17 người đang online
°

Năm 2024, tiêu thụ thịt của Nga sẽ đạt kỷ lục

Đăng ngày 08 - 03 - 2024
Lượt xem: 57
100%

Theo NielsenIQ, ngành công nghiệp thịt của Nga là một trong năm ngành phát triển nhanh nhất. Xuất khẩu thịt sau khi trì trệ trong năm 2022, thì sang năm 2023 đã tăng 3,8% về lượng và xuất khẩu xúc xích tăng 4,4%.

 

Năm 2024, tiêu thụ thịt của Nga sẽ đạt kỷ lục

Theo NielsenIQ, ngành công nghiệp thịt của Nga là một trong năm ngành phát triển nhanh nhất. Xuất khẩu thịt sau khi trì trệ trong năm 2022, thì sang năm 2023 đã tăng 3,8% về lượng và xuất khẩu xúc xích tăng 4,4%.

Đồng thời, giá trung bình ở cả hai nhóm này chỉ tăng 2% so với năm 2022. Xuất khẩu không chỉ thịt gà mà tất cả các loại thịt khác đều tăng về kim ngạch. Ví dụ, thịt bò có tốc độ tăng trưởng cao nhất và tăng thị phần vượt qua gà tây. Một nửa số phân khúc xúc xích có tốc độ tăng trưởng hai con số.

Ông Yuri Kovalev - Tổng giám đốc Hiệp hội chăn nuôi của Nga cho biết: Nhu cầu tăng từ thịt gia cầm đến thịt lợn, chủ yếu do thu nhập của người dân tăng (bao gồm cả những người có thu nhập thấp) và thực tế là giá thịt lợn tăng ít hơn so với các thực phẩm khác. Và mức độ chênh lệch giữa giá thịt gia cầm và thịt lợn giảm sẽ tạo ra một luồng nhu cầu bổ sung đối với thịt lợn. Ngoài ra, do nguồn cung hạn chế và giá thịt gà cao, các nhà sản xuất thịt đang chuyển sang sử dụng thịt lợn.

Theo Bộ Nông nghiệp Nga, năm 2023, xuất khẩu thịt của Nga tăng 3,8%, xuất khẩu xúc xích tăng 4,4%. Mặc dù sản lượng thịt ở Nga năm 2023 tăng nhưng rất khó đáp ứng nhu cầu, đạt 11,433 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Sản lượng gia súc, gia cầm giết mổ năm 2023 (tính theo trọng lượng sống) so với năm 1990 tăng 5,6%, chủ yếu là do thịt lợn tăng thêm 4,9%. Các dự án đầu tư khởi công cách đây vài năm vẫn tiếp tục hoạt động. Sản lượng thịt bò cũng tăng 1,8%. Nhưng đối với gia cầm, sản lượng giảm nhẹ 0,1% (hoặc giảm 6,1 nghìn tấn). Ngoài ra, theo Hiệp hội chăn nuôi Nga (NSP), xuất khẩu gia cầm trong 11 tháng năm 2023 tăng 7% (hơn 22 nghìn tấn).

Tổng Giám đốc NSP Sergei Lakhtyukhov cho biết, không giống như thịt lợn, trong 5 năm qua không có dự án mới nào trong chăn nuôi gia cầm mà chỉ xây dựng lại các doanh nghiệp hiện có. Năm 2023, một số địa điểm ở khu vực biên giới bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mặc dù sản lượng thịt gà của Nga giảm xuống mức tối thiểu vào cuối năm 2023, nhưng thị trường vẫn có đủ nguồn cung gà công nghiệp do được hỗ trợ bởi lượng nhập khẩu, trong 11 tháng năm 2024 đã tăng 29%, lên 206,3 nghìn tấn.

Ngay cả gà tây, vốn có sản lượng tăng 25% trong nhiều năm, nhưng năm 2022 chỉ tăng 4% và năm 2023 tăng 1% do chi phí tăng cao. Vì thịt gà tây đã đắt gấp đôi thịt gà thường nên có nguy cơ chuyển sang loại thịt rẻ hơn. Theo một nghiên cứu của Cơ quan Chứng nhận Quốc gia, một số nhà sản xuất gà tây đã bắt đầu chuyển đổi cơ sở của họ để sản xuất thịt gà thường.

