Ấn Độ lần đầu tiên ban hành tiêu chuẩn chất lượng Gạo Basmati

Gạo Basmati là một loại gạo cao cấp được trồng ở chân đồi Himalaya thuộc tiểu lục địa Ấn Độ với kích thước hạt dài, mịn và mùi thơm hương vị độc đáo.

Ấn Độ lần đầu tiên ban hành tiêu chuẩn chất lượng Gạo Basmati

Ngày 12/1/2023 Cơ quan FSSAI - Ấn Độ đã lần đầu tiên ban hành các tiêu chuẩn quy định về chất lượng gạo Basmati.

Gạo Basmati là một loại gạo cao cấp được trồng ở chân đồi Himalaya thuộc tiểu lục địa Ấn Độ với kích thước hạt dài, mịn và mùi thơm hương vị độc đáo.

Điều kiện khí hậu của các khu vực trồng lúa Basmati, cũng như phương pháp thu hoạch, chế biến và ủ gạo góp phần tạo nên nét độc đáo của gạo Basmati. Do chất lượng độc đáo, gạo Basmati được tiêu thụ rộng rãi tại Ấn Độ và trên thế giới và Ấn Độ chiếm 2/3 trong tổng nguồn cung toàn cầu.

Gạo Basmati có chất lượng cao và giá cao hơn các loại gạo khác, nên gạo Basmati dễ bị pha trộn với nhiiều loại gạo khác để đạt được lợi ích kinh tế. Do đó, để đảm bảo cung cấp gạo Basmati chính hãng đạt tiêu chuẩn tại thị trường Ấn Độ và xuất khẩu, Ngày 12/1/2023 Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ - FSSAI đã ban hành các tiêu chuẩn quy định cho gạo Basmati được xây dựng thông qua tham vấn rộng rãi với các ban/cơ quan chính phủ có liên quan cũng như các bên liên quan khác.

FSSAI đã ban hành các tiêu chuẩn nhận dạng cho Gạo Basmati (bao gồm Gạo Basmati Nâu, Gạo Basmati Xay, Gạo Basmati Nâu Đồ và Gạo Basmati Đồ phụ gia), đây là Quy định lần đầu tiên trong năm 2023 được thông báo trên Công báo Ấn Độ.

Theo các tiêu chuẩn này, gạo Basmati phải có hương thơm tự nhiên đặc trưng của gạo basmati và không có phẩm màu nhân tạo, chất làm bóng và hương thơm nhân tạo. Các tiêu chuẩn này cũng quy định các thông số nhận dạng và chất lượng khác nhau đối với gạo basmati như kích thước trung bình của hạt và tỷ lệ của hạt gạo sau khi nấu; giới hạn tối đa về độ ẩm, hàm lượng amyloza, axit uric, hạt bị lỗi/hư hỏng và tỷ lệ ngẫu nhiên của các loại gạo khác...

Các tiêu chuẩn này nhằm mục đích đảm bảo chất lượng gạo Basmati và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, tại thị trường Ấn Độ và trên thế giới. Các tiêu chuẩn này có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/8/2023.

 

Tôm sú, tôm đỏ vẫn có triển vọng phát triển tại thị trường Mỹ

Trong một hội thảo tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu của Viện Thủy sản Quốc gia Hoa Kỳ (GSMC), các thành viên tham gia đã thảo luận về triển vọng thị trường đối với tôm sú (Penaeus monodon) và tôm đỏ Argentina (Pleoticus muelleri) ). Cả hai loài đang chiếm vị thế tương đối tại thị trường ngách ở Mỹ nhưng có tiềm năng được bán rộng rãi hơn nếu có thêm các nỗ lực tiếp thị và phát triển thị trường.

