22 người đang online
°

Sản xuất kinh doanh 17/11/2021

Đăng ngày 17 - 11 - 2021
Lượt xem: 14
100%

Thông tin từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), dịch Covid-19 được cho là không ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất rau, củ, quả chế biến toàn cầu

 

Thông tin từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), dịch Covid-19 được cho là không ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất rau, củ, quả chế biến toàn cầu

Rau quả chế biến của Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu

Thông tin từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), dịch Covid-19 được cho là không ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất rau, củ, quả chế biến toàn cầu. Ngược lại, nguồn cung rau quả chế biến tăng khi xuất khẩu sản phẩm tươi hoặc đông lạnh giảm, buộc các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang chế biến. Trong khi đó, giá cả, thời gian sử dụng và sự đổi mới là những động lực chính thúc đẩy sự gia tăng tiêu thụ trái cây và rau quả chế biến.

Theo thông tin từ https://www.gminsights.com, thị trường rau quả chế biến toàn cầu dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2020 – 2027. Do lối sống bận rộn, người tiêu dùng xem các sản phẩm trái cây và rau củ đã qua chế biến như một giải pháp tiết kiệm thời gian mà vẫn có nguồn năng lượng bổ sung cho cơ thể. 

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm thương mại quốc tế, xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật (mã HS 20) toàn cầu giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 2,0%/năm, từ 59 tỷ USD năm 2016 tăng lên 63,75 tỷ USD năm 2020. Dẫn đầu thế giới về trị giá xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật là Liên minh châu Âu (EU), tốc độ xuất khẩu giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 2,76%/năm, từ 22,73 tỷ USD năm 2016 tăng lên 25,24 tỷ USD năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới tăng từ 38,53% năm 2016 lên 39,59% năm 2020. Điều kiện khí hậu ở châu Âu không thích hợp để trồng rau quả nhiệt đới, do đó, nguồn cung trái cây, rau củ chế biến của châu Âu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ các nước nhiệt đới và bán nhiệt đới.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của EU tăng 9,9% so với 6 tháng đầu năm 2020, đạt 13,56 tỷ USD. Tiếp theo là Trung Quốc, tốc độ xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của nước này trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 1%/năm, từ 7,34 tỷ USD năm 2016 tăng lên 7,62 tỷ USD vào năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Trung Quốc trong tổng kim ngạch thế giới giảm từ 12,44% năm 2016 xuống 11,96% năm 2020. Theo thông tin từ http://www.ticomachine.com, rau quả là một trong những ngành có triển vọng nhất ở Trung Quốc, với lợi thế công nghiệp và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ. 

Trong những năm gần đây, Trung Quốc chứng kiến sự khởi sắc của ngành công nghiệp chế biến trái cây, cùng với sự phát triển của máy móc chế biến hiện đại. Nhu cầu tiêu thụ nội địa ngày càng tăng cao và phục vụ cho xuất khẩu, đã thúc đẩy sự phát triển ngành chế biến trái cây ở Trung Quốc. Ngành công nghiệp chế biến nước trái cây, trái cây đóng hộp của Trung Quốc đã đạt đến trình độ quốc tế nhờ việc sử dụng các thiết bị tiên tiến từ các nhà sản xuất Thụy Sỹ, Đức và Ý vào dây chuyền sản xuất nước trái cây. Mỹ là thị trường xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật lớn thứ 3 thế giới, giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ xuất khẩu mặt hàng này của Mỹ giảm bình quân 2,78%/năm, từ 5,06 tỷ USD năm 2016 xuống 4,5 tỷ USD năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Mỹ trong tổng kim ngạch toàn cầu giảm từ 8,57% năm 2016 xuống 7,06% năm 2020.

