16 người đang online
°

Sản xuất kinh doanh 10/8/2020

Đăng ngày 10 - 08 - 2020
Lượt xem: 21
100%

Tháng 6/2020, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan tăng trong khi của Việt Nam giảm nhẹ. Gạo Thái Lan tiếp tục đắt nhất trong số 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, còn gạo Ấn Độ rẻ nhất.

 

Tháng 6/2020, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan tăng trong khi của Việt Nam giảm nhẹ. Gạo Thái Lan tiếp tục đắt nhất trong số 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, còn gạo Ấn Độ rẻ nhất.


Thị trường gạo tháng 6/2020: Giá tăng ở Ấn Độ và Thái Lan trong khi giảm ở Việt Nam

Tháng 6/2020, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan tăng trong khi của Việt Nam giảm nhẹ. Gạo Thái Lan tiếp tục đắt nhất trong số 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, còn gạo Ấn Độ rẻ nhất.

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm từ cuối tháng 5/2020 đến giữa tháng 6/2020 do nhu cầu từ các khách hàng Châu Phi yếu đi giữa lúc nguồn cung tăng lên do đang trong vụ thu hoạch. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 6/2020, giá tăng trở lại do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên thúc đẩy một số khách hàng Châu Phi tăng cường mua gạo vào.

Từ mức cao nhất trong vòng 13 tháng ở cuối tháng 5/2020 (385-389 USD/tấn), gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng vào trung tuần tháng 6/2020 (366-372 USD/tấn). Tuy nhiên, đến ngày 25/6/2020, giá loại gạo này đã trở lại mức 373 – 378 USD/tấn. So với một năm trước, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ hiện cao hơn khoảng 7%. Mặc dù tăng, giá gạo Ấn Độ vẫn rẻ hơn gần 30% so với gạo cùng loại của Thái Lan và rẻ hơn khoảng 15% so với gạo Việt Nam. Đồng rupee Ấn Độ đã giảm hơn 6% giá trị kể từ đầu năm đến nay giúp cho gạo xuất khẩu của nước này cạnh tranh tốt hơn (về giá) trên thị trường quốc tế.

Xuất khẩu gạo Ấn Độ đầu tháng 5/2020 tăng cao khi nhiều khách hàng Châu Phi và Châu Á mua vào. Sau đó tiến độ xuất khẩu chững lại khi khách hàng giảm mua vì các kho dự trữ đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, những ngày gần đây khách hàng Châu Phi lại gia tăng mua gạo Ấn Độ khi số ca nhiễm virus corona tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Mặc dù Ấn Độ đã kết thúc giai đoạn phong tỏa toàn quốc, song hoạt động tại các cảng biển vẫn chưa trở lại bình thường vì thiếu lao động và thiếu container. Một số nhà máy gạo cũng hoạt động cầm chừng do thiếu lao động nhập cư.

Sản lượng gạo Ấn Độ niên vụ 2019/20 cao kỷ lục, 117,94 triệu tấn, và có thể sẽ tăng thêm nữa trong vụ 2020/21 do giá thu mua được Chính phủ điều chỉnh tăng. Ông B.V.nana Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ dự đoán sản lượng lúa gạo nước này năm nay sẽ tăng lên mức cao kỷ lục, 120 triệu tấn (so với 117,94 triệu tấn của niên vụ trước) do nông dân mở rộng diện tích trồng lúa vì thời tiết thuận lợi và Chính phủ nâng giá thu mua lúa cho vụ mới.

Theo một số chuyên gia nước này, sản lượng gạo tăng có thể khiến cho giá trong nước giảm, làm cho gạo Ấn Độ cạnh tranh tốt hơn khi xuất khẩu, bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung ở các đối thủ là Thái Lan và Việt Nam.

Giá gạo Thái Lan trong tháng 6/2020 tăng khoảng 5% do nguồn cung trên thị trường không có nhiều sau đợt hạn hán kéo dài vừa qua và đồng baht tiếp tục tăng, mặc dù vắng bóng nhu cầu từ các nhà nhập khẩu nước ngoài. Đồng baht Thái tiếp tục tăng, hiện ở quanh mức cao nhất trong vòng hơn 4 tháng, khiến cho giá gạo xuất khẩu quy ra USD càng trở nên đắt đỏ.

