42 người đang online
°

Sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 dự kiến đạt mức kỷ lục 2.836 triệu tấn

Đăng ngày 08 - 03 - 2024
Lượt xem: 42
100%

Theo dự báo mới nhất của FAO, sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 đã được điều chỉnh tăng thêm 13,2 triệu tấn (tăng 0,5%) so với dự báo tháng 12/2023 và dự kiến đạt mức cao kỷ lục 2.836 triệu tấn, tăng 1,2% (33,3 triệu tấn) so với năm 2022.

 

Sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 dự kiến đạt mức kỷ lục 2.836 triệu tấn

Theo dự báo mới nhất của FAO, sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 đã được điều chỉnh tăng thêm 13,2 triệu tấn (tăng 0,5%) so với dự báo tháng 12/2023 và dự kiến đạt mức cao kỷ lục 2.836 triệu tấn, tăng 1,2% (33,3 triệu tấn) so với năm 2022.

Chủ yếu là do sản lượng ngô cao hơn dự báo trước đây ở một số nước sản xuất chính, trong khi dự báo sản lượng lúa mạch và lúa mì tăng nhẹ. Sản lượng ngũ cốc thô thế giới mức cao kỷ lục là 1.523 triệu tấn, sau khi điều chỉnh tăng 12 triệu tấn trong tháng 1/2024, chủ yếu do sản lượng từ Canada, Trung Quốc (đại lục), Türkiye và Mỹ tăng, do năng suất tăng và diện tích thu hoạch tăng so với dự báo trước đây đã dẫn đến ước tính sản lượng ngô tăng. Sản lượng lúa mạch toàn cầu cũng tăng, chủ yếu tập trung ở Canada và Liên bang Nga, trong khi sản lượng lúa mì thế giới đã tăng 1,4 triệu tấn và đạt mức 788,5 triệu tấn trong năm 2023, mặc dù vẫn thấp hơn 2,2% so với năm trước. Sản lượng tăng chủ yếu nhờ năng suất lúa mì và diện tích thu hoạch của Canada vượt ước tính trước đó, bù đắp cho việc dự báo sản lượng lúa mì của Brazil giảm do ảnh hưởng của các đợt nắng nóng và lượng mưa quá mức. Đối với gạo, ước tính sản lượng của Trung Quốc (đại lục) giảm so với dự báo tháng 12, do việc giảm mạnh diện tích gieo trồng ở các tỉnh quan trọng ở phía đông bắc so với dự đoán trước đây. Tuy nhiên, sự sụt giảm này được bù đắp bằng việc tăng sản lượng ở một loạt quốc gia khác, đặc biệt là Nepal, nơi đã đạt kỷ lục bất chấp thời tiết thất thường, và Mali, Guinea nhờ tăng diện tích. Do đó, dự báo của FAO về sản lượng gạo thế giới năm 2023/24 hiện ở mức 524,6 triệu tấn, giảm nhẹ so với dự báo tháng 12/2023 nhưng vẫn cao hơn 0,6% so với năm 2022/23.

Dự báo năm 2024, diện tích gieo trồng lúa mì vụ đông toàn cầu sẽ giảm nhẹ so với năm 2023 do giá thế giới giảm. Tại Mỹ, giá giảm đã khiến diện tích trồng lúa mì mùa đông giảm 6%. Tuy nhiên, hạn hán sớm làm diện tích vụ lúa mì mùa đông giảm so với năm 2023 và có thể dẫn đến tỷ lệ bỏ hoang giảm so với năm trước. Tại Liên minh châu Âu, việc gieo trồng chậm trễ do mưa lớn đã làm giảm diện tích gieo trồng lúa mì vụ đông. Một đợt lạnh ở khu vực Biển Baltic trong tháng 12 đã gây ra một số thiệt hại do sương giá, trong khi tình trạng thiếu hụt lượng mưa vẫn tiếp diễn ở miền nam Tây Ban Nha và một số vùng của Italia. Ở Ukraine, tác động của chiến tranh đã khiến giá đầu ra ở mức thấp và chi phí đầu vào ở mức cao, làm giảm lợi nhuận và tính thanh khoản, điều này có thể dẫn đến diện tích trồng lúa mì tiếp tục giảm trong năm 2024. Tại Liên bang Nga, mặc dù hầu hết các vụ lúa mì mùa đông được dự báo là tốt. Trong điều kiện thời tiết ấm áp ở các vùng sản xuất lúa mì trọng điểm phía Nam, sau đó là nhiệt độ giảm nhanh chóng mà không có đủ tuyết phủ có thể đã gây ra thiệt hại do sương giá cục bộ. Ở Ấn Độ, thời tiết thuận lợi và giá cả thuận lợi đã thúc đẩy diện tích trồng lúa mì tăng trong năm 2024. Tương tự, giá nội địa cao gần kỷ lục ở Pakistan đã thúc đẩy diện tích trồng lúa mì tăng và nguồn cung cấp nước tưới dồi dào cho lúa mì năm 2024. Triển vọng sản xuất thuận lợi tại Trung Quốc (đại lục), diện tích trồng lúa mì ước tính cao hơn mức trung bình 5 năm qua, nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh giá tăng.

