44 người đang online
°

Sản xuất kinh doanh 7/12/2012

Đăng ngày 07 - 12 - 2012
Lượt xem: 47
100%

 

Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL 2012

Tối 5/12, tại thành phố Mỹ Tho – tỉnh Tiền Giang, đã khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL – MDEC Tiền Giang 2012. Diễn đàn hợp tác ĐBSCL được tổ chức hàng năm và được xác định là diễn đàn quan trọng, nhằm tăng tính hợp tác và liên kết vùng, với các Bộ, ngành; liên kết giữa vùng với các tổ chức quốc tế và các nước. Qua đó, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại, phát huy tiềm năng, kinh tế to lớn của ĐBSCL.

Từ bức tranh chung của ĐBSCL - MDEC - Tiền Giang 2012 được tổ chức thực hiện với chủ đề “Hướng tới nền nông nghiệp chất lượng và bền vững” nhằm mục đích thu thập ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, những nhà sản xuất, kinh doanh giỏi và liên kết vùng trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế để cùng bàn thảo, tìm ra giải pháp để hành động và đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với đặc điểm của vùng trong thời kỳ hội nhập theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL; góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Cụ thể sẽ có 7 hoạt động chính tại diễn đàn lần này gồm: Hội chợ triển lãm trái cây, rau quả ĐBSCL; Hội thảo tham vấn kế hoạch châu thổ ĐBSCL; Diễn đàn nông dân ĐBSCL; Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL; Hội nghị xúc tiến, đầu tư, thương mại ĐBSCL; Hội thảo về rà soát cơ chế, chính sách đối với các mặt hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL và Hội nghị Ban chỉ đạo MDEC – Tiền Giang 2012.

Diễn đàn kinh tế ĐBSCL lần này có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của khu vực ĐBSCL, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời, tiếp tục tạo dựng hình ảnh mới cho vùng để đẩy mạnh thu hút đầu tư, hội nhập kinh tế và hướng đến sự phát triển bền vững./.

 

11 tháng, tổng mức bán lẻ đạt hơn 2 triệu tỷ đồng

Trong tháng 11/2012, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tăng nhẹ, ước đạt 201,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng 10 và tăng 11% so với tháng 11/2011, Bộ Công Thương cho biết.

Cụ thể, theo báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại của Bộ Công Thương, tính chung 11 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt gần 2,11 triệu tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 11 tháng tăng 6,39%.

Xét theo nhóm ngành, so với cùng kỳ, nhóm thương nghiệp đạt hơn 1,63 triệu tỷ đồng, tăng 15,6% và chiếm tỷ trọng 77,1%; khách sạn nhà hàng đạt gần 250,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% và chiếm tỷ trọng 11,8%; du lịch ước đạt 22,5 nghìn tỷ đồng, tăng 31,3% và chiếm tỷ trọng 1,1%; dịch vụ ước đạt gần 212,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% và chiếm tỷ trọng 10,0%.

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 11, thị trường hàng hoá sôi động hơn so với tháng trước. Nhiều địa phương bắt đầu thực hiện kế hoạch ứng vốn hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Nhiều chương trình khuyến mãi lớn được các doanh nghiệp và các siêu thị triển khai để chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm Tết.

Bộ Công Thương cho rằng, trong tháng cuối năm 2012, để khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước cần củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất nhằm giảm tồn kho và thúc đẩy sản xuất. Đây là một trong những biện pháp nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, giảm lượng hàng hóa tồn kho cho doanh nghiệp. 

 

Khởi công xây nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh, chiều 2/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ đã đến dự Lễ khởi công xây dựng nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh tại Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh là một trong những dự án trọng điểm và lớn nhất của Tập đoàn Formosa đầu tư vào khu công nghiệp Vũng Áng, với tổng mức đầu tư 15 tỷ USD (gồm 2 giai đoạn), nằm trên diện tích trên 3.300ha, trong đó diện tích đất liền là hơn 2.000ha và diện tích mặt nước trên 1.200ha.