Theo dự báo của Emeat, sản lượng thịt năm 2024 của Nga sẽ tăng 2-3%, lên tới 11,6-12 triệu tấn, chủ yếu là sản lượng thịt lợn tăng. Theo Hiệp hội chăn nuôi của Nga, năm 2024 có thể sản xuất thêm từ 6% đến 7% thịt lợn (từ 300.000 đến 500.000 tấn lợn hơi). Sản lượng thịt bò tăng từ 2-4%, sản lượng thịt gà sẽ giảm 1-2%.

Theo ước tính của Rosselkhozbank, năm nay tiêu thụ thịt sẽ đạt kỷ lục 83 kg/người/năm, tức là sẽ tăng khoảng 3%.

Theo Trung tâm Xuất khẩu Nông sản Liên bang của Bộ Nông nghiệp Nga, năm 2023, Nga xuất khẩu thịt tăng gần 22% so với năm 2022, đạt 743,5 nghìn tấn. Năm 2024, người chăn nuôi lợn hy vọng sẽ tăng xuất khẩu, đặc biệt do việc mở cửa thị trường Trung Quốc được chờ đợi từ lâu. Kế hoạch tối thiểu là xuất khẩu 20.000 đến 30.000 tấn thịt lợn sang Trung Quốc năm 2024. Sau đó, Nga có thể tăng gần gấp đôi xuất khẩu thịt lợn, từ 255 nghìn tấn (năm 2023) lên 500 nghìn tấn và chiếm một vị trí trong số 5 nước xuất khẩu thịt lợn chính trên thế giới.

 

Giá thịt lợn tại Vương quốc Anh tăng trở lại

Tại thị trường Anh, giá thịt lợn SPP theo tiêu chuẩn EU trong tuần kết thúc vào ngày 17/2/2024 đã tăng trở lại 0,07 xu/kg lên mức 211,22 xu/kg, do giá tại EU tăng và nguồn cung tại thị Anh  khan hiếm.

Giá thịt lợn tiêu chuẩn SPP vẫn giảm 2,6 xu/kg trong sáu tuần đầu năm 2024 và giảm 14,4 xu/kg so với mức cao nhất đầu tháng 8/2023 là 225,64 xu/kg, và giảm hơn 4 xu/kg so với cùng kỳ năm 2023.

Giá thịt lợn cao cấp APP tiếp tục giảm kể từ đầu tháng 12/2023, giảm thêm 1,48 xu/kg xuống 211,35 xu/kg trong tuần kết thúc vào ngày 10/2/2024.

Giá thịt lợn tại thị trường EU trong tháng 2/2024 tăng ở tất cả các nước thành viên. Giá thịt lợn tăng hơn 2 xu/kg lên mức 173,56 xu/kg trong tuần kết thúc vào ngày 11/2/2024, tăng gần 37 xu/kg so với giá tại Vương quốc Anh.

Áp lực tăng giá lợn tại Anh do nguồn cung khan hiếm. Ước tính lượng lợn giết mổ trong tuần kết thúc vào ngày 17/2/2024 ở mức 155.832 con, tăng nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn giảm 6.600 con so với cùng kỳ năm 2023 và giảm hơn 20.000 so với cùng kỳ năm 2022.

Trọng lượng lợn vẫn ở mức cao, mặc dù trọng lượng trung bình đối với lợn SPP đã giảm nhẹ xuống 90,32 kg/con trong tuần kết thúc vào ngày 18/2/2024, tăng 1,3 kg/con so với cùng kỳ năm 2023. 

 

Tiêu thụ thịt lợn tại Trung Quốc giảm

Dịp Tết Nguyên đán lẽ ra là thời điểm tiêu thụ thịt lợn mạnh nhất trong năm, tuy nhiên tiêu thụ vẫn chậm chạp phản ánh tình trạng bất ổn sâu sắc đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trung Quốc đã phải vật lộn để đạt được sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID, với niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp yếu kém, nợ chính phủ ngày càng gia tăng và tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến việc làm, hoạt động và đầu tư.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ giảm xuống 4,6%, từ mức 5,2% trong năm 2023 và tiếp tục giảm trong trung hạn.

Ông Ma Wenfeng, chuyên gia cấp cao tại Công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh, cho biết: “Việc giảm tiêu thụ thịt là một triệu chứng của suy thoái kinh tế”.

Công ty tư vấn nông nghiệp JCI tại Thượng Hải dự đoán mức tiêu thụ thịt lợn năm 2023 của Trung Quốc khoảng 53 - 54 triệu tấn, thấp hơn mức trung bình 10 năm là từ 54 - 55 triệu tấn. Nhà phân tích Rosa Wang của JCI cho biết mức tiêu thụ thịt lợn năm 2024 có thể sẽ duy trì ở mức khoảng 54 triệu tấn hoặc thấp hơn.

