59 người đang online
°

Một số nội dung chính Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC

Đăng ngày 24 - 06 - 2024
Lượt xem: 119
100%

Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Báo Công lý xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị quyết.

 

Một số nội dung chính Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC

Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Báo Công lý xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị quyết.

Nghị quyết gồm 11 Điều với những với những nội dung cơ bản sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1 Nghị quyết)

Nghị quyết hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các nhóm hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản, bao gồm:

- Hành vi xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép quy định tại các Điều 347, 348 và 349 của Bộ luật Hình sự;

- Hành vi liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản quy định tại Điều 242 và Điều 244 của Bộ luật Hình sự;

- Hành vi cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông để khai thác thủy sản trái phép quy định tại Điều 287 của Bộ luật Hình sự;

- Hành vi xâm phạm trong lĩnh vực thương mại thủy sản quy định tại các Điều 188, 189, 198 và 341 của Bộ luật Hình sự.

Theo phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết thì các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 10 tội danh được Bộ luật Hình sự quy định.

2. Về một số từ ngữ (Điều 2 Nghị quyết)

Để thống nhất cách hiểu về một số từ ngữ được sử dụng trong Nghị quyết, Điều 2 của Nghị quyết giải thích 03 thuật ngữ là “khai thác thủy sản trái phép”, “tàu cá”, “ngoài vùng biển Việt Nam”.

3. Về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam (Điều 3)

Điều 3 Nghị quyết hướng dẫn người chỉ huy cao nhất trên tàu cá (thuyền trưởng hoặc chủ tàu trong trường hợp chủ tàu đồng thời là thuyền trưởng) bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh quy định tại Điều 347 của Bộ luật Hình sự khi thuộc một trong hai trường hợp sau đây: (1) Không làm thủ tục xuất cảnh cho tàu cá, thành viên tàu cá và ngư dân theo quy định; (2) Có làm thủ tục xuất cảnh nhưng sau khi xuất cảnh đã tẩy, xóa số đăng ký tàu cá hoặc viết số đăng ký tàu cá không đúng với thông tin do cơ quan có thẩm quyền cấp để thành viên tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam.

4. Về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam (Điều 4)

Để xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam, Nghị quyết hướng dẫn người tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép quy định tại Điều 348 của Bộ luật Hình sự trong các trường hợp sau đây: (1) Không làm thủ tục về xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật; (2) Làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh nhưng khai thác thủy sản không đúng khu vực được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chấp thuận hoặc giấy phép khai thác hết hạn. Trường hợp tổ chức, môi giới cho người khác đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển của Việt Nam mà ngư dân, thành viên tàu cá trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo quy định tại Điều 349 của Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, Nghị quyết còn hướng dẫn cụ thể về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh; môi giới tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển của Việt Nam.

5. Về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 5)

Điều 5 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng 05 tình tiết định khung của tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại khoản 1 Điều 242 của Bộ luật Hình sự, bao gồm: “phương tiện, ngư cụ bị cấm”; “khai thác thủy sản trong khu vực cấm”; “khai thác thủy sản trong khu vực cấm có thời hạn”; “khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác”; “phá hoại nơi cư ngụ của loài thủy sản”.

Việc hướng dẫn các tình tiết nêu trên giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng pháp luật trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

6. Về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (Điều 6)

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, Nghị quyết hướng dẫn Người nào khai thác thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Điều 37 của Luật Đa dạng sinh học hoặc Phụ lục I Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

7. Về truy cứu trách nhiệm hình sự người nước ngoài về hành vi đưa tàu cá khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển Việt Nam (Điều 7)

Nghị quyết hướng dẫn người nước ngoài sử dụng tàu cá đi vào vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản mà không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về nhập cảnh theo Điều 347 Bộ luật Hình sự. Trường hợp họ vào vùng biển của Việt Nam hợp pháp nhưng khai thác thủy sản trái phép hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tương ứng của Bộ luật Hình sự và điều ước quốc tế của Việt Nam là thành viên.

Hướng dẫn này nhằm bảo đảm tính công bằng, phù hợp với việc xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi khai thác thủy sản trái phép như đối với công dân của Việt Nam. Mặt khác, quy định này nhằm thực hiện một trong những khuyến nghị của EC đối với Việt Nam “Tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và thực hiện tất cả các bước cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế, để ngăn chặn các sản phẩm thủy sản đánh bắt bất hợp pháp được buôn bán và nhập khẩu vào lãnh thổ”.

