhà, vừa phục vụ kháng chiến, vừa bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đất nước. Thời kỳ từ năm 1954 đến năm 1975, ngành Công Thương đã làm tốt hai nhiệm vụ, vừa xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa sản xuất chi viện cho miền Nam ruột thịt, góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại mùa xuân 1975, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc ngoại xâm, với các phong trào thi đua “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, “Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng”...., cán bộ công chức, viên chức, người lao động  ngành Công Thương Việt Nam vừa dũng cảm chiến đấu vừa hăng hái lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chính là: xây dựng cơ sở vật chất cho Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì thống nhất Tổ quốc”, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn non trẻ đã sản xuất ngày đêm, quên mình phục vụ yêu cầu của chiến trường; ngành thương mại đảm đương tốt vai trò “nội trợ của xã hội”, xây dựng mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ hậu phương ra tiền tuyến, đưa hàng đến phục vụ từng cơ quan, xí nghiệp, từng trận địa phòng không để đáp ứng yêu cầu của sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân. Nhiều đồng chí cán bộ, công nhân viên của ngành đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm nên những chiến thắng vĩ đại, thống nhất đất nước, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Chiến công kỳ diệu ấy có sự đóng góp lớn lao của ngành công thương. Đất nước thống nhất, cả nước bắt tay vào xây dựng xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đưa ra đó là: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Thực hiện mục tiêu đó, Đại hội VI tháng 12/1986 đề ra chủ trương đổi mới mà thực chất là tiến hành công cuộc cải cách sâu rộng về kinh tế, chính trị và xã hội nhằm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, khôi phục và phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của nhân dân với một số chủ trương lớn về kinh tế đó là: Xóa bỏ cơ chế kế họach hóa tập trung, quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Chuyển từ nền kinh tế chủ yếu gồm kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể sang nền kinh tế nhiều thành phần cùng tồn tại lâu dài, bình đẳng trước pháp luật; Mở cửa nền kinh tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại từng bước hội nhập với kinh tế thế giới. Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành Công Thương có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Thể hiện xuyên suốt chặng đường 35 năm đổi mới của đất nước, ngành Công Thương đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước, với vị thế là một trong những ngành giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Năm 1992,Tỉnh Ninh Thuận được tái lập từ một tỉnh có xuất phát điểm về kinh tế - xã hội còn thấp, là tỉnh thuần nông với phần lớn diện tích là trung du và miền núi, các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp ít và hầu hết có công nghệ rất lạc hậu, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Song, với quyết tâm chính trị cao trong chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự năng động, sáng tạo trong công tác điều hành của các cấp chính quyền và sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó và ý chí vươn lên của nhân dân trong tỉnh, từng bước khai thác hiệu quả các tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để xây dựng và phát triển. Nền kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ, tốc độ kinh tế qua từng giai đoạn luôn đạt ở mức cao; đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 14,2% là tiền đề để Ninh Thuận hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu như năm 1992 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GDP so sánh)  chỉ đạt 585,7 tỷ đồng, qua gần 30 năm GDP đã tăng lên 19.557 tỷ đồng, tăng hơn 33,4 lần với năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1993-2020 đạt 13,4%/năm, trong đó giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân 14,7%/năm, đến năm 2020 ngành công nghiệp chiếm 20,7% cơ cấu trong GDP (tăng hơn 13,7% so với năm 2010), đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 16% năm 1992 lên 31% vào năm 2020.