Hội thảo đã xem xét lại chặng đường phát triển về tốc độ sản xuất tôm sú trên toàn cầu kể từ 2002. Trước 2002, tôm sú là loài được sản xuất nhiều nhất trên toàn cầu. Robins McIntosh, Phó Chủ tịch của Charoen Pokphand Foods của Thái Lan, cho biết sự gia tăng của tôm chân trắng đơn giản là sự thành công của nông dân với chọn lọc di truyền.

Những chủng mới được đưa ra đầu tiên ở Thái Lan, sau đó là Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Philippines và Malaysia, sau đó số lượng tôm chân trắng gia tăng nhanh chóng. 

Khi sản lượng tăng vọt, giá tôm chân trắng giảm và các thị trường từng bán tôm sú nhanh chóng chuyển sang tôm chân trắng. Khi đó, tôm sú nuôi bản chất vẫn là loài nuôi tự nhiên, dễ bị dịch bệnh nên việc nuôi loài này gặp nhiều khó khăn. Những thách thức này về cơ bản đã được giải quyết nhờ các dòng tôm sú mới đã thành công ở Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Nhưng vì các ao nuôi tôm chân trắng có năng suất cao hơn nhiều nên hầu hết người nuôi đã tập trung vào loài này.

Tuy nhiên, khi người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã quen với tôm chân trắng, thị trường cho tôm sú bắt đầu biến mất. Hiện tại, chỉ có Việt Nam và Bangladesh là các nhà xuất khẩu tôm sú chính, các nước khác chủ yếu chỉ sản xuất cho tiêu dùng nội địa.

Tại Mỹ, mức giá cao hơn đáng kể so với tôm chân trắng (hiện tại khoảng 2,5 USD/ pound) là trở ngại chính cho việc tăng doanh số bán tôm sú.

Mức chênh lệch đó cần phải giảm xuống còn 1 USD. Theo Urner Barry, trong 6 tháng qua, giá tôm sú không ngừng giảm. Xu hướng này sẽ tiếp tục sẽ giúp tôm sú quay trở lại thị trường.

Tôm chân trắng tiếp tục phổ biến mặc dù chi phí sản xuất và giá xuất trại đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng tương đương nhau. Việc tiếp thị tôm sú như một loại "tôm thương phẩm" chứ không phải tôm cỡ nhỏ và nhấn mạnh tính độc đáo của nó là rất quan trọng.

Tuy nhiên, việc quay trở lại thị trường nên bắt đầu từ các nhà hàng sang trọng, thành viên tham gia hội thảo cho biết. Các đầu bếp sẽ giúp tôm sú tiến đến với người tiêu dùng, và sau đó mới đến các cửa hàng bán lẻ khi nhu cầu tự chế biến của người tiêu dùng tăng. 

Tôm đỏ phục hồi

Matt Fass, chủ tịch của Newport News, Virginia's Marine Products International cho biết ông thấy rất nhiều điểm tương đồng giữa tôm sú và tôm đỏ Argentina. Theo ý kiến của Fass, tôm Argentina đánh bắt tự nhiên là một trong những loài hải sản bị hiểu lầm nhiều nhất, một phần là do sự phức tạp của nghề đánh bắt tôm. Tôm đỏ cũng là loài có tiềm năng lớn.

Ông nói: “Chúng tôi đang xây dựng các thị trường mới, chúng tôi đang giới thiệu một số mặt hàng mới và tôm đỏ Argentina là một sản phẩm như thế, nhưng có rất nhiều điều mà hầu hết người mua chưa thực sự hiểu về nó”.

Tôm đỏ Argentina có hai mùa, một mùa gần bờ trong mùa hè và một mùa xa bờ trong mùa đông. Tôm đỏ có hai loại sản phẩm riêng biệt: không đầu, còn vỏ (HSLO) và có đầu, còn vỏ (HOSO). Các thành viên tham gia hội thảo đồng ý rằng tôm HLSO vẫn phổ biến hơn ở thị trường Mỹ. Fass cho biết nếu điều này thay đổi, mức độ phổ biến của tôm Argentina ở Mỹ có thể tăng lên đáng kể.

