65 người đang online
°

sản Xuất kinh doanh 19/11/2012

Đăng ngày 19 - 11 - 2012
Lượt xem: 39
100%

 

ADB tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo thông cáo báo chí của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thiết chế tài chính lớn nhất khu vực này đang xây dựng Chương trình Tài chính Chuỗi Cung ứng (SCFP) trị giá trên 1 tỷ USD nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong khu vực gặp khó khăn về tài chính tiếp cận vốn với chi phí phải chăng để phát triển sản xuất kinh doanh.

ADB đã dành 200 triệu USD cho SCFP và sẽ xem xét ít nhất hai lần một năm việc cấp vốn cho các SME, với hy vọng sẽ thu hút thêm nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân thông qua SCFP.

Ông Philip Erquiaga, Tổng vụ trưởng phụ trách các hoạt động khu vực tư nhân của ADB, cho biết rất nhiều SME gặp khó khăn khi phải đối mặt với việc không có tiền hay không đủ tiền hoạt động trong thời gian “trễ,” thường kéo dài từ 30-180 ngày giữa thời gian vận chuyển hàng hóa cho đến khi nhận được tiền thanh toán từ khách hàng, và tình trạng này ảnh hưởng rất đáng kể đến doanh thu cũng như cơ hội thực hiện các hợp đồng khác.

SCFP sẽ mở khóa các nguồn tài chính bị “trễ” trong chuỗi cung ứng, giúp cải thiện khả năng tiếp cận của các SME đối với nguồn vốn lưu động với chi phí phải chăng, qua đó hỗ trợ công ăn việc làm và thu nhập.

Ông Philip Erquiaga nhấn mạnh suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra đã làm trầm trọng thêm những thách thức mà các SME phải đối mặt, với việc khách hàng gây áp lực lớn hơn lên các nhà cung cấp, yêu cầu nới rộng thời hạn thanh toán, trong khi cũng gây áp lực đòi rút ngắn thời hạn thanh toán của các nhà phân phối.
SCFP sẽ cải thiện cách tiếp cận dòng tiền lưu thông cho cả nhà cung cấp lẫn nhà phân phối, giúp họ có thể mở rộng hoạt động và sử dụng nhiều người hơn.
Ngoài ra, SCFP còn có tác dụng hỗ trợ cho Chương trình tài chính Thương mại (TFP) của ADB, được đưa ra để thúc đẩy thương mại tại các nước đang phát triển nghèo nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, do SCFP giúp giảm thiểu rủi ro thương mại phi ngân hàng cho các các giao dịch nội địa và qua biên giới trong chuỗi cung ứng. Hơn nữa, nhiều SME trước đây thuộc diện không thể vay vốn được của ngân hàng, nay đã có khả năng tiếp cận nhờ SCFP./.

 

Ngày 18-11, khởi công xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả

Ngày 12-11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng, đại diện chính quyền tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và chủ đầu tư đã họp báo về lễ khởi công Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả trên quốc lộ 1, nối Khánh Hòa với Phú Yên.

Theo dự án, toàn con đường dài 13,4km, trong đó phần hầm Đèo Cả 3,9km, hầm Cổ Mã 500m, còn lại là đường dẫn và cầu trên tuyến, sẽ được khởi công tại Phú Yên vào ngày 18-11.

Các hạng mục hầm, đường, cầu được thiết kế kết cấu vĩnh cửu bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, đạt tiêu chuẩn cao tốc, bảo đảm cho phương tiện đi lại với tốc độ 80km/h. Tổng mức đầu tư cho dự án là 15.603 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hầm Đèo Cả theo hình thức BOT là 10.555 tỷ đồng; chi phí xây dựng hầm Cổ Mã, đường dẫn, cầu trên tuyến theo hình thức BT 4.509 tỷ đồng; chi phí GPMB, tái định cư 539 tỷ đồng.

