Lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với Sở Công Thương Ninh Thuận

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Tấn Cảnh tổ chức buổi làm việc nghe báo cáo tình hình, kết quả hoạt động 06 tháng đầu năm và tình hình thực hiện các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của ngành Công Thương

 

Chiều ngày 26/7/2023, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Tấn Cảnh tổ chức buổi làm việc nghe báo cáo tình hình, kết quả hoạt động 06 tháng đầu năm và tình hình thực hiện các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của ngành Công Thương. Cùng tham dự có đại diện các Sở, ban, ngành: Nội Vụ, tài chính, Thông tin & Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Kế hoạch & ĐT, Kế hoạch & ĐT, Cục Quản lý thị trường, Ban QL các khu công nghiệp, Trung tâm phục vụ hành chính công.

Theo báo cáo Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm 2023 các chỉ tiêu ngành Công Thương đạt mức tăng trưởng khá cao, GRDP công nghiệp tăng 9,64% so cùng kỳ, xếp vị thứ 3 khu vực Duyên hải miền Trung, đóng góp  2,57% GRDP của tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 8,14% so cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ phát triển ổn định, đã tổ chức thực hiện Chương trình bình ổn giá trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; các hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường; Sàn thương mại điện tử (sanphamninhthuan.vn) vận hành có 62 cơ sở, doanh nghiệp tham gia với 257 sản phẩm (trong đó 123/134 sản phẩm OCOP). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 18.700,53 tỷ đồng, tăng 17,64% so cùng kỳ năm trước. Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và cụ thể giao tại Quyết định 30/QĐ-UBND đã tham mưu hoàn thành đúng hạn trong 6 tháng đầu năm; tập trung rà soát có trọng tâm trọng điểm nắm bắt tình hình hoạt động doanh nghiệp để tham mưu UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, ngành Công Thương đã tiến hành rà soát, cắt giảm bình quân 19% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính so với thời gian công bố của Bộ Công Thương; ngành Công Thương đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện Chỉ số thành phần (CSTP) “chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” năm 2022, kết quả tăng 0,45 điểm và tăng 13 bậc so với năm 2021, đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố thuộc nhóm 07/10 chỉ số thành phần tăng điểm và thứ hạng.

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành Công Thương vẫn còn một số khó khăn như: công nghiệp chế biến còn khó khăn, phục hồi chậm; xuất khẩu còn khó khăn về thị trường tiêu thụ, tăng trưởng âm so cùng kỳ. Tiến độ đầu tư các công trình điện 220 kV, 110 kV còn chậm, ảnh hưởng công tác truyền tải, đấu nối; chính sách giá điện khá thấp chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư, doanh nghiệp phải kiến nghị nên chậm thỏa thuận giá, ảnh hưởng đến tiến độ vận hành và đầu tư các dự án năng lượng.

Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo một số Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nội Vụ, Thông tin và Truyền thông đã có ý kiến về công tác phối hợp, triển khai thực hiện trên các lĩnh vực dự án đầu tư, cải cách hành chính; công tác sắp xếp bộ máy; thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số.

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Phan Tấn Cảnh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh  đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Công thương trong thời gian qua. Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 của tỉnh nói chung và ngành Công Thương nói riêng, Đồng chí yêu cầu ngành Công Thương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Tiếp tục bám sát và triển khai quyết liệt, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch năm 2023 theo Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, phấn đấu năm 2023 các chỉ tiêu ngành công thương đạt kết quả cao nhất.

2. Tiếp tục chỉ đạo điều hành, quyết liệt, linh hoạt và có trọng tâm, đột phá vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó: Đẩy mạnh công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; là 2 giải pháp chủ yếu của ngành cần tập trung quyết liệt, để tạo giá trị tăng trưởng cao nhất cho ngành trong 6 tháng cuối năm.

3. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đột phá, cụ thể theo Quyết định số 30/QĐ-UBND của UBND tỉnh giao, trong đó: Tham mưu trình phê duyệt hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1-1.500MW; Tham mưu Kế hoạch giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; Trình phê duyệt Quy hoạch Quy hoạch phân khu Trung tâm điện lực LNG Cà Ná, Kho xăng dầu và Mũi Sừng.

4. Tiếp tục theo dõi, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây điện 220kV, 110kV đang triển khai qua địa bàn tỉnh, sớm hoàn thành để giải tỏa công suất các dự án năng lượng. Đẩy nhanh tiến độ 148 MW dự án năng lượng đang triển khai. Tập trung hỗ trợ hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án thủy điện tích năng Phước Hòa, các dự án năng lượng đã có trong Quy hoạch điện VIII.

5. Tập trung phát triển hạ tầng cụm công nghiệp; hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư CCN Phước Minh 1 và Phước Minh 2; đẩy nhanh tiến độ đầu tư CCN Hiếu Thiện, Phước Tiến. Tổ chức tiếp nhận hạ tầng Cụm Công nghiệp Quảng Sơn, triển khai kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào Cụm công nghiệp.

6. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong hoạt động xúc tiến thương mại; phát huy hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử (sanphamninhthuan.vn); thực hiện tốt chương trình “đưa hàng Việt về nông thôn”, “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; xây dựng clip giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh; tiếp tục tận dụng các cơ chế, chính sách của Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu.

7. Đối với nhiệm vụ cải cách hành chính và thực hiện các chỉ số:

- Tiếp tục theo dõi Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc Bộ Công Thương quản lý; kịp thời rà soát tham mưu cắt giảm thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

- Chỉ số thành phần "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp" rất quan trọng, chiếm trọng số cao (20%), ảnh hưởng rất lớn đến điểm và xếp hạng PCI của tỉnh. Trong thời gian đến đề nghị Sở Công Thương khẩn trương, nghiêm túc rà soát, tham mưu các giải pháp cải thiện một cách ổn định, bền vững Chỉ số thành phần này.

- Tập trung phối hợp các Sở, ngành liên quan hỗ trợ có thực chất và hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, ngành hàng có lợi thế trong tổ chức và tham gia các sự kiện, hội thảo, hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại trên cả nước để quảng bá các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Ninh Thuận; tăng cường công tác khuyến công, xúc tiến thương mại để hỗ trợ, khuyến khích cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chế biến các mặt hàng nông, thủy sản để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường;…

8. Sở Công Thương tiếp thu ý kiến góp ý của các Sở, ngành liên quan để tổ chức triển khai đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả./.

 

                                                                                                            VĂN PHÒNG SỞ