trong tháng 5/2023 cả nước nhập khẩu 378.811 tấn lúa mì, tương đương 148,23 triệu USD, giá trung bình 391,3 USD/tấn, giảm gần 14,1% về lượng và giảm 7,1% kim ngạch so với tháng 4/2023, nhưng giá tăng 8,2%. So với tháng 5/2022 thì giảm 2,8% về lượng, nhưng tăng 0,5% kim ngạch và tăng 3,4% giá.
Nhập khẩu lúa mì 5 tháng đầu năm 2023 tăng nhẹ gần 5%
5 tháng đầu năm 2023 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt trên 2,03 triệu tấn, tương đương trên 752,47 triệu USD, tăng 4,8% về khối lượng, tăng 4,5% về kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2022.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2023 cả nước nhập khẩu 378.811 tấn lúa mì, tương đương 148,23 triệu USD, giá trung bình 391,3 USD/tấn, giảm gần 14,1% về lượng và giảm 7,1% kim ngạch so với tháng 4/2023, nhưng giá tăng 8,2%. So với tháng 5/2022 thì giảm 2,8% về lượng, nhưng tăng 0,5% kim ngạch và tăng 3,4% giá.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2023 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt trên 2,03 triệu tấn, tương đương trên 752,47 triệu USD, tăng 4,8% về khối lượng, tăng 4,5% về kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2022, giá trung bình đạt 370 USD/tấn, giảm nhẹ 0,3%.
Trong tháng 5/2023 nhập khẩu lúa mì từ thị trường chủ đạo Australia giảm 10,1% về lượng, nhưng tăng 0,8% kim ngạch và tăng 12,2% về giá so với tháng 4/2023, đạt 273.193 tấn, tương đương 107,11 triệu USD, giá 392 USD/tấn; so với tháng 5/2022 thì giảm 6,2% về lượng giảm 2% kim ngạch nhưng tăng 4,5% về giá. Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu lúa mì từ thị trường Australia, chiếm gần 68,4% trong tổng lượng và chiếm 67% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, đạt trên 1,39 triệu tấn, tương đương 504,17 triệu USD, giá trung bình 362,3 USD/tấn, tăng 12,4% về lượng, tăng 9,1% về kim ngạch nhưng giảm 2,9% về giá so với 5 tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh thị trường chủ đạo Australia là thị trường Brazil chiếm gần 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 261.611 tấn, tương đương 95,82 triệu USD, giá trung bình 366,3 USD/tấn, giảm 18,9% về lượng, giảm 14,9% kim ngạch nhưng tăng 5% về giá so với 5 tháng đầu năm 2022.
Tiếp đến thị trường Canada đạt 155.971 tấn, tương đương 64,75 triệu USD, giá 415,2 USD/tấn, tăng rất mạnh 3.480% về lượng, tăng 3.082% kim ngạch nhưng giảm 11% về giá so với 5 tháng đầu năm 2022, chiếm 7,7% trong tổng lượng và chiếm 8,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.
Nhập khẩu lúa mì từ thị trường Mỹ đạt 146.676 tấn, tương đương 60,91 triệu USD, tăng 38% về khối lượng và tăng 27,6% về kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2022.
Nhập khẩu lúa mì 5 tháng đầu năm 2023
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 15/6/2023 của TCHQ)

Việt Nam tăng nhập khẩu đậu tương từ Mỹ, giảm nhập khẩu từ Brazil
5 tháng đầu năm 2023 cả nước nhập khẩu 877.686 tấn đậu tương, trị giá gần 587,98 triệu USD, giá trung bình 669,9 USD/tấn.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương trong tháng 5/2023 đạt 140.895 tấn, tương đương 86,39 triệu USD, giá trung bình 613 USD/tấn, giảm 40,8% về lượng và giảm 44,3% kim ngạch so với tháng 4/2023, giá giảm 5,8%; so với tháng 5/2022 giảm 25,9 % về lượng, giảm 37,9% về kim ngạch và giảm 16,2% về giá.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023 cả nước nhập khẩu 877.686 tấn đậu tương, trị giá gần 587,98 triệu USD, giá trung bình 669,9 USD/tấn, giảm 4% về lượng, giảm 5% kim ngạch và giảm 0,9% về giá so với 5 tháng đầu năm 2022.
Đậu tương nhập khẩu về Việt Nam từ thị trường Mỹ nhiều nhất, trong tháng 5/2023 giảm 4,8% về lượng và giảm 8,7% về kim ngạch so với tháng 4/2023, giá giảm 4,1%, đạt 55.684 tấn, tương đương 35,81 triệu USD, giá 643 USD/tấn; Tính chung, 5 tháng đầu năm 2023 nhập khẩu đậu tương từ thị trường này đạt 444.031 tấn, tương đương 305,46 triệu USD, chiếm trên 50,6% trong tổng lượng và chiếm 52% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, tăng mạnh 33,7% về lượng, tăng 39,5% về kim ngạch, giá tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước .
