Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 6 tháng năm 2023 đạt trên 3,71 triệu tấn, trị giá trên 1,24 tỷ USD, giá trung bình 332,7 USD/tấn, giảm 18,4% về lượng, giảm 23% kim ngạch và giảm 5,7% về giá so với 6 tháng năm 2022.
Thị trường nhập khẩu ngô 6 tháng năm 2023
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 6 tháng năm 2023 đạt trên 3,71 triệu tấn, trị giá trên 1,24 tỷ USD, giá trung bình 332,7 USD/tấn, giảm 18,4% về lượng, giảm 23% kim ngạch và giảm 5,7% về giá so với 6 tháng năm 2022.
Trong đó, riêng tháng 6/2023 đạt 505.602 tấn, tương đương 155,38 triệu USD, giá trung bình 307,3 USD/tấn, tăng 26,8% về lượng và tăng 18,3% kim ngạch so với tháng 5/2023, giá giảm 6,7%; so với tháng 6/2022 cũng giảm mạnh 49,5% về lượng, giảm 59,6% về kim ngạch và giảm 19,9% về giá.
Brazil là thị trường chủ đạo cung cấp ngô cho Việt Nam trong 6 tháng năm 2023, chiếm trên 37% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, đạt 1,38 triệu tấn, tương đương gần 459,87 triệu USD, giá 333,4 USD/tấn, tăng mạnh 298,6% về lượng, tăng 307,2% kim ngạch và tăng 2,2% về giá so với 6 tháng năm 2022.
Thị trường lớn thứ 2 là Achentina, trong 6 tháng năm 2023 đạt 1,1 triệu tấn, tương đương 366,3 triệu USD, giá 333,1 USD/tấn, chiếm gần 30% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, giảm 60,7% về lượng, giảm 63,5% về kim ngạch và giá giảm 7,1% so với 6 tháng năm 2022.
Tiếp đến thị trường Ấn Độ 6 tháng năm 2023 đạt 950.362 tấn, tương đương 299,67 triệu USD, giá 315,3 USD/tấn, chiếm trên 25,6% trong tổng lượng và chiếm 24,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng 50,4% về lượng, tăng 45,2% về kim ngạch, nhưng giá giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu ngô 6 tháng năm 2023
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 12/7/2023 của TCHQ)

Thị trường phân bón trong nước ổn định
Với nhu cầu phân đạm ure ở mức cao tại hầu hết các thị trường chủ chốt, giá loại phân bón “dẫn dắt” này đột ngột tăng vọt. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, giá phân ure vẫn ở mức ổn định.
Giá phân bón trong nước không biến động nhiều
Nhận định về thị trường phân bón thời gian tới, bà Nguyễn Thị Tiêu – Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh cho biết, tuy diễn biến thị trường phân bón thế giới có biến động, nhưng trong nước dự kiến 1 – 2 tháng nữa sẽ không có biến động nhiều.
Đối với thị trường ure, hiện ure trong nước đã dư thừa (công suất cả nước sản xuất được xấp xỉ 3 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 1,8 triệu tấn/năm). Vì thế, nguồn cung ure trong nước không có biến động, còn doanh nghiệp sản xuất ure còn phải đẩy mạnh xuất khẩu để hạn chế tồn kho cao.
Cũng theo bà Tiêu, mực dù giá ure thế giới có chiều hướng nhích nhẹ nhưng giá ure trong nước dự kiến vẫn ổn định, có thể tăng một chút ít không đáng kể do nguồn cung ổn. Hơn nữa, người dân trong nước có xu hướng vẫn tin dùng ure sản xuất trong nước. Theo nghiên cứu của Hà Anh nhiều năm nay, người dân khu vực phía Bắc vẫn chuộng ure thương hiệu Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) và nông dân khu vực phía Nam vẫn chuộng ure Phú Mỹ và ure Cà Mau. Vì thế, ure Trung Quốc có thể nhập khẩu về Việt Nam nhưng sẽ không được ưa chuộng nếu như không thấp hơn hẳn giá ure trong nước.