 

Dự báo tiêu thụ thịt lợn tại Nga sẽ tiếp tục tăng

Hiệp hội chăn nuôi lợn Nga (NSS) đã đưa ra các xu hướng chính và những thách thức của ngành chăn nuôi lợn đến năm 2025 và dự báo tiêu thụ thịt lợn sẽ tiếp tục tăng

Các chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng liên tục của sản xuất thịt lợn và sự bão hòa thị trường sẽ dẫn đến cạnh tranh gia tăng giữa các nhà sản xuất. Theo tính toán của Rosstat, năm 2022, sản lượng thịt lợn của Nga lên tới 5,76 triệu tấn, tăng 275,5 nghìn tấn so với năm 2021. Tiêu thụ nội địa tăng 242,2 nghìn tấn thịt xẻ và đạt 4,36 triệu tấn. Tuy nhiên, tiêu thụ các loại thịt đỏ giảm: thịt bò giảm 54,7 nghìn tấn so với năm 2021 và thịt cừu giảm 5,7 nghìn tấn.

Giá thịt lợn loại 1 và loại 2 tại Quận Trung tâm vào cuối năm 2022 là 117,5 rúp/kg, giảm 5,8% so với năm 2021. Trước đó, NSS đã cảnh báo về khả năng giảm giá ít nhất 10%. Mức giảm giá thực tế thấp hơn so với dự báo do tiêu dùng trong nước tăng đã hạn chế đà giảm. Tiêu thụ cũng tăng bởi sự hỗ trợ của chính phủ cho người nghèo và giảm chênh lệch giá giữa thịt lợn và gia cầm.

NSS hy vọng rằng do giá thịt lợn giảm và tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường, mức tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng 1-2% mỗi năm cho đến ít nhất là năm 2025 và sẽ đạt 32 kg/người/năm so với 30 kg hiện nay.

Sản lượng thịt lợn tăng dẫn đến bão hòa tại thị trường nội địa, nên Nga sẽ tiếp tục chuyển từ mô hình thay thế nhập khẩu sản phẩm lợn sang chiến lược xuất khẩu. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất thịt tại thị trường Nga sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới sang thị trường Đông Nam Á.

NSS nhận định: Năm 2020-2022, Nga đã lọt vào Top 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu thế giới. Mục tiêu lọt vào Top 5 thị trường xuất khẩu thịt lợn toàn cầu là thách thức chính của ngành chăn nuôi lợn Nga trong 10 năm tới.

Đồng thời, nối tiếp kết quả năm ngoái, Nga đã tăng nhập khẩu thịt lợn thêm 53% lên 17,98 nghìn tấn. Xuất khẩu thịt lợn (bao gồm lợn hơi, mỡ lợn, nội tạng và sản phẩm khác) giảm 10% xuống 173 nghìn tấn, chủ yếu do việc giảm xuất khẩu sang Việt Nam và Hồng Kông do chi phí vận chuyển tăng và giá thịt lợn tại Nga thấp hơn ở Đông Nam Á. Đồng thời, xuất khẩu thịt lợn từ Nga sang Kazakhstan và Belarus tăng.

Xuất khẩu sẽ là xu hướng chính của ngành thịt lợn Nga trong vài năm tới, có nghĩa là các nhà sản xuất sẽ phải nghiên cứu thị trường chủ đạo, đào tạo nhân sự và đầu tư vào năng lực cấp đông và bảo quản.

Việc hợp tác của các nhà sản xuất thịt lợn là cần thiết để mở rộng quy mô chăn nuôi lớn và cần loại dần những nhà sản xuất nhỏ. Nếu đến cuối năm 2022, tỷ trọng của 20 nhà sản xuất thịt lợn hàng đầu chiếm 76% trong tổng sản lượng thịt lợn cả nước, thì đến năm 2025 sẽ đạt 83%. TT TT CN & TM