Cập nhật số liệu thống kê mới nhất từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, kim ngạch xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Mỹ đạt 3,24 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật lớn thứ 9 toàn cầu, tốc độ xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam ra thị trường thế giới trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 22,15%/năm, từ 424,17 triệu USD năm 2016 tăng lên 929,78 triệu USD năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Việt Nam trong tổng trị giá thế giới tăng từ 0,72% năm 2016 lên 1,46% năm 2020.

Việt Nam là nước nhiệt đới với sự ưu đãi về điều kiện đất đai và khí hậu phù hợp cho sản xuất nhiều loại trái cây. Những năm gần đây, Việt Nam đã phát triển ngành công nghiệp chế biến trái cây, hiện chiếm khoảng 10% tổng sản lượng trái cây cả nước. Để chủ động nguồn cung sản phẩm chế biến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện dự thảo Đề án “Phát triển ngành chế biến rau củ quả để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới”.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến của Việt Nam đều tăng trưởng ở mức 2 con số. Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam năm 2019 tăng tới 41,2% so với năm 2018, nhưng sau đó có dấu hiệu chậm lại. Năm 2020, tốc độ xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam tăng 11,1% so với năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2021, do khó khăn trong khâu vận chuyển, trong khi vấn đề bảo quản hàng rau quả tươi của Việt Nam còn hạn chế, do đó, doanh nghiệp có sự chuyển dịch khá thành công khi đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến. 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến tháng 9/2021 đạt 65,42 triệu USD, tăng 13,7% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến đạt 653,5 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường xuất khẩu chính mặt hàng rau quả chế biến của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia … Giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức cao, ngoại trừ năm 2020 chỉ tăng 4,4% so với năm 2019. 

Trong bối cảnh xuất khẩu hàng rau quả tươi sang Trung Quốc gặp khó khăn, doanh nghiệp ngành rau quả của Việt Nam chuyển dịch thành công sang sản phẩm rau quả chế biến. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng 24,8% so với 9 tháng đầu năm 2020. Bên cạnh đó, tốc độ xuất khẩu mặt hàng sang một số thị trường chính tăng trưởng ở mức 2 con số như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, Australia, Ấn Độ.

Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nga, Australia tăng lần lượt từ 22,79%, 11,79%, 6,05%, 2,88% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 24,88%, 11,96%, 6,44%, 4,07% trong 9 tháng đầu năm 2021. Nhìn chung, ngành rau quả Việt Nam đã khá thành công khi tăng xuất khẩu sang các thị trường có dung lượng nhập khẩu lớn và yêu cầu khắt khe về chất lượng, sự đa dạng của sản phẩm. Với kết quả đạt được trong cả năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, ngành hàng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch khá thành công sang phân khúc chế biến các sản phẩm sấy khô, nước ép đóng hộp... Bên cạnh đó, khi phát triển theo hướng chế biến, rau quả Việt Nam có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hoá gấp 3 - 4 lần so với giá quả tươi. Việc đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu sẽ tăng thời gian bảo quản, giúp thoát được tình trạng dư cung. Dự báo trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, rau quả chế biến vẫn sẽ là chủng loại sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu. 

Việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến sẽ làm tăng giá trị xuất khẩu toàn ngành hàng rau quả, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm rau chất lượng cao mà không thay đổi các đặc tính dinh dưỡng. Sự hiện diện của các kênh bán lẻ và thương mại điện tử ở các nước phát triển và đang phát triển giúp tăng doanh số bán rau quả chế biến. Nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU trong những năm gần đây tăng trưởng ở mức cao. 