Dự án bao gồm các hạng mục chính là nhà máy luyện giang thép, hệ thống cảng biển nước sâu có năng lực cập tàu 300.000 tấn và nhà máy nhiệt điện công suất 2.100 MW, trong đó quy mô nhà máy thép giai đoạn 1 đạt trên 7 triệu tấn phôi thép/năm… Đây cũng là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam tới thời điểm hiện nay.

 

9 tỷ Yên xây nhà máy sản xuất tại Việt Nam

Công ty Fuji Xerox (Nhật Bản) đã quyết định chi 9 tỷ Yên để xây dựng nhà máy sản xuất với tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore thuộc thành phố Hải Phòng.

Tại buổi họp báo chiều 4/12, ông Hitoshi Fujiwara (Phó chủ tịch điều hành, Giám đốc Công ty Fuji Xerox) cho biết, việc xây dựng nhà máy là bước đi trong việc tăng năng lực sản xuất, mở rộng kinh doanh trên toàn cầu của Fuji Xerox.

Fuji Xerox Hải Phòng có tổng diện tích 176.700m2 (trong đó có 57.563m2 nhà xưởng, văn phòng) sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 1 năm 2013 và dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 11 năm 2013.

Nhà máy này sẽ thu hút khoảng 500 lao động địa phương khi bắt đầu hoạt động và khoảng 3.000 lao động khi sản xuất đi vào ổn định.

Theo ông Hitoshi Fujiwara, nhà máy chủ yếu sản xuất thiết bị đa chức năng màu và máy in nhỏ sử dụng công nghệ diode phát quang (LED) với công suất dự kiến khoảng 2.000.000 sản phẩm mỗi năm. Ngoài ra, nhà máy còn sản xuất linh kiện cho các thiết bị này như bo mạch in, mực in... Phần lớn các sản phẩm này sẽ được xuất khẩu sang thị trường châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ, châu Âu và một phần tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Về lý do chọn Hải Phòng là điểm đặt nhà máy, lãnh đạo của Fuji Xerox cho biết vì đây là thành phố Cảng có mạng lưới giao thông thuận tiện. Hơn thế, Việt Nam là quốc gia có những bước tiến vững chắc trong quá trình công nghiệp hóa.

Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều thế mạnh khác như các nhà sản xuất thiết bị thông tin phát triển một cách tập trung, mạng lưới giao thông rộng khắp kết nối các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), tạo điều kiện thuận lợi cho Fuji Xerox thiết lập chuỗi cung ứng.

Ông Hitoshi Fujiwara cũng cho biết, sau khi nhà máy ở Hải Phòng đi vào hoạt động hiệu quả, đơn vị này sẽ tính đến chuyện tiếp tục xây nhà máy thứ hai ở Việt Nam. Địa điểm được lựa chọn vẫn sẽ ở Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore./.

 

Xây dựng nhà máy sản xuất đất hiếm ở Quảng Ninh

Ngày 4/12, tại khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh), Công ty cổ phần đất hiếm toàn cầu (thuộc Tập đoàn Tuần Châu) và Công ty Singapore Winglee Resources PTE Ltd (Singapore) đã ký kết hợp tác xây dựng nhà máy chế biến và sản xuất đất hiếm công nghệ cao.

Hai bên đã thống nhất thành lập công ty liên doanh có tên gọi Công ty trách nhiệm hữu hạn Đất hiếm Quốc tế Việt Nam-Singapore nhằm đầu tư xây dựng lên nhà máy chế biến và sản xuất đất hiếm công nghệ cao tại Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nhà máy có diện tích 50.000m2; tổng số vốn đầu tư là 35,5 triệu USD; trong đó Tập đoàn Tuần Châu chiếm 51% vốn điều lệ, còn lại là phía công ty Singapore.
Sau khi được Chính phủ cho phép, trong vòng 8 tháng nhà máy sẽ được xây dựng hoàn thiện và đi vào hoạt động. Quy mô sản xuất những năm đầu sẽ đạt từ 1.000-3.000 tấn/năm.