Dự án sẽ hoàn thành trong năm 2016, rút ngắn khoảng 7km đường, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, đồng thời tăng an toàn giao thông khi qua khu vực Đèo Cả, bởi nơi này thường xuyên ùn tắc do địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, sạt lở đất đá…

 

Tháng 12/2012, khánh thành Thuỷ điện Sơn La

Cả 6 tổ máy Thuỷ điện Sơn La đã hoà lưới điện quốc gia. Công trình này đang chuẩn bị đón ngày vui nhất: chính thức khánh thành, vượt tiến độ trước 2 năm.

Chiều nay, 10/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban chỉ đạo nhà nước Dự án Thuỷ điện Sơn La, Lai Châu đã chỉ đạo các bước chuẩn bị cho Lễ khánh thành công trình Thuỷ điện Sơn La -công trình quan trọng quốc gia và là dự  án thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á.

Công trình có công suất 2.400 MW, sản lượng điện 10,2 tỷ kWh/năm, được Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương, nhiệm vụ và tiến độ đầu tư và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định đầu tư, chính thức khởi công năm 2005.
Với tầm quan trọng và lợi ích của Dự án, Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm, chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu, các địa phương liên quan nỗ lực phối hợp chặt chẽ, chủ động và sáng tạo thực hiện Tổng tiến  độ xây dựng công trình được duyệt. Thực tế, nhiều mốc tiến độ quan trọng của Dự án đã  đạt vượt mục tiêu đề ra. Phát điện Tổ  máy số 1 cuối năm 2010 và các tổ máy còn lại, tích nước hồ chứa đến cao trình thiết kế 215m trước tiến độ 2-3 năm.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải  đã có các chỉ đạo cụ thể để công tác chuẩn bị cho Lễ khánh thành công trình xây dựng Thuỷ điện Sơn La dự kiến vào những ngày cuối tháng 12 tới vừa trang trọng vừa tiết kiệm. Quan trọng đây là một sự kiện ghi nhận và biểu dương những thành quả lao động tích cực, công lao lớn của tập thể, cán bộ kỹ sư, công nhân các đơn vị. Các lực lượng có mặt trên công trường đã tiếp nối “bản trường ca” chinh phục sông Đà, đưa công trình trở thành một biểu tượng sinh động cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 

Khánh thành trạm phát điện năng lượng nhiệt thải

Sau gần 1,5 năm từ khi khởi công vào tháng 5/2011, ngày 9/11, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ximăng Holcim Việt Nam (HVL) đã khánh thành Trạm Phát điện tận dụng năng lượng nhiệt thải công suất 6,3 MW - một trong những mô hình phát điện tận dụng nhiệt thải đầu tiên tại Việt Nam - thuộc nhà máy ximăng Hòn Chông, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Dự án đầu tư trị giá gần 18 triệu USD này là một trong những nỗ lực của HVL nhằm thực hiện cam kết Phát triển Bền vững thông qua sử dụng hiệu quả năng lượng và nguyên nhiên liệu thay thế.

Khi đi vào hoạt động, với công suất phát điện 6,3 MW, trạm có khả năng đáp ứng 25% nhu cầu điện năng cho toàn bộ nhà máy Hòn Chông, tương đương với nhu cầu điện cho 18.300 hộ gia đình trong 1 năm (giả sử nhu cầu tiêu thụ là 6,6 kwh/hộ/ngày).
Hoạt động của trạm giúp hạn chế tác động đến môi trường nhờ giảm phát thải khoảng 25.300 tấn CO2/năm hoặc tiêu thụ 9.000 tấn than/năm hoặc 6.450 tấn dầu hóa thạch/năm để sản xuất lượng điện năng tương đương.

Ông Gary Schutz, Tổng Giám đốc HVL cho biết, hệ thống tái sử dụng nhiệt thải này sẽ giúp Holcim toàn cầu đạt được mục tiêu giảm 25% khí thải CO2 từ nay đến hết năm 2015 mà Tập đoàn tình nguyện cam kết, dựa vào con số năm 1990./.

