45 người đang online
°

Tổ chức Hội thảo khoa học Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm Năng lượng tái tạo của cả nước

Đăng ngày 19 - 10 - 2020
Lượt xem: 87
100%

UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”

 

UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”

Ngày 12/10/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”.

            Ninh Thuận có tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo rất lớn.

Tiềm năng gió: Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước với tốc độ từ 6,4 - 9,6m/giây (trung bình 7,5m/s- lớn hơn trung bình cả nước, chỉ khoảng 6m/s). Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2574/QĐ-BCT ngày 23/4/2013, Ninh Thuận có 5 khu vực được quy hoạch, với tổng diện tích 21.432ha, công suất có thể lắp đặt 1.429MW. Ngoài ra với bờ biển dài 105km, tốc độ gió cao trên 8m/s, có thể phát triển các dự án điện gió ven biển với công suất trên 1.000MW.

Tiềm năng năng lượng mặt trời: Số giờ nắng trung bình cả năm của Ninh Thuận trong khoảng 2.600-2.800giờ (tức vào khoảng 200 ngày nắng trong năm). Tổng bức xạ nhiệt trung bình rất cao: 1.780- 2.015kWh/m2/năm (tức khoảng 5,221kWh/m2, cao hơn các tỉnh miền Bắc (4,0 kWh/m2) và cao hơn các tỉnh phía Nam (gần 5,0 kWh/m2). Theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Ninh Thuận trình Bộ Công Thương, đến năm 2030 có thể lắp đặt công suất khoảng 8.442MW.

Tính đến ngày 10/10/2020, Ninh Thuận có: 41 dự án phát điện thương mại với tổng quy mô công suất 2.633MW (trong đó: Điện mặt trời có 31 dự án vận hành thương mại, tổng công suất  2.173MW; Điện gió có 03 dự án vận hành thương mại, tổng công suất 181MW; Thủy điện vừa và nhỏ có 07 dự án, tổng công suất 279MW); 23 dự án đang triển khai, tổng công suất 2.089MW (trong đó: Điện mặt trời có 03 dự án, tổng công suất 160MW; Điện gió có 14 dự án, tổng công suất 660MW; Thủy điện nhỏ có 05 dự án , tổng công suất 69MW; Tích năng có 01 dự án, công suất 1200MW).

Hội thảo được các nhà khoa học trình các nội dung nghiên cứu chính gồm:

- Đánh giá về hiện trạng phát triển năng lượng tái tạo và lưới điện tại Ninh Thuận, từ đó có luận cứ xem xét phát triển hạ tầng lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối phù hợp với tốc độ phát triển các nguồn điện tái tạo trên địa bản tỉnh Ninh Thuận.

- Đề xuất các tiêu chí nhận dạng Trung tâm năng lượng tái tạo (TTNLTT) Quốc gia và các phương pháp đánh giá các tiêu chí làm cơ sở đề xuất chính sách. Quá trình nghiên cứu đã kiến nghị bộ tiêu chí đánh giá TTNLTT Ninh Thuận gồm 37 tiêu chí, chia làm 2 nhóm:

Nhóm tiêu chí nhận biết TTNLTT Ninh Thuận: 10 tiêu chí;

Nhóm tiêu chí đánh giá sự phát triển của TTNLTT Ninh Thuận: 27 tiêu chí (Thể chế, chính sách: 9 tiêu chí; xã hội: 7 tiêu chí; kinh tế: 6 tiêu chí và môi trường: 5 tiêu chí).

- Đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển TTNLTT Ninh Thuận trình Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, cụ thể như:

Thứ nhất, quy hoạch phát triển Trung tâm năng lượng tái tạo Ninh Thuận.

Thứ hai, cơ chế thiết lập khu vực hạ tầng lưới điện dùng chung tại Trung tâm NLTT Ninh Thuận theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Thứ ba, xây dựng cơ chế dùng chung phù hợp với cơ chế thị trường.

Thứ tư, tạo động lực thu hút đầu tư vào Trung tâm năng lượng tái tạo.

Các đề xuất này được kỳ vọng góp phần phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết 115 của Chính phủ cũng là bước đi đầu tiên đóng góp vào cơ sở lý luận và thực tiễn để thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về nội dung hình thành và phát triển Trung tâm năng lượng tái tạo.

Trong thời gian Hội thảo, các vị đại biểu đến từ các cơ quan trung ương trực tiếp chỉ đạo và quản lý ngành năng lượng, các cơ quan  lãnh đạo, quản lý trong tỉnh, các nhà khoa học, nhà tư vấn Việt Nam, doanh nghiệp cũng đã trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến làm luận cứ khoa học và thực tiễn để hoàn thiện kết quả thực hiện Đề án “Phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”.

                                                                                                                              Ph. QLCN

Tin liên quan

Tin mới nhất

CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP (CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH TỪ NGÀY 01/5/2024)(20/03/2024 3:35 CH)

NGHỊ ĐỊNH MỚI VỀ QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP(20/03/2024 8:41 SA)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với các đơn vị về xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm và...(17/01/2024 8:14 SA)

HKD CS Thu Mua, chế biến nông, hải sản Lê Nhân(14/06/2023 1:45 CH)

Công ty CP XNK Hưng Phát Ninh Thuận(14/06/2023 1:54 CH)