53 người đang online
°

Sản xuất kinh doanh 6/012013

Đăng ngày 06 - 01 - 2013
Lượt xem: 47
100%

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 12 lại giảm Theo khảo sát của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 12-2012 giảm 1,2 điểm, xuống dưới mức trung bình 50 điểm

 

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 12 lại giảm

Theo khảo sát của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 12-2012 giảm 1,2 điểm, xuống dưới mức trung bình 50 điểm

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 12 lại giảm

Theo khảo sát của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 12-2012 giảm 1,2 điểm, xuống dưới mức trung bình 50 điểm.

Cụ thể, với kết quả 49,3 trong tháng 12, so với 50,5 trong tháng 11, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của HSBC được điều chỉnh theo mùa đã nằm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm lần thứ 8 trong 9 tháng qua. Việc suy giảm này chủ yếu do việc giảm số lượng đơn đặt hàng mới và tình trạng trì trệ của sản lượng.
Tuy nhiên, so về quý thì chỉ số PMI trung bình trong quý 4 năm 2012 là 49,5 điểm, cao hơn khá nhiều so với còn số 46,9 điểm trong quý 3. Đây là kết quả cao nhất từ quý 3 năm 2011.

Sau khi tăng nhẹ vào tháng 11, mức độ sản lượng ngành sản xuất hầu như không thay đổi trong tháng 12. Theo thông tin từ các công ty, nếu sản lượng được duy trì cũng là nhờ giảm lượng công việc tồn đọng. Các điều kiện thị trường nhìn chung vẫn yếu kém, phản ánh ở việc giảm số lượng đơn đặt hàng cả trong nước và xuất khẩu. Lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ tám liên tiếp và tốc độ giảm ở mức độ lớn hơn so với tháng 11.

Hiệu suất hoạt động yếu kém của lĩnh vực sản xuất còn chưa kịp ảnh hưởng đến thị trường lao động khi các nhà sản xuất vẫn tạo việc làm mới tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 12. Mặc dù tốc độ tăng số lượng nhân công vẫn chỉ là nhẹ nhưng đây vẫn là lần tăng nhanh nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011. Số lượng nhân công lớn hơn - cùng với nỗ lực duy trì sản lượng - cũng là một nhân tố cơ bản dẫn đến việc giảm đáng kể lượng công việc tồn đọng.

Nhu cầu yếu và chi phí tăng cao đã ảnh hưởng đến những quyết định mua hàng và duy trì hàng tồn kho trong tháng 12. Lượng mua hàng hóa đầu vào đã không thay đổi so với tháng 11, khi mà nhu cầu yếu đã làm nản lòng các công ty trong hoạt động mua nguyên liệu thô. Trong khi đó, chủ trương giảm hàng tồn kho dẫn đến lượng tồn kho hàng hóa trước và sau sản xuất thấp hơn.

Giá cả đầu vào trung bình trong tháng 12 đã giảm lần đầu tiên trong 5 tháng, mặc dù tốc độ giảm chỉ là nhỏ. Chi phí mua hàng thấp hơn chủ yếu là do nhu cầu đối với nguyên liệu thô yếu, đặc biệt là ở thị trường nội địa.

Tháng 12 đã ghi nhận việc giảm giá đầu ra trung bình tháng thứ 8 liên tiếp, với tốc độ giảm phù hợp với mức trung bình của giai đoạn này. Giá xuất xưởng thấp hơn được cho là do nhu cầu yếu và cạnh tranh mạnh mẽ.

Theo Ngân hàng HSBC, với mức sản lượng như hiện nay, có thể thấy nền kinh tế đang dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, quá trình hồi phục của nền kinh tế vẫn còn ở giai đoạn đầu mong manh khi nhu cầu vẫn còn yếu và niềm tin của người tiêu dùng giảm. Việc giảm giá bán đang được hậu thuẫn do giá cả đầu vào giảm. Việc làm tăng lên lần thứ ba thể hiện khả năng phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong khi các điều kiện có thể cải thiện hơn trong năm tới, ngân hàng này không kỳ vọng hành vi tiêu dùng có sự thay đổi đáng kể, trừ khi có những cải cách thực sự.