Giai đoạn 2016 – 2020, nhập khẩu hàng rau quả chế biến của Mỹ tăng trưởng bình quân 3,73%/năm, từ 7,94 tỷ USD năm 2016 tăng lên 9,15 tỷ USD năm 2020; EU nhập khẩu hàng rau quả chế biến tăng trưởng bình quân 2,7%/năm, từ 22,77 tỷ USD vào năm 2016 tăng lên 25,22 tỷ USD vào năm 2020; Trung Quốc nhập khẩu hàng rau quả chế biến tăng trưởng bình quân 9,02%/ năm, từ 982 triệu USD vào năm 2016 tăng lên 1,34 tỷ USD vào năm 2020. Châu Âu là nhà nhập khẩu rau quả chế biến lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% thị phần toàn cầu. Khoảng 30% kim ngạch buôn bán trái cây và rau quả chế biến của châu Âu đến từ các nước đang phát triển. Ngoài ra, hầu hết thương mại nội khối châu Âu được thực hiện từ việc tái xuất khẩu trái cây và rau quả đã qua chế biến đến từ các nước đang phát triển. 

Trong 5 năm tới, nhập khẩu rau quả chế biến của châu Âu dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 2% đến 3%, tùy thuộc vào chủng loại sản phẩm. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang EU vẫn còn ở mức thấp. Kỳ vọng EVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng rau quả chế biến sang thị trường tiềm năng lớn EU trong thời gian tới. 

Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 8 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật từ thế giới đạt 1,38 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là nguồn cung chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật lớn nhất cho Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Trung Quốc từ Việt Nam đạt xấp xỉ 254 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng 154,2% so với cùng kỳ năm 2020. 

Thị phần chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 18,31% trong 8 tháng đầu năm 2021, cao hơn so với thị phần 12,64% trong 8 tháng đầu năm 2020.

Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Mỹ đạt xấp xỉ 6,6 tỷ USD, tăng 17,4% so với 8 tháng đầu năm 2020. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Mỹ từ Việt Nam đạt 152,25 triệu USD, tăng 53,4% so với 8 tháng đầu năm 2020. 

Thị phần chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ chiếm 2,31% trong 8 tháng đầu năm 2021, cao hơn so với thị phần 1,88% trong 8 tháng đầu năm 2020. Nhu cầu tiêu thụ trái cây và rau củ của Mỹ tăng nhờ tác dụng tốt của sản phẩm đối với sức khỏe và thu nhập của người dân tăng. Xu hướng tiêu thụ tăng bởi các yếu tố, bao gồm cả sự gia tăng sản xuất trong nước, sự tiện lợi của sản phẩm, cải tiến công nghệ để duy trì chất lượng cho trái cây. Tuy nhiên, ngành chế biến rau quả Việt Nam hiện đang ở dạng chế biến thô và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài dưới thương hiệu khác, dẫn đến chuỗi giá trị gia tăng đối với ngành này còn thấp. 

Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến bảo quản trái cây tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước đó, với 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ và khoảng 156 nhà máy chế biến có dây chuyền, công nghệ hiện đại. Nhưng trên thực tế, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng sơ chế 8 - 10% sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm. Đến nay, 76,2% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; việc tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao khoảng trên 20%. So với yêu cầu phát triển và hội nhập trong điều kiện cạnh tranh mới, thì ngành chế biến rau quả vẫn đang đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế. Sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm, đóng góp vào giá trị gia tăng của rau quả hàng hoá còn thấp, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ đối với việc thay đổi cơ cấu cây trồng.

 

Nhu cầu nhập khẩu tôm của EU còn tiếp tục tăng

Từ đầu năm tới nay, XK tôm Việt Nam sang EU chỉ giảm trong 2 tháng 8 và 9 do nhà máy chế biến phải giảm công suất hoạt động để phòng dịch Covid-19, các tháng còn lại đều tăng trưởng dương. Tính tới 15/10/2021, XK tôm Việt Nam sang EU đạt gần 439 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

EU là thị trường NK tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 15%. Từ đầu năm đến nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường EU ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tốt. Nhu cầu NK tôm của EU trong những tháng cuối năm nay vẫn tiếp tục tăng.

Ba thị trường NK chính tôm Việt Nam trong khối EU là Đức, Hà Lan và Bỉ. Tính tới 15/10/2021, XK tôm sang Đức và Bỉ tăng lần lượt 20% và 2%, XK sang Hà Lan giảm 1%.