Lĩnh vực công nghiệp đạt được những thành tựu đánh kể như giá trị sản xuất ngành công nghiệp (giá so sánh 2010) tăng trưởng khá trong các giai đoạn: giai đoạn 1992-2010 tăng 17,4%/năm; giai đoạn 2011-2015 là 14,8%/năm; giai đoạn 2016-2020 là 11,9%/măm, trong đó năm 2020 giá trị sản xuất đạt 8.969 tỷ đồng, tăng hơn 62 lần so với năm 1992. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi ở mức cao nhất nhằm thu hút các nhà đầu tư đến Ninh Thuận như: Ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước và thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi; huy động nguồn kinh phí ứng trước từ doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng nhanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính... Một số dự án công nghiệp chế biến được quan tâm mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ; một số dự án đã hoàn thành đưa vào sản xuất, hình thành một số sản phẩm chủ lực có quy mô công suất lớn, tăng giá trị chế biến và chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh như: Nhà máy Bia Sài Gòn, Dệt may Quảng Phú, Tôm đông lạnh, chế biến nhân điều, sản xuất xi măng Luks, sản xuất nước yến, chế biến muối,...

Điểm nổi bật trong giai đoạn 2016-2020, chủ trương tập trung thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng để trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế-xã hội, đã phát huy hiệu quả, thu hút 59 dự án[1] với tổng vốn đăng ký đầu tư 101.022 tỷ đồng; Đến cuối năm 2020, nhiều dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, với 41 dự án tổng quy mô công suất 2.731 MW đã đưa vào vận hành thương mại, tổng sản lượng điện phát khoảng 4.000 triệu kWh, tăng hơn 8,9 lần so với năm 2010; tổng thu ngân ngân sách các dự án năng lượng trên địa bàn đến năm 2020 đạt khoảng 398,6 tỷ (chiếm 10,2% tổng thu ngân sách) góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 3.900 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020 đạt 3.000 tỷ); tỉnh Ninh Thuận là địa phương đầu tiên chủ động đề xuất và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tư nhân tham gia triển khai đầu tư dự án trạm biến áp 500kV Thuận Nam kết hợp dự án điện mặt trời 450MW tại xã Phước Dinh.

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển công nghiệp ngày càng chú trọng phát triển; năm 1998 trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 cụm công nghiệp Tháp Chàm, với quy mô 50 ha, đến nay đã hình thành và quy hoạch 4 Khu công nghiệp (KCN) và 5 Cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích trên 1.870 ha, trong đó có 2 KCN và 1 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút được 39 dự án[2] đầu tư vào sản xuất-kinh doanh, các doanh nghiệp trong các KCN, CCN tạo việc làm ổn định trên 3.500 lao động với thu nhập bình quân trong khoảng 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.  Hệ thống điện được phát triển theo quy hoạch phát triển của ngành Điện lực. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.418,2 km đường dây trung thế 22 KV; 1.168,6 km đường dây hạ thế; 256,5 km đường dây 110kV; 01 trạm 500/220 kV; 3 trạm biến áp 220/110 kV, 5 trạm biến áp 110/ 22 kV. Đến nay đã có 100 % xã trên địa bàn tỉnh được phủ lưới điện quốc gia và 100 % các hộ dân được dùng điện lưới; tỉnh có 47/47 xã được đánh giá cơ bản đạt tiêu chí số 4 về điện thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các làng nghề tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích và hỗ trợ phát triển; xây dựng nhiều mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn nền văn hóa dân tộc (gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ, dệt chiếu cói An Thạnh...), đồng thời duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống có lợi thế của tỉnh (nước mắm, rượu nho, thủy sản...) giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn. Ngoài ra, tỉnh đã quyết định công nhận 12 sản phẩm đặc thù, 69 sản phẩm phân hạng Ocop (8 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 10 sản phẩm 4 sao, 51 sản phẩm 3 sao), nhằm hỗ trợ các sản phẩm xúc tiến thị trường trong và ngoài nước.