Các nhà kinh doanh gạo Thái lan vẫn chưa chắc chắn về nguồn cung sắp tới sau đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ kéo dài từ cuối năm ngoái tới những tháng đầu năm nay, mặc dù đã có mưa ở những khu vực sản xuất. Các thương gia nước này lo ngại nguồn cung trên thị trường nội địa sẽ còn tiếp tục thắt chặt cho tới tháng 8/2020, khi vào vụ thu hoạch mới.

Bộ Thương mại Thái Lan dẫn số liệu của Hải quan nước này cho biết, xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm nay là 2,12 triệu tấn, trị giá 43 tỷ baht (1,38 tỷ USD), giảm 32,1% về lượng và 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo nước này hy vọng xuất khẩu trong năm 2020 sẽ đạt 7-8 triệu tấn, trị giá 4,2 tỷ USD, tương đương chỉ tiêu của Bộ Thương mại. Đây là mục tiêu thấp nhất trong vòng 7 năm qua kể từ năm 2013 khi Thái Lan chỉ xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo.

Ủy ban Chính sách Lúa gạo quốc gia Thái Lan đã thống nhất các biện pháp cơ bản để ổn định giá lúa gạo trong nước, theo đó dành khoảng 100 tỷ baht để trợ cấp cho người trồng lúa trong niên vụ 2020-2021 (từ ngày 1/9/2020 đến ngày 31/5/2020).

Theo chương trình này, trước hết Chính phủ sẽ khởi động dự án tăng cường sản xuất lúa gạo, theo đó mỗi gia đình làm nông nghiệp sẽ được cấp 1.000 baht/rai, giới hạn ở mức 20 rai. Tiếp theo, Chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính để nông dân trì hoãn việc bán 7 triệu tấn gạo ra thị trường nhằm ngăn chặn giá giảm trong giai đoạn thu hoạch lúa. Bước thứ ba sẽ là tổ chức các chợ mua bán gạo trị giá khoảng 2,8 tỷ baht.

USDA dự báo sản lượng gạo Thái Lan năm 2020/21 sẽ tăng lên 21 triệu tấn, cao hơn 17% so với năm trước đó do thời tiết thuận lợi. USDA dự đoán xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2019/20 sẽ đạt 7,5 triệu tấn, và tăng lên 9 triệu tấn vào năm 2020/21. Sản lượng gạo Thái Lan đang trên đà hồi phục sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm 2019/20 do thời tiết xấu và sâu bệnh.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm trong tháng 6/2020 do nhu cầu chậm dần lại trong khi nguồn cung tăng lên theo tiến độ thu hoạch lúa Hè Thu – vụ thu hoạch dự kiến kết thúc vào tháng 9/2020. Chất lượng lúa vụ này được đánh giá là không cao vì gặp mưa vào lúc thu hoạch.

Trong vòng một tháng (24/5-25/6/2020), giá gạo 5% tấm giảm khoảng 6%, từ mức 450 – 460 USD/tấn còn 405 – 450 USD/tấn. Ở thời điểm hiện gạo, gạo vụ Đông Xuân được chào bán giá khoảng 450 USD/tấn, trong khi gạo vụ Hè Thu chào giá 405 – 410 USD/tấn. Gạo Ấn Độ có giá rẻ hơn làm giảm sức cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Giá gạo Bangladesh tiếp tục tăng do các nhà máy xay xát và các thương gia tăng cường mua gạo dự trữ. Gạo chất lượng trung bình ở Bangladesh hiện chào bán giá khoảng 50 taka (0,5896 USD)/kg.

Chính phủ Bangladesh cho biết sẽ tăng cường thu mua lúa trong dân giữa bối cảnh dịch Covid-19 và thời tiết diễn biến phức tạp. Mưa lớn đã ảnh hưởng tới việc gieo trồng lúa ở Bangladesh. Nước này hàng năm sản xuất khoảng 35 triệu tấn, nhưng thường phải nhập khẩu mỗi khi thiếu hụt do lũ lụt hoặc hạn hán. Sản lượng lúa vụ Hè (Boro) có thể không đạt mục tiêu 20,04 triệu tấn do diện tích giảm xuống 4,75 triệu ha, so với 4,9 triệu ha vào năm ngoái.

Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) nhận định, dự trữ gạo của Bangladesh chắc chắn sẽ giảm 8,33 triệu tấn trong năm 2021 do dịch Covid-19, đe dọa ảnh hưởng tới an ninh lương thực.

Giá gạo Indonesia cũng tăng giá nhẹ mặc dù đang giữa vụ thu hoạch. Giá bán lẻ gạo trung bình là 12.050 rupiah (0,81 USD)/kg, tăng so với 11.800 rupiah hồi đầu năm và so với 11.700 rupiah cùng thời điểm này năm ngoái. Giá bán lẻ gạo do Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bulog) bán ra giao động trong khoảng 9,450 rupiah đến 10,250 rupiah tùy theo khu vực. Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Buglog) hiện có 1,4 triệu tấn gạo dự trữ và dự định sẽ không nhập khẩu gạo trong năm nay.

Cho đến ngày 22/6/2020, Bulog đã thu mua 609.577 tấn gạo trên thị trường nội địa. Trong 3 tháng tới, Bulog sẽ thực hiện chỉ định của Tổng thống Joko Widodo là cung cấp 450.000 tấn gạo cho các chương trình của Chính phủ, và có thể cung cấp tiếp một lượng tương tự trong 3 tháng tiếp theo.

Trong những tháng gần đây, Bulog đã tăng gấp đôi khối lượng gạo xuất bán ra thị trường để bình ổn giá. Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia trình Quốc hội nước này mục tiêu sản xuất 63,5 tiệu tấn lúa trong năm 2021, tăng so với 59,15 triệu tấn của năm nay.

Giá gạo thơm cao cấp của Campuchia trên thị trường thế giới là 920 USD/tấn, gạo thơm là 830 USD/tấn và gạo trắng là 550 USD/tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Campuchia, nước này đã thu hoạch khoảng 10 triệu tấn thóc năm 2019, từ đó còn dư khoảng 5,6 triệu tấn thóc, tương đương với 3,5 triệu tấn gạo.

Xuất khẩu gạo Campuchia trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 353.097 tấn, tăng 42,34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gạo thơm chiếm 81,24% và riêng gạo thơm cao cấp chiếm 80%. Trung Quốc và Liên minh Châu Âu hiện vẫn là 2 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Campuchia. Xuất khẩu sang Châu Âu trong 5 tháng đầu năm nay đạt 122.010 tấn, tăng 51,1% so với 5 tháng đầu năm 2019; sang Trung Quốc đạt 136.825 tấn (tăng 25,26%), sang các nước ASEAN đạt 45.825 tấn (tăng 45,39%) và các thị trường khác đạt 51.437 tấn (tăng 79,40%). Campuchia kỳ vọng xuất khẩu gạo trong năm 2020 sẽ đạt 800.000 đến 1 triệu tấn.

Nguồn Khmertimeskh dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia Veng Sakhon cho biết, trong vụ mùa 2019-2020, Campuchia đã sản xuất được gần 11 triệu tấn thóc, trong đó xuất khẩu sang Việt Nam hơn 2 triệu tấn. Theo Tổng thư ký Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF) Lun Yeng, hầu hết số thóc xuất khẩu sang Việt Nam là giống ngắn ngày, có thể thu hoạch trong vòng 3 tháng. Giống gạo ngắn ngày không phải là mục tiêu chế biến xuất khẩu của Campuchia nhưng vẫn được khuyến khích xuất khẩu để giúp nông dân tăng thu nhập. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Campuchia, trong giai đoạn 1/1 - 9/6/2020, nước này đã xuất khẩu 921.047 tấn thóc sang Việt Nam. Phần lớn số thóc này được sản xuất bởi các tỉnh: Kandal, Prey Veng, Svay Rieng, Takeo, Battambang và Kampot.

Gạo là nông sản duy nhất có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 7 tháng đầu năm

Kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 10,9%, đạt 1,9 tỷ USD.