Giai đoạn đầu, nguồn nguyên liệu phục vụ nhà máy sẽ nhập khẩu hoặc thu mua tại một số mỏ đất hiếm tại Việt Nam theo quy định. Giai đoạn 2, công ty sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát, nghiên cứu tìm mỏ đất hiếm để lập dự án đầu tư khai thác nhằm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động hoặc sẽ thành lập công ty và nhà máy khác tại địa phương có mỏ với quy mô tương đương tại thành phố Hạ Long.
Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng dùng để sản xuất các linh kiện trong điện thoại di động, pin Mặt Trời, motor điện hiệu suất cao, tivi màn hình phẳng, thiết bị quốc phòng và các công nghệ năng lượng sạch khác. Đất hiếm ngày càng đóng vai trò lớn đối với các ngành công nghiệp và tương lai của thế giới.

Việc xây dựng nhà máy tinh chế đất hiếm tại Quảng Ninh sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển cho ngành công nghiệp Việt Nam cũng như thế giới./.

 

46.500 doanh nghiệp giải thể trong 11 tháng qua

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dẫn số liệu thống kê 9 tháng năm 2012 có khoảng 40.200 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, con số này tiếp tục tăng lên 46.500 doanh nghiệp theo số liệu thống kê của tháng 11/2012.

Theo Ủy ban này, tình hình kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn rất khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong tháng 11 đang tiếp tục tăng so với 9 tháng năm 2012 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cho đến thời điểm gần cuối năm 2012, doanh nghiệp Việt Nam ở đại đa số các ngành nghề vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức trên mọi phương diện, đặc biệt là ở 2 khâu chủ yếu là “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm. Ngoài những khó khăn đã biết ở khâu tiêu thụ sản phẩm chậm dẫn đến lượng hàng tồn kho cao, các doanh nghiệp hiện nay cũng đang chịu những khó khăn rất lớn do phải chi phí sản xuất đang tăng rất cao.

Cụ thể: Chi phí nguyên vật liệu nhiều ngành tăng đột biến: như ngành sản xuất bao bì, giấy tăng 50%, ngành dệt may tăng 30-45%, ngành xây dựng tăng 25%. Mặt khác, trong năm 2012, giá xăng dầu đã tăng ròng 2.300 đồng/lít, đây là mặt hàng nhiên liệu quan trọng, tác động tới tất cả các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cước vận tải hàng hóa quốc tế liên tục tăng từ đầu năm với mức tăng trên 50%. Giá cả đầu vào cao đã làm chi phí, giá thành sản phẩm tăng đáng kể, tác động tiêu cực tới doanh nghiệp.

Thậm chí, theo đánh giá của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, yếu tố mang tính mùa vụ có thể làm tăng giá như: cầu tiêu dùng tăng mạnh vào dịp cuối năm do người lao động được tăng thưởng tết dương lịch cũng sẽ không còn nhiều do sự sụt giảm mạnh lợi nhuận của đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2012.

 
 TT TT CN &TM

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tiêu thụ thịt lợn của Đức năm 2023 giảm(08/03/2024 10:19 SA)

Sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 dự kiến đạt mức kỷ lục 2.836 triệu tấn(08/03/2024 10:17 SA)

Dự báo xuất khẩu thủy sản phục hồi nhẹ vào đầu năm 2024(22/01/2024 8:30 SA)

Sản lượng và xuất khẩu thịt gà, thịt lợn của Brazil năm 2023 và dự báo năm 2024(22/01/2024 8:24 SA)

Thị trường cung cấp lúa mì cho Việt Nam 11 tháng năm 2023(11/01/2024 9:57 SA)