Việt Nam là nguồn cung thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc

Hàn Quốc nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam trong tháng đầu năm đạt 14,2 nghìn tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam trở thành nguồn cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, chỉ sau Trung Quốc và Nga.

Việt Nam là nguồn cung thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc

Hàn Quốc nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam trong tháng đầu năm đạt 14,2 nghìn tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam trở thành nguồn cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, chỉ sau Trung Quốc và Nga.

Theo thống kê của Hải quan Hàn Quốc, trong tháng 1/2023, nước này đã nhập khẩu 136 nghìn tấn thủy sản, trị giá 563 triệu USD. Riêng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam trong tháng này đạt 14,2 nghìn tấn, tăng 17% so với 12 nghìn tấn cùng kỳ năm 2022. Việt Nam là nguồn cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Nga.

Theo phân tích của bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhập khẩu thủy sản tươi, sống, đông lạnh mã HS 03 của Hàn Quốc trong tháng 1/2023 đạt 125 nghìn tấn, chiếm 92% tổng khối lượng và giá trị đạt 497 triệu USD, chiếm 88%. Trong đó nhập khẩu từ Việt Nam 11,4 nghìn tấn, trị giá 51 triệu USD.

Nhập khẩu cá chế biến mã HS 1604 vào Hàn Quốc đạt 3 nghìn tấn, trị giá trên 19,6 triệu USD trong tháng 1/2023, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam gần 1 nghìn tấn, trị giá gần 6,2 triệu USD.

Nhập khẩu tôm và nhuyễn thể chế biến (HS 1605) của Hàn Quốc trong tháng 1/2023 đạt 7,8 nghìn tấn, trị giá 46,5 triệu USD, trong đó Việt Nam là nguồn cung cấp lớn nhất với gần 2 nghìn tấn, trị giá gần 14,6 triệu USD.

Được biết, năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu gần 1,6 triệu tấn thủy sản, trị giá gần 6,5 tỷ USD. Trong đó, thủy sản tươi, sống, đông lạnh, khô mã HS 03 gần 1,5 triệu tấn, trị giá 5,6 tỷ USD, chiếm 92% khối lượng và 87% giá trị. Nhập khẩu thủy sản chế biến mã HS 16 vào Hàn Quốc đạt 123 nghìn tấn, trị giá 821 triệu USD.

Năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu từ Việt Nam trên 162 nghìn tấn thủy sản, trong đó, thủy sản tươi, sống, đông lạnh khô 132 nghìn tấn, cá chế biến 8,5 nghìn tấn, tôm và nhuyễn thể chế biến 21 nghìn tấn. 

 

Tiềm năng hợp tác phát triển ngành thủy sản giữa Việt Nam-Ấn Độ

Ấn Độ hiện là 1 trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, tuy nhiên kim ngạch thương mại song phương vẫn còn thấp xa so với tiềm năng để hai bên cùng phát triển.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải đánh giá, thương mại là một trong năm trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ lần đầu tiên vượt 15 tỷ USD vào năm 2022, đưa Ấn Độ trở thành một trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương vẫn còn thấp xa so với tiềm năng và kỳ vọng và còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để hai bên cùng phát triển. Hiện Ấn Độ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Việt nam chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Ấn Độ.

Ông Bùi Trung Thướng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, lĩnh vực thủy sản có nhiều tiềm năng để hợp tác giữa hai nước. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2022 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 11 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu tôm và cá tra – cá basa đạt hơn 6,7 tỷ USD, chiếm 61% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, Việt Nam là nước nhập khẩu thủy, hải sản lớn thứ 4 của Ấn Độ với giá trị khoảng 440 triệu USD trong năm 2022. Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu Thủy sản lớn nhất của Ấn Độ với giá trị gần 2 tỷ USD, tiếp theo thị trường Trung Quốc 1,26 tỷ USD và Nhật Bản 444 triệu USD.

Theo ông Alex K Ninan, Chủ tịch khu vực phía Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ, Việt Nam đã đi trước và có công nghệ hiện đại trong chế biến sản phẩm thủy sản. Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư hoặc mở nhà máy chế biến thủy sản tại Ấn Độ.

 

Cá tra xuất khẩu sang Brazil giảm sâu nhưng được giá

Khối lượng cá tra xuất khẩu (XK) sang Brazil giảm ở mức tháp nhất kể từ tháng 5 năm 2022, tuy nhiên giá bán sang thị trường này lại giữ được ở mức cao.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 1/2023, khối lượng cá tra xuất khẩu sang Brazil đạt 1.194 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, giá trung bình XK cá tra Việt Nam sang Brazil trong tháng 1 đạt 3,06 USD/kg, tăng 3% so với 2,98 USD/kg cùng kỳ năm ngoái. So với cùng kỳ, khối lượng cá tra XK sang Brazil giảm 79%.

Tháng 1/2022, khối lượng cá tra Việt Nam XK sang Brazil cũng đạt mức kỷ lục hàng tháng, sau đó giảm dần xuống mức thấp nhất sau 2 năm vào tháng 5 với chỉ 1,1 nghìn tấn. XK hồi phục dần trong quý 3 nhưng bắt đầu giảm rõ rệt từ tháng 11 tới nay, tương tự xu hướng của nhiều thị trường khác trước tác động của lạm phát và suy giảm kinh tế.

Năm 2022, XK cá tra Việt Nam sang Brazil đạt trên 95 triệu USD, tăng 35% so với năm 2021, chủ yếu nhờ giá xuất khẩu trung bình tăng. Đỉnh điểm là tháng 7/2022, giá trung bình XK cá tra sang Brazil đạt mức kỷ lục 3,55 USD/kg, tăng 51% so với cùng thời điểm năm trước đó.

Tính đến giữa tháng 2/2023, XK cá tra Việt Nam sang Brazil đạt giá trị 10,5 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong xu hướng sụt giảm chung tới hầu hết các thị trường, Brazil vẫn giữ vị trí là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của cá tra Việt Nam, chiếm gần 7% tỷ trọng.

Năm 2022, tổng nhập khẩu thủy sản nuôi trồng của Brazil giảm 1% về lượng nhưng tăng 23% về giá trị so với năm 2021, đạt 130.259 tấn trị giá 897,8 triệu USD... Giá trị nhập khẩu tăng chủ yếu do giá nhập khẩu cá hồi và cá tra tăng so với năm trước.

Trong số các loài cá nuôi chính được quốc gia Mỹ Latinh này nhập khẩu vào năm 2022, cá hồi một lần nữa dẫn đầu danh sách với 100.330 tấn, tổng trị giá hơn 803 triệu USD và chiếm 91% tổng giá trị nhập khẩu. Khối lượng nhập khẩu cá hồi không đổi nhưng giá trị tăng 22%. Nhập khẩu cá tra vào Brazil cũng giữ nguyên về lượng nhưng tăng 45% về giá trị đạt 28.407 tấn, trị giá 90,9 triệu USD. TT TT CN & TM