Gro Intelligence dự đoán tăng trưởng tiêu thụ thịt của Trung Quốc sẽ chậm lại trong năm 2024 sau khi tăng 3,6% trong năm 2023. Kết quả là khối lượng nhập khẩu thịt của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực giảm.

Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính mức tiêu thụ thịt lợn và thịt gà của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ giảm 2,5% so với năm 2023, trong khi mức tiêu thụ thịt bò và thịt bê được dự đoán sẽ tăng 1,6%.

Nhu cầu yếu đã khiến nông dân và thương nhân chịu áp lực sau khi mở rộng chăn nuôi trong những năm gần đây dẫn đến dư thừa thịt lợn và gia cầm, khiến Chính phủ Trung Quốc cuối năm 2023 phải mua hàng chục nghìn tấn thịt lợn để dự trữ nhằm nâng giá thịt lợn.

Lợi nhuận giảm đã buộc một số công ty kinh doanh ở Xinfadi phải đóng cửa.

Về lâu dài, dân số Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp trong năm 2023 đã làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu giảm từ quốc gia nhập khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và những tác động đó đối với ngành nông nghiệp toàn cầu.

Theo số liệu hải quan Trung Quốc, tổng lượng thịt nhập khẩu đã giảm từ mức đỉnh 9,91 triệu tấn vào năm 2020 xuống còn 7,38 triệu tấn vào năm 2023 trong bối cảnh sản lượng trong nước tăng cao.

Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và dân số già cũng đồng nghĩa với việc nhiều thực khách quan tâm đến sức khỏe đang chuyển từ thịt sang các món ăn thay thế như đậu phụ.

 

Giá đường thô toàn cầu được dự kiến tăng 20% trong năm 2024

Cuộc khảo sát của 12 thương nhân và nhà phân tích của Reuters cho thấy, giá đường thô SBc1 được dự kiến sẽ tăng gần 20% vào năm 2024, khi thị trường đường toàn cầu chuyển sang trạng thái thâm hụt trong niên vụ tới.

Theo dự báo trung bình của cuộc khảo sát, kết thúc năm 2024, giá đường thô chốt ở 24,5 US cent/lb, tăng 19% so với cùng thời điểm năm 2023; giá đường trắng ở mức 700 USD/tấn, tăng 17% so với cùng thời điểm năm 2023.

Sản lượng đường tại khu vực sản xuất hàng đầu Trung Nam Brazil được dự kiến vẫn tăng, mặc dù sản lượng mía giảm nhẹ do các nhà máy ưu tiên sản xuất chất làm ngọt hơn nhiên liệu sinh học ethanol.

Tuy vậy, sản lượng đường tại Ấn Độ - nhà sản xuất lớn thứ hai - lại được dự kiến sẽ sụt giảm. Theo dự báo, Ấn Độ sẽ sản xuất được 31,6 triệu tấn đường trong niên vụ 2023/24 (tháng 10 – tháng 9), giảm xuống còn 29 triệu tấn đường trong niên vụ 2024/25 sắp tới. Czarnikow cho biết nếu không có tăng trưởng ở Ấn Độ sẽ dẫn đến sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2024/25 có thể sụt giảm.

Theo ước tính trung bình của cuộc khảo sát, dư thừa đường toàn cầu 500.000 tấn trong niên vụ 2023/24 hiện tại (tháng 10 – tháng 9) sẽ chuyển sang thâm hụt 700.000 tấn khi sang niên vụ 2024/25.

Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cho biết, sản lượng đường tại khu vực Trung Nam của nhà sản xuất hàng đầu Brazil ước đạt 42,1 triệu tấn trong niên vụ 2024/25 (tháng 4 – tháng 3) sắp tới.

Theo ISO, sản lượng mía của Brazil có thể tăng nhẹ trong mùa tới, bất chấp vụ mía ở Trung Nam được dự báo chỉ ở mức 620 triệu tấn trong niên vụ 2024/25 tới, giảm so với ước tính 645 triệu tấn trong niên vụ này.

Với cơ cấu sản xuất 51,5% trong vụ tới để sản xuất chất tạo ngọt, các nhà máy Brazil đã sử dụng nhiều mía hơn để sản xuất đường thay vì nhiên liệu ethanol sinh học.