Ở Nam bán cầu, phần lớn vụ ngũ cốc thô năm 2024 dự kiến sẽ được thu hoạch từ quý II/2024. Ở Brazil, lượng mưa quá mức ở các khu vực phía Nam, tình trạng khô hạn và nhiệt độ cao ở những nơi khác đã ảnh hưởng xấu đến việc trồng trọt và năng suất của vụ ngô đầu tiên. Tuy nhiên, Brazil vẫn dự kiến thu hoạch một vụ ngô trên mức trung bình trong năm 2024, mặc dù thấp hơn mức cao kỷ lục trong năm 2023. Tại Achentina, sau vụ thu hoạch bị ảnh hưởng bởi hạn hán vào năm 2023, sản lượng ngô dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2024, nhờ diện tích trồng trọt trên mức trung bình và điều kiện thời tiết nhìn chung thuận lợi. Ở Nam Phi, những ước tính ban đầu cho thấy diện tích trồng ngô sẽ tăng nhẹ trong năm 2024, một phần do giá đậu tương giảm do nông dân luân canh cây trồng. Mặc dù lượng mưa đầu mùa hầu hết là thuận lợi nhưng vẫn còn một số điều không chắc chắn về năng suất do dự báo về lượng mưa thấp và nhiệt độ cao hơn trong những tháng tới.

Dự báo tiêu thụ ngũ cốc thế giới năm 2023/24 đã tăng 8,9 triệu tấn so với dự báo trong tháng 12/2023 lên 2.822 triệu tấn, tăng 1,2% so với năm 2022/23 (34,5 triệu tấn); trong đó tiêu thụ lúa mì trong niên vụ 2023/24 đạt mức 794 triệu tấn, tăng 2,9 triệu tấn so với dự báo tháng 12 và tăng 2% (15,4 triệu tấn) so với niên vụ 2022/23 do việc tiêu thụ làm thức ăn dự kiến lớn hơn trước đó, đặc biệt là ở Liên minh Châu Âu cũng như ở Australia và Mỹ. Tổng mức tiêu thụ ngũ cốc thô trong năm 2023/24 cũng được dự báo sẽ tăng 1,3% (19,5 triệu tấn) so với năm 2022/23, đạt 1.505 triệu tấn, tăng 5,4 triệu tấn so với dự báo trong tháng 12. Việc tiêu thụ ngô và lúa mạch làm thức ăn chăn nuôi dự đoán cao hơn trước đó, đặc biệt là ở Trung Quốc, là động lực chính dẫn đến việc điều chỉnh dự báo tăng giá trong tháng 1. Việc tiêu thụ gạo toàn cầu trong năm 2023/24 được dự báo vẫn gần bằng mức 522,2 triệu tấn của năm 2022/23, mặc dù đã điều chỉnh tăng 0,6 triệu tấn so với tháng 12, do lượng tiêu thụ gạo tăng do dân số tăng dự kiến sẽ được bù đắp bằng cách giảm tiêu thụ cho các mục đích khác.

Dự báo mới nhất của FAO về dự trữ ngũ cốc thế giới vào cuối năm 2024 là 895 triệu tấn, tăng 8,9 triệu tấn so với dự báo tháng 12 và cao hơn 2,6% (23 triệu tấn) so với mức đầu năm. Tỷ lệ giữa dự trữ ngũ cốc và sử dụng ngũ cốc trên toàn cầu năm 2023/24 được dự báo ở mức là 31,1%, vượt mức 30,9% của năm 2022/23. Sự điều chỉnh này chủ yếu xuất phát từ việc điều chỉnh tăng 9,4 triệu tấn đối với dự trữ ngũ cốc thô, nâng dự báo lên 377 triệu tấn, tăng 6,9% (24,4 triệu tấn) so với mức đầu vụ. Mặc dù dự trữ ngô tăng (chủ yếu ở Trung Quốc và Mexico) chiếm phần lớn trong mức điều chỉnh tăng trong tháng này, nhưng dự trữ lúa mạch và hạt bo bo cũng được điều chỉnh tăng. Ở mức 320 triệu tấn, dự báo dự trữ lúa mì toàn cầu gần như không thay đổi so với dự báo tháng 12 và vẫn giảm 1,1% (3,5 triệu tấn) so với mức đầu vụ. Những điều chỉnh tăng giá trong tháng này ở Achentina, Australia và Liên bang Nga đã bù đắp cho những điều chỉnh giảm giá ở Ukraine, Liên minh Châu Âu và Mỹ. Dự trữ gạo thế giới vào cuối năm 2023/24 hiện đạt mức 198,8 triệu tấn, giảm 0,9 triệu tấn so với dự báo tháng 12, nhưng vẫn cao hơn 1,1% so với mức ước tính của niên vụ 2022/23.