Lĩnh vực dịch vụ kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, chất lượng các dịch vụ được nâng lên. Hàng hóa cung ứng trên thị trường đa dạng và phong phú, mạng lưới phân phối được mở rộng và phủ khắp đến các vùng nông thôn giữ vững cân đối cung cầu; cơ sở hạ tầng thương mại như các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... được hình thành và ngày càng được hoàn thiện, đến năm 2020, toàn tỉnh có 101 chợ, hình thành và phát triển 7 siêu thị, 01 Trung tâm thương mại hoạt động trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư. Công tác xúc tiến thương mại đã được chú trọng thông qua hoạt động khảo sát thị trường, tổ chức kết nối cung cầu, tham gia hội chợ triển lãm trong nước, hoạt động hưởng ứng cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức các chuyến bán hàng Việt về nông thôn,... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có sự tăng trưởng liên tục, giai đoạn 1993-2010 tăng trưởng bình quân 15,8%/năm; giai đoạn 2011-2015 là 16,9%/năm; giai đoạn 2016-2020 là 11,5%/măm, trong đó năm 2020 giá trị đạt 23.877 tỷ đồng, tăng hơn 53 lần so với năm 1992. Lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền được thông suốt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vùng nông thôn, miền núi; các loại hình kinh doanh dịch vụ mới, theo hướng văn minh hiện đại như Siêu thị, góp phần tạo bộ mặt đô thị văn minh, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Hoạt động xuất khẩu có sự phát triển đáng kể, năm 1995 kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1,7 triệu USD, đến năm 2000 đạt 9,4 triệu USD, năm 2010 đạt 46,5 triệu USD; năm 2020 đạt 90 triệu USD tăng gần 53 lần so với năm 1992; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1993-2020 đạt 15%/năm; bước tiến đáng kể của xuất khẩu là sản phẩm công nghiệp trở thành hàng xuất khẩu chủ yếu như tôm đông lạnh, hạt điều nhân, đặc biệt mặt hàng tôm đông lạnh được thâm nhập phát triển vào thị trường EU (trọng điểm là Đức), Mỹ và Nhật, góp phần đưa hoạt động xuất khẩu ổn định, phát triển theo tiềm năng thế mạnh của tỉnh về kinh tế biển.

Tiếp tục phát huy truyền thống của ngành Công Thương 70 năm xây dựng và trưởng thành, với tinh thần nhiệt huyết ngành Công Thương sẽ thu được nhiều thành quả mới, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thực hiện mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.   

                                                                                                            Văn phòng Sở

 

[1] điện mặt trời 37 dự án đăng ký, 68.688 tỷ đồng; điện gió 15 dự án, tổng vốn 28.001 tỷ đồng; thủy điện 7 dự án, tổng vốn đăng ký 4.133,3 tỷ đồng.

[2] KCN Thành Hải , KCN Phước Nam: 27 dự án; CCN Tháp Chàm 12 dự án

Tin liên quan

Tình hình hoạt động ngành Công Thương 9 tháng đầu năm 2023(05/10/2023 9:30 SA)

TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG CHIẾN DỊCH KỲ NGHỈ HỒNG VÀ RA QUÂN CHIẾN DỊCH MÙA HÈ XANH NĂM 2023(26/07/2023 9:24 SA)

Công đoàn cơ sở Sở Công Thương tham gia “Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và Lễ...(27/03/2023 9:44 SA)

Chi đoàn Sở Công Thương hưởng ứng hoạt động Hiến máu tình nguyện "Lễ Hội Xuân hồng năm 2023".(09/02/2023 9:51 SA)

Công đoàn cơ sở Sở Công Thương thăm chúc Tết, tặng quà nhân dân xã Hòa Sơn trong dịp Tết Nguyên...(18/01/2023 9:13 SA)

Tin mới nhất

Tình hình hoạt động ngành Công Thương 9 tháng đầu năm 2023(05/10/2023 9:30 SA)

TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG CHIẾN DỊCH KỲ NGHỈ HỒNG VÀ RA QUÂN CHIẾN DỊCH MÙA HÈ XANH NĂM 2023(26/07/2023 9:24 SA)

Công đoàn cơ sở Sở Công Thương tham gia “Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và Lễ...(27/03/2023 9:44 SA)

Chi đoàn Sở Công Thương hưởng ứng hoạt động Hiến máu tình nguyện "Lễ Hội Xuân hồng năm 2023".(09/02/2023 9:51 SA)

Công đoàn cơ sở Sở Công Thương thăm chúc Tết, tặng quà nhân dân xã Hòa Sơn trong dịp Tết Nguyên...(18/01/2023 9:13 SA)