Nhà phân tích Green Pool cho rằng, vụ mùa 2024/25 của Brazil dường như khó có thể đạt được sản lượng tốt vào khoảng cuối tháng 12, đầu tháng 1. Dự trữ toàn cầu vẫn khan hiếm trong khi cần có nguồn thặng dư đáng kể để lấp chỗ trống.

 

Giá gạo Philippine tăng mạnh

Giá gạo tại Philippines bước sang đầu năm mới vẫn tiếp tục xu hướng tăng bất chấp dự trữ tăng.

Giá bán buôn gạo xát vừa trong tháng 1/2024 ở mức 46,60 peso/kg, tăng 1,7% so với 45,83 peso/kg của tháng 12. So với cùng kỳ năm trước, giá cao hơn 32,7%, với mức giá trung bình vào tháng 1/2023 chỉ là 35,11peso mỗi kg.

Tương tự, giá bán buôn gạo xát kỹ tăng 1,5% lên 49,96 P/kg và cao hơn 28,6% so với mức 38,28 P/kg vào tháng 1 năm 2023.

Gạo đặc biệt cũng có xu hướng tương tự, với giá bán buôn trung bình là 55,11 peso/kg vào tháng 1 năm 2024, đánh dấu mức tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ.

PSA cho biết dự trữ gạo của nước này đã tăng 6,9% tính đến ngày 1/1/2024, đạt 2,03 triệu tấn, cao hơn 9,6% so với cùng kỳ năm trước, khi dự trữ đạt 1,85 triệu tấn.

Gần một nửa số gạo dự trữ nằm ở các hộ gia đình hoặc trong kho của nông dân, với lượng dự trữ của các gia đình đạt tổng cộng 1 triệu tấn và dự trữ thương mại do các thương nhân và nhà nhập khẩu nắm giữ ở mức 978.000 tấn.

Ngược lại, dự trữ của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) chỉ là 48.680 tấn, đủ cho nhu cầu của nước này trong vòng 2 ngày.

Dự trữ gạo của NFA tháng 1/2024 đã giảm 14,8% so với tháng trước và giảm 57,6% so với năm trước.

Dữ liệu của PSA cho thấy dự trữ của các hộ gia đình tăng 1,4% so với tháng trước, mặc dù giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, dự trữ gạo thương phẩm tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 14,8% so với tháng 12/2023.

Bộ trưởng Nông nghiệp Francisco Tiu Laurel Jr. vào tháng 12 đã thúc giục các thương nhân và nhà nhập khẩu để đẩy nhanh việc nhập khẩu gạo, dọa sẽ thu hồi giấy phép nhập khẩu trong thời hạn 30 ngày.

 

Thương nhân Indonesia lo ngại khi giá gạo tăng hơn 20%

Giá gạo tại Indonesia đã tăng lên mức cao kỷ lục và thị trường này đang bày tỏ sự quan ngại về vấn đề này trong bối cảnh đà tăng giá dự báo sẽ còn tiếp diễn. Indonesia đang xem xét nhập khẩu 2 triệu tấn gạo từ Thái Lan trong bối cảnh giá mặt hàng lương thực thiết yếu này liên tục tăng.

Giá trung bình gạo ngon tại Indonesia hôm 23/2/2024 là 18.000 rupiah (1,15 USD)/kg, vượt qua giá trần của Chính phủ và cao hơn 20% so với mức 14.000 rupiah cùng kỳ năm ngoái.

Reynaldi Sarijowan, Tổng thư ký Hiệp hội các Thương nhân Thị trường truyền thống Indonesia (Indonesian Traditional Market Traders Association (Ikappi) cho biết nguyên nhân giá tăng mạnh là do vụ thu hoạch bị trì hoãn và nguồn cung suy giảm, với lượng gạo trong kho của các cơ sở xay xát hiện không còn nhiều, nhất là gạo chất lượng cao. Bên cạnh đó, sản lượng năm ngoái bị hạn chế cũng gây mất cân đối cung cầu. Ikappi đang thúc giục các nhà máy địa phương giải phóng lượng gạo dự trữ, đặc biệt là gạo chất lượng cao, bởi càng trì hoãn lâu thì giá sẽ càng tăng cao.

Ông Reynaldi nói rằng để đáp ứng nhu cầu cao trước tháng ăn chay (Ramadan) vào tháng 3, kho hàng của chính phủ, kho hàng của các công ty địa phương và các cơ sở xay xát nên nhanh chóng giải phóng nguồn cung cho các thị trường truyền thống. Theo ông, Lực lượng đặc nhiệm lương thực của Trụ sở Cảnh sát Quốc gia Indonesia cần giám sát lượng hàng tồn kho này để đảm bảo gạo được giải phóng kịp thời từ các kho dự trữ và không bị trì hoãn quá lâu.