Sau khi điều chỉnh tăng 11,5 triệu tấn so với dự báo tháng 12, thương mại ngũ cốc thế giới năm 2023/24 sẽ tăng 0,8% (3,7 triệu tấn) so với mức 2022/23, đạt 480 triệu tấn. Thương mại lúa mì thế giới năm 2023/24 (tháng 7/tháng 6), dự báo đạt mức 197 triệu tấn, vẫn có khả năng giảm 1,3% (2,5 triệu tấn) so với năm 2022/23, mặc dù mức điều chỉnh tăng 3,4 triệu tấn so với dự báo tháng 12/2023. Dự báo xuất khẩu của Ukraine và nhu cầu tăng mạnh ở khắp các nước nhập khẩu, thương mại ngũ cốc thô thế giới trong năm 2023/24 (tháng 7/tháng 6) đã tăng 8,9 triệu tấn so với dự báo tháng 12 lên 231 triệu tấn, tăng 3,3% (7,5 triệu tấn) so với năm 2022/23. Xuất khẩu ngô dự kiến tăng so với dự báo trước đó từ Türkiye, Ukraine và Liên bang Nga, cùng với nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc và tăng nhẹ ở Mexico, đã góp phần điều chỉnh tăng 5,6 triệu tấn so với dự báo về thương mại ngô toàn cầu, hiện được chốt ở mức 1,8% so với mức 2022/23. Dự báo thương mại lúa mạch toàn cầu cũng tăng 3 triệu tấn do xuất khẩu từ Liên bang Nga tăng và nhu cầu của Trung Quốc tăng. Dự báo thương mại gạo thế giới năm 2024 (từ tháng 1 đến tháng 12) giảm 0,8 triệu tấn xuống còn 51,5 triệu tấn, phần lớn do dự báo nhập khẩu của Nepal và Nigeria giảm 2,3% so với mức đã giảm của năm 2023.

Sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 dự kiến đạt mức kỷ lục 2.836 triệu tấn

 

Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam tại Hội chợ Fruit Logistica 2024

Trong khuôn khổ chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia 2024 do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương chủ trì, Hiệp hội rau quả Việt Nam Vinafruit đã tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ Fruit Logistica 2024 – Hội chợ triển lãm quốc tế về trái cây, rau quả lớn nhất thế giới được tổ chức tại Berlin, CHLB Đức từ 07 đến 09 tháng 2 năm 2024.

Đây là năm thứ tư các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam tham gia Hội chợ triển lãm và bán buôn các sản phẩm hoa quả tươi lớn nhất thế giới được tổ chức hàng năm tại thủ đô Berlin, với 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và chế biến rau quả xuất khẩu như công ty Thanh Long Hoàng Hậu, công ty MTV ANTFARM, công ty XNK Golden Bee, Viet Tropical Fruit, công ty Phước Hỷ, công ty Thương mại Dịch vụ Trái cây Thiên nhiên…

Vào ngày đầu tiên của Hội chợ, Hiệp hội rau quả Việt Nam Vinafruit đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức tổ chức chương trình kết nối giao thương cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam tại khu gian hàng Việt. Tham dự chương trình có ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp, Phái đoàn Việt Nam tại EU; bà Đỗ Việt Hà, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức; ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Vinafruit; ông Ludwig Graf Westarp, giám đốc công ty Skaro, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ liên bang Đức BVMW; các CEO, giám đốc của các doanh nghiệp Đức, các nhà thu mua, nhập khẩu tại Đức như công ty Selgros Cash & Carry; công ty Asropa Food GmbH; siêu thị phân phối hàng châu Á Vinh Loi Asien Supermarkt…

Các doanh nghiệp đã có những chia sẻ rất bổ ích, thiết thực về thị trường, nhu cầu, thị hiếu, sở thích thói quen tiêu dùng của người Đức nói riêng và EU nói chung. Ông Florian Soyka, trợ lý giám đốc siêu thị Selgros Berlin Lichtenberg đánh giá rất cao chất lượng trái cây nhiệt đới Việt Nam hương vị độc đáo, riêng biệt, đặc biệt trái chanh leo rất được người tiêu dùng Đức ưu thích và được sử dụng nhiều như một đồ uống hấp dẫn trong các nhà hàng.