 

FDI vào bất động sản tăng mạnh

Năm 2012, FDI vào BĐS đạt 1,85 tỷ USD, chiếm 14,2% vốn đăng ký, tăng hơn 2 lần so với năm 2011.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2012 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam đạt 1,85 tỷ USD, chiếm 14,2% vốn đăng ký năm 2012 là 12,72 tỷ USD.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã vươn lên đứng thứ 2 trong số các lĩnh vực thu hút FDI (lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu) với 10 dự án đầu tư đăng ký mới, số vốn đăng ký cấp mới trên 1,35 tỷ USD; có 5 dự án tăng vốn, tổng vốn đăng ký tăng thêm 494,3 triệu USD.

Mức đầu tư FDI vào bất động sản năm nay tăng hơn 2 lần so với năm 2011 (năm 2011 chỉ chiếm 5,8% trong tổng vốn đăng ký 14,7 tỷ USD). 

 

Samsung định đầu tư 2,2 tỷ USD vào Việt Nam

Tập đoàn điện thoại đến từ Hàn Quốc sẽ mạnh tay mở rộng sản xuất ở Việt Nam trong các năm tới.

Tập đoàn đến từ Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch "khủng" của mình trong năm sau cũng như về dài hạn, trong đó Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng, sản xuất ra 50% lượng điện thoại của hãng trên toàn cầu.

Theo đó, Samsung đặt mục tiêu trong năm 2013 sẽ sản xuất ra 510 triệu điện thoại, tăng mạnh so với con số 420 triệu năm nay. Một quan chức Hàn Quốc cho biết, trong số 510 triệu chiếc điện thoại này, có gần nửa - 240 triệu chiếc sẽ được sản xuất ở Việt Nam. 170 triệu chiếc khác đến từ nhà máy ở Trung Quốc, 40 triệu chiếc sản xuất ở Hàn Quốc và 20 triệu chiếc ở Ấn Độ.

Samsung cũng sẽ mạnh tay mở rộng nhà máy ở Việt Nam trong những năm tới. Sam sung đang lên kế hoạch đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD từ nay đến năm 2020 để nâng cao sản lượng tại Việt Nam. Chi phí này sẽ được dành cho các mục tiêu cắt giảm chi phí sản xuất, phí vận chuyển và giao hàng.

Năm 2012, Samsung đã vượt Nokia để trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất toàn cầu sau 14 năm thống trị của công ty đến từ Phần Lan. Một nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Samsung dự báo hãng điện thoại Hàn Quốc sẽ có lợi nhuận 19,55 tỷ USD trong năm 2013, tăng so với con số 17,68 tỷ USD năm nay.

 

Việt Nam thuộc Top 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia

Ngày 25/12, tại Thủ đô Phnompenh (Campuchia), Đại diện Hiệp Hội các Nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia (AVIC) đã có buổi gặp mặt Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen.

Để báo cáo một số tình hình về đầu tư của Việt Nam tại Campuchia và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để triển khai thực hiện.

Tại  buổi tiếp kiến, Chủ tịch AVIC đã báo cáo kết quả 3 năm hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại Việt Nam sang Campchia và những định hướng thời gian tới đồng  thời đề xuất về mục tiêu hành động cho giai đoạn 2012-2015.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2015, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Campchia đạt 3 đến 3,2 tỷ USD; kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5 tỷ USD du lịch tăng trưởng trên 30%/năm. Đồng thời phấn đấu đưa vào vận hành từ 5 đến 7 dự án: Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy – Phnompenh; Nhà máy đường cồn điện 2; Dự án trồng cây cao su (của Hoàng Anh Gia Lai, CT Group); hoàn thành việc khai phá và trồng mới cho toàn bộ quỹ đất được CPC giao cho các dự án cao su. 

 *Tiếp đó, AVIC phối hợp với Hội đồng Phát triển Campuchia CDC đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại Việt Nam sang Campuchia. Hội nghị đã tiến hành đánh giá quá trình triển khai, kết quả đạt được và nêu nên những tồn tại sau 3 năm hoạt động xúc tiến đầu tư của Việt Nam tại Campuchia, đồng thời đề xuất các kiến nghị để khắc phục khó khăn cũng như đề ra phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới. Trong hoạt động đầu tư, năm 2011, Việt Nam có 90 dự án đầu tư tại Campuchia với số vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Năm 2012, mặc dù, chịu tác động từ những khó khăn chung của kinh tế thế giới, số dự án đầu tư của Việt Nam tiếp tục tăng đưa tổng số dự án đầu tư của Việt Nam lên 124 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 2,5 tỷ USD gấp 4,4 lần so với năm 2009, thuộc Top 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia.

