Ngành cá ngừ hộp gặp khó vì một số quy định bất cập tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP

Những tổn thất do Covid-19 gây ra cho các DN chế biến và XK cá ngừ của Việt Nam chưa kịp phục hồi. Cuộc xung đột Nga-Ukraine leo thang, sự gián đoạn của thị trường năng lượng và lương thực do chiến sự gây ra và mới đây nhất là cuộc khủng hoảng toàn diện tại Dải Gaza liên quan tới xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine lại tiếp tục khiến cho các DN gặp nhiều khó khăn hơn. Nhìn chung, những bất ổn về kinh tế và chính trị trên thế giới đang khiến cho các DN gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, khó lại chồng khó khi DN và ngư dân phải thực hiện một số quy định bất cập tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP.

Ngành cá ngừ hộp gặp khó vì một số quy định bất cập tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP

Những tổn thất do Covid-19 gây ra cho các DN chế biến và XK cá ngừ của Việt Nam chưa kịp phục hồi. Cuộc xung đột Nga-Ukraine leo thang, sự gián đoạn của thị trường năng lượng và lương thực do chiến sự gây ra và mới đây nhất là cuộc khủng hoảng toàn diện tại Dải Gaza liên quan tới xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine lại tiếp tục khiến cho các DN gặp nhiều khó khăn hơn. Nhìn chung, những bất ổn về kinh tế và chính trị trên thế giới đang khiến cho các DN gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, khó lại chồng khó khi DN và ngư dân phải thực hiện một số quy định bất cập tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP.

Theo quy định, kể từ ngày 19/5/2024, cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 500 mm. Nếu dưới kích cỡ này thì các doanh nghiệp sẽ không được thu mua để chế biến xuất khẩu. Quy định này là nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, tránh khai thác cá ngừ ở kích thước nhỏ. Tuy nhiên, lâu nay số lượng cá ngừ vằn kích cỡ 500 mm trở lên thường chỉ chiếm từ 10 - 20% mẻ lưới.

Với quy định này, để thực hiện quy định ngư dân phải thay đổi kích thước mắt lưới. Tuy nhiên theo phản ảnh của các ngư dân, việc thay đổi ngư cụ không đơn giản, tăng thêm chi phí, hơn thế nữa cũng không giải quyết được việc sàng lọc cá đánh bắt theo cỡ. Hơn thế nữa, ngư dân đánh bắt cá về thì không bán được dẫn đến thua lỗ tàu phải nằm bờ. Không đánh bắt được cá, ngư dân mất sinh kế, đời sống bị ảnh hưởng,….

Bên cạnh đó, cá ngừ vằn là nguyên liệu chủ lực để chế biến, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, đạt gần 255 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Bước sang năm 2024, XK cá ngừ đóng hộp của Việt Nam vẫn tiếp đà phục hồi với mức tăng 24%. Nhu cầu thị trường đang dần phục hồi, đây là cơ hội cho các DN gia tăng XK. Bên cạnh đó, những lợi thế về mặt ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do đang giúp cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn về giá tại các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Hiện tại trên thế giới, các nước sản xuất đồ hộp như Thái Lan, Philippines, Ecuador… thường sản xuất cá ngừ vằn đóng hộp bằng cá ngừ vằn với kích cỡ khoảng 1,8 – 3,4kg, cá ngừ dưới 1kg cũng được sử dụng nhiều để sản xuất cá ngừ đóng hộp. Các nước trên thế giới hay ngay cả Liên minh châu Âu cũng không có quy định kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn.

Việc Việt Nam đưa ra quy định về kích cỡ cá ngừ vằn sẽ khiến cho nguồn cung nguyên liệu trong nước khan hiến, DN không có đủ nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu và thay vào đó phải tăng cường nhập khẩu nguyên liệu từ các nước. Với nguồn nguyên liệu NK, những lợi thế về ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận trong các hiệp định thương mại tự do sẽ không còn, DN đứng trước nguy cơ bị mất thị trường.

