Theo Hiệp hội Thủy sản Na Uy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 1/2024 đạt kỷ lục 13,3 tỷ NOK (tương đương 1,15 tỷ euro/990 triệu bảng Anh), đánh dấu mức tăng mạnh 640 triệu NOK (tương đương 55,7 triệu euro/47,7 triệu bảng Anh) hay tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu thủy sản của Na Uy tháng 1/2024 đạt 13,3 tỷ NOK
Theo Hiệp hội Thủy sản Na Uy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 1/2024 đạt kỷ lục 13,3 tỷ NOK (tương đương 1,15 tỷ euro/990 triệu bảng Anh), đánh dấu mức tăng mạnh 640 triệu NOK (tương đương 55,7 triệu euro/47,7 triệu bảng Anh) hay tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tăng do giá cá hồi tăng cao và tác động của đồng krone suy yếu. Giá trị xuất khẩu thủy sản tăng trưởng liên tục trong 35 tháng qua một phần là do đồng krone Na Uy yếu, trong tháng 1, đồng krone giảm giá 6% so với đồng euro, dẫn đến giá xuất khẩu tăng khi tính bằng đồng kroner của Na Uy. Ông Christian Chramer, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thủy sản Na Uy cho rằng vai trò của hiệu ứng tiền tệ đối với hoạt động xuất khẩu tích cực.
Khối lượng xuất khẩu giảm do hạn ngạch giảm
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng vọt trong tháng 1/2024 nhưng khối lượng xuất khẩu thủy sản giảm 15%, xuống còn 184.000 tấn so với tháng 1/2023 do cắt giảm hạn ngạch đối với cá tuyết, cá trích và cá thu. Việc giảm 20% hạn ngạch cá tuyết, loài đánh bắt tự nhiên có giá trị lớn nhất, đã làm gia tăng sự cạnh tranh về nguyên liệu thô và dẫn đến nguồn cung thị trường giảm.
Ông Chramer cho rằng tầm quan trọng của các quy định như vậy trong việc duy trì nguồn tài nguyên đánh bắt cá quý giá của Na Uy, nhấn mạnh cam kết của Na Uy đối với các hoạt động đánh bắt cá có trách nhiệm và bền vững.
Xuất khẩu cá tuyết Skrei sang EU đạt kỷ lục
Liên minh châu Âu (EU) nổi lên là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Na Uy trong tháng 1/2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt 7,5 tỷ NOK (tương đương 652 triệu euro/559 triệu bảng Anh), tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Cá Skrei, một loại cá tuyết chất lượng cao, đã đạt kỷ lục mới khi chiếm 25% trong tổng giá trị xuất khẩu cá tuyết tươi đánh bắt tự nhiên, chứng tỏ người tiêu dùng châu Âu rất ưa chuộng loài cá tuyết này.
Xuất khẩu cá hồi tăng
Xuất khẩu cá hồi Salmon của Na Uy tháng 1/2024 đạt 86.985 tấn, trị giá 9,8 tỷ NOK (tương đương 852 triệu euro/730 triệu bảng Anh), tăng 11% so với tháng 1/2023. Ba Lan, Pháp và Mỹ là những thị trường tiêu thụ cá hồi lớn nhất, trong đó xuất khẩu sang Ba Lan tăng mạnh 32%.
Xuất khẩu cá hồi hoa (cá hồi Trout) tăng vọt 43%, đạt 439 triệu NOK (tương đương 38 triệu euro/32,7 triệu bảng Anh). Mỹ, Thái Lan và Ukraine là các thị trường chính của cá hồi hoa, trong đó Ukraine xuất khẩu tăng rất mạnh 264%.
Một số thị trường xuất khẩu thủy sản tăng trưởng mạnh như Ba Lan tăng 25%, đạt 257 triệu NOK (tương đương 22 triệu euro/19 triệu bảng Anh). Tây Ban Nha tăng 133%, đạt 18 triệu NOK (tương đương 1,5 triệu euro/1,34 triệu bảng).
Theo Hiệp hội Thủy sản Na Uy, xuất khẩu cua huỳnh đế và tôm tăng mạnh, xuất khẩu cua tuyết giảm và xuất khẩu cá trích và cá thu biến động. Bất chấp những thách thức, xuất khẩu thủy sản Na Uy vẫn phục hồi và thích ứng trên thị trường toàn cầu.
Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ năm 2023 đạt kỷ lục
Tại hội nghị Hiệp hội Thịt ở Orlando, Florida, Mỹ, Ông Dan Halstrom - Giám đốc điều hành của Tập đoàn Xuất khẩu Thịt Mỹ cho biết, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ năm 2023 đạt kỷ lục mới khoảng 8,1 - 8,2 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang Mexico, sau đó là các nước Mỹ Latinh và Trung Mỹ, đặc biệt là Colombia và Nam Mỹ. Đối với thị trường châu Á, mặc dù xuất khẩu chậm chạp trong nửa đầu năm nhưng trong nửa cuối năm thực sự tăng rất mạnh. Dự báo, xuất khẩu thịt lợn trong năm 2024 tiếp tục tăng.
Năm 2023, xuất khẩu thịt lợn sang các thị trường lớn truyền thống như Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ giảm nhẹ, tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường mới tăng trưởng tốt. Xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc cũng giảm nhẹ, nghĩa là ba trong số bốn thị trường lớn nhất đều giảm. Nhưng xuất khẩu thịt lợn sang Mexico tăng mạnh và xuất khẩu thịt lợn sang các nước Đông Nam Á như Philippines cũng tăng. Xuất khẩu sang Australia và New Zealand đạt kỷ lục trong năm 2023. Bên cạnh đó, xuất khẩu thịt lợn sang Đài Loan cũng tăng.
Giá đường trong nước sẽ giảm tiếp trong năm 2024, triển vọng nào cho cổ phiếu ngành này?
Giá đường thế giới trong năm 2024 vẫn sẽ tiếp tục xu hướng giảm khi El Nino dự kiến kéo dài đến giữa năm 2024. Giá đường trong nước sẽ điều chỉnh giảm theo biến động của giá đường thế giới.
Do lo ngại về nguồn cung đường vẫn dồi dào với triển vọng bức tranh vụ mía ở Brazil tươi sáng hơn nhờ ảnh hưởng của El Nino gây mưa nhiều tại đây, giá đường thế giới vào tháng 12/2023 đã giảm 24% xuống 20,58 USD/lbs, mức thấp nhất trong cả năm 2023.
Tuy nhiên, đến tháng 1/2024, Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) báo cáo sản lượng đường niên vụ 2023/2024 của Ấn Độ trong khoảng thời gian từ ngày 15/10/2023 – 15/01/2024 giảm 5,3% xuống 14,95 triệu tấn làm dấy lên lo ngại về thiếu hụt nguồn cung đường.
Ngoài ra, vào ngày 18/01/2024, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định áp thuế xuất khẩu 50% đối với sản phẩm mật rỉ đường, cho thấy dấu hiệu lệnh hạn chế xuất khẩu đường của Ấn Độ vẫn chưa có khả năng dỡ bỏ trong tương lai gần. Điều này càng làm củng cố thêm những lo ngại về nguồn cung đường tại quốc gia này.
Thêm vào đó, việc giá dầu thô tăng trở lại từ đầu tháng 1/2024 cũng làm tăng sức hấp dẫn của việc sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol, tạo ra áp lực gián tiếp đối với nguồn cung đường thế giới. Theo đó, giá đường thế giới đã bật tăng 16% đạt mức 23.91 USD/lbs trong tháng 1/2024.
Giá đường trong nước đã điều chỉnh giảm sau một thời gian tăng theo giá đường thế giới, tuy nhiên mức độ sụt giảm được ghi nhận thấp hơn so với giá đường thế giới và vẫn giữ ở mức 21.200 – 21.800 VND/kg trong tháng 12/2023 – 01/2024.
Theo đánh giá của Chứng khoán Phú Hưng, triển vọng sản lượng sản xuất trong năm 2024 vẫn tích cực khi sản lượng mía đưa vào chế biến trong niên vụ 2023/24 dự kiến tăng 9% đạt 10,6 triệu tấn, đường thành phẩm dự kiến tăng 10% đạt hơn 1 triệu tấn – mức cao nhất từ niên vụ 2019/20 đến nay. Do đó, nguồn cung đường trong nước dự kiến vẫn được bổ sung dồi dào, giá đường trong nước khó bật tăng mạnh trở lại và có thể điều chỉnh giảm nhẹ theo biến động của giá đường thế giới trong năm 2024.
Chứng khoán Phú Hưng cho rằng giá đường thế giới trong năm 2024 vẫn sẽ tiếp tục xu hướng giảm khi El Nino dự kiến kéo dài đến giữa năm 2024. Thời tiết dự kiến sẽ chuyển sang pha trung tính và thuận lợi hơn cho việc trồng mía, phần nào giúp bức tranh nguồn cung đường tại Ấn Độ và Thái Lan tươi sáng hơn.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá đường dự kiến vẫn sẽ neo cao khi lo ngại về thiếu hụt nguồn cung đường ở Ấn Độ vẫn sẽ tiếp diễn đến hết Q1/2024. Ngoài ra, theo Unica, tính đến tháng 12/2023, sản lượng đường niên vụ 2023/24 của Brazil đã tăng 25,4% YoY lên hơn 42 triệu tấn.
