Cảnh báo rủi ro đối với xuất khẩu kính nổi sang thị trường Hoa Kỳ

Phạm vi sản phẩm bị đề nghị điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp là các sản phẩm kính nổi là các sản phẩm làm từ thủy tinh soda-vôi-silica được sản xuất bằng cách làm nổi một dải thủy tinh nóng chảy liên tục trên một bồn thiếc mịn (hoặc một kim loại lỏng khác có mật độ lớn hơn kính nóng chảy), làm nguội kính trong lò ủ và cắt thành các kích thước phù hợp. Theo đơn yêu cầu điều tra, các sản phẩm kính nổi thuộc phạm vi đề nghị điều tra có độ dày danh nghĩa ít nhất là 2,0 mm và diện tích bề mặt danh nghĩa ít nhất là 0,37 m2.

Cảnh báo rủi ro đối với xuất khẩu kính nổi sang thị trường Hoa Kỳ

Phạm vi sản phẩm bị đề nghị điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp là các sản phẩm kính nổi là các sản phẩm làm từ thủy tinh soda-vôi-silica được sản xuất bằng cách làm nổi một dải thủy tinh nóng chảy liên tục trên một bồn thiếc mịn (hoặc một kim loại lỏng khác có mật độ lớn hơn kính nóng chảy), làm nguội kính trong lò ủ và cắt thành các kích thước phù hợp. Theo đơn yêu cầu điều tra, các sản phẩm kính nổi thuộc phạm vi đề nghị điều tra có độ dày danh nghĩa ít nhất là 2,0 mm và diện tích bề mặt danh nghĩa ít nhất là 0,37 m2.

Quốc gia xuất xứ của mỗi sản phẩm kính nổi được xác định theo địa điểm nơi kính được sản xuất ban đầu bằng cách làm nổi một dải thủy tinh nóng chảy liên tục trên một bồn thiếc mịn và làm mát kính trong lò ủ, bất kể địa điểm thực hiện các hoạt động hoàn thiện hoặc chế tác thêm. Trước khi được xử lý, hoàn thiện hoặc chế tác thêm, các sản phẩm kính nổi đáp ứng các yêu cầu của Loại I theo tiêu chuẩn ASTM-C1036 của Hiệp hội Thử nghiệm và Vật liệu Hoa Kỳ.

Các sản phẩm kính nổi có thể trong suốt, nhuộm màu, pha màu hoặc phủ một hoặc nhiều vật liệu để thay đổi tính chất cách nhiệt, độ dẫn điện, giảm tiếng ồn, độ bền, màu sắc và/hoặc khả năng truyền ánh sáng. Ví dụ về các sản phẩm kính nổi phủ bao gồm kính xây dựng có độ phát xạ thấp (“Low-E”) và gương không khung (tức là kính phẳng có lớp bạc, nhôm hoặc lớp phản quang khác) như tấm ốp gương.

Các sản phẩm kính nổi có thể được ủ, gia cường hóa học, gia cường nhiệt hoặc tôi để đạt được độ nén bề mặt mong muốn, theo tiêu chuẩn ASTM-C1048, ASTM-C1422/C1422M hoặc các thông số kỹ thuật tương tự khác.

Các sản phẩm kính nổi có thể được gia công thêm, bao gồm nhưng không giới hạn ở các hoạt động hoàn thiện như phun cát, khắc, uốn cong, uốn cong, vát cạnh, khía, khoan, đục, dập nổi và khắc.

Các sản phẩm kính nổi có thể chưa lắp ráp hoặc đã lắp ráp. Các ví dụ về các sản phẩm kính nổi đã lắp ráp bao gồm: (1) gương có một hoặc nhiều điốt phát sáng (“LED”) tích hợp với gương, cũng như gương có khung có một hoặc nhiều đèn LED tích hợp với gương hoặc khung gương; và (2) các sản phẩm bao gồm hai hoặc nhiều tấm kính được liên kết với nhau bằng lớp xen kẽ polyme (tức là kính nhiều lớp), cũng như các đơn vị kính cách nhiệt (“IGU”), bao gồm hai hoặc nhiều tấm kính được ngăn cách bằng vật liệu giãn cách và được bịt kín hoàn toàn với nhau ở mép để tạo ra rào cản nhiệt bằng không khí hoặc một hoặc nhiều loại khí.

