36 người đang online
°

Chương trình hành động thực hiện ngành 2011

Đăng ngày 24 - 04 - 2011
Lượt xem: 29
100%

 

  CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Thực hiện nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2011

___________________________

 Năm 2011 là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2011 sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung, ngành Công Thương nói riêng góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra. Để thực hiện tốt sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công Thương Ninh Thuận xây dựng Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa và tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm 2011 với các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu sau:

            I. Mục tiêu và yêu cầu:

1. Mục tiêu:

Nhiệm vụ kế hoạch năm 2011 của ngành Công Thương là tập trung phát huy năng lực sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thi công sớm đưa vào hoạt động các dự án đầu tư mới, phát triển thống kinh doanh thương mại nhằm duy trì mức tăng trưởng cao, góp phần tăng trưởng chung nền kinh tế xã hội của tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về sản lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cho sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh trong quá trình hội nhập và phát triển. Mục tiêu chủ yếu của chương trình là đề ra những nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển ngành trong năm 2011, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

            2. Yêu cầu:

- Tạo sự thống nhất trong toàn ngành Công Thương việc quán triệt và triển khai cụ thể hóa nội dung quyết định số 0500/QĐ-BCT ngày 27/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Kế hoạch số 299/KH-UBND ngày 24/01/2011 của UBND tỉnh Ninh Thuận về triển khai các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011;

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2011 thuộc lĩnh vực Công Thương và lộ trình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015; Thực hiện các chương trình công tác trọng tâm của ngành Công Thương năm 2011 đúng tiến độ và chất lượng;   

- Phấn đấu năm 2011 ngành Công Thương thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển ngành: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 29-30% so cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 7.700 tỷ đồng tăng 20% so cùng kỳ ; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 70 triệu USD, tăng 35,5% so cùng kỳ.

II. Nội dung chương trình:

Để hoàn thành các chỉ tiêu và nhiệm vụ kế hoạch năm 2011 ngành Công Thương, các Phòng, ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Sở tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp như sau:

1. Thúc đẩy phát triển sản xuất nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp:

a) Phòng Quản lý Công nghiệp:

- Chủ động nắm bắt tình hình hoạt động các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh. Đảm bảo chỉ tiêu phấn đấu thực hiện giá trị sản xuất công nghiệp tăng 29~30% so cùng kỳ;

- Theo dõi tình hình hoạt động và phát triển làng nghề, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; Đôn đốc đẩy mạnh hoạt động khuyến công để hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn;

- Xây dựng và trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt các Nghị quyết, Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án: Nghị quyết về phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án hỗ trợ phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Ninh thuận đến năm 2020; Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án hỗ trợ phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Ninh thuận đến năm 2020;

b) Phòng Kỹ thuật An toàn & Môi trường:

- Hoàn thiện Quy hoạch Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận trình UBND tỉnh phệ duyệt; Triển khai kế hoạch hành động “sản xuất sạch hơn” trong công nghiệp Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015;

- Chủ động, phối hợp các Sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp trong việc quản lý thực hiện đầu tư phát triển các Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp có thế mạnh như: khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông-thuỷ sản, điện gió;…

- Theo dõi tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư mới và các dự án đang tiếp tục đầu tư như: Nhà máy bia; Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Thông Thuận; Dự án phong điện 1 – Ninh Thuận (Cty CP năng lượng tái tạo); NM chế biến nước Yến (Giai đoạn 2); NM sản xuất chế biến xuất khẩu muối tinh;

c) Phòng Quản lý điện năng:

- Chủ động phối hợp với Điện lực tỉnh có phương án đảm bảo cung cấp điện liên tục và ổn định cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh;

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, phối hợp xử lý nghiêm những vi phạm về sản xuất, cung ứng và sử dụng điện theo Chỉ thị của UBND tỉnh;

- Xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020; Quy hoạch năng lượng tái tạo tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020;

- Phối hợp chủ đầu tư đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thủy điện nhỏ (Hạ Sông Pha 1 và Hạ Sông Pha 2). Kịp thời nắm bắt và cặp nhật tình hình, làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, tham gia công tác giám sát xây dựng 2 Nhà máy điện hạt nhân;

- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận khi Nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động.

d) Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại:

- Tập trung triển khai các đề án: Đề án Chiến lược Marketing gốm mỹ nghệ Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Đề án phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020; Đề án hỗ trợ xây dựng phát triển làng nghề, thương hiệu sản phẩm đặc thù của tỉnh (đang trình tỉnh phê duyệt); Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển làng nghề-du lịch Chăm tỉnh Ninh Thuận đến năm 2011;

- Tăng cường phối hợp các địa phương, làng nghề và cơ sở công nghiệp nông thôn để xây dựng và triển khai thực hiện các đề án chi tiết hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; Chủ động phối hợp các địa phương tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn;

- Nghiên cứu đẩy mạnh công tác hoạt động tư vấn khuyến công để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn về việc lập dự án đầu tư, hoạt động Marketing, quản lý sản xuất, ứng dụng công nghệ thiết bị mới,…

- Triển khai kế hoạch hành động “sản xuất sạch hơn” trong công nghiệp Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015;

2. Đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa và nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại:

a) Phòng Quản lý Thương mại:

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả phân tích, dự báo để nắm bắt diễn biến thị trường, các yếu tố ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa nhằm kịp thời triển khai các biện pháp bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn, các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá;