Cùng chia sẻ về nhu cầu thị trường, ông Trương Chiêu Đức, CEO công ty nhập khẩu thực phẩm Á châu Asropa Food GmbH và chuỗi siêu thị Vinh Loi Asien Supermarkt cho biết công ty của ông nhập khẩu rất nhiều các sản phẩm của Việt Nam, phân phối trên toàn nước Đức và các nước EU lân cận. Năm nay, Asropa có kế hoạch nhập  khẩu thêm các sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam như quả thanh long, bưởi da xanh – đây là hai sản phẩm bán rất chạy và được người tiêu dùng ưu thích.

Thương vụ Việt Nam tại Đức đã cung cấp thêm cho các doanh nghiệp về một số lưu ý khi xuất khẩu trái cây vào thị trường Đức, đặc biệt những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Cụ thể, mới đây Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã đưa 5 mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam gồm ớt, mì ăn liền, sầu riêng, đậu bắp và thanh long vào diện kiểm soát khi xuất khẩu vào thị trường này. Đây là lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam nằm trong danh sách các mặt hàng giám sát tại cửa khẩu của EU với tần suất 10%. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu EU vừa ban hành Quy định mới số (EU) 2024/331 liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL) đối với hoạt chất Oxamyl  áp dụng đối với một số nông sản. EU sẽ áp dụng mức MRL cho phép mức dư lượng Oxamyl trên các loại nông sản  ở mức rất thấp là 0,001 mg/kg. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý các ngưỡng kiểm soát của EU để không bị vi phạm.

Trong năm 2023, theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Đức đạt trên 36 triệu USD, tăng 45,6% so với năm 2022. Theo số liệu của cơ quan thống kê Liên bang Đức (Destatis), tính đến hết tháng 11 năm 2023, Đức nhập khẩu từ Việt Nam trên 313 triệu USD các sản phẩm rau quả trái cây với mã HS 07 (các loại rau, rễ củ); HS 08 (trái cây và các loại hạt); HS 20 (chế phẩm từ rau, quả, hạt).

Xuất khẩu rau quả Việt Nam đang gặp một số thuận lợi khi nhu cầu rau quả thế giới gia tăng và việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng giúp hầu hết các dòng thuế xuất khẩu rau quả và sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Fruit Logistica là hội chợ thương mại quan trọng nhất thế giới dành cho ngành sản phẩm tươi và khả năng tiếp cận trực tiếp với thị trường toàn cầu. Fruit Logistica 2024 với chủ đề “the heartbeat of the fresh produce business” trưng bày các sản phẩm hoa quả tươi, sản phẩm hữu cơ và các giải pháp đổi mới về thiết bị và máy móc. Tại Fruit Logistica, chúng ta có thể tìm thấy đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp kỹ thuật từ mọi phần của chuỗi giá trị - từ trong phát triển hạt giống, rau quả đến đóng gói và tự động hóa; từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.

Ngoài ba phân khúc chính Sản phẩm tươi, Máy móc & Công nghệ và Hậu cần, thì Smart Agri và Greenhouse là hai chủ đề quan trọng tại Fruit Logistica năm nay. Lĩnh vực sản phẩm hữu cơ đang phát triển ổn định và đang thu hút số lượng người tham gia ngày càng tăng hàng năm. Hội chợ thu hút gần hàng nghìn doanh nghiệp trưng bày gian hàng từ hơn 90 nước và hơn 40.000 khách tham quan từ140 quốc gia trên thế giới.

TT TT CN & TM

Tin liên quan

Thị trường xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2024(02/05/2024 10:35 SA)

Chính sách tiền tệ mới của Ai Cập tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam(04/04/2024 9:23 SA)

Vụ mía đường của Ấn Độ và Thái Lan có triển vọng tốt hơn dự kiến(04/04/2024 9:22 SA)

Thị trường cung cấp lúa mì cho Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024(04/04/2024 9:08 SA)

Tiêu thụ thịt lợn của Đức năm 2023 giảm(08/03/2024 10:19 SA)

Tin mới nhất

Thị trường xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2024(02/05/2024 10:35 SA)

Chính sách tiền tệ mới của Ai Cập tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam(04/04/2024 9:23 SA)

Vụ mía đường của Ấn Độ và Thái Lan có triển vọng tốt hơn dự kiến(04/04/2024 9:22 SA)

Thị trường cung cấp lúa mì cho Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024(04/04/2024 9:08 SA)

Tiêu thụ thịt lợn của Đức năm 2023 giảm(08/03/2024 10:19 SA)