Nhập khẩu đậu tương từ thị trường Brazil - thị trường lớn thứ 2 trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 345.989 tấn, tương đương 220,39 triệu USD, giá 637 USD/tấn, chiếm trên 39,4% trong tổng lượng và chiếm 37,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, giảm mạnh 34,9% về lượng, giảm 39,4% về kim ngạch và giá giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, nhập khẩu đậu tương từ thị trường Canada 5 tháng đầu năm 2023 đạt 51.938 tấn, tương đương 38,88 triệu USD, giá 748,6 USD/tấn, tăng 15% về lượng, tăng 25% về kim ngạch và giá tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ thị trường Campuchia đạt 320 tấn, tương đương 251.300 USD, giá 785,3 USD/tấn, giảm 94% cả về lượng và kim ngạch nhưng tăng 5% về giá.
Nhập khẩu đậu tương 5 tháng đầu năm 2023
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 15/6/2023 của TCHQ)

Chất lượng ngô Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm sẽ là yếu tố hỗ trợ giá
Mở cửa phiên giao dịch ngày 21/06, giá ngô đã tạo gapup và tiếp tục đà tăng mạnh, vượt lên vùng đỉnh gần nhất. Xét về mặt kĩ thuật, điều này cho thấy giá đang thoát khỏi xu hướng giảm trước đó và xác nhận tín hiệu đảo chiều trong trung hạn. Báo cáo Crop Progress sáng nay của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cho thị trường góc nhìn thực tế và rõ ràng hơn về triển vọng mùa vụ ngô năm nay với các số liệu kém khả quan.
Cụ thể, thời tiết khô nóng kéo dài từ giữa tháng 4 cho tới nay đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến ngô Mỹ đang ở trong giai đoạn phát triển quan trọng. Tỉ lệ cây trồng được đánh giá tốt – tuyệt vời đạt 55% tổng diện tích, giảm xuống từ mức 61% trong tuần trước đó. Con số này cũng thấp hơn so với mức kì vọng của thị trường là 61%. Đây cũng là mức đánh giá chất lượng thấp nhất trong tuần kể từ năm 1992 và cũng thấp hơn giai đoạn hạn hán nghiêm trọng nhất vào giữa năm 2012. Tại Illinois, bang có sản lượng lớn thứ 2 tại Mỹ, chất lượng cây trồng cũng giảm mạnh từ mức 48% xuống còn 36%.
Dự báo thời tiết cho thấy từ nay cho tới đầu tháng 7, thời tiết vẫn khô hạn và sẽ không có lượng mưa đáng kể nào xuất hiện để giúp cải thiện tình trạng cây trồng. Thời tiết trong tháng 7 có thể trải qua những thay đổi đáng kể và khả năng mùa vụ ngô năm nay cho năng suất vượt trội vẫn có thể xảy ra. Báo cáo Cung cầu tháng 7 sắp tới cũng vẫn còn quá sớm để USDA điều chỉnh dự báo năng suất ngô của Mỹ cho niên vụ 23/24 xuống mức thấp hơn. Con số này hiện đang được USDA đưa ra là 181,5 giạ/mẫu, cao hơn nhiều so với mức 173.3 giạ/mẫu trong niên vụ 22/23. Và cho tới khi các số liệu nguồn cung phản ánh mức thiệt hại từ thời tiết thì đây vẫn sẽ đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô tiếp tục duy trì đà tăng trong 2 tuần tới.
Xuất khẩu thủy sản khó hồi phục trước cuối năm 2023
Theo thống kê của Hải quan, xuất khẩu (XK) thủy sản 5 tháng đầu năm nay thấp hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt khoảng 3,4 tỷ USD. Riêng kim ngạch XK thủy sản tháng 5/2023 đạt trên 808 triệu USD, cao nhất từ đầu năm tới nay, cho thấy tín hiệu thị trường đang tốt dần lên. Các mặt hàng chủ lực đang hạ dần mức độ sụt giảm so với cùng kỳ. XK sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đạt doanh số cao nhất từ đầu năm tới nay.
XK các mặt hàng thủy sản chính trong 5 tháng đầu năm nay đều giảm từ 10-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá tra giảm sâu nhất (-40%), tôm giảm 34%, cá ngừ giảm 31%, mực bạch tuộc giảm 12%. Tuy nhiên, vẫn có một số loại cá biển ghi nhận tăng trưởng dương: cá cơm tăng 53%, cá nục tăng 14%, cá chỉ vàng tăng 20%...