- Xây dựng và trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt các Nghị quyết, Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án: Nghị quyết về phát triển thương mại giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025; Đề án phát triển xuất khẩu tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015;

- Theo dõi, nắm bắt và phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng như: nhân hạt điều, thủy sản, muối tinh,…; Phấn đấu năm 2011 kim ngạch xuất khẩu đạt 70 triệu USD;

- Triển khai biện pháp thích hợp tạo lập mối liên kết giữa nhà sản xuất với tổ chức phân phối và người tiêu dùng để hình thành kênh lưu thông hàng hóa ổn định, gắn với chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ”; Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; Khuyến khích xã hội hóa phát triển chợ;

- Chủ động tham mưu triển khai thực hiện tốt chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế; Phối hợp các ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức và những kỹ năng tạo điều kiện để các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, vận dụng thực hiện các cam kết quốc tế, hạn chế những rủi ro do các rào cản thương mại.

            b) Chi cục Quản lý thị trường:

- Tham mưu xây dựng Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh;

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2011; Tăng cường phối hợp hoạt động kiểm tra, giám sát về niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, về chất lượng hàng hoá và vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là kinh doanh trái phép, gian lận thương mại, đầu cơ, tùy tiện nâng giá thu lợi bất chính;

- Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, thực hiện nghiêm túc các kế hoạch hành động của Ban chỉ đạo 127 tỉnh nhằm bảo vệ sản xuất trong nước; Phối hợp cùng các ngành chức năng thực hiện tốt công tác quản lý thị trường ngoại tệ trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm dần tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

- Thu thập, tổng hợp thông tin thị trường, giá cả và sức mua thị trường để tham mưu, chỉ đạo thực hiện bình ổn thị trường hàng hóa, bình ổn giá và đề xuất các giải pháp nâng cao sức mua thị trường.

c) Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại:

- Thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường; Quảng bá rộng rãi sản phẩm hàng hóa các doanh nghiệp của tỉnh thông qua các website tại địa chỉ http://www.ninhthuan.gov.vn/chinhquyen/soct  http://www.langnghecham.com.vn;

- Tham mưu xây dựng Quy chế quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các Hội chợ triển lãm trong nước; Xây dựng kế hoạch tổ chức Hội chợ triển lãm định kỳ hàng năm tại tỉnh Ninh Thuận.

3. Công tác cải cách thủ tục hành chính; Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, tham nhũng; Kiện toàn tổ chức bộ máy lãnh đạo Sở và các phòng chuyên môn

a) Văn phòng Sở:

- Tiếp tục triển khai Đề án 30 của Sở Công Thương trình UBND tỉnh phê duyệt và công bố bộ thủ tục mới; Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cải cách hành chính trong cơ quan về lĩnh vực cấp phép đủ điều kinh doanh, cấp phép vật liệu nổ công nghiệp,…

- Phối hợp chặt chẽ với Đơn vị tư vấn hoàn thiện quá trình xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 để cấp Giấy chứng nhận và ứng dụng quản lý chất lượng hoạt động của Sở. Đồng thời chuẩn bị kế hoạch triển khai thực hiện chương trình ISO 9001:2008 sau khi được phê duyệt.

- Tiếp tục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng gắn với việc thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;

- Tham mưu thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại công tác hành chính văn phòng nhất là công tác quản lý, lề lối làm việc đảm bảo ngăng nắp, gọn gàng đáp ứng yêu cầu phục vụ ; Quản lý tài sản, tài chính chặt chẽ đúng quy định ;

- Tham mưu thực hiện tốt công tác cán bộ, theo dõi đề xuất kịp thời việc bổ nhiệm và bổ nhiệm lại theo định kỳ hàng năm; Tuyển dụng bố trí công chức đáp ứng yêu cầu công việc;

 - Tham mưu đôn đốc đẩy mạnh phong trào thi đua làm tốt công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua nhằm động viên kịp thời cán bộ công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

b) Các phòng chuyên môn thuộc Sở:

- Thực hiện nghiêm túc hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong quản lý hành chính tại Sở Công Thương;…

- Tăng cường phối hợp công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

III. Tổ chức thực hiện:

1. Căn cứ Danh mục Chương trình công tác trọng tâm và Chương trình hành động năm 2011 của ngành Công Thương. Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo các Đơn vị trực thuộc và Lãnh đạo các Phòng, Ban chuyên môn có trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp và nội dung công tác thuộc lĩnh vực được giao, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng;

2. Các Đơn vị trực thuộc và Phòng, ban chuyên môn phân công công chức và lãnh đạo phụ trách theo dõi công việc, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đã được phân công gửi về Phòng Quản lý Công nghiệp (Bộ phận tổng hợp) để tổng hợp báo cáo chung;

3. Thời gian thực hiện báo cáo: Định kỳ hàng tháng (trước ngày 18 của tháng); Định kỳ Quý, 6 tháng (trước ngày 15 của tháng cuối Quý); Trước ngày 15 tháng 11 năm 2011 báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình;

4. Giao trách nhiệm các đồng chí Trưởng phòng, Lãnh đạo đơn vị trực thuộc làm đầu mối kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, báo cáo lãnh đạo Sở trong giao ban định kỳ./.

(Kèm theo Danh mục chương trình công tác trọng tâm năm 2011)

Tin liên quan

Tin mới nhất