Việt Nam XK chủ yếu sang EU những sản phẩm như tôm sú PD hấp đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ HLSO tươi đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ chân trắng, lột vỏ, luộc sushi đông lạnh, tôm sú tươi PD đông lạnh, tôm thẻ sushi luộc đông lạnh, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu PTO, tươi đông lạnh, tôm sú PD đông lạnh...

Trên thị trường EU, tôm Việt Nam phải cạnh tranh với các nhà cung cấp tôm đỏ Argentina. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam phải cạnh tranh khá mạnh với các nhà cung cấp Ecuador. Ecuador có lợi thế giá tôm thấp và vận chuyển dễ dàng. Hai năm gần đây, Ecuador thâm nhập thị trường châu Âu bằng các sản phẩm từ tôm bóc vỏ, bỏ chỉ lưng, tôm bóc vỏ bỏ chỉ lưng để đuôi đến các sản phẩm tôm sống và tôm hấp. Trong năm nay, trong khi các nhà cung cấp châu Á cho thị trường EU phải đối mặt với nhiều khó khăn về logistics thì Ecuador lại tận dụng được cơ hội này để tăng XK sang EU.

Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 8 tháng đầu năm nay, NK tôm vào EU đạt 4,4 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Pháp, Tây Ban Nha và Đức là 3 thị trường NK tôm lớn nhất trong khối EU. NK tôm của 3 thị trường này tăng lần lượt 32%, 28% và 10% trong 8 tháng đầu năm nay.

Sau một năm Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, XK tôm Việt Nam sang thị trường EU cũng đã ghi nhận những sự tăng trưởng khá. Các sản phẩm được miễn thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực gồm mã HS 03061792 và mã HS 03061799. Tuy nhiên, thị trường EU đòi hỏi hết sức khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc phải thuận lợi.

Sau khi suy giảm mạnh trong năm 2020, kinh tế EU đang trên đà hồi phục và được dự báo trở lại bình thường ngay từ năm 2022. Dự báo trong năm 2021, kinh tế EU có thể đạt mức tăng trưởng trên 5% so với năm 2020.

Để khôi phục kinh tế hậu COVID-19, EU đã kích hoạt nhiều gói hỗ trợ, giải ngân các quỹ khôi phục sản xuất nhằm xây dựng lại các chuỗi cung ứng hàng hóa. Những tháng cuối năm nay, EU rất khan hiếm hàng hóa bởi nhiều đối tác cung ứng cho EU đang phải chống chọi với dịch COVID-19, cộng với áp lực về giá cước vận tải biển tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm của người dân EU tăng.

Đây là lợi thế cho các nhà cung cấp của Việt Nam sang EU. Tuy nhiên, lợi thế này không kéo dài lâu bởi chỉ trong vòng 6 tháng đến 1 năm nữa các chuỗi cung ứng mới sẽ đi vào ổn định, việc thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp mới sẽ khó khăn hơn. Thêm vào đó, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đã xúc tiến đàm phán hiệp định thương mại tự do với EU để khai thác thị trường nhiều tiềm năng này, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng dần.

Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam, dù đang gặp rất nhiều khó khăn sau thời gian giãn cách phải dồn mọi nguồn lực để khôi phục sản xuất, tận dụng thời cơ hiện nay để củng cố và phát triển thị phần tại thị trường EU.

Trong những ngày qua, việc xuất hiện nhiều ca dương tính tại các tỉnh ĐBSCL và lan rộng tới các nhà máy chế biến thủy sản gây áp lực không nhỏ cho việc đảm bảo an toàn và ổn định sản xuất. Điều quan trọng lúc này là cần đẩy mạnh tiêm đủ vaccine cho người lao động trong toàn chuỗi sản xuất tôm.