Những mặt hàng nông sản còn lại đều ghi nhận tăng trưởng âm.

Xuất siêu tháng 7 đạt 1 tỷ USD và đạt 6,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tăng 15% và đạt gần 38 tỷ USD.

 

Báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội 7 tháng đầu năm của Tổng Cục Thống kê cho thấy gạo là mặt hàng nông sản duy nhất ghi nhận tăng trưởng 10,9%, đạt 1,9 tỷ USD. Trong khi đó, những mặt hàng nông sản còn lại đều có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước như rau quả, cà phê, hạt điều, cao su, đặc biệt, cao su giảm 20,3%, đạt 405 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Xuất khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm ước đạt 145,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực trong nước tiếp tục là điểm sáng của bức tranh xuất khẩu, đạt gần 50,8 tỷ USD, tăng 13,5%. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt hơn 95 tỷ USD, giảm 5,7%.

Hoa Kỳ duy trì vị trí nhà nhập khẩu hàng hóa số 1 của Việt Nam, ước đạt gần 38 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Thứ hai là Trung Quốc đạt gần 24 tỷ USD, tăng 18,4 %. Trong khi đó, xuất khẩu EU giảm 5,9%, đạt 19,5 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam giảm nhập khẩu các mặt hàng như vải, sắt và thép, chất dẻo, đặc biệt ôtô giảm mạnh nhất (32,6%) và đạt 2,9 tỷ USD. Trong khi đó, việc nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện trong 7 tháng tăng mạnh, 14%, đạt 32,6 tỷ USD.

Nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống đều ghi nhận việc nhập khẩu tăng trưởng âm, như Hàn Quốc, ASEAN và cả Trung Quốc. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU vẫn duy trì đà tăng, lần lượt 2,5% và 6%.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 140 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu tăng 1,5% đạt gần 62 tỷ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,2%, đạt hơn 77 tỷ USD.

Chỉ tính riêng tháng 7, Việt Nam xuất siêu 1 tỷ USD và 7 tháng đầu năm con số này là 6,5 tỷ USD.

Giá gừng tại Trung Quốc đắt như thịt

Giá gừng tại Trung Quốc tăng rất mạnh trong hai tháng qua do nguồn cung hạn hẹp.

Tại các chợ truyền thống, hiện giá mỗi kg gừng tại nước này dao động trong khoảng 30 CNY (4,28 USD) đến 35 CNY (5 USD). Mức giá này gần tương đương với giá thịt.

Tại các siêu thị lớn, nguồn cung nhìn chung ổn định và giá không có nhiều biến động nhưng cũng duy trì ở mức cao.

Giá gừng Trung Quốc xuất khẩu sang Hà Lan trong tháng 7/2020 ở mức 2.500 USD/tấn, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Có ba lý do chính khiến gừng tăng giá: (1) sản lượng gừng của Trung Quốc trong mùa vụ năm 2019 giảm khiến lượng cung trên thị trường ít hơn mọi năm; (2) dịch bệnh Covid-19 khiến người tiêu dùng gia tăng nhu cầu đối với gừng trong những tháng gần đây; và (3) lượng gừng dự trữ hiện chỉ bằng 20% tổng sản lượng của năm 2019.

Vụ mùa gừng năm nay, một số khu vực sản xuất gần đây bị ảnh hưởng của lượng mưa lớn và lũ lụt làm hỏng nhiều diện tích gừng, chắc chắn sẽ làm giảm sản lượng gừng năm nay, ảnh hưởng đến cả chất lượng cũng như kích cỡ củ gừng.

Tháng 8 này, các thị trường châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông sẽ bước vào mùa tiêu thụ cao điểm. Trong khi đó, nguồn cung gừng Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm nên giá dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Dự báo giá gừng sẽ chỉ giảm khi vào vụ thu hoạch mới (đến cuối tháng 11 các thị trường Đông Nam Á và Trung Đông mới có gừng vụ mới, trong khi Châu Âu phải đợi đến cuối tháng 12). Dự báo giá gừng vụ mới sẽ cao hơn ít nhất 30% so với cùng vụ năm ngoái.

 TT TT CN & TM

Tin liên quan

Tin mới nhất