Đồng tình với quan điểm này, một doanh nghiệp sản xuất phân ure lớn của Việt Nam cũng dự báo, giá ure đang phục hồi tích cực trở lại với sự cộng hưởng từ nhiều thị trường, cả bên mua và bên bán. Tuy nhiên, với nguồn cung từ Trung Quốc và Trung Đông vẫn khá lớn, cộng thêm nguồn cung từ Đông Nam Á trong các tháng tới, thị trường sẽ tiếp tục sôi động hơn trong quý III nhưng phải đến quý IV/2023, giá phân ure mới có thể vượt qua mốc 400 USD/tấn.
Giá ure thế giới tại các thị trường chủ chốt tăng rõ rệt
Theo các bản tin mới nhất của Argus và Fertecon (các công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế), tại thị trường Trung Quốc, giá ure hạt trong giao ngay ở mức 310-320 USD/tấn Fob (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán), tăng so với mức 300-310 USD/tấn Fob vào tuần trước. Tương tự như vậy, giá ure hạt đục ở mức 330-340 USD/tấn Fob, tăng so với mức 315-320 USD/tấn Fob vào tuần trước.
Hiện các nhà máy sản xuất ure của Trung Quốc đi từ khí chỉ vận hành 73% công suất và các nhà máy sản xuất ure từ than chỉ vận hành bình quân đạt 79% công suất do có một số nhà máy gặp vấn đề về kỹ thuật. Điều này càng gây áp lực lên nguồn cung ứng trong khu vực.
Tại Trung Đông, nguồn cung ure thắt chặt với nhu cầu gia tăng từ châu Á – Thái Bình Dương. Theo nhận định của Fertecon, trong tuần này, giá ure hạt đục tại Trung Đông ở mức 325-350 USD/tấn, tăng so với giá tuần trước từ 13-38 USD/tấn Fob.
Tại châu Phi, các nhà sản xuất Bắc Phi tiếp tục đẩy nhịp điệu điều tiết giá tháng 8/2023 lên các vùng cao mới với lượng bán vừa phải cho thị trường trong bối cảnh nguồn cung từ Nigeria giảm. Theo đánh giá của Fertecon, giá ure hạt đục Ai Cập tuần này ở mức 378-380 USD/tấn Fob, tăng từ 18-20 USD/tấn fob so với giá tuần trước.
Tại Biển Đen, giá ure hạt trong phù hợp với giá tại Baltic và giao động ở mức 280-295 USD/tấn Fob, tăng so với mức giá tuần trước khoảng 5-10 USD/tấn. Theo đánh giá của nhiều công ty nghiên cứu thị trường, giá ure tại khu vực này có thể tiếp tục tăng khi Nga tiến hành bảo dưỡng các nhà máy vào tháng 7 và 8, khiến nguồn cung bị thắt chặt.
Tại Mỹ, giá ure hạt đục tại cảng Nola ở mức 311-335 USD/tấn Fob, cao hơn so với mức giá 295 USD/tấn Fob vào tuần đầu tháng 7/2023. Nguyên nhân giá ure tăng là do nguồn cung ure tại NOLA thắt chặt hơn, buộc người mua có nhu cầu mua ngay phải trả giá cao hơn. Giá sà lan tại Nola cho tháng 9 thậm chí còn tăng mạnh hơn, bắt đầu giao dịch ở mức 305 USD/tấn Fob, sau đó nhanh chóng tăng lên 320-330 USD/tấn. trong những tháng gần đây.
Theo nhận định của các công ty nghiên cứu thị trường, giá ure trong những tuần tới đây tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn từ nhiều thị trường mua chính trong bối cảnh có sự thắt chặt nguồn cung chủ động ở Trung Đông, Baltic, Biển Đen. Giá ure có thể tiếp tục theo xu hướng chinh phục mốc 400 USD/tấn ở một số thị trường chính trong giai đoạn tháng 7-8.