Phạm vi của sản phẩm bị đề nghị điều tra bao gồm, nhưng không giới hạn ở, các sản phẩm thủy tinh đáp ứng một hoặc nhiều thông số kỹ thuật, định nghĩa và/hoặc tiêu chuẩn ASTM-C162, ASTM-C1036, ASTM-C1048, ASTM-C1172, ASTM-C1349, ASTM-C1376, ASTM-C1422/C1422M, ASTM-C1464, ASTM-C1503, ASTM-C1651, ASTM-E1300 và ASTM-E2190.

Các sản phẩm không nằm trong phạm vi đề nghị điều tra là: (1) kính có dây; (2) kính phẳng có hoa văn đáp ứng các yêu cầu của Loại II theo tiêu chuẩn ASTM-C1036, bao gồm kính nhà kính và kính năng lượng mặt trời có hoa văn; (3) vật liệu kính an toàn cho xe được chứng nhận theo Tiêu chuẩn Z26.1 của Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ (“ANSI”); (4) các đơn vị kính cách nhiệt chân không (“VIG”), bao gồm hai hoặc nhiều tấm kính được ngăn cách bằng vật liệu đệm, với ít nhất một ngăn kín sử dụng chân không không khí làm rào cản nhiệt; (5) gương có khung không có đèn LED tích hợp với gương hoặc khung gương; (6) gương “treo cửa” không có khung, có thể sử dụng ngay khi nhập khẩu mà không trải qua bất kỳ quá trình gia công, hoàn thiện hoặc chế tạo nào sau khi nhập khẩu; và (7) kính phẳng được gia cường hoặc tôi được thiết kế đặc biệt để sử dụng trong các thiết bị gia dụng, bao gồm kệ tủ lạnh, nắp cửa máy giặt, cửa lò vi sóng và cửa lò nướng.

Ngoài ra, những loại kính sau cũng bị loại khỏi phạm vi đề nghị điều tra: (1) kính soda-vôi-silica chứa ít hơn 0,01 phần trăm oxit sắt theo trọng lượng, được ủ với độ nén bề mặt nhỏ hơn 3.500 pound trên inch vuông (“PSI”), có lớp phủ gốc oxit dẫn điện trong suốt (ví dụ, oxit thiếc) và có độ dày danh nghĩa nhỏ hơn hoặc bằng 4,0 mm ((tức là “kính của pin năng lượng mặt trời có tráng phủ”); và (2) kính soda-vôi-silica đã qua xử lý nhiệt với độ nén bề mặt từ 3.500 đến 10.000 PSI, chứa hai hoặc nhiều lỗ khoan và có độ dày danh nghĩa nhỏ hơn 2,5 mm (0,098 inch) (tức là “kính của pin năng lượng mặt trời có mặt sau trong suốt”).

Các sản phẩm bị yêu cầu điều tra hiện được phân loại theo các mã 7005.10.8000, 7005.21.1010, 7005.21.1030, 7005.21.2000, 7005.29.1810, 7005.29.1850, 7005.29.2500, 7007.29.0000, 7008.00.0000, 7009.91.5010, 7009.91.5095 và 7009.92.5010 của Biểu thuế quan xuất khẩu, nhập khẩu của Hoa Kỳ (HTSUS). Các sản phẩm thuộc diện kiến nghị cũng có thể được phân loại theo các mã 7006.00.4010, 7006.00.4050 và 7007.19.0000. Các mã số hàng hóa được cung cấp chỉ phục vụ mục đích tham khảo và đối chiếu, mô tả chi tiết phạm vi sản phẩm bị đề nghị điều tra mới là yếu tố quyết định.

