Nhập khẩu dầu hướng dương của Ấn Độ tăng kỷ lục

Nhập khẩu dầu hướng dương trong tháng 1 của Ấn Độ sẽ tăng lên mức kỷ lục 473.000 tấn, gần gấp ba lần nhập khẩu trung bình hàng tháng do các nhà xuất khẩu hàng đầu Nga và Ukraine tìm cách giảm kho dự trữ.

Nhập khẩu dầu hướng dương của Ấn Độ tăng kỷ lục

Nhập khẩu dầu hướng dương trong tháng 1 của Ấn Độ sẽ tăng lên mức kỷ lục 473.000 tấn, gần gấp ba lần nhập khẩu trung bình hàng tháng do các nhà xuất khẩu hàng đầu Nga và Ukraine tìm cách giảm kho dự trữ.

Nhập khẩu kỷ lục của Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới, do chiết khấu của dầu hướng dương tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng. Sự gia tăng nhập khẩu sẽ giúp các nước sản xuất chủ chốt ở Biển Đen giảm lượng dự trữ, nhưng có thể làm giảm nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ và gây áp lực lên giá dầu cọ của Malaysia. 

Trong tuần cuối cùng của tháng 11 và đầu tháng 12, mức chiết khấu của dầu hướng dương so với dầu đậu nành đã tăng lên khoảng 100 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2022, khi Nga và Ukraine cố gắng vận chuyển nhiều hơn sau khi thỏa thuận cung cấp các chuyến hàng vận chuyển qua Biển Đen được gia hạn.

Sandeep Bajoria, chủ tịch Hiệp hội Dầu hướng dương Quốc tế, cho biết thỏa thuận này cho phép các nhà xuất khẩu di chuyển các kho dự trữ bị kẹt và ký các hợp đồng mới. Biển Đen chiếm 60% sản lượng dầu hướng dương và 76% xuất khẩu. Nhập khẩu dầu hướng dương hàng tháng của Ấn Độ đạt trung bình khoảng 161.000 tấn trong năm kinh doanh 2021/22 kết thúc vào ngày 31/10/2022. 

Một nhà nhập khẩu dầu thực vật hàng đầu của Ấn Độ cho biết, quyết định của Ấn Độ cho phép nhập khẩu dầu hướng dương miễn thuế cho đến tháng 3 năm 2024 cũng khiến hoạt động nhập khẩu của Ấn Độ đối với mặt hàng này tăng lên. 

 

Các nhà sản xuất thức ăn thủy sản lớn cảnh báo ngừng mua cá nguyên liệu không bền vững

Ba công ty sản xuất thức ăn thủy sản hàng đầu thế giới Skretting, Cargill và BioMar Group cam kết ngừng mua nguyên liệu nếu các quốc gia ven biển "không đặt tính bền vững lên hàng đầu".

Cá tuyết xanh (blue whiting) đã bị tước chứng nhận của Hội đồng quản lý biển (MSC) vào năm 2020 do đánh bắt quá mức nhiều so với lời khuyên khoa học. Điều này đã gây ra hiệu ứng domino và mất chứng nhận MarinTrust - chứng nhận xác thực tính bền vững của các thành phần biển, bao gồm cả cá tuyết xanh.

Bất chấp lời cảnh báo này, các quốc gia ven biển vẫn tiếp tục đánh bắt quá mức. Cụ thể là 30% vào năm 2021 và 47% vào năm 2022.

Những người nuôi cá ở Na Uy sẽ không mua bột cá từ cá tuyết xanh vì nó không được quản lý tốt trong toàn ngành đánh bắt cá. Cargill, Skretting và BioMar muốn các quốc gia ven biển thực hiện các bước hợp tác để thống nhất về chia sẻ hạn ngạch tuân theo các khuyến nghị khoa học và cam kết thực hiện các kế hoạch quản lý nghề cá dài hạn.

 

Xuất khẩu thủy sản giảm sâu trong tháng đầu năm

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm sâu, khiến kim ngạch xuất khẩu (XK) của ngành thủy sản giảm hơn 30% trong tháng đầu năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 1/2023, XK thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối của năm trước, cùng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ước trong tháng đầu năm, XK thủy sản giảm 31% đạt khoảng 600 triệu USD.

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng XK của thủy sản Việt Nam giảm rất sâu, như: Cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%... Riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%.

Theo phân tích của VASEP, từ quý 4/2022, xu hướng XK thủy sản đã đảo chiều sang tăng trưởng âm hơn 9% và giảm sâu ở tất cả các ngành hàng do tác động của lạm phát ở các thị trường.

Sang tháng 1/2023, XK thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. XK sang các thị trường chính trong tháng 1/2023 đều giảm mạnh, trong đó Mỹ giảm 56%, Trung Quốc – Hồng Kông giảm 55%, EU giảm 35%...

Bức tranh XK thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, đối với các thị trường tiêu thụ, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh. Sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm. Theo đó lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình – vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro đối với các doanh nghiệp XK nói chung và doanh nghiệp ngành thủy sản nói riêng. Cụ thể, nguy cơ leo thang chiến tranh ở Ukraine và sự xuất hiện của một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn. Bối cảnh đó cũng có thể coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cung cấp sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU…

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, khi mà du lịch và giao thương được thông suốt. Và sự hồi phục mà thị trường này mang lại cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý 2/2023.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn có thể lạc quan vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông…

Trong bối cảnh đó, quan trọng là doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của từng ngành hàng về nguồn cung và yếu tố thị trường tiêu thụ thông qua việc nắm bắt thông tin thị trường và dự báo.

Bên cạnh đó, điều kiện cho môi trường kinh doanh cũng đang dần được cải thiện theo hướng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nhiều hơn. Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng là cơ sở hạ tầng và logistics cho sản xuất xuất khẩu ở khu vực trọng điểm ĐBSCL.

Theo đó, ngay ngày đầu năm mới Quý Mão, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến làm việc và kiểm tra các dự án giao thông trọng điểm tại ĐBSCL và yêu cầu tới năm 2026 ĐBSCL phải có 554 km đường cao tốc. Đây là tin vui có ý nghĩa đối với việc phát triển kinh tế khu vực, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản. Kỳ vọng đây cũng là một động lực và điều kiện thúc đẩy sản xuất, XK thủy sản trong thời gian tới.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã có đơn hàng và tăng tốc sản xuất, XK ngày những ngày đầu năm. Cụ thể, sau Tết Nguyên đán, hầu hết nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu tại ĐBSCL đã đón công nhân trở lại làm việc để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, như: Hệ thống 5 nhà máy và 3 cơ sở sơ chế của Công ty CP Chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES) đón trên 5.000 công nhân trở lại làm việc ngày mùng 6 Tết để thực hiện đơn hàng XK; Công ty CP Xuất khẩu thủy sản Kiên Hùng (Kiên Giang), ký hợp đồng xuất 2 lô hàng mực hấp và cá đồng sang Nhật Bản với tổng giá trị 48 triệu USD, thời gian hoàn thành hợp đồng từ nay đến tháng 4/2023... đã cho thấy tinh thần lạc quan vào sự phục hồi của thị trường tiêu thụ cũng như sự vững vàng trong sản xuất, XK thủy sản.

Ngành thủy sản trông chờ vào sự hồi phục nhu cầu và đơn hàng từ các thị trường với hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn từ quý 2/2023. TT TT CN & TM\