Kim ngạch nhập khẩu phân bón 6 tháng năm 2023 giảm 30,4%
6 tháng năm 2023 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 1,7 triệu tấn, trị giá trên 589,16 triệu USD, giá trung bình đạt 346,2 USD/tấn
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2023 cả nước nhập khẩu 415.196 tấn phân bón, tương đương 131,29 triệu USD, giá trung bình 316,2 USD/tấn, tăng 7,3% về lượng, tăng 6,9% kim ngạch nhưng giảm 0,4% về giá so với tháng 5/2023. So với tháng 6/2022 thì tăng mạnh 79,4% về lượng, tăng 21,9% kim ngạch nhưng giảm mạnh 32% về giá.
Trong tháng 6/2023 nhập khẩu phân bón từ thị trường chủ đạo Trung Quốc tăng mạnh 44,9% về lượng, tăng 48,6% kim ngạch và tăng 2,6% về giá so với tháng 5/2023, đạt 221.988 tấn, tương đương 64,66 triệu USD, giá 291,3 USD/tấn; So với tháng 6/2022 cũng tăng 61,2% về lượng, tăng 11% kim ngạch nhưng giảm 31% về giá. Nhập khẩu từ thị trường Lào tháng 6/2023 giảm 12% về lượng, giảm 5,6% kim ngạch nhưng tăng 7,5% về giá so với tháng 5/2023, đạt 22.482 tấn, tương đương gần 8,76 triệu USD, giá 389,6 USD/tấn; so với tháng 6/2022 thì tăng mạnh 344% về lượng, tăng 139,6% kim ngạch nhưng giảm mạnh 46% về giá.
Tính chung trong 6 tháng năm 2023 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 1,7 triệu tấn, trị giá trên 589,16 triệu USD, giá trung bình đạt 346,2 USD/tấn, giảm 4,4% về khối lượng, giảm 30,4% về kim ngach và giảm 27,3% về giá so với 6 tháng năm 2022. Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 50,2% trong tổng lượng và chiếm 46,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 853.782 tấn, tương đương 273,81 triệu USD, giá trung bình 320,7 USD/tấn, tăng 1,9% về lượng, nhưng giảm 20,6% về kim ngạch và giảm 22% về giá so với 6 tháng năm 2022.
Tiếp đến thị trường Lào đứng thứ 2, chiếm 6,3% trong tổng lượng và chiếm 7,2% trong tổng kim ngạch, với 107.336 tấn, tương đương 42,6 triệu USD, giá trung bình 396,9 USD/tấn, tăng 34,2% về lượng, nhưng giảm 7% về kim ngạch và giảm 30,8% về giá so với 6 tháng năm 2022.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường Đông Nam Á đạt 230.643 tấn, tương đương 90,07 triệu USD, tăng 54,8% về lượng, nhưng giảm 2,9% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 13,6% trong tổng lượng và chiếm 15,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Phân bón nhập khẩu từ thị trường FTA RCEP đạt 1,32 triệu tấn, tương đương 417,75 triệu USD, tăng 3,7% về lượng, giảm 20,3% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 77,2% trong tổng lượng và chiếm 70,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường FTA CPTTP đạt 192.593 tấn, tương đương 29,78 triệu USD, giảm 31% về lượng, giảm 68,3% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 11,3% trong tổng lượng và chiếm 5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhìn chung, trong 6 tháng năm 2023 nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường giảm cả về khối lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu phân bón 6 tháng năm 2023
(Tính toán từ số liệu công bố ngày 12/7/2023 của TCHQ)

Ấn Độ có thể cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo
Hãng tin Bloomberg ngày 13/7 đưa tin Chính phủ Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo sau khi lạm phát giá lương thực tại nước này tăng mạnh.
Bài viết của Bloomberg cho biết, chính phủ do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo hiện đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo không phải Basmati. Các nhà chức trách Ấn Độ muốn tránh nguy cơ lạm phát leo thang trước cuộc bầu cử.
Kế hoạch trên của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh lạm phát giá tiêu dùng tăng nhanh vào tháng Sáu, chủ yếu là do giá lương thực cao hơn. Lượng mưa phân bố không đều tại các vùng trồng lúa trọng điểm của Ấn Độ đã đẩy giá loại ngũ cốc này tăng tới 20% trong 10 ngày qua.