8. Về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá làm cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 8)

Thời gian gần đây, nhiều tàu cá và ngư dân cố tình tháo gỡ, tắt tín hiệu thiết bị giám sát hành trình nhằm trốn tránh sự theo dõi của các ngành chức năng để thực hiện các hành vi khai thác thủy sản trái phép. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu. Do đó, để ngăn chặn tình trạng nêu trên, Điều 8 Nghị quyết hướng dẫn người nào thực hiện một trong các hành vi tháo gỡ, tàng trữ, vận chuyển từ 02 thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác trở lên; làm vô hiệu hóa máy định vị vệ tinh hoặc thiết bị giám sát hành trình tàu cá; làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, ngăn chặn trái phép việc truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử quy định tại Điều 287 của Bộ luật Hình sự.

9. Về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản (Điều 9)

Người nào vi phạm quy định về xuất cảnh hoặc tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Điều 347 và Điều 348 của Bộ luật Hình sự mà còn làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 347 hoặc Điều 348 và Điều 341 của Bộ luật Hình sự.

10. Về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua, bán thủy sản (Điều 10)

Nghị quyết hướng dẫn người nào buôn bán thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại, mà không có giấy phép xuất nhập khẩu thủy sản hoặc không đúng với nội dung giấy phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu quy định tại Điều 188 của Bộ luật Hình sự.

Người nào vận chuyển thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc vào vùng biển Việt Nam nhưng không có giấy phép, không đúng với nội dung giấy phép, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới quy định tại Điều 189 của Bộ luật Hình sự.

Người nào dùng thủ đoạn gian dối như hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ, nguồn gốc thủy sản khai thác trái phép để mua, bán thì bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật Hình sự.

11. Về hiệu lực thi hành (Điều 11)

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2024.

 

Mì ăn liền được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm tại EU

Mì ăn liền Việt Nam đã chính thức được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm tại Liên minh châu Âu (EU) nhưng vẫn bị kiểm tra tần suất tại cửa khẩu 20%.

EU nới lỏng quy định đối với mì ăn liền nhập khẩu từ Việt NamBộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền sang EU kiểm soát an toàn thực phẩmMì ăn liền sẽ được loại bỏ khỏi danh sách bị kiểm tra tần suất khi xuất khẩu sang EU

Ngày 12/6, Ủy ban châu Âu (EC) đã đăng Công báo Quy định số 2024/1662 ký ngày 11/6/2024 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào thị trường EU theo quy định 2019/1973.

Theo đó đưa mì ăn liền của Việt Nam ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm tại EU vì đáp ứng các quy định của EU. Quy định này có hiệu lực từ ngày 2/7/2024.

Tuy nhiên, tần suất kiểm tra tại cửa khẩu đối với mì ăn liền Việt Nam vẫn được duy trì ở mức 20%. Doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền sang EU cần đảm bảo sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của EU.

Bên cạnh mì ăn liền, EU cũng đã điều chỉnh quy định kiểm tra đối với một số sản phẩm nông sản khác của Việt Nam. Đối với thanh long, tần suất kiểm tra tại biên giới được tăng từ 20% lên 30%.

Mặt hàng ớt được chuyển từ Phụ lục I (kiểm soát 50%) sang Phụ lục II (kiểm soát 50% và kèm theo Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm).

Đậu bắp được giữ nguyên tần suất kiểm tra 50% và kèm theo Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Mặt hàng sầu riêng vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra 10%.

Theo ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU, việc mì ăn liền được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm tại EU đây là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng liên quan và các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu sang EU.

Việc được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm là một bước tiến quan trọng, giúp mỳ ăn liền Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường EU, vốn có tiềm năng rất lớn với hơn 450 triệu dân. Đây cũng là minh chứng cho sự nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm nông sản.

Việc EU điều chỉnh quy định kiểm tra đối với các sản phẩm nông sản của Việt Nam là một tín hiệu tích cực cho thấy sự tin tưởng của EU vào chất lượng và an toàn thực phẩm của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường EU.