 

Khủng hoảng phân bón làm suy yếu ngành nông nghiệp

Với việc thị trường phân bón hiện đang chứng kiến ​​những cú sốc về nguồn cung chưa từng có và giá cao kỷ lục, lạm phát lương thực trên toàn thế giới dự báo sẽ còn tăng hơn nữa khi sản lượng cây trồng giảm và giá sản phẩm tăng cao.

Phân bón có nguồn gốc từ nitơ, chất dinh dưỡng quan trọng nhất của cây trồng, được sản xuất từ khí tự nhiên hoặc than đá. Nguồn cung những loại nhiên liệu này đang cực kỳ khan hiếm, buộc các nhà máy sản xuất phân bón ở châu Âu phải cắt giảm sản lượng, hoặc thậm chí, trong một số trường hợp, phải đóng cửa. Trong khi đó, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước.

Các vấn đề: cước vận chuyển tăng, thuế quan tăng và thời tiết khắc nghiệt… cùng lúc ập đến làm gián đoạn các chuyến hàng vận tải trên toàn cầu. Mọi thứ xảy ra cùng lúc đến mức tình trạng của chuỗi cung ứng nông sản không thể tồi tệ hơn được nữa.

Giá lương thực trên toàn cầu đã tăng hơn 30% trong 12 tháng qua, đạt mức cao nhất trong vòng một thập kỷ do biến đổi khí hậu tàn phá mùa màng và đại dịch Covid-19 khiến cho sản xuất càng thêm chật vật.

Trong khi đó, khoảng 1/10 dân số trên thế giới bị thiếu ăn. Cuộc khủng hoảng phân bón đồng nghĩa với việc các loại cây trồng chủ lực - ngô, gạo và lúa mì – đang gặp nguy hiểm lớn, khiến Chỉ số giá ngũ cốc giao ngay của Bloomberg (Bloomberg Grains Spot Subindex( tăng khoảng 4% trong tháng vừa qua.

Khủng hoảng phân bón làm suy yếu ngành nông nghiệp - Ảnh 1.

Chỉ số giá ngũ cốc - Bloomberg Grains Spot Subidex.

Thật khó để nói về tầm quan trọng của phân trong việc cung cấp thực phẩm, vì sẽ không "lịch sự" khi nêu vấn đề phân bón và liên tưởng đến đĩa thức ăn. Nhưng trên thực tế, gần như mọi đĩa thức ăn bạn có được đều có sự "hỗ trợ" của phân bón. Ngay cả thực phẩm hữu cơ cũng sử dụng chất thải của động vật và các chất dinh dưỡng khác. Nhưng nhìn chung, phân bón tổng hợp được thế giới sử dụng rộng rãi để có thể cung ứng đủ thực phẩm.

Kể từ khi chúng ta lần đầu tiên bắt đầu sản xuất phân bón tổng hợp cách đây hơn một thế kỷ, dân số trên hành tinh đã tăng từ khoảng 1,7 tỷ người lên khoảng 7,7 tỷ người, phần lớn là nhờ vào sự tăng trưởng vượt bậc về năng suất cây trồng. Một số chuyên gia thậm chí đã ước tính dân số toàn cầu có thể chỉ bằng một nửa so với ngày nay nếu không có phân đạm.

Với việc thị trường phân bón hiện đang chứng kiến ​​những cú sốc về nguồn cung chưa từng có và giá cao kỷ lục, điều đó đồng nghĩa với việc lạm phát lương thực trên toàn thế giới thậm chí sẽ còn tăng hơn nữa.

Giá nông sản trên toàn cầu đang biến động rất mạnh. Giá lúa mì đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012, cà phê cao nhất trong vòng gần một thập kỷ, ngô và nhiều sản phẩm cây trồng khác cũng tăng vọt.