Nếu thành hiện thực, động thái của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - có thể đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao hơn nữa, trong bối cảnh hiện tượng El Niño quay trở lại và đe dọa tới mùa màng.
Lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Tuy động thái đó có thể giúp giảm giá gạo ở quốc gia Nam Á này, nhưng lại tác động tiêu cực đến giá lương thực toàn cầu.
Ấn Độ chiếm hơn 40% xuất khẩu gạo thế giới. Nhưng lượng tồn kho thấp trên toàn cầu đồng nghĩa việc Ấn Độ cắt giảm xuất khẩu gạo sẽ làm tăng giá lương thực thế giới - vốn đã lên cao sau xung đột Nga - Ukraine (U-crai-na) vào năm ngoái và tình hình thời tiết thất thường.
Ông B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA), cho hay khi giá gạo Ấn Độ tăng nhờ chính sách giá hỗ trợ tối thiểu mới, các nhà cung cấp khác cũng bắt đầu tăng giá. Ông nhắc rằng gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người trên thế giới, trong khi gần 90% diện tích trồng loại lương thực tiêu tốn nhiều nước này đặt tại châu Á - nơi kiểu thời tiết El Nino thường khiến lượng mưa giảm sút.
Năm ngoái, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo trắng và gạo lứt xuất khẩu sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát khiến giá các mặt hàng lương thực như lúa mì và ngô tăng vọt. Nước này cũng đã hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường.
Giá gạo tại châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm do các nhà nhập khẩu tăng cường dự trữ gạo, chủ yếu do lo ngại hiện tượng El Nino sẽ gây khô hạn và thiệt hại mùa màng.
Xu hướng thị trường gia vị hữu cơ 2023-2033
Xu hướng toàn cầu hóa trong ẩm thực cũng là một yếu tố khác thúc đẩy tăng trưởng của ngành gia vị nói chung và gia vị hữu cơ nói riêng. Sản lượng nhập khẩu gia vị vào châu Âu tăng bình quân 9%/năm, với nguồn nhập khẩu chủ yếu từ châu Á (45%).
Từ năm 2017-2022, thị trường gia vị hữu cơ toàn cầu đạt tốc độ tăng trưởng kép tương đối cao, khoảng 6,1%. Giai đoạn này chứng kiến mức tăng trưởng cao hơn khi nhu cầu đối với các sản phẩm hữu cơ nói chung tăng lên.

Thị hiếu của người tiêu dùng đang thay đổi do lối sống thay đổi và thu nhập của người dân tăng lên. Nhu cầu về gia vị dự kiến sẽ tăng lên để đáp ứng với việc sản xuất và bán các mặt hàng thực phẩm chế biến như súp, nước sốt, gia vị,… Các loại gia vị được sử dụng để tăng hương vị và màu sắc của các sản phẩm thực phẩm chế biến, các gia vị dạng bột hoặc gói nhỏ sẽ được ưu tiên hơn vì tính thuận lợi cho người dùng. Theo các chuyên gia, thị trường gia vị hữu cơ thế giới dự kiện sẽ đạt 10,9 tỷ USD trong năm 2023, đến năm 2033 sẽ đạt 17 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép là 4,5%.
Với lợi thế địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có sự đa dạng sinh học rất khác biệt để tạo ra những sản phẩm nông sản gồm các loại gia vị và hương liệu rất đặc trưng, khác biệt với những sản phẩm cùng loại trên thế giới. Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại gay gắt, rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu (yêu cầu chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,…) thì thị trường gia vị hữu cơ sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu.
Xuất khẩu cá ngừ tăng ở một số thị trường chính
Năm 2023 là một năm đầy thách thức với ngành cá ngừ Việt Nam, với giá cá ngừ nguyên liệu tăng cao và nhu cầu tại các thị trường lớn giảm. Chính vì vậy mà từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam liên tục sụt giảm so với cùng kỳ.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu (XK) cá ngừ của Việt Nam trong tháng 6/2023 chỉ đạt gần 65 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, XK cá ngừ của Việt Nam đạt 382 triệu USD, giảm 31% so với quý 1/2022.