 

Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu giám sát giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển

Trước tình trạng cước vận tải biển tăng mạnh, Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển.

Hiện giá vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển đi các nước châu Âu và Mỹ đang có xu hướng tăng mạnh, chỉ số container thế giới tăng 12% đến 4.716 USD đối với container 40 feet trong tuần qua - thống kê đầu tháng 6/2024.

Cùng với đó, tình hình tắc nghẽn cảng biển tại một số cảng ở châu Á và mất cân đối vỏ container phục vụ hàng xuất khẩu và nhập khẩu.

Trước tình hình trên, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các Cảng vụ Hàng hải phối hợp với các Chi cục Hàng hải và các cơ quan chức năng, hiệp hội, đơn vị có liên quan tăng cường giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển thực hiện niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển (giá và phụ thu ngoài giá).

Việc tuân thủ hiệu lực của việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển theo quy định tại Nghị định số 146/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các chi cục chủ động tiếp thu ý kiến của các hiệp hội chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy định niêm yết giá và phụ thu ngoài giá của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh làm rõ vụ việc, báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam, từ đó, đề xuất giải pháp.

Các đơn vị được giao theo dõi và báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam khi có tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển, cũng như khi có bất thường về mất cân bằng vỏ container phục vụ hàng xuất nhập khẩu.

Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP HCM được giao chủ trì, phối hợp với Chi cục Hàng hải tại Hải Phòng cùng các Cảng vụ Hàng hải tại TP HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng theo dõi số liệu thống kê về việc tăng/giảm giá, phụ thu ngoài giá đối với một số hãng tàu có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu và Mỹ, bao gồm: Maersk, MSC, CMA- CGM, ONE, Hapag-Lloyd, Evergreen, HMM, COSCO, Yang Minh, OOCL..

Đồng thời, chủ động làm việc với đại diện các hãng tàu trên tại Việt Nam và các đơn vị có liên quan để nắm bắt nguyên nhân tăng/giảm giá dịch vụ khi có dấu hiệu tăng/giảm mạnh và các vấn đề liên quan khác đến hãng tàu.

 

Gia hạn thời hạn chống bán phá giá cáp thép dự ứng lực từ Ma-lai-xi-a, Thái Lan và Trung Quốc

Ngày 05 tháng 7 năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1704/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực từ Ma-lai-xi-a, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Để có thêm thời gian xem xét toàn diện, khách quan những vấn đề liên quan đến vụ việc cũng như ý kiến của các bên liên quan, căn cứ quy định tại Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, ngày 05 tháng 6 năm 2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1360/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực từ Ma-lai-xi-a, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (mã vụ việc: AD17) thêm 06 tháng, theo đó thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 05 tháng 01 năm 2025.

Trong trường hợp các bên liên quan có thắc mắc, vui lòng liên hệ:

Cục Phòng vệ thương mại

23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Email: minhbty@moit.gov.vn.

Cơ quan điều tra thông báo để các bên liên quan được biết.

TT TT CN TM

Tin liên quan

Xuất khẩu phân bón 7 tháng đầu năm 2024 tăng ở đa số thị trường(16/09/2024 8:30 SA)

Sản lượng đường của Brazil nửa đầu tháng 6/2024 tăng so với dự kiến(29/07/2024 9:31 SA)

AHDB: Nguồn cung lợn Trung Quốc vẫn khan hiếm do lượng lợn nái giảm(09/07/2024 9:46 SA)

Cơ hội cho xuất khẩu cá tra khi có FTA Việt Nam - Mercosur(09/07/2024 9:45 SA)

Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường 5 tháng đầu năm 2024(24/06/2024 9:26 SA)

Tin mới nhất

Xuất khẩu phân bón 7 tháng đầu năm 2024 tăng ở đa số thị trường(16/09/2024 8:30 SA)

Sản lượng đường của Brazil nửa đầu tháng 6/2024 tăng so với dự kiến(29/07/2024 9:31 SA)

AHDB: Nguồn cung lợn Trung Quốc vẫn khan hiếm do lượng lợn nái giảm(09/07/2024 9:46 SA)

Cơ hội cho xuất khẩu cá tra khi có FTA Việt Nam - Mercosur(09/07/2024 9:45 SA)

Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường 5 tháng đầu năm 2024(24/06/2024 9:26 SA)