Căn cứ theo đơn đề nghị điều tra, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đang bán phá giá với biên độ từ 91,05% đến 165,11%, các doanh nghiệp Ma-lai-xi-a đang bán phá giá với biên độ từ 141,87% đến 344,43%.

Đơn đề nghị điều tra cũng cáo buộc các doanh nghiệp Trung Quốc và Ma-lai-xi-a nhận được những khoản trợ cấp đáng kể, mặc dù trong đơn không xác định cụ thể mức trợ cấp.

Dự kiến, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ ra quyết định về việc điều tra vào ngày 11 tháng 12 năm 2024. Thuế chống trợ cấp tạm thời đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc và Ma-lai-xi-a có thể được áp dụng từ cuối tháng 4 năm 2025. Thuế chống bán phá giá tạm thời đối với các doanh nghiệp có thể được áp dụng từ cuối tháng 6 năm 2025. Thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức có thể được áp dụng chậm nhất là từ cuối tháng 12 năm 2025.

Các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu kính nổi và các sản phẩm liên quan đến kính nổi phù hợp mô tả như trên sang Hoa Kỳ cần theo dõi sát diễn biến của vụ việc. Trong trường hợp doanh nghiệp có lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ với khối lượng lớn hoặc có tốc độ gia tăng nhanh, doanh nghiệp cần lưu ý rủi ro bị Hoa Kỳ tiếp tục tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm của Việt Nam. Các doanh nghiệp sử dụng kính nổi nhập khẩu từ Trung Quốc và Ma-lai-xi-a làm nguyên liệu sản xuất cần lưu ý rủi ro bị Hoa Kỳ tiến hành điều tra lẩn tránh trong trường hợp có hoạt động xuất khẩu sang thị trường này.

Các doanh nghiệp sản xuất kính nổi các sản phẩm liên quan đến kính nổi có thể liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại (Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài) để được hướng dẫn, tư vấn thêm trong việc đánh giá rủi ro phòng vệ thương mại nếu có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. 

 

Chỉ số FTA Index- công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua rào cản thương mại

Từ năm 2022, trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99⁄NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Đề án Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index).

Theo thông tin từ Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), bộ chỉ số FTA Index được xây dựng dựa trên nguồn thông tin dữ liệu thống kê và thông tin khảo sát doanh nghiệp hàng năm, thông qua các hoạt động: Khảo sát và thu thập dữ liệu sơ cấp doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước, doanh nghiệp tại khu vực kinh tế Nhà nước tại địa phương; thu thập dữ liệu thứ cấp từ các nguồn thông tin đáng tin cậy từ trong và ngoài nước; phân tích, xây dựng và kiểm định mô hình tính toán bộ chỉ số; đánh giá và đưa ra giải pháp thúc đẩy việc thực thi các FTA tại từng địa phương thông qua bộ chỉ số của địa phương đó; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, xử lý dữ liệu, đặc biệt trực tuyến.

Những mục tiêu trọng tâm của FTA Index

Việc xây dựng bộ chỉ số FTA Index có ý nghĩa rất quan trọng, đây là bộ công cụ đo lường được mức độ tận dụng FTA của doanh nghiệp, cũng như mức độ hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp trong tận dụng các FTA, cụ thể là:

Với người dân và doanh nghiệp, FTA Index phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA đem lại tới các địa phương, đặc biệt đánh giá đến những đối tượng thụ hưởng trực tiếp là doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Với các nhà đầu tư, FTA Index là thông tin bổ sung tin cậy giúp các nhà đầu tư định hướng và đưa ra quyết định đầu tư, từ đó giúp khuyến khích các dòng đầu tư chất lượng cao tận dụng cơ hội từ các FTA.

Với Chính phủ và Quốc hội, FTA Index là cơ sở thông tin quan trọng để tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác thực thi FTA tại các địa phương.

Với các cơ quan trung ương, FTA Index giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, vai trò của các cơ quan trung ương trong việc hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, thách thức từ các FTA.