Tổ chức Đường Quốc tế ISO cũng đã nâng ước tính sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2023/24 lên 179,9 triệu tấn so với mức ước tính trước đó là 174,8 triệu tấn, cắt giảm mức thâm hụt đường toàn cầu niên vụ 2023/24 xuống 0,3 triệu tấn từ dự báo trước đó là 2., triệu tấn. Các yếu tố này sẽ hỗ trợ ổn định nguồn cung đường và ngăn cản đà tăng giá đường thế giới trong năm 2024.
Qua đó, PHS cho rằng giá đường trong nước trong năm 2024 sẽ điều chỉnh giảm theo biến động của giá đường thế giới.
Kết thúc năm 2023, nhờ hưởng lợi từ việc thiếu hụt nguồn cung và tăng giá đường trong giai đoạn vừa qua, QNS ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt 10.023 tỷ đồng tăng 21% so với cùng kỳ và 2.189 tỷ đồng tăng 70%. Biên lợi nhuận gộp năm 2023 tăng 370 điểm phần trăm lên mức 33% nhờ sự hỗ trợ tích cực từ mảng đường, với biên lợi nhuận gộp mảng đường năm 2023 tăng lên mức 30% từ mức 19% vào năm 2022.
Trong năm 2024, QNS vẫn sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ mảng đường. Dù vẫn ghi nhận rủi ro giảm giá đường nội địa trong năm nay, kì vọng giá đường niên vụ 2023/24 vẫn cao hơn so với niên vụ 2018/19 và 2019/20. Sản lượng mía đường của QNS trong năm 2024 cũng dự kiến tăng lên khi QNS mở rộng vùng nguyên liệu mía tại tỉnh Gia Lai, nâng diện tích mía toàn vùng lên 30.000 – 40.000 ha trong niên vụ 2023/2024 (+54% so với niên vụ trước).
Ngoài ra, QNS ghi nhận tỷ suất cổ tức ở mức cao (khoảng 8%) cũng là một điểm đáng chú ý cho các nhà đầu tư.
Hiệp hội Tôm Mỹ yêu cầu cấm nhập khẩu tôm từ 8 công ty của Trung Quốc
Hiệp hội Tôm miền Nam – Mỹ (SSA) đang kêu gọi chính phủ Mỹ tăng cường giám sát tôm nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời cấm hoàn toàn việc nhập khẩu từ các công ty bị cáo buộc sử dụng lao động người Ngô Duy Nhĩ và lao động của Dự án Outlaw Ocean trái pháp luật.
Vào ngày 29/1/2024, SSA đã gửi thư tới Bộ An ninh Mỹ kêu gọi cơ quan này xem xét kỹ lưỡng tôm có nguồn gốc từ tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc. Báo cáo của Outlaw Ocean tìm thấy nhiều bằng chứng về ngược đãi người lao động được tuyển dụng trong lĩnh vực chế biến hải sản của Sơn Đông.
Theo SSA, hàng triệu Lb tôm được nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau vào thị trường Trung Quốc để chế biến, sau đó được xuất khẩu sang Mỹ. Tổ chức này ước tính hơn 265 container tôm Achentina – tương đương hơn 12 triệu Lb tôm – đã được vận chuyển đến Trung Quốc chế biến trước khi xuất khẩu sang Mỹ
Hiệp hội Tôm SSA cho biết: Đã có 20 container tôm từ Ecuador, có trọng lượng khoảng 800.000 Lb đã được Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2023.
Theo SSA, các sản phẩm tôm được chế biến tại Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ thường được dán nhãn là sản phẩm của địa điểm thu hoạch thay vì là sản phẩm của Trung Quốc – dữ liệu hải quan cho thấy gần 90.000 Lb tôm đông lạnh có nguồn gốc từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2023.