Trên khắp Brazil, khoảng một phần ba nông dân trồng cà phê của quốc gia này không có đủ phân bón. Ở Mỹ, người trồng ngô nhận thấy giá hiện cao gấp hơn hai lần so với giá họ đã trả vào năm ngoái. Tại Thái Lan, một số người trồng lúa đang kêu gọi chính phủ can thiệp vào thị trường bởi chi phí đầu vào tăng như vũ bão. xoắn ốc.

Vậy mà hai trong số những nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới, Nutrien Ltd. và Mosaic Co., dự báo giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa.

Nhà phân tích Alexis Maxwell thuộc Green Markets, một doanh nghiệp thuộc sở hữu của Bloomberg, cho biết: "Nông dân có thể chuyển gánh nặng giá phân bón tăng sang vai người tiêu dùng dưới hình thức giảm sản lượng và tăng giá sản phẩm cây trồng".

Chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ - tham chiếu cho thị trường toàn cầu – ngày 12/11 đã tăng 0,4% so với phiên liền trước, lên 1.017,87 USD/tấn, xấp xỉ mức cao kỷ lục lịch sử đạt được vào tháng 10, theo dữ liệu của Green Markets. Trong khi đó, giá amoniac trên thị trường Tây Âu – nguyên liệu sản xuất nitơ và là "chỉ báo" giá phân bón của khu vực – đã tăng 12% trong tuần kết thúc vào ngày 12/11, đạt 910 USD/tấn, cao nhất trong vòng 13 năm. Giá các loại phân bón khác cũng tăng tương tự.

Khủng hoảng phân bón làm suy yếu ngành nông nghiệp - Ảnh 2.

Giá các loại phân tổng hợp trên thế giới trong năm qua đều tăng mạnh (ĐVT: USD/tấn).

Nguyên nhân do khủng hoảng năng lượng

Mùa đông đang tới, thị trường khí gas toàn cầu chưa kịp hạ nhiệt lại một lần nữa nóng trở lại.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường Châu Á trong tuần kết thúc vào 12/11 đảo chiều tăng sau 3 tuần liên tục giảm trước đó do nhu cầu tăng ở Trung Quốc bởi nhiệt độ giảm mạnh. Các nhà phân phối khí đốt đang tập trung sự chú ý vào nguồn cung khí của Nga cho thị trường Châu Âu. Giá LNG trung bình kỳ hạn tháng 12 tại khu vực Đông Bắc Á tăng lên 31,5 USD/mmBtu, tăng 2 USD, tương đương khoảng 6,8% so với tuần trước.

Ở Châu Âu, giá khí gas đã hai ngày liên tiếp tăng mạnh bởi lo sợ hãng khí đốt khổng lồ của Nga, Gazprom, sẽ không cung cấp đủ khí đốt vào mùa đông này sau khi cơ quan quản lý năng lượng của Đức đình chỉ quá trình phê duyệt đường ống Nord Stream 2 của Gazprom từ Nga tới Đức. Theo đó, giá ngày 16/11 tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Khí gas kỳ hạn tháng 12 trên thị trường Hà Lan tăng 7,40 euro chỉ trong một phiên, lên 89 euro/megawatt giờ (MWh), cao nhất kể từ ngày 26 tháng 10. Tại Anh, khí gas giao tháng 12 tăng 18,96 pence ở mức 2,24 GBP/therm.

Giá khí gas tại Mỹ cùng ngày cũng tăng vọt 5% do dự báo thời tiết sắp tới sẽ giá lạnh khiến nhu cầu sưởi ấm tăng lên và theo xu hướng tăng giá trên toàn cầu.Trên sàn New York, giá khí đốt kỳ hạn tháng 12 cùng phiên cũng tăng 5,2%, lên 5,278 USD/mmBtu, cao nhất kể từ ngày 8/11.

Với những thực tế nêu trên, cơn sốt giá phân bón chưa biết đến khi nào mới có thể hạ nhiệt, lạm phát giá lương thực dự báo sẽ còn tiếp tục cao trong những tháng tới. TT TT Cn & TM

Tin liên quan

Tin mới nhất