Với các cơ quan địa phương, FTA Index giúp đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương so với chương trình hành động do Chính phủ ban hành cũng như các chương trình hành động mà chính các địa phương xây dựng nhằm thực thi các FTA từ đó tìm ra những ưu điểm cũng như hạn chế trong việc thực hiện các FTA này. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển tại địa phương.

Qua các phân tích trên, thấy rõ chỉ số đo lường của FTA Index không chỉ là cơ sở để doanh nghiệp, địa phương tự “soi mình”, đánh giá về kết quả của quá trình thực hiện, tận dụng FTA mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tối đa từ khâu sản xuất đến khi bán hàng, xuất khẩu, góp phần duy trì được chuỗi giá trị đối với hoạt động của doanh nghiệp.

 

Xuất khẩu gạo: Lo ngại gặp khó tại thị trường trọng điểm

Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15 tháng 11, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt hơn 8 triệu tấn, thu về gần 5,05 tỷ USD, tăng 9,16% so với cùng kỳ về lượng nhưng tăng đến 21,49% về kim ngạch xuất khẩu.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên trong lịch sử kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này vượt 5 tỷ USD nhờ giá gạo xuất khẩu đạt mức cao ngay từ đầu năm, giá bình quân 626 USD/tấn, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về thị trường xuất khẩu, Philippines hiện là nước nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2024, chiếm 46,93% trong tổng lượng và chiếm 46,05% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Xuất khẩu sang thị trường này đã đạt gần 3,64 triệu tấn, tương đương gần 2,24 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 38,38% về lượng, tăng 59,14% về kim ngạch và tăng 15% về giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Vị trí thứ 2 thuộc về Indonesia với gần 1,09 triệu tấn, tương đương 655,21 triệu USD; chiếm 14,02% trong tổng lượng và chiếm 13,48% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Malaysia đứng thứ 3 với 674.735 tấn, tương đương 399,88 triệu USD, chiếm 8,7% trong tổng lượng và chiếm 8,22% trong tổng kim ngạch.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo thế giới đang tăng trở lại trong tuần qua và gạo Việt Nam vẫn duy trì mức cao nhất thế giới. Cụ thể, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức 520 USD/tấn, trong khi đó, gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan là 493 USD/tấn, gạo Pakistan là 455 USD/tấn và Ấn Độ là 453 USD/tấn.

Tuy nhiên, mới đây, chia sẻ với báo chí, ông Zulkifli Hasan - Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Lương thực Indonesia - lại cho biết, quốc gia này có thể không nhập khẩu gạo vào năm 2025 (theo trang Reuters).

Số liệu từ Cục Thống kê Indonesia cho biết, sản lượng gạo của nước này ước tính giảm 2,43% trong năm nay xuống 30,34 triệu tấn do thời tiết khô hạn trong năm 2023 khiến việc trồng trọt và thu hoạch chậm lại.

Lượng gạo nhập khẩu của Indonesia đã tăng vọt trong 2 năm qua, đạt hơn 3 triệu tấn/năm. Và năm nay nước này đặt mục tiêu nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo. Song song với đó, Indonesia cũng có kế hoạch mở rộng từ 750.000 đến 1 triệu ha đất trồng lúa vào năm 2025 nhằm đạt mục tiêu tự chủ lương thực mà Tổng thống Prabowo Subianto đề ra.

Qua đó, ông Zulkifli Hasan nhận định, năm sau nếu cần nhập khẩu thì có thể Indonesia sẽ chỉ một lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào nguồn cung. Đồng thời, số lượng gạo phân bổ của năm nay chưa thực hiện xong sẽ được chuyển vào năm sau. Là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, việc Indonesia có thể không nhập khẩu gạo vào năm 2025 được cho là tin xấu với gạo Việt Nam.

 

Xuất khẩu các SP chính ngạch sang châu Âu và những lưu ý đối với doanh nghiệp

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ Euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực như: điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi FTA này có hiệu lực.