*Sáng cùng ngày, tại Xã Som-Rong-Thom, huyện Kiên-Sway, tỉnh Kandal, Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen đã dự lễ khánh thành Nhà máy phân bón NPK của Công ty Phân bón Năm sao.

Nhà máy phân bón NPK có tổng mức đầu tư 79 triệu USD (100% vốn đầu tư của Việt Nam) với công suất 350.000 tấn/năm, đồng thời là tổng kho dự trữ phân bón và kinh doanh xuất nhập khẩu phân bón tổng hợp tại Campuchia. Dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước cấp phép đầu tư ra nước ngoài và khởi công xây dựng từ tháng 12/2009. Sau 3 năm triển khai tích cực, đúng tiến độ đề ra, dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối tháng 12/2012.

 

Giải ngân 12,7 ngàn tỷ đồng vốn vay cho hộ nghèo

Năm 2012, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã giải ngân 12.703 tỷ đồng cho hơn 80.000 hộ nghèo vay vốn đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết, mặc dù năm 2012 gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, song Ngân hàng Chính sách xã hội đã cố gắng bảo đảm đủ vốn cho nhân dân vay đầu tư sản xuất.

Dư nợ đến 30/11/2012 đạt 41.274 tỷ đồng, tăng 2.792 tỷ đồng so với năm 2011. Bên cạnh đó, doanh số thu nợ tính trong 11 tháng năm 2012 là 9.901 tỷ đồng, đây là nguồn vốn đáng kể để cho vay quay vòng.

Những tỉnh có dư nợ lớn như: thành phố Hà Nội 1.329 tỷ đồng; Bắc Giang 1.024 tỷ đồng; Sơn La 1.014 tỷ đồng; Quảng Nam 1.028 tỷ đồng… Nguồn vốn này đã tiếp sức cho gần 3,3 triệu hộ nghèo có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Chị Lý Thị Kim, một hộ nghèo ở thôn Na Nin, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết, tháng 7 năm nay tôi làm hồ sơ vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, nguồn vốn đó không chỉ giúp gia đình có việc làm mà còn tạo ra lợi nhuận đáng kể cho gia đình bảo đảm cuộc sống.

Còn anh Triệu Văn Đông là thủ lĩnh thanh niên xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - một xã miền núi, dân cư thưa thớt. Nhận ủy thác quản lý một số tổ tiết kiệm vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Đông trăn trở tìm cách giúp thanh niên và nhân dân sử dụng hiệu quả đồng vốn, vươn lên thoát nghèo và làm giầu chính đáng.

Xuất phát từ thế mạnh sản xuất chè ở địa phương, Đông cùng với anh em trong Ban chấp hành phối hợp với các tổ chức, đoàn thể mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho thanh niên và nhân dân trong xã, đưa các giống chè mới năng suất cao, mô hình trang trại ươm giống cây con vào sản xuất...

Đồng thời, xã Đoàn còn vận động, khuyến khích, hướng dẫn thanh niên áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật, trồng cây lâm nghiệp… theo hướng quy mô trang trại. Đến nay, xã Đoàn đã xây dựng được 5 mô hình phát triển kinh tế.

Với nhiệt huyết của sức trẻ, lại được tiếp sức từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, trong xã giờ không còn đoàn viên thanh niên nào thuộc hộ nghèo; thu nhập bình quân của thanh niên trong xã từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Đồng vốn ưu đãi của Chính phủ không chỉ được quản lý an toàn, mà còn được sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, thanh niên trong xã còn đảm nhận tham gia chương trình phát triển chè sạch, chè an toàn thanh niên đã đem lại hiệu quả cao.

Cũng trong năm nay, gia đình anh Nguyễn Thanh Hải ở Bạc Liêu đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Những năm trước, gia đình anh được vay vốn chương trình hộ nghèo, để đầu tư nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả. Nhờ chịu khó làm ăn, gia đình anh đã dần trả được hết nợ, thoát cảnh đói nghèo./.