XK thủy sản sang Mỹ, EU giảm lần lượt 48% và 33%, sang Trung Quốc giảm 25%, sang Hàn Quốc giảm 21%, sang Nhật Bản giảm 8%.
Có 3 nguyên nhân lớn nhất khiến cho SXXK thủy sản của Việt Nam bị từ đầu năm tới nay giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
(1) - Lạm phát và lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và NK tại các thị trường giảm
(2) - Cạnh tranh căng thẳng với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá, điển hình là Ecuador, Ấn Độ…
(3) - Sức khỏe và sức chịu đựng của bà con nông ngư dân và doanh nghiệp thủy sản suy yếu vì chi phí sản xuất tăng, giá bán giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng, cạn kiệt vốn và khó tiếp cận vay vốn để duy trì sản xuất – XK…
Dự báo
Những biến động về cung – cầu xuất phát từ căn nguyên là chiến tranh và lạm phát, đến nay chưa có tín hiệu khả quan, nên việc dự báo về thị trường cũng thiếu cơ sở và độ chắc chắn.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều DN thủy sản, từ nay tới cuối năm, thị trường tiêu thụ thủy sản khó có thể phục hồi, hoặc nếu có thì sẽ phục hồi chậm.
Ở một số thị trường lớn như Mỹ, EU, ngoài việc trông đợi tình hình kinh tế và lạm phát có chiều hướng tích cực hơn, thì vấn đề lớn là phải giải quyết được lượng tồn kho. Năm 2022 những thị trường này đã NK ồ ạt, chưa kịp tiêu thụ đã gặp ngay cú sốc lạm phát, nên hàng tồn nhiều, giá bán hạ. Bên cạnh đó, cơn lốc hàng giá rẻ của các nước khác như Ecuador và Ấn Độ gần như lấn át sản phẩm của Việt Nam tại những quốc gia này, nhất là mặt hàng tôm – sản phẩm chủ lực của chúng ta. Do vậy, tín hiệu thị trường không mấy khả quan trong ngắn hạn.
Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bị sụt giảm nhu cầu vì lạm phát, nhưng không giảm sâu như hai thị trường trên. Nhiều DN vẫn nhìn thấy ở 2 thị trường này điểm sáng lạc quan, đó là vị trí thủ lĩnh của hàng GTGT Việt Nam không bị cạnh tranh bởi các nước khác. Vì thế, chỉ cần lạm phát dần ổn định, XK sang 2 thị trường này sẽ hồi phục nhanh hơn, bù đắp cho những thị trường còn lại.
Trung Quốc trong tiềm thức của mọi người là điểm đến tiềm năng trong năm 2023, sau khi nước này mở cửa lại sau Covid. Tuy nhiên, sau gần nửa năm, sự hồi phục của thị trường này vẫn ì ạch, thậm chí XK thủy sản VN sang đây bị sụt giảm gần 30%. Thực tế không như mọi người dự đoán, vì sau 3 năm kiểm soát chặt giao thương chống Covid, nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng bị ảnh hưởng khá nặng nề, thu nhập của người dân giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thực tế trong nước chưa thể phục hồi trong ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc cần tập trung cho việc khôi phục sản xuất và ngành chế biến XK thủy sản của họ.
Tuy nhiên, nửa cuối năm, có thể diễn biến của thị trường này sẽ khả quan hơn so với đầu năm, khi người dân Trung Quốc thích nghi hơn với bối cảnh mới, lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn và tiêu dùng cơ bản sẽ hồi phục dần dần.
Nhận diện được những khó khăn, thách thức hiện nay, mỗi DN thủy sản có những giải pháp của riêng mình. Nhìn chung, các DN đều xác định đây là khoảng thời gian xem xét, rà soát lại chi phí sản xuất, giữ ổn định số lượng lao động và thu nhập cho người lao động, không mở rộng đầu tư. Đây cũng là giai đoạn DN giành thời gian nghiên cứu các sản phẩm mới cho phù hợp với bối cảnh thị trường hậu Covid và lạm phát cao.
Nỗi lo lớn nhất của DN hiện nay là, chi phí đầu vào cao, giá bán thấp, nông dân và doanh nghiệp nuôi bỏ ao, sẽ dẫn đến hệ lụy là khi thị trường hồi phục thì không còn nguyên liệu để chế biến XK, và lại một lần nữa thủy sản Việt lại mất vị thế trước các nước khác. Hơn bao giờ hết, toàn ngành thủy sản cần các cấp, ngành và các thành phần trong chuỗi cung ứng cùng chung tay tìm giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn của năm 2023-2024 này.
TT TT CN & TM