EU nằm trong Top 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Tại Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu với chuyên đề Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu diễn ra tại Hà Nội chiều 18/11, ông Đinh Sỹ Minh Lăng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết: Thống kê từ số liệu Hải quan Việt Nam, sau 4 năm EVFTA có hiệu lực (từ 8/2020), Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12-15%.

Xuất khẩu sang EU tăng mạnh nhờ "cao tốc" EVFTA

EU nằm trong Top 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Hiện nay, Hà Lan là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu. Cùng với Hà Lan, các nước Đức, Italia, Bỉ, Pháp… đều là những thị trường xuất khẩu tiềm năng. Các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu mạnh vào EU gồm máy móc và thiết bị điện, giày dép, thiết bị, lò phản ứng, thiết bị cơ khí, hàng may mặc và phụ kiện, sắt thép, cà phê, trà, gia vị…

Riêng tháng 7/2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 16,8%; nhập khẩu tăng khoảng 10 %. EU nằm trong Top 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tín hiệu đáng mừng là người tiêu dùng châu Âu ngày càng cởi mở, ưa chuộng hàng châu Á chất lượng. Việc thực thi Hiệp định EVFTA là cơ hội gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa cùng loại của các nước trong khu vực châu Á đặc biệt về giá tại thị trường quan trọng này.

Xuất khẩu chính ngạch giúp doanh nghiệp ít gặp rủi ro hơn

Tại Hội thảo, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ lưu ý các doanh nghiệp nên chú trọng tuân thủ các nguyên tắc để tập trung xuất khẩu sản phẩm chính ngạch. Điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp.

Lý giải điều này, Đại diện đến từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, xuất khẩu không chính ngạch thủ tục đơn giản, nhanh gọn; chi phí thấp hơn, không phải chịu nhiều loại thuế, phí nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất lợi như: chất lượng hàng hóa khó kiểm soát, chất lượng không đồng đều, ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam; rủi ro cao hơn, dễ xảy ra tranh chấp, vi phạm pháp luật; hàng hóa chủ yếu tập trung vào các thị trường nhỏ lẻ, biên giới; không được hỗ trợ; khó đảm bảo tính bền vững, dễ bị cạnh tranh không lành mạnh.

Trong khi đó, mặc dù cần thủ tục phức tạp, nhiều giấy tờ hơn; chi phí cao hơn do phải chịu các loại thuế, phí nhưng xuất khẩu chính ngạch lại giúp chất lượng hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng; nâng cao uy tín của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam…

Như vậy, nếu xuất khẩu chính ngạch, doanh nghiệp sẽ có rủi ro thấp hơn, pháp lý rõ ràng; hàng hóa tiếp cận được nhiều thị trường lớn, đặc biệt là các thị trường khó tính; nhận được nhiều hỗ trợ từ nhà nước về chính sách, vốn; góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Do vậy, muốn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường châu Âu, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường để xác định thị trường mục tiêu, các tiêu chuẩn, quy định của thị trường, đánh giá năng lực hiện tại và lập kế hoạch. Ngoài ra, cần chọn tiêu chuẩn phù hợp với sản phẩm và thị trường mục tiêu (ISO 9001, HACCP,...). Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn đã chọn, đào tạo nhân viên; đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm ổn định, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Cùng đó, cải tiến công nghệ, nâng cao kỹ năng nhân viên, kiểm soát chất lượng chặt chẽ; sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu…

Doanh nghiệp cần thận trọng khi tham gia vào thương trường quốc tế

Phát biểu tại Hội thảo, ông Neil Nguyễn - Tổng giám đốc Công ty tư vấn Xuất nhập khẩu Việt Nam - châu Âu thông tin, doanh nghiệp Việt thường gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào thương trường quốc tế do cách tiếp cận khách hàng không hiệu quả, thường mất liên lạc với khách hàng sau khi gửi mẫu và báo giá; không đạt được kết quả mong muốn trong và sau khi tham dự hội chợ thương mại quốc tế. Vì vậy, ông Neil Nguyễn cho rằng, tham gia xuất khẩu trực tiếp sẽ đảm bảo 100% khách hàng thật, giao thương thật.