XK các sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh và khô có giá trị cao vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Giá trị XK nhóm sản phẩm này giảm 46% so với cùng kỳ. Trong khi đó, XK các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp tăng. Giá trị XK các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp trong 6 tháng đầu năm đạt gần 175 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu là do giá tăng.
Về thị trường, XK cá ngừ sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Canada.. vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Trong khi đó, XK sang EU, Mexico, Israel và Thái Lan đang ghi nhận sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tiếp tục giảm
XK cá ngừ sang Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 6/2023, chỉ đạt gần 26 triệu USD, giảm 48% so với cùng kỳ. Do đó, tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, giá trị XK cá ngừ sang Mỹ chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm trước, đạt 143 triệu USD.
Người Mỹ đang lựa chọn cá ngừ đóng hộp phù hợp với ví tiền trong bối cảnh lạm phát khó khăn. Hiện tại, Lượng cá ngừ tồn kho tại Mỹ đã bắt đầu vơi bớt, các nhà nhập khẩu (NK) đang xem xét việc tăng NK trở lại. Tuy nhiên, hiện giá cá ngừ tại Nam Mỹ đang thấp hơn tại khu vực châu Á, điều này đang làm gia tăng cạnh tranh tại thị trường này.
Xuất khẩu sang EU tăng liên tiếp trong 2 tháng qua
Sau khi tăng trưởng trong tháng 5/2023, XK cá ngừ sang EU tiếp tục tăng trưởng về giá trị trong tháng 6, tăng 28% đạt hơn 12 triệu USD. Nhờ đó mà tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK cá ngừ sang EU ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý tại khối thị trường này là XK sang Hà Lan liên tục tăng trưởng “phi mã” trong 2 tháng gần đây ở mức 3 con số. Cùng với Hà Lan, XK cá ngừ sang Đức cũng vẫn đang duy trì sự tăng trưởng tốt, với mức tăng 30% trong tháng 6. Trong khi đó, XK sang Bỉ vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.
Chiến tranh Nga-Ukraine, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng, xăng dầu tăng, đồng EUR mất giá là những nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này chậm. Nhưng ưu đãi về thuế quan đang là lợi thế thúc đẩy các nhà NK EU tìm kiếm các đơn hàng từ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại hạn ngạch NK cá ngừ đóng hộp, loin cá ngừ hấp đông lạnh đang được sử dụng gần hết. Do đó, XK cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường sẽ chậm lại.
Xuất khẩu sang khối CPTPP không khả quan
XK cá ngừ sang 2 thị trường NK lớn nhất khối là Nhật Bản và Canada tiếp tục sụt giảm trong tháng 6. Trong khi đó, XK sang Mexico và Chile lại tăng trưởng cao.
Tại Nhật Bản, sau khi tăng trưởng trong quý 1/2023, XK cá ngừ sang thị trường này giảm liên tục trong quý 2. Riêng trong tháng 6, XK sang thị trường này giảm gần 31%, đạt hơn 3 triệu USD. Do đó, tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 kim ngạch XK sang Nhật Bản giảm 10%, đạt gần 17 triệu USD. Sự mất giá của đồng yên đang khiến việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, trong đó có cá ngừ, bị kìm hãm.
Cùng với Nhật Bản, XK cá ngừ sang Canada cũng đang ảm đạm. XK sang thị trường này giảm sâu liên tục. Tính riêng trong tháng 6, XK cá ngừ sang đây giảm tới 54%.
Trong bối cảnh đó, XK cá ngừ sang Mexico và Chile lại tăng mạnh lần lượt là 100% và 90%.
Cùng với Mexico và Chile, XK cá ngừ của Việt Nam sang Israel và Thái Lan cũng đang tăng cao ở mức 164% và 65%. TT TT CN & TM
TT TT CN & TM