SSA đang kêu gọi lực lượng đặc nhiệm lao động cưỡng bức của DHS bổ sung thêm 8 công ty chế biến hải sản ở Sơn Đông vào Danh sách cấm sản phẩm của họ xuất khẩu sang Mỹ theo Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA), đó là: Công ty Weihai Wendeng Xinghe Food; Công ty Thực phẩm Yên Đài Longwin; Công ty Thủy sản Yên Đài Sanko; Tập đoàn Chishan, bao gồm các công ty con Shandong Haidu Ocean Product và Rong Cheng Haibo Seafood; Tập đoàn Meija Sơn Đông, bao gồm các công ty con Rizhao Jiayuan Food Rizhao Miejia Keyuan Food; Công ty Thực phẩm Thủy sản Thanh Đảo Tianyuan; Công ty Thủy sản Thanh Đảo Lian Yang; và Tập đoàn Rongsense/Tập đoàn Thực phẩm Thủy sản Rongxin Sơn Đông, bao gồm các công ty con Rizhao Rirong Aquatic Food và Rizhao Rongxing Food.
Hiệp hội tôm SSA cũng yêu cầu lực lượng đặc nhiệm bổ sung hải sản vào danh sách các lĩnh vực ưu tiên để thực thi luật UFLPA, điều này sẽ đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ tương tự theo UFLPA sẽ được áp dụng cho các nhà máy chế biến khác ở Trung Quốc. Lời kêu gọi giám sát được đưa ra khi SSA đang nỗ lực để có thêm thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu khi các nhà thu hoạch tôm ở Mỹ thúc đẩy chính phủ liên bang hạn chế nhập khẩu.
Ông John Williams - Giám đốc điều hành SSA cho biết: “Ngành công nghiệp tôm của chúng tôi hiện đang phải đối mặt với vô số thách thức và các gia đình đánh cá thương mại trên khắp bờ biển phía nam Mỹ đang phải chịu đựng”. “Trong khi các tàu của chúng tôi bị ảnh hưởng lớn, các nhà nhập khẩu hải sản đang lùng sục khắp thế giới để tìm ra những nhóm dân cư dễ bị thiệt hại nhất để kiếm tiền. Điều này là sai trái về mặt đạo đức và trái pháp luật. Chúng tôi không yêu cầu gì hơn ngoài việc thực thi luật pháp của mình.”
Hầu hết các công ty được SSA liệt kê cũng có tên trong hồ sơ của tổ chức phi chính phủ - NGO gần đây đã yêu cầu Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt theo luật nhân quyền Magnitsky đối với các công ty Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt của Magnitsky sẽ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh hoàn toàn và phong tỏa tài sản đối với các công ty hoặc cá nhân bị vi phạm.
Xuất khẩu thịt đỏ của Australia năm 2023 đạt kỷ lục 17 tỷ USD
Năm 2023, Australia đã xuất khẩu 1,84 triệu tấn thịt đỏ sang hơn 100 quốc gia, đạt kỷ lục 17,08 tỷ đô la Australia.
Trong đó xuất khẩu thịt bò và thịt cừu sang14 thị trường, xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc đại lục, với 206.193 tấn thịt bò và 165.245 tấn thịt cừu.
Mỹ cũng tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn của thịt bò và thịt cừu Australia. Nhật Bản là nước nhập khẩu thịt bò lớn thứ 3 toàn cầu và là khách hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của thịt bò Australia.
Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu thịt cừu tăng mạnh nhất của Australia trong những năm gần đây với lượng thịt cừu xuất khẩu trị giá 279 triệu USD trong năm 2023. Kênh thương mại điện tử của Hàn Quốc là một trong những thị trường lớn nhất thế giới và là một cách dễ dàng và thuận tiện để người mua mua thịt đỏ của Australia.
Xuất khẩu thịt đỏ của Australia sang Vương quốc Anh đã tăng mạnh chỉ trong vài tháng kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Australia - Anh (A-UK FTA) có hiệu lực từ cuối tháng 5/2023. So sánh khối lượng xuất khẩu nửa năm 2023 so với nửa năm 2022, lượng thịt bò tăng gần gấp 5 lần, thịt cừu tăng gấp đôi.
Theo bà Miho Kondo, Giám đốc phụ trách thị trường toàn cầu của MLA, người tiêu dùng trẻ tuổi và giàu có ngày càng tăng ở các khu vực mới nổi như Trung Đông và Đông Nam Á mang đến một cơ hội quan trọng khác cho các nhà xuất khẩu thịt đỏ của Australia.
Bà Kondo cho biết: Ngành công nghiệp thịt đỏ của Australia có tiềm năng mở rộng ra nước ngoài bằng cách mở rộng sang nhiều thị trường hơn, tiếp cận người tiêu dùng mới tại các thị trường đã có uy tín và đảm bảo danh tiếng của ngành về sản xuất thịt bò và thịt cừu ngon nhất thế giới.
TT TT Cn & TM