Đồng tình với ý kiến rằng doanh nghiệp Việt thường gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào thương trường quốc tế, ông Nguyễn Thành Hưng, chuyên gia tư vấn cao cấp của Chính phủ, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế Văn phòng Chính phủ cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm, đánh giá, kiểm tra, xác minh thông tin nhận được từ bên môi giới thông qua các nguồn thông tin chính thống như thông qua Hiệp hội ngành nghề, cơ quan đại diện ngoại giao/lãnh sự củaViệt Nam tại nước sở tại của bên mua. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong quá trình trao đổi, đàm phán để không mất đi vai trò trọng yếu của mình và bên còn lại trong giao dịch mua bán hàng hoá, tránh trường hợp phụ thuộc hoàn toàn vào bên môi giới.

Hơn nữa, trong bất kỳ giao dịch mua bán hàng hóa, để ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các bên thì hợp đồng mua bán phải được thiết kế với những điều khoản chặt chẽ tương ứng. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí vận tải, doanh nghiệp thường lựa chọn phương thức vận tải đường biển thông qua các hãng tàu có chức năng vận chuyển. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa cần có kiến thức nhất định về lĩnh vực vận tải, đặc biệt là quy định về giới hạn trách nhiệm của bên vận chuyển để lường trước rủi ro phát sinh cũng như chuẩn bị sẵn phương án xử lý.

 

Công văn 2437/TS-KTTS: tổ chức thực hiện cấp giấy SC, giấy CC

Ngày 25/11/2024, Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã có Công văn 2437/TS-KTTS về việc tổ chức thực hiện cấp giấy SC, giấy CC.

Cục Thủy sản đề nghị Chi cục Thủy sản, Tổ chức quản lý cảng các tỉnh, thành phố ven biển nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau:

1. Tổ chức thực hiện cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản (giấy SC), giấy chứng nhận thủy sản khai thác (giấy CC) đúng theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể:

- Về thành phần hồ sơ: đảm báo đúng, đủ thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 2, Điều 10 Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT đối với cấp giấy SC và khoản 2, Điều 11 Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT đối với cấp giấy CC; không yêu cầu tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ phải nộp thêm các thành phần hồ sơ không có trong quy định hiện hành;

- Về tính pháp lý, chính xác hồ sơ gửi kèm: Tính pháp lý, chính xác của giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (giấy SC) gửi kèm trong thành phần hồ sơ xin cấp giấy CC do đơn vị cấp, ban hành giấy (SC) chịu trách nhiệm trước pháp luật; không yêu doanh nghiệp phải giải trình tính pháp lý, chính xác của giấy tờ này; - Về nội dung thẩm định: Thực hiện thẩm định nội dung khi cấp CC theo đúng quy định tại khoản 4, Điều 11 Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT;

2. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc liên hệ Cục Thủy sản để được hướng dẫn kịp thời.

 

Nghị định 153/2024/NĐ-CP: quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Ngày 21/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 153/2024/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Theo đó, Nghị định 153/2024/NĐ-CP quy định về:

1. Đối tượng chịu phí và người nộp phí;

2. Tổ chức thu phí;

3. Phương pháp tính phí, mức thu phí, kê khai, thẩm định tờ khai và nộp phí, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Điều 3 Nghị định 153/2024/NĐ-CP quy định đối tượng chịu phí và người nộp phí như sau:

- Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại Nghị định 153/2024/NĐ-CP là bụi, khí thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường trong đó có nội dung cấp phép về xả khí thải (gọi chung là cơ sở xả khí thải).

Cơ sở xả khí thải theo quy định tại Nghị định 153/2024/NĐ-CP bao gồm cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp.

Người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải theo quy định tại Nghị định này là các cơ sở xả khí thải theo quy định trên.

Nghị định này có hiệu lực từ 05/01/2025.

 TT TT CN & TM