 

800 triệu USD nâng cao chất lượng điện

Ngày 8/11, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, đại diện 5 công ty điện lực các khu vực và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã ký Hiệp định tín dụng cho Dự án Phân phối điện hiệu quả cho Việt Nam.

Tổng chi phí dự án là 800 triệu USD, WB đóng góp 499 triệu USD và 30 triệu USD từ Quỹ đầu tư sạch (CTF)... WB cung cấp khoản tín dụng này qua Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) với lãi suất 1,25%, phí dịch vụ là 0,75% và thời hạn trả nợ là 25 năm với thời gian ân hạng 5 năm.

 

Tín dụng 300 triệu USD cho dự án khai thác bauxite Lâm Đồng

Chiều 14/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Citibank và Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã tổ chức Lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho khoản vay 300 triệu USD để tài trợ dự án khai thác bauxite và sản xuất alumin ở Lâm Đồng.

Lễ ký kết thỏa thuận tài trợ vốn cho dự án Tổ hợp bô xít nhôm Lâm Đồng có thời hạn 13 năm giữa Tập Vinacomin và Citibank. Khoản vay này sẽ được bảo lãnh bởi Cơ quan bảo hiểm Xuất khẩu và đầu tư của Nhật Bản (NEXI) và Bộ Tài Chính Việt Nam. Trong đó Citibank đóng vai trò là ngân hàng điều phối toàn bộ và cũng là nhà thu xếp chính, hợp tác với ngân hàng Mizuho Corporate Bank, ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust Bank, Limited và ngân hàng The Bank of Corporate. Với trị giá lến đến 300 triệu USD là hợp đồng tín dụng lớn nhất từ trước đến nay của Vinacomin.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Lê Minh Chuẩn- Tổng giám đốc của Vinacomin nhấn mạnh: Sự thành công của hợp đồng này ghi nhận sự nỗ lực to lớn của các bên tham gia hợp đồng và sự ủng hộ lớn của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.  Chúng tôi tin tưởng rằng hợp đồng tín dụng này sẽ mở ra quan hệ và cơ hội hợp tác sâu rộng giữa Vinacomin và các ngân hàng tham gia. Tài trợ vốn là điểm nhấn quan trọng trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Việc ký kết hợp đồng này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định hướng phát triển ngành công nghiệp bauxite, để từng bước đưa ngành công nghiệp này trở thành 1 trong những ngành công nghiệp chiến lược của vinacomin trong thời gian tới.

Ông Sumanta Panigrahi, Giám đốc điều hành phụ trách Khối tín dụng xuất khẩu, Châu Á - Thái Bình Dương của Citibank nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên NEXI cấp bảo lãnh không ràng buộc cho một dự án bauxite và alumin. Điều này cho thấy tầm quan trọng của các cơ quan tín dụng xuất khẩu trong việc hỗ trợ các dự án lớn trọng điểm quốc gia của các thị trường mới nổi nói chung và Việt Nam nói riêng./. 

 

Hàn Quốc đứng đầu danh sách đầu tư vào Hà Nội

Hàn Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với 636 dự án, chiếm gần 31% tổng số dự án đầu tư FDI.

Trong khuôn khổ dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, tại cuộc tiếp Chủ tịch Hội hữu nghị Hàn Quốc – Việt Nam ông Choi Yong Joo vào chiều qua 12/11, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: quan hệ hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc - Việt Nam nói chung và Hàn Quốc - Hà Nội nói riêng ngày càng tốt đẹp. Thành quả đó có công rất lớn của Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc.

Hội đã làm cầu nối để chính phủ và doanh nghiệp hai bên hiểu biết và hợp tác lẫn nhau. Thời gian tới, Hà Nội mong muốn Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm chống ùn tắc giao thông; phát triển công nghệ, xây dựng chính quyền điện tử trong điều hành công việc....