 

Lọc dầu Dung Quất dự kiến tăng gần 1 triệu tấn sản phẩm

Nhà máy dự kiển đạt 6,5 triệu tấn sản phẩm, tăng gần 1 triệu tấn so với năm 2012.

Năm 2013, Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiển sản xuất 6,5 triệu tấn sản phẩm, doanh thu 120.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 16.800 tỷ đồng.

Trong năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng đã sản xuất khoảng 6 triệu tấn sản phẩm các loại, nộp ngân sách nhà nước trên 15.000 tỷ đồng.

Ông Đinh Văn Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho biết, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn với vai trò đầu tàu sẽ có đóng góp rất quan trọng đối với thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi.

“Tính đến thời điểm này, Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn đã nộp ngân sách trên 45.000 tỷ đồng. So với tổng mức đầu tư 43.000 tỷ, số tiền này đã vượt quá con số đầu tư. Từ những con số biết nói này đã khẳng định được vai trò của Nhà máy lọc dầu Dung Quất” - Ông Đinh Văn Ngọc khẳng định./.

 

Giá nguyên liệu cho sản xuất tăng trên 9% năm 2012

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất năm 2012 tăng 9,04% so với năm 2011.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong mức tăng chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất năm 2012, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất của một số ngành tăng cao là: Máy móc thiết bị chưa phân được vào đâu tăng 15,68%; sản phẩm từ cao su, khoáng phi kim loại tăng 14,9%; dệt, trang phục, da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,99%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13,17%.

Ngoài ra, chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2012 tăng 3,91% so với năm trước, trong đó chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông nghiệp tăng 1,05%; hàng lâm nghiệp tăng 14,26%; hàng thủy sản tăng 13,78%.

Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp năm nay cũng tăng 9,32% so với năm trước, trong đó chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 19,10%; sản phẩm công nghiệp chế biến tăng 7,1%; điện và phân phối điện tăng 9,9%; nước tăng 14,45%.

Nhóm cước vận tải có chỉ số giá tăng 13,2% so với năm trước, trong đó giá cước vận tải hành khách tăng 22%; vận tải hàng hóa tăng 7,82%. Chỉ số giá cước vận tải đường sắt năm 2012 tăng 15,49% so với năm 2011; đường bộ và xe buýt tăng 9,98%; đường thủy tăng 7,84%; đường hàng không tăng 31,97%./.

 

Hỗ trợ 500.000 đồng/ha phát triển đất trồng lúa

Ngày 10/1 tới đây, Thông tư số 205/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa chính thức được áp dụng.

Theo đó, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến quản lý, sử dụng đất trồng lúa được sử dụng kinh phí được hỗ trợ để phát triển sản xuất lúa có hiệu quả (ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất mới; đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật;…) nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hàng năm ngân sách nhà nước hỗ trợ người sản xuất lúa từ nguồn kinh phí chi thường xuyên với mức hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

Trường hợp người sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đối với diện tích gieo cấy trong phạm vi 45 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.500.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 1.750.000 đồng/ha; Đối với diện tích gieo cấy trên 45 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 3.500.000 đồng/ha. 

Việc tổ chức thực hiện hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh áp dụng theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Về mức hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa, Thông tư nêu rõ, hỗ trợ 70% chi phí khai hoang, cải tạo đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa hoặc cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước; Hỗ trợ 100% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất trồng lúa mới khai hoang; Hỗ trợ 70% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất lúa khác được cải tạo thành đất chuyên trồng lúa nước./.
 TT TT CN & TM

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chính sách tiền tệ mới của Ai Cập tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam(04/04/2024 9:23 SA)

Vụ mía đường của Ấn Độ và Thái Lan có triển vọng tốt hơn dự kiến(04/04/2024 9:22 SA)

Thị trường cung cấp lúa mì cho Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024(04/04/2024 9:08 SA)

Tiêu thụ thịt lợn của Đức năm 2023 giảm(08/03/2024 10:19 SA)

Sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 dự kiến đạt mức kỷ lục 2.836 triệu tấn(08/03/2024 10:17 SA)