Sáng ngày 22/6/2020, đồng chí Phạm Văn Hậu -Phó Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tham dự Lễ Khánh thành dự án Nhà máy điện mặt trời
Phước Ninh.
Sáng ngày 22/6/2020, đồng chí Phạm Văn Hậu -Phó Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tham dự Lễ Khánh thành dự án Nhà máy điện mặt trời
Phước Ninh.
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 là chính sách đầu tiên tạo cơ hội phát triển mới cho Ninh Thuận biến những bất lợi về khí hậu thành lợi thế phát triển. Cơ hội trở thành hiện thực khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Đồng thời, với sự quan tâm đặc biệt trước những khó khăn của Ninh Thuận khi Quốc hội có chủ trương dừng triển khai dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018-2023; trong đó chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Với vị trí đặc biệt của mình, Ninh Thuận được đánh giá là địa phương có tiềm năng, lợi thế nhất cả nước về phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); với lượng bức xạ từ 1.780-2.015 kWh/m2/năm; sự chênh lệch bức xạ giữa các mùa trong năm không nhiều; tổng số giờ nắng trong năm đạt 2.500-3.100 giờ/năm, cao nhất cả nước, là điều kiện rất thuận lợi để phát triển hiệu quả dự án mặt trời; đồng thời Ninh Thuận có tốc độ gió lớn nhất cả nước với tốc độ từ 6,4 - 9,6 m/giây (trung bình 7,5m/s- lớn hơn trung bình cả nước), lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió, đảm bảo ổn định cho tuabin gió phát điện.
Ngoài ra, với lợi thế cảng biển nước sâu, Chính phủ đã đồng ý phát triển Trung tâm điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 với công suất 1.500 MW và định hướng phát triển nâng lên 6.000 MW; dự án thủy điện tích năng Bác Ái 1.200 MW; dự án hạ tầng truyền tải với 17 công trình trạm và các đường dây đấu nối 500kV, 220 kV và 110 kV để giải tỏa công suất các dự án nguồn. Với tiềm năng lợi thế đó, Ninh Thuận hội tụ đầy đủ những lợi thế để hình thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo đúng định hướng của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, phù hợp theo tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tính đến thời điểm hiện nay, Thủ tướng Chính phủ/Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất khoảng 2.417 MW điện mặt trời, trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp Quyết định đầu tư cho 34 dự án, với tổng công suất 2.343MW, tổng vốn đầu tư hơn 62.000 tỷ đồng. Đến nay, có 22 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất khoảng 1.375 MW, dự kiến đến cuối năm 2020 tiếp tục có 9 dự án đưa vào vận hành, với tổng công suất 748 MW. Qua đó nâng tổng số dự án đưa vào vận hành thương mại đến cuối năm 2020 là 32 dự án, (đạt 100% các dự án hoàn thành theo đúng tiên độ đặt ra trong năm 2020) với tổng công suất 2.123 MW, tổng sản lượng điện ước đạt khoảng 2.557 triệu kWh.
Việc phát triển các dự án điện mặt trời trong thời gian quan đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bứt phá, hiệu quả, đặc biệt trong 03 năm cuối nhiệm kỳ 2016-2020, thu ngân sách của Tỉnh vượt trước ba năm chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt ra, tạo động lực để phát triển thị trường bất động sản, công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ của tỉnh, khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất hoang hóa, khô cằn, góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ quản lý, vận hành nhà máy năng lượng kết hợp phục vụ hoạt động sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân
Dự án nhà máy điện mặt trời Phước Ninh của Công ty CP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận, có quy mô công suất 45 MWp, đầu tư trên địa bàn xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam. Dự án chính thức khởi công xây dựng vào tháng 3/2020.
Với sự quyết tâm, nỗ lực, cố gắng của tập thể công nhân viên Công ty cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các Sở, ban, ngành, địa phương và sự ủng hộ của người dân trong vùng dự án, sau hơn 100 ngày thi công, nhà máy điện mặt trời Phước Ninh đã chính thức hoàn thành và hòa vào lưới điện quốc gia vào ngày 10/6/2020. Dự án đi vào hoạt động góp phần cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch, có tính ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất, góp phần thực hiện hóa chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Khánh thành, đồng chí Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm đầu tư của Chủ đầu tư; đề nghị các Sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và phát triển; đề nghị Chủ đầu tư tiếp tục ưu tiên tuyển dụng lao động của địa phương; tích cực chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương./.
Đức Nam