 

Xu hướng tiêu dùng của Đan mạch: Hướng tới sự bền vững và sức khỏe

Đan Mạch, quốc gia nổi tiếng với nền kinh tế phát triển và chất lượng cuộc sống cao, đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng. Người dân Đan Mạch ngày càng thể hiện sự chú trọng vào các yếu tố như bền vững, sức khỏe, và công nghệ, đồng thời duy trì sự quan tâm đối với các sản phẩm và dịch vụ có nguồn gốc địa phương.

Một trong những xu hướng nổi bật nhất là sự chuyển đổi sang tiêu dùng bền vững. Người tiêu dùng Đan Mạch đang ngày càng ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ thực phẩm hữu cơ đến hàng hóa sản xuất bền vững. Sự gia tăng ý thức về biến đổi khí hậu đã thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm tái chế và bao bì tiết kiệm, yêu cầu các công ty và thương hiệu phải điều chỉnh chiến lược sản phẩm của mình để đáp ứng mong đợi này.

Cùng với sự quan tâm ngày càng lớn đến bảo vệ môi trường, sức khỏe cũng đang trở thành ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Nhu cầu về thực phẩm lành mạnh, sản phẩm không chứa đường và thực phẩm chức năng đang gia tăng. Xu hướng chế độ ăn uống dựa vào thực vật (plant-based) và các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng không chỉ phản ánh sự chú trọng đến sức khỏe cá nhân mà còn thể hiện mối quan tâm về sự bền vững trong chế độ ăn uống.

Thương mại điện tử và công nghệ số cũng đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thói quen mua sắm của người dân Đan Mạch. Mua sắm trực tuyến đã trở thành xu hướng phổ biến nhờ vào sự tiện lợi và khả năng so sánh giá cả. Sự bùng nổ của các nền tảng mua sắm trực tuyến và ứng dụng di động đã thay đổi cách người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ. Mua sắm qua mạng xã hội và các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến, mang lại trải nghiệm mua sắm mới mẻ và thuận tiện.

Dù toàn cầu hóa đang gia tăng, sự quan tâm đến sản phẩm địa phương và thương hiệu trong nước vẫn rất mạnh mẽ. Người tiêu dùng Đan Mạch ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và hỗ trợ nền kinh tế địa phương. Các chợ nông sản địa phương và sản phẩm thủ công chất lượng cao ngày càng được ưa chuộng, phản ánh tinh thần địa phương mạnh mẽ.

Trong khi đó, người tiêu dùng Đan Mạch cũng mong đợi một trải nghiệm mua sắm tốt hơn, với sự chú trọng vào dịch vụ khách hàng và cá nhân hóa. Các doanh nghiệp đang đầu tư vào công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng, từ việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa quảng cáo đến việc cải thiện quy trình giao hàng.

Một xu hướng đáng chú ý khác là sự gia tăng của kinh tế chia sẻ. Các dịch vụ cho thuê xe đạp, ô tô và chỗ ở đang trở nên phổ biến hơn. Kinh tế chia sẻ không chỉ giúp giảm thiểu chi phí mà còn hỗ trợ lối sống bền vững và giảm lượng tài nguyên tiêu thụ.

Bên cạnh đó, sự quan tâm đến tiện ích và tính linh hoạt trong tiêu dùng cũng đang gia tăng. Người tiêu dùng Đan Mạch đang tìm kiếm các giải pháp giúp tiết kiệm thời gian và công sức, như các dịch vụ giao hàng nhanh và các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân.

Nhìn chung, xu hướng tiêu dùng tại Đan Mạch phản ánh một sự chuyển mình mạnh mẽ hướng tới sự bền vững, sức khỏe và tiện ích. Người tiêu dùng Đan Mạch ngày càng trở nên thông thái và có ý thức hơn về tác động của các lựa chọn tiêu dùng đến môi trường và xã hội, tạo ra một môi trường tiêu dùng hiện đại và có trách nhiệm.

 

Giá gạo mới của Nhật Bản tăng từ 30-50% giữa khủng hoảng thiếu hụt

Gạo thu hoạch trong năm tài chính 2024 (gạo mới) đã có mặt trên các kệ hàng siêu thị và nhiều nơi khác tại Nhật Bản trong tháng này, giúp xoa dịu tình trạng thiếu hụt tại các cửa hàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn bị ảnh hưởng vì giá gạo mới cao hơn từ 30-50% so với giá gạo được thu hoạch trong năm tài chính 2023.