Ông Reynaldi nói thêm rằng: “Bulog (Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia) cũng cần đảm bảo phân phối suôn sẻ gạo chất lượng trung bình tới các thị trường bán lẻ và truyền thống”. Đồng thời, “Sản lượng năm nay cần phải tăng lên. Ngoài ra, nên mở rộng phân bổ trợ cấp và ngân sách trợ cấp phân bón trên quy mô rộng hơn để thúc đẩy sản xuất”, ông Reynaldi Sarijowan hôm thứ Sáu kêu gọi.

Chính phủ Indonesia đang tăng cường dự trữ gạo quốc gia (CBP) để ngăn chặn lạm phát do giá gạo leo thang. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ đang thực hiện chương trình bình ổn nguồn cung và giá cả (SPHP), nhằm cung ứng đủ gạo cho thị trường với giá cả hợp lý. Ngoài ra, hỗ trợ tiếp tục phân phối gạo hỗ trợ những người dân có thu nhập thấp.

 

Nga dự định tăng gấp đôi sản lượng lúa gạo trong 3 năm tới

Bộ Nông nghiệp Nga dự định tăng sản lượng gạo lên 2 triệu tấn trong 3 năm tới và tiếp tục xuất khẩu.

Phát biểu tại một diễn đàn vào đầu tháng 2, Thứ trưởng thứ nhất Bộ trưởng Nông nghiệp Nga, Oksana Lut, nói rằng: "Mục tiêu là đạt 2 triệu tấn gạo trong vòng 3 năm tới. Chúng ta cần thành tựu trong vụ mùa này. Tôi mong muốn có được giống giống tốt".

Bà nói: “Việc này phải được thực hiện trong ba năm, nếu không chúng ta sẽ bỏ lỡ nhu cầu của thị trường châu Á vì họ không có đủ gạo”. Bà nói: “Bây giờ chúng ta không xuất khẩu gạo vì không đủ gạo. Chúng ta không mong muốn điều này”.

Dữ liệu của Rosstat cho thấy sản lượng gạo năm 2023 của Nga đã tăng lên 1,066 triệu tấn từ mức 920.100 tấn vào năm 2022.

Nga đã cấm xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm 2024.

Nga bắt đầu hạn chế xuất khẩu gạo vào ngày 1 tháng 7 năm 2022 sau vụ tai nạn tại đập chứa nước Fedorovsky ở Lãnh thổ Krasnodar (khu vực sản xuất gạo chính của Nga), xảy ra vào tháng 4 và khiến sản lượng gạo thu hoạch trong nước giảm xuống còn 797.600 tấn từ 1,076 triệu tấn vào năm 2021. Lệnh cấm nhằm mục đích ưu tiên cung cấp lương thực cho thị trường trong nước. Sau đó, công việc sửa chữa được tiến hành tại nhà máy nước. Quy đinihj hạn chế xuất khẩu có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, sau đó kéo dài đến ngày 30 tháng 6 năm 2023, kéo dài lại đến ngày 31 tháng 12 năm 2023 và một lần nữa từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 30 tháng 6 năm 2024.

Hiện nay nhiều vùng trồng lúa gạo của Nga tuyên bố đã đảm bảo sản lượng cho thị trường trong nước và lên kế hoạch tăng thu hoạch trong thời gian tới đây. Trước đó mỗi năm Nga xuất khẩu khoảng 180.000-240.000 tấn gạo.

 TT TT CN & TM

Tin liên quan

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, gạo cùng tăng(02/05/2024 10:43 SA)

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa và gạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng(02/05/2024 10:33 SA)

Thị trường nông sản tuần qua: Lúa và gạo đều tăng giá(04/04/2024 9:06 SA)

Tóm tắt thông tin thị trường thịt thế giới tuần đến 1/3/2024(08/03/2024 10:31 SA)

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa đã tăng nhẹ trở lại(08/03/2024 10:28 SA)

Tin mới nhất

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, gạo cùng tăng(02/05/2024 10:43 SA)

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa và gạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng(02/05/2024 10:33 SA)

Thị trường nông sản tuần qua: Lúa và gạo đều tăng giá(04/04/2024 9:06 SA)

Tóm tắt thông tin thị trường thịt thế giới tuần đến 1/3/2024(08/03/2024 10:31 SA)

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa đã tăng nhẹ trở lại(08/03/2024 10:28 SA)