Đến nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với 636 dự án, chiếm gần 31% tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hà Nội và đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư, với trên 3,5 tỷ USD. Hà Nội (Việt Nam) và Seoul (Hàn Quốc) là hai thành phố thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác từ năm 1996 và đã có nhiều thỏa thuận, văn bản ghi nhớ, hợp tác thúc đẩy kinh tế hai bên phát triển mạnh trong thời gian qua như: Lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực hai bên sông Hồng đoạn 40km chạy qua Hà Nội do chính quyền Seoul tài trợ 4,3 triệu USD; Hà Nội tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào các dự án trọng điểm và phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố như tập đoàn Keangnam, Chamvit, Possco...; tạo điều kiện cho sinh viên Hà Nội tham dự các khóa học tại Hàn Quốc.../.

 

Hơn 21.000 tỷ đồng cho vay mới trong thủy sản

Đến hết tháng 10/2012, các khoản nợ đến hạn đã được các tổ chức tín dụng gia hạn là 1.216 nghìn tỷ đồng.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội về việc thực hiện Quyết định 1149 của Chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước giãn nợ tối đa không quá 24 tháng đối với các doanh nghiệp thủy sản, nuôi trồng, chế biến cá tra, cá ba và chế biến thực phẩm, chiều 13/11, Thống đốc cho biết: Tính đến 31/10/2012, số nợ được gia hạn, các khoản nợ đến hạn đã được các tổ chức tín dụng gia hạn với tổng số 1.216 nghìn tỷ đồng, đa số các khoản gia hạn này đều kỳ hạn trên 12 tháng.

Về tình hình cho vay mới, theo tinh thần của Quyết định 1149, từ ngày 15/8-31/10 ngân hàng thương mại Nhà nước đã cho vay mới 21.111 tỷ đồng và tổng số dư nợ đạt trong lĩnh vực này là 34.876 tỷ đồng, với 366.715 lượt khách hàng được vay vốn.

Ngày 3/10 vừa qua ngân hàng Nhà nước tiếp tục có Văn bản số 6341 yêu cầu chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc của 5 ngân hàng thương mại Nhà nước phải tích cực chỉ đạo triển khai quyết liệt hơn nữa chỉ thị này.

“Hiện nay, một Phó thống đốc của Ngân hàng Nhà nước đang họp với 13 tỉnh Tây Nam bộ, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng như các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề triển khai tinh thần nghị quyết này”.

Thống đốc cũng nêu một số khó khăn khi triển khai chương trình này như: thời gian vừa qua giá cá tra, cá basa xuống rất thấp nên phần lớn các doanh nghiệp và người dân đều lỗ làm cho tình hình tài chính cũng trở lên vô cùng khó khăn; Hiện nay, một số doanh nghiệp chế biến cá tra đang khó khăn về tài chính nên lòng tin đối với những người nuôi trồng thủy sản cũng không cao do vậy cũng rất khó trong vấn đề thanh toán và ứng trước tiền; Một số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng thực trạng tài chính quá yếu kém, phương án đưa ra cũng chưa có khả năng thuyết phục.

Cuối cùng, lãi suất theo tinh thần quyết định này là lãi suất phải từ 11% trở xuống. Trong khi cơ cấu lãi suất này của các ngân hàng thương mại cũng không có nhiều.

“Trong đợt công tác này của một Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước, chúng tôi cũng sẽ phối hợp tìm cơ chế thích hợp hơn để đẩy nhanh tốc độ giải ngân” – Thống đốc khẳng định./.
 TT TT Cn & TM

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chính sách tiền tệ mới của Ai Cập tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam(04/04/2024 9:23 SA)

Vụ mía đường của Ấn Độ và Thái Lan có triển vọng tốt hơn dự kiến(04/04/2024 9:22 SA)

Thị trường cung cấp lúa mì cho Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024(04/04/2024 9:08 SA)

Tiêu thụ thịt lợn của Đức năm 2023 giảm(08/03/2024 10:19 SA)

Sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 dự kiến đạt mức kỷ lục 2.836 triệu tấn(08/03/2024 10:17 SA)