Ngày 6/9, hơn 50 bao gạo khối lượng 5 kg mới thu hoạch ở các tỉnh Ibaraki và Chiba đã được chuyển đến siêu thị Super Sanyo ở Quận Adachi (Tokyo) với giá hơn 3.000 yen/bao, đắt hơn khoảng 1,5 lần so với năm ngoái.

Giám đốc điều hành của một công ty điều hành siêu thị cho biết: "Tình trạng thiếu hụt đã được giải quyết khi gạo mới xuất hiện, nhưng chúng tôi không thể không tăng giá bán vì giá bán buôn cao". Ông lo lắng: "Giá gạo cao, chúng tôi có thể mất khách hàng".

Tokyo, Osaka và các thành phố tiêu dùng lớn khác ở Nhật Bản đã trải qua tình trạng thiếu hụt gạo trong tháng 8 do không thu hoạch đủ trong năm 2023, và việc người tiêu dùng tích trữ gạo để ứng phó với cảnh báo về nguy cơ siêu động đất rãnh Nankai.

Việc bán gạo mới thu hoạch đã bắt đầu từ tháng 9, nhưng với giá cao do mất cân bằng cung cầu. Nhà nghiên cứu chính tại Viện nghiên cứu Nhật Bản là Yasufumi Miwa, đồng thời là chuyên gia về phân phối gạo, cho biết giá tăng là không thể tránh khỏi khi chi phí sản xuất lúa gạo tăng, chẳng hạn như phân bón và nhiên liệu.

Ông dự đoán: “Vào cuối tháng này, khi lúa mới thu hoạch đã được phân phối đầy đủ, tình trạng thiếu hụt sẽ được giải quyết và mức giá cao bất thường này sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, giá có khả năng sẽ vẫn ở mức cao hơn khoảng 10% so với năm ngoái”.

Năm tài chính 2024 của Nhật Bản bắt đầu từ ngày 1/4/2024 và kết thúc ngày 31/3/2025.

 

Ấn Độ gia hạn lệnh cấm xuất khẩu đường nhằm thúc đẩy nguồn cung trong nước

Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ đường lớn nhất thế giới. Theo các nguồn tin chính phủ, nước này đang phải đối mặt với nguy cơ sản lượng mía sụt giảm, do đó New Delhi có kế hoạch gia hạn lệnh cấm xuất khẩu đường trong năm thứ hai liên tiếp.

Ấn Độ còn là nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Việc Ấn Độ vắng mặt trên thị trường thế giới sẽ khiến nguồn cung đường toàn cầu thêm thắt chặt, đẩy giá đường kỳ hạn tại New York và London tăng.

Sau khi đáp ứng nhu cầu đường trong nước, ưu tiên tiếp theo của Ấn Độ là pha trộn ethanol và họ cần nhiều mía hơn nữa để đáp ứng được các mục tiêu. Với mục đích hạn chế lượng khi thải carbon, nước này đặt mục tiêu tăng tỉ lệ ethanol trong xăng lên 20% vào năm 2025-2026, từ mức 13 – 14% như hiện nay.

 

 

Theo các nguồn tin, chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc tăng giá mua ethanol thêm 5% cho mùa vụ mới bắt đầu vào tháng 11 tới. Kế hoạch gia hạn lệnh cấm xuất khẩu đường và tăng giá ethanol trong nước có khả năng sẽ được công bố vào cuối tháng 9 này.

Sản lượng đường của Ấn Độ trong vụ 2024/25 tới có khả năng chỉ đạt 32 triệu tấn, giảm so với mức 34 triệu tấn trong vụ hiện tại, do ảnh hưởng của thời tiết xấu tại các bang Maharashtra và Karnataka.

Sản lượng đường của Brazil được dự kiến sụt giảm do hạn hán tại quốc gia Nam Mỹ này. Vì vậy, thế giới sẽ cần đường từ Ấn Độ trong năm 2025 tới. Nếu không có hàng xuất khẩu của Ấn Độ, giá cả toàn cầu sẽ còn tăng hơn nữa.

TT TT CN & TM