200 đại biểu dự hội thảo năng lượng xanh tại Ninh Thuận

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu từ Bộ Công Thương, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận; đại diện nhiều sở, ngành, cơ quan, đơn vị đến từ các tỉnh, thành phố có thế mạnh về năng lượng tái tạo. Ngoài ra còn có các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng; các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

200 đại biểu dự hội thảo năng lượng xanh tại Ninh Thuận

Các đại biểu tham dự Hội thảo. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết Ninh Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng lợi thế về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện khí,..

Theo các quy hoạch được lập, ở Ninh Thuận điện gió trên đất liền tiềm năng phát triển đến năm 2030 hơn 1.429MW; điện gió ven biển tiềm năng khoảng 4.380MW; điện gió ngoài khơi tiềm năng phát triển 21.000MW; điện mặt trời tiềm năng phát triển khoảng 8.448MW; điện khí LNG tiềm năng phát triển 6.000 MW, đến năm 2030 phát triển 1.500MW; thủy điện tích năng tiềm năng phát triển 7.000MW, đến năm 2030 phát triển 2.400MW;...

200 đại biểu dự hội thảo năng lượng xanh tại Ninh Thuận

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận phát biểu. Ảnh: Đức Thảo

Ông Phạm Văn Hậu chia sẻ, các nghị quyết được tỉnh ban hành đều thể hiện mục tiêu khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, tập trung phát triển đồng bộ sản xuất điện, hạ tầng truyền tải điện, phụ tải điện và các ngành phụ trợ,...; đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực để xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh;…

“Ninh Thuận rất mong muốn hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng xanh”, ông Phạm Văn Hậu nói, hiện nay việc phát triển sản xuất hydrogen tập trung vào các công nghệ bảo đảm không phát thải hoặc phát thải carbon thấp, hydrogen được sản xuất từ các công nghệ này được coi là hydrogen sạch - công nghệ đột phá nhằm đạt được các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

“Ninh Thuận được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng và cơ hội rất lớn từ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời không phát thải carbon để sản xuất hydrogen xanh lá, đây được xem là giải pháp công nghệ bền vững nhưng cần thời gian dài và nguồn vốn lớn để phát triển thị trường”, ông Phạm Văn Hậu thông tin và mong muốn, qua hội thảo sẽ có thêm luận cứ và cơ sở khoa học cho định hướng phát triển hệ sinh thái năng lượng Hydrogen gắn liền với đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

 

 

Nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Trungnam Group

Tại Hội thảo, các đại biểu được phổ biến những quan điểm và định hướng phát triển của Việt Nam về Năng lượng tái tạo và năng lượng Hydro xanh; cùng chia sẻ kinh nghiệm triển khai và tiêu chuẩn của quốc tế về dự án Hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa Carbon.

Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận cũng quảng bá tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước, qua đó thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa để phát triển ngành kinh tế trụ cột - Năng lượng và năng lượng tái tạo - trong cơ cấu các ngành kinh tế chính được xác định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 37 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 2.576 MW; 17 dự án điện gió với công suất trên 890 MW và 8 dự án thủy điện với công suất gần 132 MW.

QR Tài liệu Hộp thảo

 

VNEXPRESS.NET